Công nghệ khoáng sản năng lượng

Một số đề xuất điều chỉnh quy hoạch sàng tuyển than vùng Quảng Ninh đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030

16/01/2015 - Thứ Sáu - 14:58 Lượt xem: 1
THS. HOÀNG MINH HÙNG - THS. NGUYỄN HỮU NHÂN - VIỆN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ MỎ - VINACOMIN

I.  Mở đầu
 
Theo Quyết định số 60/QĐ-TTg ký ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030”, để tối ưu hóa công tác vận chuyển than, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng các chủng loại than qua sàng tuyển và đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển đô thị vùng than, quy hoạch giao thông, cảng biển, yêu cầu bảo vệ môi trường, Quy hoạch sàng tuyển than vùng Quảng Ninh đã được phê duyệt gồm các nội dung chính:
 
- Giai đoạn đến năm 2015: 
 
+ Đầu tư cải tạo và mở rộng, hiện đại hóa Nhà máy tuyển than Cửa Ông (Cửa Ông 1: 3,5 triệu tấn/năm, Cửa Ông 2: 6,5 triệu tấn/năm và Cửa Ông 3: 2 triệu/tấn năm), đầu tư duy trì nhà máy tuyển than Hòn Gai đến hết năm 2015, cải tạo các cụm sàng tại mỏ đảm bảo về môi trường.
 
+ Đầu tư xây dựng mới các nhà máy sàng tuyển tập trung với công nghệ hiện đại: Khe Chàm (giai đoạn 1): 6 triệu tấn/năm, Hòn Gai (giai đoạn 1): 4 triệu tấn/năm, Vàng Danh II (giai đoạn 1): 2 triệu tấn/năm và Bắc Khe Chàm: 1,6 triệu tấn/năm.
 
- Giai đoạn 2016 đến năm 2020: 
 
+ Đầu tư cải tạo và mở rộng Vàng Danh I: 3 triệu tấn/năm, Khe Chàm (giai đoạn 2): 12 triệu tấn/năm, Vàng Danh II (giai đoạn 2): 3,5 triệu tấn/năm.
 
+ Đầu tư xây dựng mới các nhà máy sàng tuyển tập trung với công nghệ hiện đại: Lép Mỹ: 5 triệu tấn/năm, Khe Thần (giai đoạn 1): 2,5 triệu tấn/năm, Khe Thần (giai đoạn 2): 5,5 triệu tấn/năm và Mạo Khê: 5 triệu tấn/năm.
 
- Giai đoạn 2021 đến năm 2030: 
 
+ Đầu tư xây dựng mới các nhà máy sàng tuyển vùng Đông Triều  Phả Lại: 4,5 triệu tấn/năm, Hòn Gai (giai đoạn 2): 8 triệu tấn/năm.
 
Tuy nhiên, căn cứ thực tế sản xuất và dự báo kế hoạch khai thác, tiêu thụ than của các công ty sản xuất than vùng Quảng Ninh cho các năm tới đã cho thấy thay đổi rất nhiều so Quy hoạch được phê duyệt. Thực tế nhu cầu than thương phẩm cho các hộ tiêu thụ chính như điện, xi măng, luyện kim, đạm, hóa chất cũng thấp hơn nhiều so dự báo. Vì vậy, một số kiến nghị đề xuất được điều chỉnh Quy hoạch phát triển sàng tuyển vùng than Quảng Ninh nhằm phù hợp sát với thực tế đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

II. Đề xuất điều chỉnh quy hoạch sàng tuyển than vùng Quảng Ninh đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030
 
Với mục tiêu tối ưu hóa công tác vận chuyển than và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than trong nước về chủng loại và khối lượng, xuất khẩu một phần hợp lý nhằm bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài cho đất nước, quy hoạch sàng tuyển than vùng Quảng Ninh được đề xuất điều chỉnh như sau:
 
a. Vùng Mạo Khê-Uông Bí
 
- Xây dựng Nhà máy sàng tuyển than trung tâm Mạo Khê
 
Vùng than Mạo Khê cần xây 01 nhà máy sàng tuyển trung tâm để sàng tuyển toàn bộ than nguyên khai từ mỏ Mạo Khê, Đông Tràng Bạch và Nam Tràng Bạch. Công suất Nhà máy dự kiến 4 triệu tấn/năm, trong đó từ mỏ Mạo Khê 2 triệu tấn/năm, từ mỏ Tràng Bạch 2 triệu tấn/năm. Công nghệ tại Nhà máy sàng tuyển than Mạo Khê sẽ là sàng tách cám khô tối đa, lấy than cám cấp cho các nhà máy nhiệt điện Mạo Khê, Phả Lại. Nhặt thủ công than cục +120mm, don xô bã sàng 15-120mm được tuyển bằng huyền phù để thu hồi than cục, cấp cho các nhà máy hóa chất và chế biến than cám chất lượng cao để phối trộn. Than bùn xử lý bằng bể cô đặc, lọc ép nâng cao chất lượng pha trộn với than cám, cấp cho các nhà máy nhiệt điện.
 
- Nhà máy sàng tuyển than Khe Thần
 
Vùng Uông Bí  Vàng Danh cần phải xây dựng mới Nhà máy sàng tuyển trung tâm Khe Thần để sàng tuyển toàn bộ than từ mỏ Nam Mẫu và tương lai cho mỏ Bảo Đài và 1 phần mỏ than Vàng Danh. Công suất ban đầu của Nhà máy dự kiến 4,5 triệu tấn/năm, bao gồm than từ mỏ Nam Mẫu và khu Cánh Gà mỏ Vàng Danh. Sau năm 2020, tùy theo điều kiện cụ thể, sẽ mở rộng nâng công suất Nhà máy tuyển Khe Thần lên 10 triệu tấn/năm để sàng tuyển  than từ mỏ Bảo Đài. Công nghệ tại Nhà máy sàng tuyển Khe Thần sẽ là sàng tách than cám khô 0-15mm. Một phần than cám bám dính và cấp 15-100mm được tuyển sơ bộ trên máy lắng 3 sản phẩm. Phần than xô từ máy lắng sẽ được tuyển qua xoáy lốc huyền phù 2 sản phẩm. Trung gian, than bùn, cám đá sẽ pha trộn thành than cám chất lượng thấp, cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện có sử dụng nguồn than chất lượng thấp. Than cục sạch cung cấp cho các ngành luyện kim và hóa chất. Trong công nghệ xử lý bùn nước có sử dụng chất keo tụ, hệ thống lọc ép bùn để chế biến than đạt tiêu chuẩn cho tiêu thụ. Công nghệ nhà máy tuyển là hiện đại và tự động hóa đồng bộ.
 
- Nhà máy sàng tuyển than Vàng Danh
 
Công suất Nhà máy tuyển Vàng Danh 1 là 3,5 triệu tấn/năm. Công nghệ sàng tuyển là sàng tách cám khô tối đa cấp 0mm -15mm cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Tuyển huyền phù 2 cấp tỉ trọng 1,85kg/dm3 và 2,1kg/dm3 lấy than cục cấp cho các nhà máy hóa chất, luyện kim. Than trung gian, cám đá thu hồi chế biến cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Khâu xử lý bùn nước bằng xoáy lốc phân cấp, bể cô đặc có sử dụng chất trợ lắng, hệ thống lọc ép bùn chế biến pha trộn thành than thương phẩm. 
 
Tuy nhiên, do công nghệ chắp vá manh mún nên hiệu quả không cao, chi phí sàng tuyển lớn. Xét về lâu dài, Nhà máy  cần phải được cải tạo sửa chữa đồng bộ thiết bị công nghệ theo hướng tập trung, hiện đại và tự động hóa. 
 
Trong tương lai gần, khu Cánh Gà (Vàng Danh) sẽ đưa vào khai thác than với công suất 2 triệu tấn/năm. Trong thời gian chờ xây dựng Nhà máy sàng tuyển than Khe Thần và tuyến vận chuyển bằng băng tải, để tiết kiệm chi phí đầu tư, mỏ Vàng Danh cần xây dựng các dây chuyền sàng, tuyển chế biến than tạm (gọi tắt là Nhà máy sàng tuyển Vàng Danh 2) đáp ứng được yêu cầu sàng, tuyển than khu Cánh Gà. Công nghệ sàng tuyển là sàng tách cám khô tối đa cấp 0-15mm, than don xô 15-100 (150) tuyển bằng huyền phù tang quay 2 cấp tỉ trọng 1,85 và 2,1 kg/dm3. Xử lý bùn nước bằng bể cô đặc có sử dụng chất trợ lắng, hệ thống lọc ép thu hồi và chế biến thành thương phẩm. 
 
Mỏ than Đồng Vông - Uông Thượng có vị trí cách xa Nhà máy tuyển than Vàng Danh, địa hình khó khăn cho việc vận chuyển bằng băng tải nên tại đây chỉ xây dựng dây chuyền sàng tách cám khô và tuyển than bã sàng bằng huyền phù tang quay với công suất 1-1,5 triệu tấn/năm, phù hợp với sản lượng khai thác hàng năm.
 
b. Vùng Hòn Gai
 
Theo Quy hoạch, hết năm 2018, mỏ than Hà Tu sẽ kết thúc khai thác, tuy nhiên, vừa qua Tập đoàn đã điều chỉnh kế hoạch, mỏ than Hà Tu tiếp tục khai thác vỉa 7 và 8 Bắc Bàng Danh đến mức -250m với công suất 2,0 triệu tấn/năm cho đến năm 2030. Theo Quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, đến hết năm 2014, Nhà máy sàng tuyển than Hòn Gai dừng hoạt động và di chuyển sâu vào trong nội địa. Do thay đổi nhiều về kế hoạch nên quy hoạch sàng tuyển than vùng Hòn Gai cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.
 
Than vùng Hòn Gai sản lượng khai thác không cao, chất lượng tương đối tốt. Các mỏ phân tán cách xa nhau. Việc đầu tư các tuyến đường vận tải để xây dựng 1 nhà máy tuyển trung tâm cho toàn vùng Hòn Gai là rất khó khăn và chi phí đầu tư rất lớn. Hơn nữa, than vùng Hòn Gai sẽ chủ yếu cấp cho nội địa, nên việc đề xuất xây dựng 1 nhà máy tuyển trung tâm cho toàn vùng Hòn gai là không hợp lý. Về điều chỉnh quy hoạch sàng tuyển than vùng Hòn Gai, chúng tôi đề xuất như sau:
 
Trường hợp thống nhất được với Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì cảng Nam Cầu Trắng cho bốc rót than, Nhà máy tuyển than Hòn Gai tiếp tục tồn tại, thực hiện sàng tuyển than cho mỏ Hà Lầm và một phần than nguyên khai từ các mỏ Hà Tu và Núi Béo. Công ty than Hòn Gai tiếp tục duy trì các cụm sàng tại mỏ và đầu tư các dây chuyền tuyển than don xô bã sàng thu hồi chế biến than sạch. 
 
Trường hợp phải di dời Nhà máy tuyển Hòn Gai thì đề xuất xây dựng tại khu Hà Khánh 01 nhà máy sàng tuyển than công suất 5 triệu tấn/năm để tuyển than cho mỏ Hà Lầm và các mỏ nhỏ thuộc Công ty than Hòn Gai. Công nghệ sàng tuyển là sàng khô tách cám tối đa. Tuyển than don xô bằng máy lắng, tuyển lại cục xô bằng xoáy lốc huyền phù. Công nghệ xử lý bùn nước dùng xoáy lốc phân cấp, bể cô đặc có sử dụng chất trợ lắng, lọc ép tăng áp chế biến pha trộn than thương phẩm. Toàn bộ trang thiết bị tuyển sẽ sử dụng lại từ Nhà máy tuyển than Hòn Gai hiện có. Cần lập các phương án, tiến độ sao cho tối đã sử dụng trang thiết bị hiện có để tiết kiệm chi phí đầu tư.
 
Than nguyên khai từ các mỏ Hà Tu, Núi Béo sẽ tiếp tục được chế biến sàng tuyển tại mỏ theo thiết bị công nghệ hiện có.  
 
c. Vùng Cẩm Phả
 
- Nhà máy sàng tuyển Khe Chàm
 
Hiện nay, vùng Cẩm Phả có 3 nhà máy sàng tuyển than với tổng công suất 11 triệu tấn/năm, đủ đáp ứng cho sản xuất than chất lượng cao phục vụ cho xi măng và xuất khẩu. Do khó khăn về việc xử lý đá xít thải, nên việc mở rộng các nhà máy sàng tuyển than Cửa Ông là không khả thi. Để đáp ứng nhu cầu than chất lượng cao trong tương lai, cần thiết phải xây dựng 01 nhà máy sàng tuyển than trung tâm tại vùng Khe Chàm để chế biến than nguyên khai từ các mỏ Khe Chàm, Cao Sơn và Bắc Cọc Sáu. Công suất Nhà máy sàng tuyển Khe Chàm dự kiến 6 triệu tấn/năm. Công nghệ nhà máy tuyển Khe Chàm bao gồm sàng khô là chủ yếu, tuyển máy lắng để sơ bộ tách đá, tuyển xoáy lốc huyền phù để nâng cao chất lượng than cục, xử lý bùn nước bằng hệ thống xoáy lốc phân cấp, bể cô đặc có sử dụng chất trợ lắng, hệ thống lọc ép thu hồi chế biến pha trộn than bùn thành than thương phẩm. Cần tận thu than trung gian, cám đá để nâng cao hệ số thu hồi than sạch, hiệu quả vốn đầu tư, Trong tương lai tiếp theo, tùy nhu cầu sử dụng sẽ tiếp tục mở rộng Nhà máy theo hướng sàng khô là chủ yếu, bổ sung nâng cấp các thiết bị tuyển nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo được nhu cầu sản phẩm cho nền kinh tế quốc dân.
 
- Nhà máy sàng tuyển than Lép Mỹ
 
Tại khu Ngã Hai, Dương Huy, đề xuất xây dựng Nhà máy sàng tuyển than tập trung Lép Mỹ với công suất sàng tuyển 5,0 triệu tấn/năm, để sàng tuyển chế biến than nguyên khai từ các mỏ Ngã Hai, mỏ Duơng Huy và mỏ Nam Khe Tam. Công nghệ sàng tuyển, chế biến tại Nhà máy tuyển Lép Mỹ bao gồm sàng khô tách cám 0-15mm là chủ yếu, than don xô bã sàng +15mm được tuyển thu hồi than sạch bằng công nghệ huyền phù tang quay 2 cấp tỉ trọng 1,6 kg/dm3 và 2,0 kg/dm3. Xử lý bùn nước bằng bể cô đặc có sử dụng chất trợ lắng, hệ thống lọc ép chế biến than bùn thành than thuơng phẩm. 
 
III. Kết luận
 
Do nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thời gian tới có nhiều thay đổi, nên công tác đầu tư sàng tuyển than vùng Quảng Ninh cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư, đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xem xét điều chỉnh Quy hoạch sàng tuyển chế biến than vùng Quảng Ninh để có hướng cho các đơn vị sản xuất than thực hiện.
Nguồn: vinacomin


Tin khác
Thời tiết
32°C
Thống kê
2
545
1,481
10,346,706
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 81.650 83.850
SJC 75.360 77.060
Đối tác