Giới thiệu

NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN

03/07/2017 - Thứ Hai - 15:02 Lượt xem: 1
Tôi muốn dùng đầu đề một truyện ngắn Xô viết nổi tiếng của Nhà văn Tsingits Aitmatov để nói về Nhà giáo lão thành Thái Duy Thẩm, người sẽ tròn 80 xuân vào tháng 5 năm 2001 này (thật ra theo cách tính dân gian thì đã là 81 tuổi).

        Một buổi chiều cuối năm 2000, chúng tôi đến thăm Thầy. Tiếp khách trong căn hộ nhỏ giản dị mà ấm cúng, Thầy tỏ ra nhanh nhẹn, minh mẫn dù mái tóc đã bạc phơ. Thầy hơi ngần ngại khi biết ý định của Ban Biên tập viết một bài nhân dịp này. Nhưng chẳng mấy chốc, chuyện đời, chuyên nghề nghiệp đã cuốn hút mạch kỷ niệm của chủ và khách.

          Xuất thân từ một gia đình nhà nho, cũng như hai anh trai, Thầy đã được học xong Thành Chung vào năm 1943. Từng là Phó Chủ tịch UBHCKC huyện Yên Thành (1947), từ năm 1948 cuộc đời Thầy chuyển sang một bước ngoặt khi được cử đi học quân giới Liên Khu IV và gắn bó với nghề kỹ thuật từ đấy. Trong 2 năm, Thầy được một Đảng viên Cộng sản người Áo có biệt danh là Hồ Chí Tạo truyền thụ kiến thức rồi được cử làm Quản đốc của Xưởng Quân giới. Sau đó Thầy lại được GS. Trần Đại Nghĩa chọn gửi ra Việt Bắc vảo Tổ chế vũ khí. Năm 1953, Thầy được cử đi học tại Trường Đại học Kim loại màu và Vàng Moskva (MISiS), Liên Xô.

           Thầy bồi hồi nhớ lại mối "lương duyên" của mình với ngành Tuyển khoáng. Ban đầu cả nhóm sinh viên đều học ngành Luyện kim. Nhưng sau đó Nhà trường đề xuất nên có một người học ngành "Làm giàu các khoáng sản có ích". Đề xuất này được Đồng chí Nguyễn Lương Bằng khi đó là Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Liên Xô nhất trí. Và người Đảng viên Cộng sản Thái Duy Thẩm (Thầy được kết nạp năm 1948) đã chấp nhận sự phân công của Tổ chức để bước vào học ngành học mới mẻ này. Thầy được chính GSVS. Nikitin S. Z., Hiệu phó Nhà trường đích thân phụ đạo về các môn hoá học. Ngoài ra Thầy còn được thụ giáo nhiều giáo sư nổi tiếng như Khan, Kuzkin...

          Năm 1959 tốt nghiệp về nước, Thầy xin đi cơ sở sản xuất song lại được giao nhiệm vụ xây dựng một bộ môn mới của Khoa Mỏ-Luyện kim, Trường Đại học Bách khoa từ con số "0". Việc đầu tiên là chọn thuật ngữ tên ngành; "Danh có chính thì ngôn mới thuận". Người Pháp trước đây chỉ đào tạo theo ngành rộng chứ không chuyên sâu. Ta quen với danh hiệu "Kỹ sư Mỏ", "Kỹ thuật viên Mỏ" nhưng ngành mới mẻ này biết gọi là gì đây? Đang lúng túng thì Đồng chí Phùng Viết Ngư, tốt nghiệp ở Trung Quốc về nói người Trung Hoa gọi ngành này là "Tuyển khoáng". Thuật ngữ đó nhanh chóng được chấp nhận.

          Bộ môn mới thành lập chỉ có 2 người, Thầy và Đồng chí Phan Văn Thuận, Kỹ sư Khoá 1 mới tốt nghiệp. Thầy vừa bồi dưỡng cho Đồng chí

Thuận lại vừa cùng Đồng chí Thuận biên soạn giáo trình, lập hệ thống thuật ngữ, xây dựng chương trình dạy 14 sinh viên ngành Tuyển khoáng Khoá 2.  Việc xây dựng phòng thí nghiệm Tuyển khoáng ban đầu cũng gặp biết bao khó khăn. Với 1 máy tuyển từ đĩa từ Mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng chuyển về và 1 bàn đãi của Mỏ Crômit Cổ Định, Thanh Hoá, Thầy trò đã mày mò thiết kế móng, chế tạo các trang thiết bị phụ trợ khác để sinh viên khỏi phải học chay.

          Những kỷ niệm trong đợt tham quan thực tập tại Trung Quốc của sinh viên Khoá 2 mà Thầy là Trưởng đoàn thật khó quên! Thầy trò đã được đến thăm Khu Gang thép An Sơn, Mỏ sắt Đại Cô Sơn, các Mỏ than Thanh Thành Tử và Phú Thuận..., được tham quan Thành phố An Đông ngay bên bờ sông Áp Lục. Những năm đó Trung Quốc còn nhiều khó khăn nhưng vẫn giành cho sinh viên Việt Nam những điều kiện thuận lợi nhất. Các chàng trai Việt Nam vô tư có đôi lần để thừa thức ăn, sau này đã rất hối hận khi  biết người thợ mỏ Trung Quốc còn phải ăn đói mặc rét dưới cái lạnh âm 280C ở Thẩm Dương. Những nguyên tắc bảo mật cũng là bài học sâu sắc. Mặc dù rất mềm mỏng nhưng người cán bộ Trung Quốc vẫn kiên quyết đòi lại bản can thiết bị mà Đồng chí Thuận định mang về và cả những bức ảnh do Đồng chí Khâu Hồng Nho chụp dù đó chỉ là những bức ảnh phong cảnh, nghệ thuật.

          Thầy Thẩm còn trực tiếp giảng dạy lớp sinh viên Tuyển khoáng Khoá 5 trước khi được cử đi làm Nghiên cứu sinh tại Liên Xô vào năm 1963. Khi đó Bộ môn Tuyển khoáng đã được tăng cường 4 giảng viên là các sinh viên tốt nghiệp Khoá 2, đủ để Thầy an tâm lên đường. Đề tài nghiên cứu của Thầy là "Nghiên cứu sử dụng dầu thực vật Việt Nam để tuyển một số khoáng vật ôxit" thay cho thuốc tập hợp nước ngoài. Tại Trường Đại học Hợp kim và Thép, Thầy được GS. Polkin S. I.  hướng dẫn luận án. Thầy xúc động nhớ lại hình ảnh Bà Polkina, người nữ chiến sĩ du kích trong Chiến tranh Vệ quốc. Bà luôn săn sóc, chăm lo, có lần còn dúi cả 5 rúp vào tận tay người học trò của chồng mình, chẳng khác gì người chị cả của chú em Việt Nam bé nhỏ.

          Năm 1966, bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ KHKT (nay là Tiến sĩ), Thầy trở về giảng dạy tại Trường Đại học Mỏ-Địa chất, làm Chủ nhiệm Bộ môn Tuyển khoáng rồi Chủ nhiệm Khoa Mỏ. Giờ đây, Bộ môn đã có lực lượng hùng hậu với 10 giảng viên, đúng như nguyện vọng Thầy đề đạt ban đầu. Trong thời gian này, ngoài các giáo trình in ronéo, Thầy có 2 cuốn sách được xuất bản (in typo) là "Tuyển khoáng" và "Tuyển khoáng Đại cương", những "cẩm nang" của nhiều khoá sinh viên.

          Năm 1969, Thầy được biệt phái và năm 1972 chuyển hẳn sang Bộ Cơ khí Luyện kim với nhiệm vụ hết sức mới mẻ là xây dựng ngành tuyển luyện quặng xạ hiếm. Thầy và các học trò đồng nghiệp lại hăm hở bắt tay vào việc, kết hợp chặt chẽ với các chuyên gia Ba Lan, CHDC Đức để tạo dựng cơ nghiệp cho Đơn vị Xạ hiếm "P70". Đơn vị đã hoàn thành nhiều đề tài khoa học quan trọng được Nhà nước đánh giá cao. Thầy là Giám đốc Đơn vị từ khi thành lập tới cuối năm 1978.

          Năm 1979, Thầy lại được giao nhiệm vụ xây dựng và lãnh đạo Bộ môn Tuyển khoáng của Viện Vật lý, Viện Khoa học Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm Bộ môn Hoá phóng xạ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đến năm 1985.

          Là người sinh viên đầu tiên, người kỹ sư đầu tiên, người Thầy đầu tiên, người tiến sĩ đầu tiên, Thầy cũng là người đi đầu trong việc xúc tiến đào tạo trên đại học của ngành Tuyển khoáng, trong việc công bố  những công trình trên sách báo và tại các hội nghị khoa học nhằm quảng bá rộng rãi cho ngành mình.

          Từ 1985 đến 1990, Thầy là chuyên gia giáo dục, giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ Brazavin (Cônggô). Thầy đã dạy tốt cả những môn học trái với ngành mình được đào tạo và có nhiều sáng kiến cải tiến để giúp học sinh dễ nắm vững kiến thức.

           Được nghỉ hưu từ năm 1990, Thầy được họ hàng tín nhiệm giao việc chấp bút cuốn Tộc phả của dòng họ Thái Duy ở Xóm Chợ, Chân Cảm (Kẻ Gám), huyện Yên Thành, Nghệ An. Nâng niu từng trang cuốn Tộc phả mà Thầy đã để vào đó bao tâm huyết, Thầy tự hào vì đã tìm lại được cội nguồn. Thái Duy là một chi họ thuộc một Phái hệ con cháu Nhà Mạc lưu lạc vào Nghệ An hồi đầu Thế kỷ XVII do những biến động chính trị xã hội sâu sắc lúc đó.  Kể từ Danh nhân Mạc Đĩnh Chi, vị Lưỡng quốc Trạng nguyên đời Trần (1272-1346) tới thế hệ Thầy đã gần 30 đời. Thầy an lòng vì giữ được nếp nhà. Cả bốn người con của Thầy đều phương trưởng trong đó 2 con trai đều theo nghề mỏ (1 là Kỹ sư Tuyển khoáng). Thầy cũng tự hào với đứa cháu trai ngoại 2 năm liền được giải quốc tế.

           Trò chuyện đã lâu, sợ Thầy mệt, chúng tôi xin phép cáo từ. Trước khi chia tay, Thầy chậm rãi tâm sự về những cảm nhận của bản thân sau nửa thế kỷ gắn bó với nghề Tuyển khoáng. Thầy nói đại ý: Cả đời người chẳng ai dám cho là mình đã xử trí tối ưu trong mọi trường hợp; đôi khi nghĩ lại có những việc ta có thể giải quyết hợp lý, hợp tình hơn. Song nhìn tổng thể, bản thân tôi có thể thanh thản và vui mừng trước sự lớn mạnh của ngành Tuyển khoáng, trước tình cảm mà đồng nghiệp dành cho mình. Nếu được trở về thời thanh xuân, tôi chắc chắn lại sẽ "chọn lối này", sẽ lại gắn bó với việc hình thành và phát triển của ngành Tuyển khoáng./.

 

                        

 Từ trái sang: Anh Lê Cường, Thầy Thái Duy Thẩm,Anh Lâm Đình Ngoãn (Khoá 7 và tương đương).Tại Hội nghị Tuyển khoáng Quốc tế lần thứ IX; Leningrad 1968

 

 

Thầy giáo Thái Duy Thẩm (thứ 3 từ trái sang) và các vị lã thành ngành Mỏ Việt Nam Tô Linh, Đặng Xuân Đỉnh,Trần Anh Vinh, Phạm Văn Hiên…

Nguồn: 

Trần Văn Trạch/vampro.vn, 

Tháng 07/2011-04/2016

 


Tin khác
Thời tiết
28°C
Thống kê
16
818
233
10,350,713
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 80.000 82.500
SJC 73.680 75.380
Đối tác