Hoạt động KHCN của Hội

Một số đóng góp của viện KHCN Mỏ - Luyện kim cho ngành công nghiệp khoáng sản Việt Nam

19/12/2014 - Thứ Sáu - 17:10 Lượt xem: 1
“Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim” (VIMLUKI) hiện nay phát triển trên cơ sở “Viện Luyện kim màu” được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1967. Trải qua 47 năm xây dựng và phát triển, Viện luôn phát huy truyền thống đoàn kết, lao động sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn để phát triển không ngừng các mặt hoạt động, đặc biệt là công tác nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, môi trường và dịch vụ khoa học công nghệ.

Chi hội Tuyển khoáng của Viện là thành viên sáng lập và rất tích cực tham gia các hoạt đọng của Hội Tuyển khoáng Việt Nam.

1. Một số đóng góp của VIMLUKI cho ngành khai thác, chế biến khoáng sản Việt Nam

Ngay từ những ngày đầu thành lập, trong bối cảnh đất nước đang có chiến tranh, cả nước dồn sức cho cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, tiềm lực cơ sở vật chất, thiết bị vô cùng thiếu thốn, lạc hậu, đời sống cán bộ khó khăn, tuy nhiên các thế hệ cán bộ, viên chức VIMLUKI đã không ngừng lao động sáng tạo và hoàn thành một số công trình khai thác, chế biến khoáng sản kim loại điển hình của đất nước như:

1.1. Công trình nghiên cứu triển khai với đối tượng quặng thiếc (Sn):   

Các nghiên cứu về khai thác, tuyển quặng, luyện kim do VIMLUKI thực hiện suốt từ những ngày đầu thành lập Viện cho đến hiện nay đã góp phần đưa ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng Sn của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, các chỉ tiêu về hàm lượng kim loại, mức thu hồi Sn đạt trình độ khu vực và thế giới.

Ngoài những sáng tạo trong nghiên cứu tuyển làm giàu quặng và loại bỏ các tạp chất có hại ảnh hưởng đến chất lượng kim loại của khâu luyện kim như asen (As), chì (Pb)..., thành công của nghiên cứu công nghệ luyện Sn trong lò điện hồ quang được triển khai áp dụng vào sản xuất đã tác động mạnh mẽ tới các đơn vị đầu tư và nhân rộng các cơ sở luyện Sn trong cả nước, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng Sn của Việt Nam góp phần đưa sản lượng thiếc của Việt Nam từ 400-600 tấn/năm lên trên 3.000 tấn/năm vào năm 1992. Hiện nay, VIMLUKI đang là một trong những đơn vị sản xuất Sn kim loại hàng đầu của Việt Nam với sản lượng 600÷800 tấn/năm, chất lượng kim loại đạt 99,95÷99,99% Sn, sản phẩm được xuất khẩu ổn định sang thị trường Châu Âu và Nhật Bản đem lại doanh thu trung bình hàng năm gần 400 tỉ đồng.     

1.2. Công trình nghiên cứu công nghệ và chế tạo thiết bị cho ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan (Ti):

Các công trình nghiên cứu của VIMLUKI đã đề xuất phương án công nghệ tối ưu cho khai thác, làm giàu quặng Ti gốc và sa khoáng. Các thiết bị phục vụ ngành công nghiệp Titan do VIMLUKI chế tạo như vít xoắn, máy tuyển từ, tuyển điện, lò luyện Ti và hệ thống lọc bụi đã được sử dụng trong hầu hết các cơ sở khai thác và chế biến sa khoáng Titan trong cả nước. Quy trình công nghệ khai thác, tuyển, luyện kim và các thiết bị chế biến Titan của VIMLUKI đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng Titan, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, đáp ứng được mục tiêu thu hồi tối đa khoáng sản Titan và các khoáng có ích đi kèm trong quặng, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị khoáng sản, giảm khối lượng chất thải và bảo vệ môi trường.

Không chỉ đóng góp về kỹ thuật, công nghệ, VIMLUKI còn là thành viên sáng lập của Hiệp hội Titan Việt Nam. Sự ra đời của Hiệp hội đã gắn kết, tạo sức mạnh cho các đơn vị thành viên đồng thời phản ánh kịp thời những đề xuất của các đơn vị tới các cấp quản lý để có những chính sách phù hợp thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong ngành. Trên cơ sở uy tín và kinh nghiệm chuyên môn của VIMLUKI về công nghiệp Titan, Chính phủ đã giao cho VIMLUKI nhiệm vụ hoạch định chiến lược phát triển ngành công nghiệp này thông qua dự án “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn 2007-2015, định hướng đến 2025” và quy hoạch cập nhật hiện nay là “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020 có xét đến năm 2030”. Ghi nhận những đóng góp to lớn cho ngành công nghiệp Titan, năm 1995, Đảng và Nhà nước đã trao tặng VIMLUKI Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ cho cụm công trình nghiên cứu - triển khai trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng Titan. 

1.3. Nghiên cứu công nghệ, thiết bị cho khai thác, chế biến bôxit: VIMLUKI là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu công nghệ khai thác, tuyển quặng bôxit và công nghệ sản xuất alumin từ quặng bôxit Việt Nam, ngay từ những năm 1980-1990 Viện đã được giao làm chủ nhiệm vấn đề bôxit trong chương trình trọng điểm cấp nhà nước mã số 24-02 và 24C, đồng thời là trưởng Ban soạn thảo và thực hiện Dự án bôxit do UNIDO của Liện Hợp Quốc tài trợ.

Kết quả nghiên cứu đã đặt nền móng cho việc xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sản xuất alumin hiện nay. Để hoạch định chính sách cho ngành công nghiệp bôxit, Chính phủ đã giao cho VIMLUKI thực hiện “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bôxit giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025” và quy hoạch cập nhật “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bôxit giai đoạn đến năm 2020 có xét tới năm 2030” để hoạch định chiến lược phát triển cho ngành công nghiệp khai thác, chế biến bôxit của Việt Nam.

1.4. Nghiên cứu-triển khai với các đối tượng khoáng sản quan trọng khác như: đồng, chì-kẽm, crômit, vonfram, antimon, vàng, graphit, đất hiếm, khoáng chất công nghiệp... thông qua các công trình nghiên cứu công nghệ khai thác, tuyển khoáng, luyện kim, cung cấp thiết bị, lập dự án đầu tư, tư vấn công nghệ, thiết bị cho các đơn vị sản xuất.

Từ những năm 1970-1980, đội ngũ cán bộ của Viện lần đầu tiên đã độc lập nghiên cứu, thiết kế công nghệ và thiết bị để đưa các nhà máy tuyển nổi quặng antimon Làng Vài (Tuyên Quang), quặng graphit Cổ Phúc (Yên Bái), và quặng chì-kẽm Lang Hít (Thái Nguyên) vào hoạt động.

Giai đoạn 1994-1996, thay vì phải mời các chuyên gia từ Liên Xô sang, các chuyên gia của VIMLUKI hợp tác với các chuyên gia của trường Đại học Mỏ - Địa chất, Công ty Mỏ Incodemic đã chủ trì nghiên cứu điều chỉnh các chế độ công nghệ, thiết bị đưa tổ hợp Nhà máy tuyển quặng apatit Lào Cai do Liên Xô giúp đỡ xây dựng vào chạy thử, vận hành ổn định, sản xuất ra sản phẩm quặng tinh apatit đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho sản xuất phân bón, hóa chất. Sự thành công của công trình này đã khẳng định trình độ của các chuyên gia Việt Nam nói chung và chuyên gia của VIMLUKI nói riêng trong khả năng tiếp cận xử lý các vấn đề về khoa học công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng.

Để có kế hoạch khai thác, chế biến hợp lý các khoáng sản kim loại và phi kim, VIMLUKI đã được giao chủ trì lập các quy hoạch khai thác, chế biến cho các khoáng sản như: vàng, đồng, crômit, môlipden, khoáng chất công nghiệp... 

1.5. Đóng góp cho nền khoa học và công nghệ của đất nước của VIMLUKI còn thể hiện thông qua việc chủ trì và tham gia các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia như chủ trì Chương trình 24-02 và 24C, tham gia thực hiện các đề tài khoa học công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương trình khoa học công nghệ KC.02, KC.03, KC.05, tham gia thực hiện các đề tài khoa học công nghệ của Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản” với mức độ hoàn thành đều được đánh giá khá và xuất sắc.

2. Những hoạt động KHCN đang triển khai của VIMLUKI

Để thực hiện định hướng chiến lược về R-D trong hoạt động khoa học công nghệ, VIMLUKI đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như: đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong đó có đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác R-D; tăng tính tự chủ cho các đơn vị chuyên môn trong Viện; tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các trung tâm  R-D của các nước có trình độ khoa học, công nghệ cao về ngành công nghiệp khai khoáng như Anh, Đức, Mỹ, Úc, Ý, Nga, Hàn Quốc, Nhật... thông qua hình thức trao đổi đoàn tham quan, học tập công nghệ, trao đổi tài liệu khoa học, hội thảo hay phối hợp thực hiện các dự án R-D quan trọng về khai thác, chế biến khoáng sản ở Việt Nam.

Với định hướng chiến lược phù hợp và các giải pháp thực hiện thể hiện quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, viên chức VIMLUKI, trong những năm gần đây nhiều dự án R-D về khai thác, chế biến khoáng sản do VIMLUKI thực hiện không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản mà còn có những đóng góp hết sức ý nghĩa về khoa học và công nghệ cho ngành công nghiệp mỏ Việt Nam.

Sau đây là một số dự án tiêu biểu do VIMLUKI thực hiện trong những năm gần đây và tác động của nó tới ngành công nghiệp mỏ Việt Nam:

Thiết kế thi công đưa vào vận hành nhà máy tuyển quặng sắt Quý Xa tỉnh Lào Cai công suất 1 triệu tấn/năm;

Thiết kế thi công nhà máy đập nghiền quặng sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh công suất giai đoạn 1 là 5 triệu tấn/năm;

Lập dự án đầu tư nhà máy luyện xỉ titan cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng titan tại Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Ninh Thuận và Bình Thuận;

Nghiên cứu công nghệ, lập dự án đầu tư công trình khai thác, tuyển quặng đất hiếm Yên Phú tỉnh Yên Bái;

Nghiên cứu công nghệ luyện kim quặng đất hiếm Đông Pao;

Nghiên cứu công nghệ, lập dự án đầu tư công trình tuyển-luyện quặng đất hiếm Nậm Xe tỉnh Sơn La;

Nghiên cứu công nghệ, lập dự án đầu tư công trình khai thác, tuyển quặng graphit Lào Cai;

Nghiên cứu công nghệ, lập dự án đầu tư, thiết kế thi công công trình khai thác, tuyển quặng thiếc Phú Lâm tỉnh Tuyên Quang;

Lập dự án nhà máy xỉ titan Bình Thuận.

Ngoài ra, VIMLUKI còn thực hiện rất nhiều dự án quy hoạch ngành, dự án R-D trong khuôn khổ các nhiệm vụ KHCN cấp Bộ Công Thương, các nhiệm vụ hợp tác KHCN, các hợp đồng tư vấn KHCN cho các doanh nghiệp trong ngành khai thác, tuyển khoáng, luyện kim và môi trường công nghiệp. VIMLUKI hiện vẫn là nhà cung cấp lớn về máy tuyển từ, tuyển điện và vít tuyển cho các doanh nghiệp trong ngành khai thác, chế biến titan.

3. Về định hướng công tác R-D của VIMLUKI trong giai đoạn tới

3.1. Về Khai thác, Tuyển khoáng: Nghiên cứu xây dựng các giải pháp công nghệ, thiết bị nhằm giảm tối đa giới hạn hàm lượng biên trong khai thác, tuyển thu hồi tổng hợp các khoáng sản chính cũng như các khoáng có ích đi kèm trong quặng với hiệu suất cao. Tư vấn các giải pháp công nghệ, thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, tuyển khoáng sản cho các đơn vị trong ngành khai khoáng; nghiên cứu công nghệ thu hồi các khoáng sản có ích còn nằm lại trong quặng thải của các cơ sở khai thác, chế biến thải ra trước đây; triển khai các dự án R-D về khai thác, chế biến các khoáng sản quí hiếm có giá trị cao và là nguyên liệu quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3.2. Về Chế tạo thiết bị: Nghiên cứu, sản xuất các thiết bị phục vụ ngành công nghiệp chế biến khoáng sản, đảm bảo nhu cầu của thị trường, thiết bị phù hợp với điều kiện làm việc của từng đơn vị, từng loại khoáng sản khác nhau, hiệu suất thiết bị cao, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích trong quặng; tư vấn, hỗ trợ cải tạo các thiết bị hiện có của các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản giúp cho các đơn vị nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc nâng cao các chỉ tiêu công nghệ của quá trình sản xuất như hàm lượng quặng tinh, tỷ lệ thu hồi khoáng sản có ích trong quặng, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, năng lượng và chi phí vận hành.

3.3. Về Luyện kim: Nghiên cứu công nghệ tối ưu hóa hiệu suất quá trình luyện, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, sản xuất các sản phẩm hợp kim có tính năng đặc biệt cho chế tạo các thiết bị đặc thù của các ngành công nghiệp chế tạo, cơ khí...; sản xuất các kim loại có độ sạch cao, các nguyên liệu kim loại hiện trong nước chưa sản xuất được vẫn phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ bên ngoài.

3.4. Về lĩnh vực Môi trường: Nghiên cứu, đưa ra các giải pháp công nghệ xử lý chất thải của quá trình khai thác, chế biến khoáng sản; nghiên cứu đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản; quan trắc, giám sát để đánh giá các nguyên nhân, nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nhằm tư vấn kịp thời cho các cấp quản lý cũng như các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản về các nguy cơ cũng như các giải pháp đề phòng cũng như xử lý phù hợp với các nguy cơ đó.

 Nguồn: Đào Duy Anh - tuyển tập báo cáo Hội nghị Tuyển khoáng toàn quốc lần IV


Tin khác
Thời tiết
24°C
Thống kê
61
8,758
6,485
10,305,054
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 79.000 81.000
SJC 69.130 70.330
Đối tác