Kinh tế và Thị trường khoáng sản

Giá quặng sắt, thép 'lạnh nhạt' với gói kích thích hàng chục tỷ USD của Trung Quốc

29/08/2022 - Thứ Hai - 08:56 Lượt xem: 1
Giá quặng sắt và thép, mặt hàng thường được hưởng lợi lớn nhất từ việc kích thích cơ sở hạ tầng, dường như thờ ơ trước những thông báo của chính phủ Trung Quốc. Chuyên gia trong ngành cho rằng bối cảnh hiện tại tại Trung Quốc giống như nguồn tiền nhiều hơn nhưng không ai được ra ngoài và chi tiêu.

Giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc ngày 26/8 là 4.076 nhân dân tệ/tấn, giảm 0,1% so với ngày trước đó. Giá hiện thấp hơn đỉnh đầu tháng 5 khoảng 20%.
 
Diễn biến giá thép thanh vằn tương lai tại Trung Quốc. Nguồn: Trading Economics 
Giá quặng 62% Fe giao tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc là 105 USD/tấn, dao động nhẹ từ ngày 17/8. Giá hiện thấp hơn đỉnh đầu tháng 4 khoảng 35%.
Trước đó, ngày 25/8, Trung Quốc công bố gói giải pháp hỗ trợ mới bao gồm 19 điểm, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất thế giới đối mặt với một loạt khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng bất động sản cho tới gần nhất là tình trạng thiếu điện do nắng nóng. 
Gói giải pháp mới, được công bố bởi Quốc vụ việnTrung Quốc, bao gồm một số giải pháp hỗ trợ tài chính trị lên tới 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 146 tỷ USD) nhằm thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng, đồng thời cho phép các địa phương linh hoạt lựa chọn các phương án hỗ trợ thị trường bất động sản. Trong đó, ngân sách 300 tỷ nhân dân tệ (44 tỷ USD) dành cho cơ sở hạ tầng và đầu tư ngân hàng.
Giá quặng sắt và thép, mặt hàng thường được hưởng lợi lớn nhất từ việc kích thích cơ sở hạ tầng, dường như thờ ơ trước những thông báo của chính phủ Trung Quốc.

Attila Widnell, giám đốc điều hành của công ty tư vấn về quặng sắt Navigate Commodities, nhận định thị trường hàng hóa không phục hồi do kết quả của biện pháp kích thích từ chính phủ Trung Quốc. Sự bùng phát trở lại của Covid-19, việc xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa nhiều nơi giống như lực hãm đối với nền kinh tế Trung Quốc. Tình hình sẽ tiếp diễn đến khi có sự thay đổi cơ bản trong chiến lược chống Covid-19 của nước này. Còn bối cảnh hiện tại giống như nguồn tiền nhiều hơn nhưng không ai được ra ngoài và tiêu tiền.

Al Munro đến từ Marex, nền tảng dịch vụ tài chính toàn cầu có trụ sở tại Anh, nhận định gói kích thích không đủ để vực dậy nền kinh tế, bao gồm cả thị trường bất động sản vốn đã bị suy thoái.
Chuyên gia Zenon Ho, cũng đến từ Marex, cho rằng thép và quặng sắt sẽ có những phản ứng mạnh mẽ nếu dòng tiền vào nền kinh tế ngay lập tức. Trong khi đó, ông Widnell thì cho rằng các biện pháp kích thích tài khóa như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng thường có độ trễ từ 6 đến 9 tháng giữa việc đưa ra kích thích và tác động đến nhu cầu thực tế.
Raymond Yeung, trưởng nhóm nghiên cứu về Trung Quốc của ANZ, thì nhận định các biện pháp kích thích vào cơ sở hạ tầng cho đến nay vẫn chưa thể thúc đẩy tăng trưởng. Sự bùng nổ trên thị trường hàng hóa có xu hướng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và đây không phải lần đầu tiên nhà chức trách Trung Quốc cam kết ổn định nền kinh tế thông qua chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.
Nhu cầu yếu tại Trung Quốc gây áp lực xuất khẩu của Trung Quốc
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dẫn nguồn từ dữ liệu hải quan Trung Quốc cho biết nhu cầu yếu đang ảnh hưởng đến ngành thép khi Trung Quốc chứng kiến xuất khẩu thép bán thành phẩm trong tháng 6 là 278.000 tấn, hạ 3,1% so với tháng 5 và là lần giảm đầu tiên trong ba tháng. Mặc dù khối lượng tháng 6 vẫn cao hơn 1.618 tấn so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhu cầu ở nước ngoài chậm chạp đã dẫn đến lượng đặt hàng giảm, khiến xuất khẩu có khả năng giảm mạnh trong những tháng tới.
Tổng lượng xuất khẩu thép thành phẩm của Trung Quốc trong tháng 6 đạt 7,8 triệu tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc. Tổng lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước xuống 34,1 triệu tấn. Các nguồn tin cho biết, xuất khẩu thép dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng giảm đến cuối năm 2022 do những nỗ lực kiềm chế lạm phát đã khiến nhu cầu thép ở nước ngoài giảm.
Theo VSA, nhu cầu tại Trung Quốc dường như không chắc chắn do dư cung vẫn tiếp tục vào thị trường thép trong nửa đầu tháng 7. Nhu cầu thép suy giảm trong bối cảnh lo ngại về nợ nần của lĩnh vực bất động sản.
Trung Quốc thành lập tập đoàn quặng sắt trong bối cảnh nhập khẩu giảm
Theo VSA, về phía thượng nguồn, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc giảm 3,8% trong tháng 6 xuống còn 88,97 triệu tấn, với sự sụt giảm khối lượng vận chuyển từ cả Australia và Ấn Độ.
Nhập khẩu của Brazil vào Trung Quốc giảm nhẹ 0,9% xuống 15,7 triệu tấn. Mặt khác, lượng từ Australia giảm 7,5% xuống 59,36 triệu tấn, mức giảm mạnh thứ hai về lượng vào Trung Quốc trong năm nay. Khối lượng giao hàng giảm có thể là do nhu cầu quặng sắt thấp trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận thép suy giảm do sự chậm trễ phục hồi kinh tế sau khi Thượng Hải mở cửa trở lại.
Để có thêm sức mạnh đàm phán, Trung Quốc đã thành lập Tập đoàn Tài nguyên Khoáng sản Trung Quốc để giúp các nhà máy thép Trung Quốc có ảnh hưởng lớn hơn đến giá quặng sắt.
Tập đoàn Khoáng sản Trung Quốc nằm ở quận Tây An mới của tỉnh Hà Bắc và phạm vi kinh doanh đã đăng ký bao gồm khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản (mỏ không phải than), kinh doanh quốc tế và trong nước, cũng như các dịch vụ chuỗi cung ứng liên quan, đầu tư, phát triển công nghệ và nghiên cứu thị trường.
 
 Nguồn: ndh.vn


Tin khác
Thời tiết
28°C
Thống kê
8
1,403
296
10,346,083
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 81.650 83.650
SJC 75.360 77.060
Đối tác