Kinh tế xã hội

Báo cáo VN 2035: Ba trụ cột phải cải cách

29/02/2016 - Thứ Hai - 09:17 Lượt xem: 1
(TBKTSG Online) - Đến năm 2035, Việt Nam đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 đô la Mỹ. Để đạt được mục tiêu này con đường duy nhất là phải tăng năng suất.


Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim (giữa) trong buổi họp báo công bố báo cáo Việt Nam 2035. Ảnh TG

Báo cáo Việt Nam 2035 gồm 7 chương nghiên cứu sâu về 3 trụ cột phát triển với 6 chuyển đổi lớn, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Trụ cột 1: Thịnh vượng kinh tế phải đi đôi với bền vững về môi trường

Thứ nhất, Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm bằng 7% (tương đương với mức tăng trưởng GDP 8%/năm) để đến năm 2035 đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 đô la Mỹ. Để đạt được mục tiêu này con đường duy nhất là phải tăng năng suất. Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay khiến năng suất lao động Việt Nam ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Điều đặc biệt năng suất lao động ngay cả khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang liên tục sụt giảm và ở mức rất thấp. Có 3 nguyên nhân chính về vấn đề này:

(i) Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Việt Nam rất lạc hậu: Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với trong khu vực chính thức, có tới hơn 44% lao động trong tổng số lao động của đất nước làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực tạo ra giá trị gia tăng thấp.

(ii) Nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường hàng hóa.

(iii) Thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính.

Thứ hai, phải tập trung cao độ thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam) cả về số lượng và chất lượng, coi đây là nhiệm vụ của bộ máy nhà nước các cấp. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Trước mắt phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin.

Thứ ba, phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng những trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp những kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này… nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội. Phải coi vị thế của doanh nghiệp là vị thế của quốc gia.

Thứ tư, để duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài, bền vững cần tăng cường cải cách và tích cực đẩy mạnh học hỏi và đổi mới sáng tạo. Cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức nghiên cứu khoa học hiện nay đều chưa có động lực để theo đuổi một chương trình tăng năng suất. Do vậy xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia chính là cách thức để cải thiện tình hình về năng suất lao động của Việt Nam.

Trụ cột 2: Công bằng và hòa nhập xã hội (bình đẳng cho mọi người).

Bên cạnh sự phát triển nhanh vận động theo cơ chế, quy luật thị trường, sự cạnh tranh gay gắt sẽ tạo ra sự gia tăng khoảng cách giầu nghèo và cơ hội tiếp cận các phúc lợi xã hội cơ bản. Do vậy bên cạnh những chính sách phát triển kinh tế nhanh, mạnh mẽ, chúng ta phải xây dựng những chính sách đảm bảo sự công bằng trong phát triển cũng như cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho mọi người, nhất là đối với những đối tượng yếu thế, thiệt thòi trong xã hội như dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người nghèo… Đây cũng chính là tính ưu việt của CNXH và cũng chính là trách nhiệm của Nhà nước trong thực thi nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và cũng là hành động thiết thực để thực hiện tốt các kế hoạch hành động của Liên hợp quốc về mục tiêu thiên niên kỷ sau năm 2015.

Để đảm bảo công bằng và thúc đẩy hòa nhập xã hội, cần tiếp tục thực hiện các chương trình đang được triển khai, đồng thời thực hiện chương trình cải cách hướng tới sự hình thành của tầng lớp trung lưu. Các chương trình này đặt trọng tâm vào việc cải cách thể chế, mang lại cơ hội phát triển cho mọi người như mục tiêu được Liên hiệp quốc đưa ra: “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Trụ cột 3: Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

Thứ nhất, năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho phát triển khu vực tư nhân là do nhà nước còn thiếu hiệu quả. Do điều kiện lịch sử của Việt Nam, những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân.

Thứ hai, hiệu lực của nhà nước dựa trên 3 trụ cột hỗ trợ: (a) Chính phủ được tổ chức tốt với công chức thực tài và có kỷ luật, phải nỗ lực để xử lý các vấn đề để tạo ra một cấu trúc nhà nước chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn và đảm bảo chế độ chức nghiệp thực tài; (b) Nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn trong hoạch định chính sách kinh tế trên cơ sở phân định rõ các lĩnh vực công cộng và tư, hạn chế xung đột lợi ích, tăng cường bảo vệ quyền tài sản (đặc biệt là về đất đai), thực thi cạnh tranh thị trường và hợp lý hoá sự tham gia của nhà nước trong nền kinh tế; (c) Nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình thông qua việc xây dựng một cơ chế hữu hiệu về kiểm soát và cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời của công dân, và tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ ba, khung khổ pháp lý của Việt Nam đã tạo không gian nhất định cho công dân tham gia vào quá trình quản trị nhà nước. “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là những điều được khẳng định rõ trong Hiến pháp. Nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại khoảng cách giữa những cam kết này với thực tiễn tham gia của công dân trong quản trị nhà nước. Quy trình bầu cử và cơ chế cho sự tham gia của các tổ chức xã hội chưa thực sự bảo đảm tính đại diện đích thực của người dân.

Một số quan điểm, tư tưởng lớn của Báo cáo, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đã được chắt lọc, đưa vào nội dung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đồng thời, Bộ này đã và đang đưa các nội dung nghiên cứu này để bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 trình Quốc hội phê chuẩn trong tháng 3 năm 2016.

Nguồn: thesaigontimes.vn


Tin khác
Thời tiết
26°C
Thống kê
28
938
9,886
10,307,120
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 78.800 80.800
SJC 69.880 71.080
Đối tác