Nghiên cứu và trao đổi

Dịch chuyển sản xuất và nguy cơ dự án ô nhiễm

09/07/2015 - Thứ Năm - 22:39 Lượt xem: 1
Các nhà đầu tư đang tận dụng lợi thế của mỗi quốc gia để dịch chuyển đầu tư nhằm tối ưu hóa nguồn vốn trong sản xuất và lợi ích thị trường do Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mang lại. Việt Nam đang chứng kiến luồng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào sản xuất nhưng đồng thời cũng phải đương đầu với những tác hại đối với môi trường sống.

Một khi nhà sản xuất đã đầu tư lớn vào Việt Nam thì chắc chắn các nhà cung cấp của họ sẽ đi cùng và góp phần phát triển công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Ảnh: QUỐC HÙNG

Dịch chuyển sản xuất trong khu vực

Cách nay tám năm, nhà sản xuất điện tử Sony rút khỏi Việt Nam, tiếp theo đó là hàng loạt doanh nghiệp điện tử như Hanel, Điện tử Biên Hòa, Viettronics Tân Bình... chuyển hướng hoạt động hoặc còn hoạt động nhưng hết sức mờ nhạt.

Còn trong bối cảnh ngành điện tử thế giới chạy đua gay gắt về công nghệ hiện nay, Việt Nam đang chứng kiến sự trở lại của các hãng điện tử lớn trong sự dịch chuyển sản xuất từ các nước láng giềng.

Sau khi LG Electronics công bố chuyển sản xuất ti vi từ Thái Lan sang Việt Nam nhằm tăng công suất và tiết kiệm chi phí, mới đây, tập đoàn điện tử Samsung Electronics cũng thông báo đã ngưng sản xuất ti vi tại Thái Lan. Việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Samsung cho khởi công xây dựng tổ hợp sản xuất điện tử gia dụng có mức đầu tư 1,4 tỉ đô la Mỹ tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) với giai đoạn đầu chủ yếu sản xuất các bộ phận của ti vi như màn hình cong UHD, LED, LCD, smart... Nhiều người cho rằng việc ngưng sản xuất ở Thái Lan có liên quan đến dự án đầu tư mới ở Việt Nam.

Samsung thì cho biết dự án tại SHTP là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ti vi toàn cầu của tập đoàn này, góp phần củng cố vị thế của nhà sản xuất ti vi nắm giữ vị trí số 1 thế giới từ năm 2006 đến nay. Với diện tích lên đến 70 héc ta, dự án này là một trong những tổ hợp điện tử gia dụng lớn nhất của Samsung trên toàn cầu.

Nhiều ý kiến cho rằng khi ASEAN sắp hình thành một thị trường chung với hơn 600 triệu dân, các nhà đầu tư quốc tế phải cân nhắc đầu tư sản xuất một cách tập trung tại những địa điểm thuận lợi nhất về môi trường kinh doanh, kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn vốn con người và nguyên liệu dồi dào, sau đó vận chuyển sản phẩm đến những vùng khác trong khu vực ASEAN và xuất đi toàn cầu. Hiện Việt Nam được coi là “công xưởng sản xuất mới của thế giới”, do đó, không chỉ có sự dịch chuyển sản xuất từ Thái Lan, các tập đoàn điện tử rất có thể sẽ chuyển sản xuất từ Indonesia, Malaysia hay Philippines... sang Việt Nam để giảm chi phí.

Ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex (Thái Lan) - đơn vị tổ chức triển lãm về công nghiệp lớn ở Thái Lan và Việt Nam, cũng nhận định: “Trong khu vực Đông Nam Á hiện nay, ba nước có ngành điện tử khá phát triển là Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, trong đó, Việt Nam đang thể hiện sự vượt trội với tốc độ phát triển ngành nhanh hơn hai nước còn lại. Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam thu hút sự đầu tư của các nhà sản xuất điện tử hàng đầu”.

Trả lời phỏng vấn của Reuters, Giám đốc marketing của LG Electronics Thái Lan Nipon Wongsaengarunsri cho biết công ty mẹ của ông coi Việt Nam là quốc gia đáng giá nhất để đầu tư. Lương nhân công là một yếu tố. Cái chính là chất lượng sản phẩm và công tác hậu cần được đảm bảo. Theo Reuters, LG phải mất vài tuần để chuyển linh kiện sản xuất từ Trung Quốc đến nhà máy ở Thái Lan trong khi chỉ cần chưa tới một tuần nếu đặt nhà máy tại Việt Nam.

Theo ông Yuaikwarmdee, một khi nhà sản xuất đã đầu tư lớn vào Việt Nam thì chắc chắn các nhà cung cấp của họ sẽ đi cùng và góp phần phát triển công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Cơ hội này đã diễn ra với ngành công nghiệp ô tô Thái Lan. Từ một nước chủ yếu nhập khẩu linh kiện của Nhật 20 năm về trước, giờ đây, Thái Lan không chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa ô tô cao mà còn xuất khẩu ô tô nguyên chiếc cũng như hàng ngàn linh kiện đi khắp toàn cầu. “Nhà sản xuất nào cũng muốn có nhà cung cấp tại chỗ để cắt giảm chi phí cũng như đáp ứng nhu cầu sản xuất kịp thời”, ông Yuaikwarmdee lưu ý.

Ngược lại, sản xuất ô tô trong nước đang ngày càng thất thế khi các liên doanh ô tô trong trạng thái co cụm và muốn thoái lui để chuyển sang thương mại vì lo ngại khó cạnh tranh với ô tô nguyên chiếc nhập từ Thái Lan và Indonesia khi thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0-5% vào năm 2018.

Và nguy cơ về các dự án ô nhiễm

Hiện Việt Nam được coi là “công xưởng sản xuất mới của thế giới”, do đó, không chỉ có sự dịch chuyển sản xuất từ Thái Lan, các tập đoàn điện tử rất có thể sẽ chuyển sản xuất từ Indonesia, Malaysia hay Philippines... sang Việt Nam để giảm chi phí.

Hai năm nay, nhiều doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc... ồ ạt rót vốn đầu tư vào Việt Nam xây nhà máy sợi, dệt, nhuộm nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là thành viên. Không như các doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện những khâu đơn giản, tạo giá trị thấp, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam với kế hoạch sản xuất khép kín từ việc tạo nguồn nguyên liệu đến khâu thành phẩm cuối cùng để xuất khẩu.

Và nhuộm là khâu có nguy cơ gây ô nhiễm rất cao. Một số địa phương vì sợ ô nhiễm môi trường đã thẳng thừng từ chối các dự án dệt nhuộm dù vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ, như trường hợp của nhà đầu tư Hồng Kông muốn đầu tư vào Đà Nẵng. Dù vậy, nhà đầu tư này cũng đã được một địa phương khác chào đón.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng từng lên tiếng cảnh báo sự hiện diện của các dự án dệt nhuộm tạo ra những thách thức đối với môi trường mà Việt Nam phải đối mặt, vì vậy, rất cần những phương án xử lý kịp thời và hiệu quả để tránh lặp lại những vấn đề môi trường mà Trung Quốc đang gặp phải. Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề xử lý nước thải trong ngành nhuộm đòi hỏi chi phí rất lớn, không phải tất cả các nhà đầu tư đều có vốn để làm.

Tương tự, Việt Nam cũng đang tiếp nhận một loạt dự án trong lĩnh vực lọc hóa dầu có mức đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ và sử dụng hàng ngàn héc ta đất cho mỗi dự án. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hóa dầu là ngành công nghiệp cổ điển, phát triển dựa trên khai thác tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường mà các nước đi trước đã từng phải chịu rất nhiều hậu quả.

Còn nhiều lĩnh vực khác mà xu hướng thế giới là ngưng hoặc hạn chế đầu tư do chủ yếu là khai thác tài nguyên và có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (như sản xuất vật liệu xây dựng) thì Việt Nam nay đang rơi vào tầm ngắm. Một tập đoàn sản xuất công nghiệp lớn của Thái Lan và một công ty sản xuất xi măng lớn của Indonesia đã và đang săn lùng mua lại các nhà máy sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam.

Các chuyên gia cảnh báo xu hướng xuất khẩu ô nhiễm từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua FDI ngày càng gia tăng và Việt Nam có nguy cơ trở thành một trong những nước có mức nhập khẩu ô nhiễm cao bởi các tiêu chuẩn về môi trường còn thấp. Hiện nhiều dự án FDI có điểm giống nhau là hướng đến khai thác tài nguyên (đất, nước, môi trường, điện năng...) giá rẻ của Việt Nam.

Một khi các địa phương vẫn chú trọng chạy theo thành tích thu hút đầu tư, không thực hiện đầy đủ quyền lựa chọn của mình, bị động với ý đồ của nhà đầu tư, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng thì các dự án tận dụng nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường sẽ còn tiếp tục xuất hiện.

Nguồn: thesaigontimes.vn


Tin khác
Thời tiết
25°C
Thống kê
1
94
467
10,353,262
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.000 84.000
SJC 73.880 75.580
Đối tác