Nghiên cứu và trao đổi

Thu ngân sách nhìn từ dầu thô

30/07/2015 - Thứ Năm - 12:58 Lượt xem: 1
Mục tiêu đạt và vượt dự toán thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 không dễ khi dự toán thu NSNN tăng khoảng 7,6% so với thực hiện năm 2014 trong bối cảnh giá dầu thô diễn biến bất thường và giá dầu thô dự toán năm 2015 tương tự năm 2014.

TS. VŨ ĐÌNH ÁNH

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, giá dầu thô sụt giảm có thể làm NSNN hụt thu từ 7.500 tỷ đồng đến 11.500 tỷ đồng tuỳ theo kịch bản giá dầu thô bình quân tương ứng từ 60 USD/thùng hay 40 USD/thùng. Tuy vậy, triển vọng thu NSNN vẫn được bảo đảm bởi các yếu tố tích cực không kém phần quan trọng như khả năng tăng trưởng kinh tế cao hơn so với năm 2014, với GDP tăng khoảng 6,2% và lạm phát được kiểm chế ở mức khoảng 5%. Hơn nữa, kinh tế phục hồi với sự hỗ trợ của giảm chi phí năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng là điều kiện tốt để tăng tổng cầu đầu tư và tổng cầu tiêu dùng.

Phụ thuộc nguồn thu từ dầu thô

Thu NS từ dầu thô mặc dù giảm về tỷ trọng trong tổng thu song vẫn chiếm vị trí quan trọng trong tổng thu NSNN với trên dưới 1/5 tổng thu. Ngoại trừ năm 2009 thu thấp hơn dự toán 5%, thu từ dầu thô năm 2006 và 2008 vượt dự toán tới trên 30% (năm 2007 thu vượt 7,36% dự toán). Thu từ dầu thô có xu hướng giảm về giá trị tuyệt đối do sản lượng khai thác hạn chế. Ngoài ra, chênh lệch thu dầu thô giữa dự toán và thực hiện còn chịu tác động của yếu tố dự báo giá dầu thô và biến động của tỷ giá hối đoái. Chẳng hạn, năm 2006, sản lượng dầu thô thanh toán chỉ đạt 16,7 triệu tấn (giảm 1,8 triệu tấn so dự kiến) song giá xuất khẩu bình quân lại đạt 66 USD/thùng - tăng 9,3 USD/thùng so với giá dự toán; các con số tương ứng năm 2007 là 15,57 triệu tấn (giảm 1,93 triệu tấn) giá 64 USD/thùng - tăng 2USD/thùng; tương ứng năm 2008 là 15,42 triệu tấn (giảm 70.000 tấn) với giá bình quân 102 USD/thùng - tăng tới 38USD/thùng so giá dự toán; năm 2009 là 15,4 triệu tấn (giảm 460.000 tấn) với giá 58 USD/thùng - giảm 12 USD/thùng so với giá dự toán. Rõ ràng, thu NSNN từ dầu thô gặp phải vấn đề dự báo cả về sản lượng và giá bán.

Khoản thu lớn đáng quan tâm nhất trong năm 2014 chính là thu từ dầu thô do giá dự toán từ đầu năm tới 100 USD/thùng, nhưng từ tháng 7/2014 giá dầu thô trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm, thậm chí xuống dưới 60 USD/thùng vào cuối năm. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số thu từ dầu thô năm 2014 không những không giảm mà vẫn đạt 107 ngàn tỷ đồng, vượt tới 25,6% so với dự toán, tuy thấp hơn 13.000 tỷ đồng so với số thu thực hiện năm 2013 mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng khai thác dầu thô năm 2014 phải đẩy cao hơn so với năm 2013.

Dầu thô trong nền kinh tế Việt Nam

Nguồn: TCTK

Kim ngạch xuất khẩu dầu thô biến động mạnh chủ yếu do tác động của giá xuất khẩu, trong khi sản lượng khai thác có xu hướng giảm dần từ đỉnh cao 19,5 triệu tấn năm 2004 xuống đáy khoảng 8 triệu tấn từ năm 2010, riêng năm 2012 và 2014 nỗ lực khai thác được trên 9 triệu tấn. Do hạn chế về khả năng khai thác và sự tiến bộ vượt bậc của xuất khẩu hàng hoá phi dầu mỏ nên tỷ trọng của dầu thô trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng giảm rõ rệt từ gần ¼ năm 2000 xuống còn hơn 7% giai đoạn 2010-2012, thậm chí chỉ còn chiếm trên dưới 5% giai đoạn 2013-2014.

Nguồn: BTC

Theo cơ chế thu NSNN từ dầu thô, qui mô đóng góp của dầu thô vào NSNN đã tăng liên tục từ 26,5 ngàn tỷ đồng năm 2002 lên đến kỷ lục 89,6 ngàn tỷ đồng năm 2008 rồi lại giảm xuống trong hai năm 2009-2010 trước khi tăng vọt lên trên 140 ngàn tỷ đồng năm 2012 và duy trì ở mức trên 100 ngàn tỷ đồng những năm 2013-2014. Suốt từ năm 2002 đến nay, chỉ duy nhất thu NSNN từ dầu thô năm 2009 không đạt dự toán, còn lại năm nào cũng thu vượt dự toán, thậm chí vượt thu tới gần 90% như năm 2004 hay vượt trên dưới 60% dự toán các năm 2003, 2011 và 2012. Ngay hai năm gần đây, so với dự toán, thu NSNN từ dầu thô cũng vượt tới trên 20%.

Trong thu NSNN hiện nay, khoản thu từ dầu thô được thể hiện từ hai khoản thuế thu từ khu vực có vốn FDI là thuế TNDN và thuế tài nguyên. Số liệu thu NSNN năm 2014 cho thấy, nếu khu vực FDI đóng góp 27,5% trong tổng số 846.400 tỷ đồng thu NSNN (tương đương 20,05%GDP) thì riêng thu từ dầu thô chiếm 46% tổng thu từ khu vực này. Trong 107.000 tỷ đồng thu từ dầu thô, thuế TNDN chiếm 72,2% còn thuế tài nguyên chiếm 27,8%, theo đó, thuế TNDN từ dầu thô chiếm 35% tổng số thu thuế TNDN và 55,9% tổng số thu thuế TNDN từ khu vực FDI. Các con số tương ứng đối với thuế tài nguyên lần lượt là 74,6% và 98,5%. Hơn nữa, thuế TNDN là sắc thuế quan trọng nhất với tỷ trọng khoảng 26% tổng thu NSNN còn thuế tài nguyên cũng đóng góp gần 5% tổng thu NSNN.

Rõ ràng, tuy vai trò của khai thác và xuất khẩu dầu thô đối với nền kinh tế giảm xuống kéo theo tỷ trọng thu NSNN từ dầu thô cũng có xu hướng giảm rõ rệt với tốc độ giảm có chậm hơn song khai thác và xuất khẩu dầu thô nói chung, thu NSNN từ dầu thô nói riêng vẫn đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí là cứu cánh trong một số giai đoạn phát triển của nước ta, chẳng hạn suốt giai đoạn 2002-2008, dầu thô liên tục đóng góp từ 20% đến 30% tổng thu NSNN. Dự báo thu NSNN từ dầu thô năm 2015 khó có thể đạt dự toán thu 93.000 tỷ đồng do việc tăng sản lượng khai thác không dễ dàng, thậm chí còn cần giảm sản lượng khai thác do diễn biến giá cả không thuận lợi. Tuy nhiên, tổng thu NSNN vẫn có thể đạt dự toán do có thêm các khoản thu khác bù đắp cho hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô.

Cơ cấu thu NSNN giai đoạn 2002-2015

Nguồn: BTC

Theo ước lượng của chúng tôi, hụt thu NSNN do giá xuất khẩu dầu thô giảm sẽ dao động trong khoảng 13.950-32.550 tỷ đồng, trong khi qui mô thiệt hại của nền kinh tế do giá dầu thô giảm lại lên đến 2,8-4,2 tỷ USD do không những không giảm mà còn tăng sản lượng khai thác.

Trước hết, cần khẳng định là giá dầu thô giảm, theo đó giá xăng dầu giảm có tác động tích cực tới sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm 2015 dưới 5%, nhờ đó, thu NSNN từ hoạt động sản xuất - kinh doanh và xuất khẩu phi dầu thô có thể tăng bù đắp cho khoản hụt thu từ khai thác và xuất khẩu dầu thô cũng như từ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm. Thậm chí, thu NSNN còn tăng lên nhờ lạm phát có xu hướng giảm nên tỷ lệ thu NSNN trong cơ cấu giá cả nhiều hàng hoá dịch vụ có điều kiện tăng lên. Tuy nhiên, một lần nữa, vấn đề bất cập trong cơ cấu thu NSNN lại được đặt ra thể hiện nguy cơ thiếu bền vững do cơ cấu thu NSNN chưa hợp lý, khi nguồn thu NSNN vẫn dựa rất lớn vào thu từ khai thác tài nguyên và hoạt động xuất nhập khẩu - những lĩnh vực phụ thuộc rất nhiều vào biến động trên thị trường quốc tế, đồng thời làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên lẫn tài nguyên sức lao động và nguồn lực tài chính. Rõ ràng, tính bền vững thu NSNN chỉ tăng lên khi cơ cấu thu NSNN chuyển dịch sang dựa chủ yếu vào thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

Do thu từ dầu thô gồm thuế tài nguyên và thuế TNDN vẫn chiếm tỷ lệ 10,2% trong dự toán thu NSNN năm 2015 với 93.000 tỷ đồng, tuy đã giảm so với tỷ lệ 12,6% tổng thu NSNN thực hiện năm 2014 song con số hụt thu có thể xảy ra nhất định ảnh hưởng mạnh tới khả năng thực hiện dự toán thu NSNN năm 2015, thậm chí gây ra thay đổi nhất định trong cơ cấu thu NSNN một cách bị động.

Đó là chưa kể các khoản thu thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu và thuế BVMT hàng nhập khẩu vốn chịu tác động mạnh của giá xăng dầu nhập khẩu cũng chiếm tới 19,2% tổng dự toán thu NSNN năm 2015.

Biến động trực tiếp trong qui mô và cơ cấu thu NSNN năm 2015 do ảnh hưởng của khả năng giá dầu thô và xăng dầu giảm sâu sẽ gây hậu quả xấu hơn trong bối cảnh các nhiệm vụ chi theo dự toán đều không thể trì hoãn với nhu cầu chi vẫn tăng lên, cả chi đầu tư phát triển lẫn chi thường xuyên và chi trả nợ.

Rõ ràng, muốn đảm bảo các nhiệm vụ chi NSNN theo dự toán năm 2015, đồng thời không làm tăng qui mô thâm hụt NSNN đã được Quốc hội phê duyệt thì gánh nặng khai thác nguồn thu đủ bù đắp khoản hụt thu do giảm giá dầu thô và xăng dầu được đặt lên vai Chính phủ và Bộ Tài chính. Trong khi vẫn chưa có chiến lược và kế hoạch bài bản cơ cấu lại nguồn thu NSNN thì sự chuyển dịch cơ cấu thu NSNN bị động năm 2015 buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm các giải pháp đối phó.

Biến động giá dầu là yếu tố khách quan từ thị trường thế giới trong khi Việt Nam chịu tác động cả với vai trò nhà xuất khẩu dầu thô lẫn nhà nhập khẩu và sản xuất xăng dầu thành phẩm. Tác động tổng hợp của biến động giá dầu thế giới tới kinh tế nước ta nói chung, tới thu NSNN nói riêng cần được tính toán nghiêm túc, cụ thể, dựa trên cơ sở khoa học thật sự, tránh cảm tính, kể cả cảm tính tích cực, bốc đồng cũng như tiêu cực, hoảng hốt thái quá. Thêm một lần nữa chúng ta có cơ hội và căn cứ thúc đẩy cơ cấu lại thu NSNN đảm bảo tính bền vững hơn. Dường như đó mới chính là khía cạnh quan trọng nhất trong thu NSNN năm 2015 và các năm tiếp theo.

Nguồn: nangluongVietnam.vn


Tin khác
Thời tiết
32°C
Thống kê
184
182
1,481
10,347,071
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 81.650 83.850
SJC 75.360 77.060
Đối tác