Nghiên cứu và trao đổi

Tăng hiệu quả khai thác khoáng sản

16/09/2016 - Thứ Sáu - 09:48 Lượt xem: 1
Theo đánh giá của Ủy ban Điều tra địa chất Hoa Kỳ (USGS), Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; hàng năm khai thác khoảng 40 triệu tấn than, hơn 190.000 tấn mangan và nhiều loại khoáng sản khác...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ khai thác của Việt Nam còn lạc hậu, công tác quản lý thiếu minh bạch, ổn định...Vì vậy, cần có giải pháp thay đổi để tăng hiệu quả khai thác cũng như phát triển ngành này. 

Cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ
Việt Nam không phải là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản. Trong hai thập kỷ qua, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam đã được khai thác ở quy mô lớn và đứng trước nguy cơ cạn kiệt trong tương lai gần. Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, mặc dù có hơn 60 loại khoáng sản và khoảng 5.000 điểm mỏ, nhưng khoáng sản của Việt Nam có tiềm năng nhỏ, trữ lượng ít và thiếu về chủng loại. Theo tính toán, số năm khai thác còn lại của dầu khí là 56 năm, barit là 21 năm, kẽm là 17 năm và vàng là 21 năm. 
Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng, Việt Nam có khoảng trên 170 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Các hoạt động khoáng sản chủ yếu tập trung vào nhóm 5 tập đoàn và tổng công ty lớn. Song, hầu hết các doanh nghiệp khai thác của Việt Nam chủ yếu chế biến ở mức quặng và tinh quặng, ít tạo giá trị gia tăng. Công nghệ lạc hậu của các doanh nghiệp khai thác đang gây tổn thất lớn trong khai thác chế biến khoáng sản ở Việt Nam : khoảng 40-60% đối với khai thác hầm lò, 26-43% đối với quặng apatit, 15-30% đối với quặng kim loại... 
Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Huy Hoàn, Vụ phó Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho rằng, do nhu cầu vốn cho hiện đại hóa công nghệ lớn nên vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực than, khoáng sản rắn có công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao, tổn thất tài nguyên lớn nhưng chưa quan tâm thích đáng hoặc chưa có điều kiện để đổi mới hiện đại hóa công nghệ. Do vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến khoáng sản tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo ra giá trị kinh tế cao, nghiên cứu công nghệ khai thác các mỏ có điều kiện phức tạp, gia tăng hệ số thu hồi và hiệu quả khai thác dầu, chế biến sâu khí, khai thác chế biến apatit... 
Liên quan đến vấn đề này, về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Hoàng Yến, Trưởng ban Khoa học Công nghệ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bày tỏ, cần tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025”, theo hướng khuyến khích và đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Trước hết, Nhà nước cần có các chính sách cụ thể về mặt tài chính, thuế, phí… để hỗ trợ những đơn vị ứng dụng đổi mới khoa học công nghệ cao. Ngoài ra, cần hoàn thiện hơn nữa quy chế quản lý khoa học công nghệ phù hợp với hiện trạng phát triển của đơn vị, cải tiến các thủ tục quản lý theo hướng thúc đẩy ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. 
Cam kết minh bạch thông tin
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng thừa nhận, việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, quản lý đã được triển khai ở một số đơn vị nhưng nhiều nơi vẫn còn chậm, dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả còn thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế. Ngoài ra, công tác quản lý vật tư, quản trị chi phí chưa tốt (chi phí đầu vào cao, năng suất lao động thấp) dẫn đến giá thành cao, hiệu quả sản xuất hạn chế. “Một số vi phạm trong quản lý, điều hành chưa được phát hiện kịp thời, vẫn còn xảy ra một số gian lận thương mại trong chế tạo cơ khí, tiêu thụ than, mua bán vật tư thiết bị”, lãnh đạo TKV cho biết. 
TKV cho hay, trong giai đoạn tới, đơn vị này sẽ đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới, cơ giới hóa và tự động hóa trong khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên; hoàn thiện hệ thống sàng tuyển, chế biến than tại các mỏ và nhà máy sàng tuyển để nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường đồng thời tăng hệ số thu hồi than, giảm chi phí vận chuyển. 
Bên cạnh những yếu kém về công nghệ trong khai khoáng, một vấn đề nảy sinh được nhiều chuyên gia đề cập là cơ chế quản lý. Theo VCCI, cơ chế quản lý như hiện nay của Việt Nam không tạo ra môi trường minh bạch và cạnh tranh cho đầu tư bền vững. Khảo sát của đơn vị này cho thấy, doanh nghiệp khai khoáng đánh giá thấp về mức độ minh bạch trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Có tới 72% doanh nghiệp khai khoáng thừa nhận phải dựa vào mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin, tài liệu. Có tới 85% doanh nghiệp thừa nhận thường xuyên phải chi trả các khoản tiền không chính thức trong quá trình hoạt động... 
TS. Nguyễn Thành Vạn, Trưởng ban tư vấn phản biện, Tổng hội Địa chất Việt Nam cũng cho rằng, việc cam kết thực hiện minh bạch thông tin trong khai khoáng sẽ tạo ra cơ chế đối thoại hiệu quả giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng; thể hiện cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp về nỗ lực cải cách ngành khoáng sản. Khi tham gia cải cách, minh bạch hoá ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, sẽ rất tốt cho Việt Nam trong việc tăng hiệu quả quản lý khai thác, xuất khẩu khoáng sản và cả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Nguồn: Đức Dũng/baotintuc.vn 


Tin khác
Thời tiết
24°C
Thống kê
122
137
9,886
10,306,319
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 79.000 81.000
SJC 69.130 70.330
Đối tác