Quản lý và hoạt động khoáng sản trong nước

Nguồn lợi khoáng sản trong tầm nhìn của thực dân Pháp ở Việt Nam

08/07/2022 - Thứ Sáu - 10:25 Lượt xem: 1
Thực dân Pháp xâm lược thuộc địa là nhằm biến thành thị trường tiêu thụ hàng hóa Pháp và cưỡng chiếm, khai thác các nguồn tài nguyên. Ngay từ đầu họ đã ráo riết thực hiện mục tiêu này ở Việt Nam. Nguồn lợi khoáng sản luôn là trọng tâm của chính sách khai thác thuộc địa của họ.

Nỗ lực khai thác khoáng sản ở Việt Nam

Năm 1864, Pháp thôn tính xong Nam Kỳ. Lúc này, Bắc Kỳ và Trung Kỳ vẫn thuộc chủ quyền của nhà Nguyễn. Thế nhưng từ 1866, người Pháp đã có kế hoạch thám sát/nghiên cứu sông Hồng và khu vực Bắc Kỳ. Năm 1868, họ đã bắt đầu can dự vào công việc khai mỏ của nhà Nguyễn khi đánh giá chất lượng than ở các mỏ than ở Thái Nguyên mà các tỉnh mang về kinh tế theo yêu cầu của triều đình.

Khai thác than tại Quảng Ninh thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu
Khai thác than tại Quảng Ninh thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Bị Đức chiếm mất hai tỉnh giàu khoáng sản nhất là than là Alsace và Lorraine trong chiến tranh Pháp - Đức (1870 - 1871), người Pháp càng nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm và khai thác khoáng sản ở các thuộc địa, nhất là Việt Nam.

Năm 1872, trong tháng 1 và tháng 10, người Pháp đã liên tục cho chiếm hạm ra khảo sát vịnh Hạ Long và Hải Dương, Quảng Yên là những vùng có nhiều mỏ than. Cũng năm này, từ ngày 26/10/1872, nhà thám hiểm, thương nhân Jean Dupuis đã ngang ngược đưa 2 tàu chiến và 200 lính đi sâu vào nội địa tiến hành do thám sông Hồng để tìm đường lên Vân Nam. Đây là sự mở đầu cho nhiều đoàn địa/khoáng chất do Fuschs, Saladin, Saran… cầm đầu đi tìm mỏ. Không chỉ ở Bắc Kỳ mà người Pháp còn khảo sát tìm mỏ than và kim loại ở Trung Kỳ.

Năm 1884, Bộ Thuộc địa đã cử hai phái đoàn thuộc Hội đồng Mỏ ở Paris sang để nghiên cứu về các mỏ khoáng sản ở Bắc Kỳ.

Cùng năm này (1884), với hiệp ước Patenotre, Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa của Pháp, họ đã nhanh chóng khai thác các nguồn lợi từ Việt Nam, trong đó có nguồn tài nguyên khoáng sản trong bối cảnh Trung Quốc và các nước phương Tây, nhất là Anh cũng đang chạy đua với mục đích thâu tóm các mỏ của Việt Nam.

Diễn biến trên là nhằm hiện thực hóa âm mưu và chính sách khai thác thuộc địa, khai thác nguồn lợi khoáng sản Việt Nam của người Pháp.

Đối với họ “… thuộc địa phải được đặt riêng cho thị trường Pháp” (Etienne - chính khách Pháp - 1891) và “Trong một tổ chức thuộc địa tốt, nền sản xuất thuộc địa chỉ được thu gọn trong việc cung cấp cho chính quốc nguyên liệu hay những vật phẩm gì ta không có” (Mesline - Giám đốc Hội Kỹ nghệ và Canh nông). Họ không chủ trương công nghiệp hóa thuộc địa mà chỉ là khai thác nguyên liệu và tổ chức sản xuất những gì không cạnh tranh, ảnh hưởng đến nền công nghiệp chính quốc.

Năm 1895, Toàn quyền Đông Dương Jean Louis de Lanessan đã cho rằng: “Trong số những ngành kỹ nghệ hiện có ở Đông Dương thì ngành này cung cấp cho nước Pháp những nguyên liệu mà Pháp cần, ngành khác chỉ sản xuất ra những gì mà thuộc địa cần nhưng không gây nên tình trạng cạnh tranh với nền công nghiệp của chính quốc”.

Tư duy khai thác, đúng hơn là chiếm đoạt tài nguyên của thuộc địa càng rõ ràng hơn trong quan điểm của Toàn quyền Albert Saraut: “Đối với nước Pháp… Cái mà người ta tìm kiếm hiện thời - mặc dầu những vẻ bề ngoài lừa dối của một cuộc khủng hoảng tạm thời… không còn chỉ là những thị trường, đối tượng lo âu của những nhà kinh tế học thế kỷ vừa qua, mà là nguyên liệu. Trung tâm của đời sống kinh tế của các dân tộc, theo một sự tiến hóa nhanh chóng, đi từ sản phẩm chế tạo sang nguyên liệu”.

Bởi vậy, đối với thực dân Pháp, cưỡng chiếm và khai thác tài nguyên khoáng sản để cung cấp cho nền công nghiệp chính quốc là tư tưởng thuộc địa xuyên suốt và ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong tầm nhìn và hành động của giới chính khách và được sự ủng hộ của giới tư bản công nghiệp Pháp ở chính quốc và các thuộc địa.

Các nhà khai thác thực dân đã nói rất rõ trong thư gửi Toàn quyền Đông Dương, ngày 2/1/1896, về yêu cầu sửa đổi những quy định về quản lý mỏ trong Sắc lệnh ngày 16/11/1888: “Việc khai thác nguồn tài nguyên mỏ là một rong những yếu tố chính, nếu không muốn nói là cơ bản của sự thịnh vượng trong tương lai của Đông Dương của chúng ta”.

Còn đây là quan điểm của kỹ sư mỏ J. Marc Bel trình bày trong hội nghị toàn thể của Hội địa lý thương mại Paris ngày 16/8/1901 với sự có mặt của toàn quyền Paul Doumer: “… chính tương lai tốt đẹp nhất là dành cho Bắc Kỳ, nhờ vào sự giàu có về mỏ của nó… rằng Bắc kỳ có những tài nguyên riêng vào loại quan trọng nhất…”.

Ông ta đã kêu gọi tiến hành khai thác mỏ ở Đông Dương: “… cái nguồn tài nguyên giàu có mới và mạnh mẽ ấy, cái không phải là một canh bạc về mỏ mà thật sự là một ngành công nghiệp khai khoáng. Và kỹ sư mỏ Charpentier thì nhìn thấy: “Có thể rút ra từ đất đai và lòng đất của nó một nguồn thu nhập lớn cho nước Pháp”.

Người Pháp không chỉ nhìn thấy ở tài nguyên khoáng sản nguồn lợi kinh tế mà còn có ý nghĩa như một giải pháp để tiếp tục công cuộc bình định và ổn định chính trị xã hội, phòng chống các cuộc nổi dậy chống lại chính quyền thực dân của người dân. Tướng Duchemin - chỉ huy quân đội ở Đông Dương đã viết: “Tôi nghĩ… không phải là một vấn đề kinh tế còn cả về vấn đề quân sự. Việc đó - tức việc khai thác mỏ, đem lại việc làm cho một số người không có nguồn sống nào khác là làm giặc cướp”.

Hoàn toàn không ngẫu nhiên, từ rất sớm, ngày 18/2/1885 người Pháp đã buộc nhà Nguyễn phải ký với người Pháp Công ước về mỏ “chấp nhận cùng cách thức khai thác mỏ do Pháp đề ra”. Có thể coi đó là mốc mở đầu chính thức cho việc cướp đoạt tài nguyên và hình thành ngành khai thác mỏ khoáng sản của người Pháp ở Việt Nam.

Những thủ đoạn chiếm đoạt mỏ khoáng sản

Dưới thời nhà Nguyễn, đã từng tồn tại nghề khai khoáng và là một yếu tố kinh tế - xã hội quan trọng của thể chế. Công nghiệp khai khoáng lúc bấy giờ một phần do triều đình nắm giữ, trực tiếp tổ chức và quản lý việc khai thác, ngoài ra phần lớn do tư nhân, chủ yếu là người Hoa nắm giữ thông qua hình thức đấu thầu.

Nhưng sau khi người Pháp vào thì “miếng bánh” béo bở này đã ngay tử rất sớm bị họ từng bước giành phần, chiếm đoạt.

Như đã nói, những động thái này đã bắt đầu từ năm 1866 khi thám sát mỏ ở Bắc Kỳ và trở nên quyết liệt hơn từ năm 1884.

Trước hết, người Pháp giành quyền quản lý khối công sản mỏ từ tay triều đình nhà Nguyễn. Họ, bằng quyền lực, đã hạn chế việc triều đình cho thương nhân người Hoa nhận thầu. Tiếp đến cho quân đánh chiếm khu mỏ Hòn Gai, lập bốt canh giữ, phong tỏa vịnh Hạ Long. Từ năm 1884, Chính phủ Pháp phủ nhận quyền điều hành của triều đình Nguyễn trong việc nhượng bán mỏ, kể cả nhượng cho công dân Pháp.

Năm 1885, họ buộc triều đình phải ký Công ước về mỏ ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ (18/2/1885) gồm 4 điều khoản trong đó triều đình Nguyễn phải chấp nhận chế độ cùng khai thác mỏ; mọi khoản thu về phí, thuế má nộp vào ngân khố triều đình sau khi khấu trừ phí tổn do người Pháp đã chi đối với Trung Kỳ nhưng ở Bắc Kỳ thì toàn bộ do người Pháp nắm giữ.

Bằng nhiều thủ đoạn, ngày 27/4/1888, người Pháp đã buộc nhà Nguyễn phải nhượng vĩnh viễn cho công ty của Pháp khối công sản về mỏ than ở vinh Hạ Long gồm 3 lô Hòn Gai, Hà Tu, Cẩm Phả với tổng diện tích 15.000ha.

Trước đó, 4/4/1884, triều đình đã phải cho không vĩnh viễn Jean Dupuis khu mỏ Kế Bảo (Quảng Yên) rộng 25.000ha.

Ở Trung Kỳ, nhà Nguyễn buộc phải cấp nhượng mỏ Nông Sơn ở Quảng Nam.

Trên thực tế việc sang nhượng hoàn toàn do người Pháp quyết định, chính quyền Nam triều hoàn toàn bị vô hiệu hóa trong lĩnh vực này.

Chính quyền thuộc địa đã thực hiện nhiều biện pháp về hành chính, tài chính, pháp lý, mở rộng việc điều tra, thăm dò, nghiên cứu mỏ trên toàn xứ Đông Dương để thúc đẩy nhanh quá trình chiếm đoạt, mở đường cho giới tư bản người Pháp đầu tư vào lĩnh vực này.

Từ năm 1888 đến năm 1945 tổng cộng đã có 1.771 khu mỏ được cấp phép thăm dò, tức là được cấp nhượng tạm thời, trung bình 30,53 mỏ/năm; trừ 191 khu mỏ không rõ diện tích số còn lại có tổng diện tích mỏ bị chiếm là 1.882.985,72ha.

Trong đó, nhiều nhất là mỏ kim loại (69,87% về số lượng và 67,92% về diện tích), sau đó là than (25,6% về mỏ, 28,6% về diện tích; phốt phát (4,35% về số lượng và 3,19 về diện tích). Việc chiếm đoạt mỏ là tiền đề quan trọng để người Pháp, dù không muốn, hình thành dần nền công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam.

 Nguồn: kinhtedothi.vn


Tin khác
Thời tiết
26°C
Thống kê
6
45
467
10,353,345
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.000 84.000
SJC 73.880 75.580
Đối tác