Tài liệu chuyên ngành

Tóm tắt Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuyển khoáng Toàn quốc lần IV (phần I)

08/12/2014 - Thứ Hai - 10:48 Lượt xem: 1

PHẦN I: CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN KIM LOẠI

NGHIÊN CỨU CÔNG NGHỆ TUYỂN QUẶNG THIẾC GỐC KHU SUỐI GIANG, TỈNH NINH THUẬN

 

KS. Trần Ngọc Anh và nnk - Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim

Báo cáo trình bày kết quả thí nghiệm tuyển quặng thiếc gốc khu Suối Giang tỉnh Ninh Thuận. Hàm lượng quặng nguyên khai 0,182% Sn. Kết quả thu được sau khi nghiên cứu có hàm lượng quặng tinh 55% Sn với thực thu khoảng 73%.

HOÀN THIỆN CÔNG NGHỆ VÀ ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT TẠI PHÂN XƯỞNG TUYỂN SẮT KÍP TƯỚC, CÔNG TY CP KHOÁNG SẢN 3

 

KS. Nguyễn Thị Vân Anh - Tổng Công ty Khoáng sản–VINACOMIN

 

Báo cáo giới thiệu về phân xưởng tuyển sắt Kíp Tước, Công ty CP Khoáng sản 3, với công suất thiết kế 100.100 tấn quặng tinh sắt/năm, hàm lượng >60%Fe. Từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, Phân xưởng đã khắc phục các khó khăn, tồn tại, từng bước hoàn thiện sơ đồ công nghệ và thiết bị, tích cực sản xuất, nâng sản lượng quặng tinh vượt công suất thiết kế, đảm bảo nhu cầu của các hộ tiêu thụ.

 

LỰA CHỌN CÔNG NGHỆ TUYỂN VÀ KẾT QUẢ CHẠY THỬ NHÀ MÁY TUYỂN QUẶNG BAUXIT TÂN RAI

 

K.S Trương Đức Chính - Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam

Nhà máy tuyển quặng bauxit Tân Rai nằm trong thành phần của Tổ hợ p Bauxit-nhôm Lâm Đồng. Với công suất gần 2 triệu tấn quặng tinh/năm - đây là nhà máy tuyển quặng bauxit quy mô lớn, hiện đại của Việt Nam hiện nay. Quá trình từ tư vấn lựa chọn sơ đồ công nghệ và thiết bị thiết kế đến đấu thầu lựa chọn nhà thầu EPC xây dựng Nhà máy hoàn toàn do các chuyên gia Việt Nam thực hiện. Nhà máy đã hoàn thành giai đoạn xây dựng và đi vào sản xuất từ cuối năm 2013. Đến nay Nhà máy vẫn sản xuất ổn định, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật cơ bản.

VỀ SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ KHAI THÁC VÀ CHẾ BIẾN QUẶNG CROMIT VÀ CÁC KHOÁNG SẢN ĐI KÈM TẠI MỎ CỔ ĐỊNH, THANH HÓA 

TS. Chu Công Dn -Hội Tuyển khoáng Việt Nam

 

Sa khoáng cromit Cổ Định, Thanh Hóa có những đặc điểm không thuận lợi cho khai thác và chế biến. Mặc dù Mỏ đã đi vào sản xuất từ nhiều năm, nhưng các công nghệ được áp dụng khi hợp tác với Trung Quốc hoặc do Việt Nam tự phát triển đều không thỏa mãn yêu cầu về tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hiện tại hoạt động khai thác và chế biến quặng cromit Cổ Định đang tạm bị đình chỉ. Việc lựa chọn công nghệ phù hợp để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp cromit đang là nhu cầu rất cấp thiết. Báo cáo phân tích tóm tắt ưu và nhược điểm của những công nghệ đã từng được áp dụng để khai thác và chế biến cromit Cổ Định và những khó khăn về kỹ thuật cần giải quyết khi mở rộng quy mô khai thác và chế biến quặng.

 

CHẾ BIẾN SÂU QUẶNG TITAN VIỆT NAM, HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP 

ThS. Nguyễn Thị Hồng Gấm, KS. Đinh Bá Nấu - Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim

Báo cáo tổng hợp sản lượng các sản phẩm chế biến từ quặng titan trên thế giới và dự báo xu hướng phát triển các sản phẩm này. Căn cứ vào xu hướng thị trường, hiện trạng công nghệ, thiết bị chế biến quặng titan để định hướng chiến lược phát triển chế biến sâu quặng titan phù hợp và thân thiện với môi trường.

CÔNG NGHỆ KHAI THÁC TUYỂN QUẶNG TITAN THẾ GIỚI VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG ĐỐI VỚI TITAN TRONG TẦNG CÁT ĐỎ VIỆT NAM

ThS. Nguyễn Thị Hồng Gấm, KS. Đỗ Thị Như Quỳnh - Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim

Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về trữ lượng khoáng sản  titan. Tuy nhiên, sự “giàu có” ấy vẫn không giúp nền công nghiệp titan “cất cánh” vì công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản titan ở nước ta vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, đơn giản và chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến hiệu quả thấp gây tổn thất, lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Báo cáo giới thiệu những ứng dụng, tình hình khai thác và chế biến quặng titan trên thế giới. Từ đó đưa ra khả năng ứng dụng công nghệ, thiết bị khai thác và tuyển đối với titan trong tầng cát đỏ nước ta.

 

MỘT SỐ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CÔNG NGHỆ TUYỂN, LUYỆN VÀ ĐỊNH HƯỚNG SỬ DỤNG QUẶNG SẮT LATERIT TÂY NGUYÊN 

ThS. Trần Thị Hiến(1), TS. Nghiêm Gia(2), KS. Phạm Thị Kim Chung(3)- Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim; (2) TCty Thép Việt Nam; (3) Tổng Cục ĐC&KS

Tài nguyên quặng sắt của Việt Nam là không nhiều, chất lượng không cao, điều kiện khai thác của một số mỏ rất phức tạp. Kết quả công tác tìm kiếm, thăm dò địa chất trong những năm qua đã phát hiện khoảng 180 điểm và mỏ quuặng sắt, chủ yếu phân bố ở miền Bắc Việt Nam với tổng trữ lượng khoảng hơn 1,2 tỉ tấn. Tuy nhiên gần đây, theo kết quả điều tra sơ bộ vùng Tây Nguyên, miền Nam Việt Nam có thể dự báo thêm khoảng một tỉ tấn quặng tinh sắt chứa hàm lượng sắt khoảng 35-40% trên diện tích của các tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk. Để khẳng định kết quả điều tra, cũng như khả năng sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt laterit trong thời gian tới. Đề tài: “Nghiên cứu công nghệ tuyển – luyện quặng sắt Laterit Tây Nguyên” thuộc đề án điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên quặng Bauxit, quặng sắt Laterit, miền Nam Việt Nam, được thực hiện với kết quả hoàn toàn khả thi.

 

GIẢI PHÁP CẤP NƯỚC VÀ CÔNG NGHỆ TUYỂN TỐI ƯU CHO QUẶNG THIẾC – VONFRAM MỎ TẢ PHÌN, HÀ GIANG 

KS. Vũ Sơn Hải(1), TS. Nguyễn Văn Hạnh(2) - (1)Công ty VQB, (2)Hội Tuyển khoáng Việt Nam 

Mỏ thiếc sa khoáng deluvi–eluvi Tả Phìn nằm trên nền đá vôi lởm chởm là vùng không có nước mặt và nước ngầm. Trong đất quặng nguyên khai có tỉ lệ bùn sét lớn, tới gần 65 % nên việc tuyển quặng rất khó khăn. Công ty VQB đã nghiên cứu lựa chọn giải pháp cung cấp nước và sơ đồ công nghệ tuyển tối ưu cho quặng thiếc và vonfram mỏ Tả Phìn, Hà Giang chỉ bằng các thiết bị công nghệ thông thường. Đã áp dụng vào sản xuất và đạt được các chỉ tiêu công nghệ và hiệu quả kinh tế cao.

 

ĐIỀU CHỈNH CHẾ ĐỘ THUỐC TUYỂN ĐỂ NÂNG CAO HÀM LƯỢNG  QUẶNG TINH CHÌ CỦA XÍ NGHIỆP KẼM CHÌ LÀNG HÍCH CÔNG TY CỔ PHẦN KIM LOẠI MÀU THÁI NGUYÊN 

ThS. Bùi Tiến Hải,  KS. Vũ Thị Ngàn - Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên–Vimico 

Đáp ứng yêu cầu thực tế, tỷ lệ khai thác quặng khu Metis giảm, sản lượng chủ yếu là của lò cái 1A Mỏ Ba tăng, lượng quặng trung hòa không đáp ứng cho xưởng tuyển. Nhằm ổn định chất lượng sản phẩm quặng tinh chì, kẽm, Phòng Kỹ thuật Mỏ đã tiến hành nghiên cứu điều chỉnh chế độ công nghệ tuyển nổi và thu được kết quả khi thực hiện thí nghiệm quy mô công nghiệp.

 

ĐỔI MỚI ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÔNG NGHIỆP ĐẤT HIẾM VIỆT NAM 

TS. Nguyễn Văn Hạnh, TS. Nguyễn Đức Quý - Hội Tuyển khoáng Việt Nam 

Đất hiếm là nguyên liệu chiến lược cho các ngành công nghệ cao và công nghiệp xanh có giá trị gia tăng cao, nhưng chủ yếu nằm trong công đoạn tinh chế, chế tạo sản phẩm đất hiếm và sử dụng chúng trong các ngành kinh tế quốc dân. Trải qua 40 năm ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam vẫn chưa được định hình, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, như chưa đánh giá chuẩn xác giá trị gia tăng của đất hiếm, chính sách phát triển chưa hợp lý, trông chờ vào sự chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Vì vậy đã bỏ lỡ những thời cơ để phát triển nhanh. Để phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam cần nhanh chóng huy động nguồn tài nguyên đất hiếm của Việt Nam; thời sự hóa chiến lược, chính sách phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp đất hiếm; phát huy vai trò của khoa học công nghệ và ưu tiên sử dụng đất hiếm trong nước.

 

NGHIÊN CỨU CÔNG NGHỆ TUYỂN NỔI QUẶNG SUNFUA XÂM TÁN ĐỒNG - NIKEN MỎ BẢN PHÚC, SƠN LA

ThS.Tạ Quốc Hùng, TS.Phạm Đức Thắng, ThS.Nguyễn Thu Thủy và NNK - Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam.

Báo cáo trình bày kết quả nghiên cứu công nghệ tuyển quặng sunfua xâm tán đa kim đồng-niken Bản Phúc, Sơn La với hàm lượng quặng nguyên khai Ni:1,12% và Cu:0,27%. Đã xác định chế độ công nghệ tuyển hợp lý: Độ mịn nghiền 80,80% cấp -0,074 mm; hàm lượng R/L: 30%; môi trường tuyển pH: 8,5-9; thuốc kích động CuSO4: 700g/t; thuốc tập hợp PAX: 220g/t; thuốc tạo bọt dầu bạch đàn: 150g/t. Kết quả thí nghiệm tuyển sơ đồ vòng kín nhận được quặng tinh tập hợp Cu-Ni có hàm lượng 7,13% Ni và 0,81% Cu với mức thực thu 83,27% Ni và 39,24% Cu.

 

LỰA CHỌN CÔNG NGHỆ HỢP LÝ XỬ LÝ QUẶNG ANTIMON CHỨA VÀNG 

KS.Phạm Bá Kiêm, ThS. Hoàng Văn Quân - Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim

Báo cáo nêu tổng quan các phương pháp công nghệ thu hồi vàng từ quặng antimon và tinh quặng antimon được thiêu oxy hóa thu oxyt antimon để sản xuất antimon kim loại, bã thiêu phẩm được thủy luyện thu hồi vàng. Các tác nhân  thủy luyện hòa tách vàng là xianua, thioure và vichemgold. Hiện nay ở Việt Nam cấm sử dụng xianua do ảnh hưởng độc hại đối với môi trường. Các tác giả giới thiệu hai tác nhân hòa tách vàng là thioure và vichemgold. Nêu cơ chế hòa tách, đề nghị sơ đồ công nghệ đối với dung môi vichemgold là tác nhân ít độc hại, dễ xử  lý và thân thiện với môi  trường. Hiện nay nhiều mỏ vàng trên thế giới sử dụng vichemgold. Hiệu suất chiết tách vàng đạt 93-98% áp dụng cho quặng chứa vàng thấp 1,5-2g/tấn.

 

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU TUYỂN QUẶNG VONFRAM GỐC THIỆN KẾ, SƠN DƯƠNG, TUYÊN QUANG 

ThS. Nguyễn Bảo Linh - Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim

Báo cáo giới thiệu quá trình nghiên cứu tuyển quặng vonfram gốc Thiện Kế, Sơn Dương, Tuyên Quang. Bằng các phương pháp tuyển trọng lực, tuyển nổi trọng lực, tuyển từ, hóa tuyển từ quặng đầu có hàm lượng WO3=0,30% đã thu được quặng tinh vonfram đạt hàm lượng WO3 ~ 65,36%; với thực thu  67,18%, đồng thời tận thu được khoáng vật đồng đi kèm trong quặng.

 

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU TUYỂN MỘT SỐ MỎ QUẶNG SA KHOÁNG TITAN - ZIRCON TRONG TẦNG CÁT ĐỎ TỈNH NINH THUẬN VÀ BÌNH THUẬN

ThS. Nguyễn Bảo Linh, ThS. Trần Thị Hiến - Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim 

Quặng sa khoáng titan-zircon (trong tầng cát đen và cát xám) sau nhiều năm khai thác hàm lượng khoáng vật nặng càng ngày càng giảm và trở nên cạn kiệt. Vì vậy, quặng sa khoáng titan–zircon trong tầng cát đỏ đã, đang được quan tâm và nghiên cứu. Sau đây là kết quả nghiên cứu tuyển quặng sa khoáng titan–zircon trong tầng cát đỏ thuộc tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận mà Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim thực hiện trong một số năm qua. Đặc biệt kết quả tuyển quặng sa khoáng titan–zircon mỏ Mũi Đá 2 thuộc tỉnh Bình Thuận thu được quặng tinh ilmenit có hàm lượng TiO2 >49% với thực thu toàn bộ >72%, quặng tinh zircon có hàm lượng ZrO2 >62% với thực thu toàn bộ >78%.

 

NGHIÊN CỨU TUYỂN QUẶNG WOLFRAM ĐỒI CỜ, BÌNH THUẬN

TS. Nguyễn Thị Minh; KS. Đổng Quốc Hưng  KS. Đào Văn Mạnh - Hội Tuyển khoáng Việt Nam

Trong sơ đồ công nghệ thí nghiệm đã sử dụng khâu đập đến -2,5 mm để giải phóng wolfram ở dạng cộng sinh. Sử dụng máy lắng để tuyển thô và bàn đãi để tuyển tinh có kết hợp tuyển từ để nhận được quặng tinh wolframit và quặng tinh thiếc. Khi tuyển mẫu quặng wolfram Đồi Cờ, Bình Thuận có hàm lượng=0,31-0,32% WO3; 0,029% Sn, thu được quặng tinh vonfram có mức thu hoạch 0,413-0,42%, hàm lượng quặng tinh=67,06-66,016% WO3 và thực thu toàn bộ là 86,72-86,92%. Ngoài ra còn thu được sản phẩm phụ là quặng tinh thiếc có hàm lượng=28,8% Sn, thực thu toàn bộ là 69,52% và mức thu hoạch tương ứng là 0,07%.

 

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ĐỀ XUẤT CÔNG NGHỆ TUYỂN QUẶNG SẮT DELUVI MỎ QUÝ XA, LÀO CAI 

KS. Phạm Đức Phong - Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim

Quặng sắt là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất gang thép các loại. Ở nước ta trong những năm gần đây, ngoài việc có kế hoạch đầu tư và nâng cao sản lượng quặng sắt của các mỏ đang khai thác mà còn đầu tư xây dựng nhiều mỏ mới, trong đó có mỏ sắt deluvi Quý Xa, Lào Cai. Báo cáo giới thiệu một số kết quả nghiên cứu về thành phần vật chất, kết quả thử nghiệm và đề xuất công nghệ tuyển quặng sắt deluvi mỏ Quý Xa, Lào Cai.

 

TUYỂN QUẶNG KẼM CHÌ Ở TỔNG CÔNG TY KHOÁNG SẢN – VINACOMIN HIỆN NAY VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG NHỮNG NĂM TỚI

 

KS. Nguyễn Văn Thăng - Tổng Công ty Khoáng sản–Vinacomin

 

Tổng Công ty Khoáng sản–Vinacomin (tiền thân là Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam) là doanh nghiệp Nhà nước, hạng đặc biệt với đa ngành nghề kinh doanh như: Khảo sát, thăm dò địa chất các loại khoáng sản; khai thác, chế biến, tuyển luyện gia công các loại khoáng sản kim loại màu (thiếc, đồng, kẽm, chì); kim loại đen (sắt, titan); khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc, đất hiếm); khoáng sản phi kim loại... Sau gần 20 năm  hoạt động, Tổng Công ty  Khoáng sản–Vinacomin đã vượt qua khó khăn, tự khẳng định mình trong cơ chế thị trường và luôn là “Cái nôi của ngành sản xuất kim loại màu của đất nước”. 

Nguồn: Vampro.vn


Tin khác
Thời tiết
31°C
Thống kê
192
1,144
296
10,345,824
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 81.650 83.650
SJC 75.420 77.120
Đối tác