Tài liệu chuyên ngành

Tóm tắt Tuyển tập Báo cáo Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuyển khoáng Toàn quốc lần IV (phần V)

08/12/2014 - Thứ Hai - 11:03 Lượt xem: 1

PHẦN V: CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN NĂNG LƯỢNG

 

KHỬ LƯU HUỲNH TRONG THAN BẰNG PHƯƠNG PHÁP CLO HOÁ KHÔ Ở NHIỆT ĐỘ THẤP

 

ThS. Vũ Thị Chinh, ThS. Phạm Thanh Hải - Trường Đại học Mỏ - Địa chất

 

Bài biên dịch giới thiệu kết quả nghiên cứu khử lưu huỳnh (S) trong than có hàm lượng S cao của trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Bằng phương pháp clo hoá khô ở nhiệt độ thấp và áp suất môi trường đã làm giảm được tổng hàm lượng S trong than (cả S vô cơ và S hữu cơ) từ 5,95% xuống 1,12%.

 

 

PHÂN TÍCH CHÌM NỔI THAN CẤP HẠT NHỎ SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP TẠO TẦNG SÔI BẰNG NƯỚC

 

TS. Nhữ Thị Kim Dung - Trường Đại học Mỏ - Địa chất 

Công trình này liên quan đến sự phát triển một phương pháp mới, phương pháp tạo tầng sôi bằng nước để thu nhận thông tin về tính khả tuyển của mẫu than -4+0,045mm, nhằm cung cấp một phương pháp phân tích nhanh, chính xác và an toàn thay cho phương pháp chìm nổi đang dùng trong phòng thí nghiệm. Trước đây Galvin và Pratten đã báo cáo về kỹ thuật sử dụng tác động của sự phân tầng theo tỷ trọng của một cấp hạt hẹp trong tầng sôi để xác định số liệu về tính khả tuyển. Việc đánh giá phương pháp mới bằng cách xác định số liệu về quan hệ trọng lượng - độ tro của những mẫu than khác nhau đã chứng minh tính hiệu quả và độ chính xác của phương pháp tạo tầng sôi bằng nước

ĐẨY MẠNH LĨNH VỰC SÀNG TUYỂN, CHẾ BIẾN THAN VÙNG QUẢNG NINH VÀ ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

 

TS. Lê Việt Dũng - Trung tâm KHCN Chế biến và Sử dụng khoáng sản

 

Báo cáo đánh giá hiện trạng công nghệ sàng tuyển, chế biến than. Cũng đề xuất định hướng quy hoạch phát triển các nhà máy tuyển than trung tâm và các xưởng, cum sàng tại mỏ của vùng Quảng Ninh, để ngành than Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục nâng cao hiệu quả chất lượng, tận thu tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trườngphát triển bền vững.

 

NGHIÊN CỨU XỬ LÝ QUẶNG URANI VÙNG PÀ LỪA BẰNG PHƯƠNG PHÁP HÒA TÁCH KHUẤY TRỘN

 

Trần Thế Định, Thân Văn Liên, Hà Đình Khải và nnk - Viện Công nghệ xạ hiếm

           

Công nghệ xử lý quặng urani đã được nghiên cứu và đưa ra sản suất với quy mô công nghiệp ở nhiều nước trên thế giới, hiện nay vẫn tiếp tục được nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu suất thu hồi urani, đảm bảo hiệu quả kinh tế và hạn chế tác động có hại tới môi tr­ường. Tuỳ thuộc vào từng đối tượng quặng và cấp hàm l­ượng urani mà người ta lựa chọn áp dụng các công nghệ hòa tách khác nhau.Viện Công nghệ xạ hiếm đã và đang tiếp tục nghiên cứu các phương pháp hoà tách nhằm đạt hiệu suất thu hồi urani cao. Đối với quặng nghèo, trung bình, hoà tách khuấy trộn tuy không mang lại hiệu quả kinh tế nhưng có hiệu suất thu hồi urani cao hơn so với hoà tách tĩnh. Để lựa chọn kỹ thuật hoà tách thích hợp cần tiến hành thí nghiệm nhằm đưa ra những thông số công nghệ và quy trình cho từng đối tượng quặng. Hoà tách khuấy trộn là lựa chọn đầu tiên nhằm đưa ra những điều kiên tối ưu về chi phí axit, chất oxy hoá.. .để đạt hiệu suất thu hồi cao nhất.Báo cáo trình bày kết quả khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất thu hồi urani từ quặng (U=0,1031%) vùng Pà Lừa theo phương pháp hoà tách khuấy trộn bằng H2SO4 nhằm đánh giá khả năng thu hồi của mẫu công nghệ.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU XỬ LÝ MẪU CÔNG NGHỆ THU NHẬN URANI 

TS.Thân Văn Liên - Viện Công nghệ xạ hiếm

 

Báo cáo giới thiệu kết quả xử lý quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bằng phương pháp hòa tách đống. Sử dụng phương pháp này không đòi hỏi phải đầu tư trang thiết bị lớn và thích hợp cho việc xử lý quặng urani nghèo. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng với quặng urani nghèo vùng Pà Lừa - Pà Rồng có hàm lượng urani trong khoảng 0,0367 đến 0,0584% U, điều kiện hòa tách đống thích hợp là: kích thước hạt quặng <1cm, lượng axit H2SO4 tiêu hao từ 35–45 kg/tấn quặng, thời gian hòa tách phụ thuộc vào quy mô đống và trong khoảng 20–65 ngày, lượng chất oxy hóa 4kg MnO2/tấn quặng. Với điều kiện đó, hiệu suất thu nhận urani đạt hơn 76% và hàm lượng urani còn lại trong bã hòa tách <0,01%. Hiệu suất thu hồi urani tương đương với kết quả của thế giới khi xử lý quặng urani cùng loại.

 

KÊT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ TUYỂN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THAN BẰNG HUYỀN PHÙ TỰ SINH TẠI MỎ THAN KHE CHUỐI 

ThS. Nguyễn Hữu Nhân, KS. Phạm Văn Long, KS. Đỗ Nguyên Đán - Viện Khoa học công nghệ Mỏ-Vinacomin

Báo cáo giới thiệu các kết quả nghiên cứu và áp dụng công nghệ tuyển nâng cao chất lượng than tại mỏ Khe Chuối bằng thiết bị huyền phù tự sinh nhằm nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ thu hồi than sạch và năng lực chế biến tại mỏ than góp phần tăng sản lượng than sạch, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

 

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ ĐỀ XUẤT CÔNG NGHỆ TUYỂN THAN CÁM CHẤT LƯỢNG THẤP VÙNG QUẢNG NINH BẰNG THIẾT BỊ XOÁY LỐC HUYỀN PHÙ TỰ SINH

 

ThS. Nguyễn Hữu Nhân, ThS. Nguyễn Ngọc Tân, ThS. Mai Văn Thịnh - Viện Khoa học công nghệ Mỏ-Vinacomin

 

Báo cáo giới thiệu các kết quả nghiên cứu tuyển than cám chất lượng thấp của mỏ Cọc Sáu bằng thiết bị xoáy lốc huyền phù tự sinh nhằm nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ thu hồi than sạch và năng lực cho khâu sàng tuyển tại các mỏ than góp phần tăng sản lượng than sạch, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

 

NGHIÊN CỨU TÁCH KHOÁNG SÉT TRONG QUẶNG URAN PÀ LỪA PHỤC VỤ CÔNG NGHỆ HÒA TÁCH URAN BẰNG PHƯƠNG PHÁP HÒA TÁCH TĨNH 

ThS. Dương Văn Sự, ThS. Lê Quang Thái, KS. Trương Thị Ái và nnk - Viện Công nghệ xạ Hiếm 

Quặng phong hóa uran Pà Lừa có chứa nhiều khoáng vật sét, độ hạt và phân bố uran trong loại quặng này chủ yếu tập trung ở cấp hạt mịn -0,025 mm. Với đặc điểm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công nghệ hòa tách uran bằng phương pháp hòa tách tĩnh. Kết quả thí nghiệm đối chứng cho thấy mẫu tách khoáng sét (tách cấp hạt mịn) có thời gian hòa tách ít hơn và tổng lượng uran thu được trong dung dịch cao hơn so với mẫu chưa tách khoáng sét. Cần nghiên cứu khâu công nghệ gia công chuẩn bị nguyên liệu quặng cho hoà tách để đạt được quặng có kích thước tối ưu với số lượng là nhiều nhất; để sáng tỏ hơn cần có thí nghiệm đối chứng mẫu đã tách và chưa tách khoáng sét ở quy mô bán công nghiệp.

 

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU XÁC ĐỊNH SỰ SUY GIẢM CHẤT LƯỢNG THAN DO PHONG HÓA VỠ VỤN TRONG QUÁ TRÌNH CHẾ BIẾN, LƯU KHO Ở MỎ THAN KHE CHUỐI

ThS. Mai Văn Thịnh - Viện KHCN Mỏ - Vinacomin

 

Phong hóa than là hiện tượng than bị suy giảm phẩm cấp chất lượng và tự vỡ vụn khi để ngoài trời, làm giảm giá trị thương phẩm của than. Một trong những tác động tiêu cực lớn nhất do phong hóa than mỏ Khe Chuối là thành phần đá và bìa kẹp trong cấp hạt lớn bị vỡ vụn rất nhanh khi để ngoài trời không có mái che, đặc biệt khi bị phơi nắng trực tiếp và ngày đêm liên tục chịu tác động của sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm do nắng, mưa. Sự vỡ vụn của cấp hạt lớn, đặc biệt là đá và bìa kẹp vỡ vụn rất nhanh làm tăng cao độ tro của than cám, làm giảm giá trị than cục, hậu quả làm giảm giá trị thương phẩm của than. Báo cáo trình bày kết quả nghiên cứu xác định sự suy giảm chất lượng than mỏ Khe Chuối do phong hóa vỡ vụn trong quá trình chế biến, lưu kho và đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh than cho mỏ.

Nguồn: Vampro.vn


Tin khác
Thời tiết
27°C
Thống kê
40
304
1,481
10,346,465
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 81.650 83.650
SJC 75.360 77.060
Đối tác