Thế thao

Thể thao Việt Nam và khả năng tổ chức SEA Games: 5 câu hỏi tại sao

12/04/2015 - Chủ Nhật - 16:16 Lượt xem: 1
Cách đây đúng 1 năm, Việt Nam đã quyết định rút đăng cai ASIAD 18 năm 2019 mà nguyên nhân là công tác chuẩn bị chưa chặt chẽ, khó đảm bảo thành công. Còn cách đây 2 năm, dù vẫn vào tới TOP 3 SEA Games 27 với 74 tấm HCV, thì câu hỏi về mục tiêu tham dự, phấn đấu của thể thao nước nhà tại sân chơi khu vực vẫn được đặt ra. Vậy nên, việc Việt Nam có thể là chủ nhà của kỳ SEA Games 31 vào năm 2021 trở thành "điểm nóng" của làng thể thao


Thể thao Việt Nam và khả năng tổ chức SEA Games: 5 câu hỏi tại sao
ảnh minh họa

Và với 5 câu hỏi tại sao sau đây, Báo hy vọng phần nào giải đáp được "điểm nóng" này cùng bạn đọc.

1. Tại sao phải đăng cai?

Năm 1989 được xem là dấu mốc quan trọng khi Thể thao Việt Nam (TTVN) chính thức trở lại, hội nhập với đấu trường quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games 15 tổ chức tại Malaysia.  Thời điểm đó, tất nhiên mục tiêu của TTVN đơn giản là cải thiện vị thế của mình tại sân chơi khu vực và cái vị thế ấy không chỉ thể hiện qua số HCV ngày càng nhiều hơn qua từng kỳ đại hội, mà tới năm 2003, được nâng lên tầm cao mới khi Việt Nam lần đầu là chủ nhà của ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á.

Dù chức vô địch toàn đoàn năm đó còn nhiều điều để mà bàn luận, nhưng chẳng thể phủ nhận, SEA Games 22 năm 2003 chính là chỗ dựa, điểm xuất phát để TTVN hướng mục tiêu tới những sân chơi lớn hơn - châu lục và thế giới! Sau kỳ SEA Games này, tới năm 2009, Việt Nam còn là chủ nhà của Đại hội thể thao trong nhà châu Á - Asian Indoor Games; năm 2016 tới đây là Đại hội thể thao bãi biển châu Á - Asian Beach Games. Đó là chưa kể đến việc Hội đồng Ủy ban Olympic châu Á (OCA) trao quyền đăng cai Asian Games 2019, nhưng Việt Nam rút do chưa chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị.

 


SEA Games là sân chơi truyền thống của Thể thao Đông Nam Á

 

Vậy tại sao khi mà đã là chủ nhà của các đại hội thể thao tầm châu Á, TTVN lại đăng cai tổ chức SEA Games? Câu trả lời là khá đơn giản, theo Hiến chương của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, việc tổ chức SEA Games được trao cho từng quốc gia lần lượt theo thứ tự A, B, C... Việt Nam sau 10 năm tổ chức SEA Games 22 thì đến năm 2013 lại tới lượt của mình. Đó đơn giản là trách nhiệm, nghĩa vụ trong tư cách thành viên mà hơn thế, Việt Nam còn là 1 trong 6 sáng lập viên ra Liên đoàn Thể thao  Đông Nam Á cách đây gần nửa thế kỷ.

2. Tại sao là năm 2021?

Theo lịch trình mà Liên đoàn thể thao Đông Nam Á xác định, thì sau SEA Games 28 tại Singapore, các nước chủ nhà là: Malaysia - SEA Games 29 năm 2017, Brunei - SEA Games 30 năm 2019, Campuchia - SEA Games 31 năm 2021 và Việt Nam tổ chức SEA Games 32 vào năm 2023.

Tuy nhiên, trong phiên họp mới đây của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á tại Singapore, Ủy ban Olympic Campuchia xin được đăng cai SEA Games vào năm 2023 và Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đã đề nghi Việt Nam làm chủ nhà  SEA Games 31 năm 2021. Đề nghị này đã được cụ thể bằng lá thư của ông Chris Chan - chủ tịch Ủy ban Thể thao và luật của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á gửi  Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Hoàng Tuấn Anh - Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam - về việc xác nhận tổ chức SEA Games 2021.

Trong thư, Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đề nghị Ủy ban Olympic Việt Nam xin phép Chính phủ xác nhận bằng văn bản về việc tổ chức SEA Games 31 năm 2021 và công bố văn bản đó tại phiên họp hội đồng Liên đoàn thể thao Đông Nam Á vào ngày 4/6 tới ở Singapore.

Sớm tới 2 năm, tuy nhiên, điều này cũng nằm trong quy trình của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á khi việc xác nhận đăng cai Đại hội của Chính phủ và Ủy ban Olympic các quốc gia diễn ra càng sớm càng tốt, muộn nhất là bốn năm trước khi Đại hội diễn ra. Cũng vào thời điểm này, sau Singapore với SEA Games 28 và năm 2015, Malaysia đã xác nhận là chủ nhà kỳ Đại hội thứ 29 vào năm 2017.

3. Tại sao có thể chưa đăng cai

Tất nhiên, với nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, việc TTVN là chủ nhà SEA Games lần thứ hai chỉ là vấn đề thời gian. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trong cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa cuối tuần cho biết:  “Tổ chức SEA Games là quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia tham dự đại hội. Việt Nam đã đi tham dự đại hội ở nhiều quốc gia thì đến lượt Việt Nam phải là chủ nhà của đại hội theo Hiến chương của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á".

Bên cạnh đó, ông Vương Bích Thắng cũng khẳng định: "Việc tổ chức SEA Games có ý nghĩa lớn trong việc phát triển cơ sở vật chất thể thao và hạ tầng xã hội, động viên phong trào thể thao phát triển và góp phần đào tạo thêm VĐV cho TTVN”.

Thực tế SEA Games 22 năm 2003 là minh chứng cho lời khẳng định của ông Vương Bích Thắng. Tuy nhiên, dù là trách nhiệm hay quyền lợi, thì việc tổ chức và tổ chức thành công một kỳ Đại hội thể thao chỉ ở cấp khu vực cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ, chứ không thể đơn giản là việc... đến lượt!

Bài học đăng cai Asiad 2019 rõ ràng là chưa nguội, nếu không có sự chuẩn bị tốt nhất trên nhiều mặt. Quan trọng hơn, việc tổ chức một kỳ Đại hội thể thao không đơn thuần chỉ là những con tính "hơn, thiệt" trên phương diện thể thao mà còn phải được đặt trong tổng thể thực trạng phát triển chung của nền kinh tế - xã hội nước nhà.

Ngoài ra, việc chưa đăng cai tổ chức SEA Games cũng không hề là ngoại lệ với nền thể thao khu vực. Vào điều kiện chính trị, kinh tế khác nhau, SEA Games trước đây thường được tổ chức ở các quốc gia như: Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia... gần đây là Brunei, Việt Nam, Lào. Nếu tính cả Timor-Leste thì cùng với Campuchia là hai quốc gia trong khu vực chưa thể tổ chức SEA Games vì các điều kiện riêng. Hơn nữa, nếu nhìn vào suốt chiều dài lịch sử, thì không ít kỳ Đại hội đã phải thay đổi chủ nhà với những lý do khác nhau.

Và ngay với SEA Games 2021 tới, nếu Việt Nam quyết định không đăng cai thì vào tháng 6 tới Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ thông báo tới Liên đoàn thể thao Đông Nam Á để tìm kiếm quốc gia thay thế. Tóm lại, việc đăng cai tổ chức SEA Games, đúng là trách nhiệm, nhưng chưa hẳn đã là sự bắt buộc.

4. Tại sao là TP.HCM?

Việc có hay không đăng cai tổ chức SEA Games 2021 theo quy trình vẫn còn phải chờ ý kiến của Chính phủ. Tuy nhiên, ngay sau lá thư đề nghị xác nhận của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á vào ngày 4/6 tới, đã có nhiều ý kiến nghiêng về phương án tổ chức Đại hội tại TP.HCM.

Việc tổ chức kỳ SEA Games thứ hai tại TP.HCM thực ra đã nằm trong kế hoạch dự kiến của ngành TDTT. Bên cạnh việc Thủ đô Hà Nội đã từng tổ chức SEA Games 22, Asian Indoor Games 2009, thì việc tổ chức SEA Games 2021 được xem là sẽ giúp TP HCM có thêm động lực phát triển, đặc biệt là tạo nguồn lực để hoàn thiện cơ sở vật chất thể thao nơi có tiềm lực kinh tế mạnh nhất cả nước nhưng cơ sở vật chất thể thao chưa tương xứng.

Theo tính toán ban đầu với giới quản lý và chuyên môn, thì để tổ chức SEA Games, TP.HCM chỉ cần  xây một sân vận động mới hoặc tối thiểu phải cải tạo tốt sân vận động Thống Nhất. Ngoài ra là một bể bơi mới đạt chuẩn để tổ chức thi đấu môn bơi lội và môn nhảy cầu. Ngay cả bể bơi này cũng có thể làm đơn giản khi không phải lắp đặt hệ thống làm nóng nước do TP.HCM không có mùa đông nên không cần phải có nước ấm.

Hơn thế, việc không tổ chức SEA Games ở thủ đô cũng là cách làm khá phổ biến với các quốc gia trong khu vực vốn nhiều lần đăng cai tổ chức Đại hội. Đơn giản, việc đưa SEA Games về các địa phương khác sẽ tạo ra động lực cho sự phát triển rộng hơn.

5. Tại sao là 100 triệu USD?

Cuối cùng thì vẫn phải nói đến kinh phí tổ chức Đại hội, dù quy mô của SEA Games không quá lớn nếu so với Asiad 2019 mà Việt Nam đã từng xin rút quyền đăng cai. Lý do là bởi việc tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế lớn ở nước ta, nguồn chính vẫn cứ là ngân sách, khối ngân sách không hề nhỏ với so với các khoản chi cho an sinh, xã hội.

Báo giới gần đây dẫn lời 1 quan chức của Ủy ban Olympic Việt Nam, người từng nhiều năm "lăn lộn" với thể thao quốc tế rằng để tổ chức SEA Games 2021, chi phí dự kiến chỉ là khoảng 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, ý kiến này đã vấp ngay sự phản đối của chính dân trong nghề rằng là... không đủ! Và nó giống như mức dự trù khoản kinh phí 150 triệu USD để đăng cai Asiad 2018 vốn bị coi là thiếu khả thi.

Một cựu quan chức ngành thể thao đã dẫn ra ví dụ - Hai hạng mục cơ bản cần phải xây dựng tại TP.HCM để cho SEA Games 2021 là một sân vận động đạt tiêu chuẩn giống sân Mỹ Đình (khoảng 70 triệu USD) và một khu liên hợp thể thao dưới nước (khoảng 30 triệu USD) đã hết khoản dự trù 100 triệu USD. Cũng cần phải nhắc lại rằng, kinh phí để tổ chức SEA Games 2003 là khoảng 5.000 tỷ đồng, tương đương 250 triệu USD, vậy thì sau 12 năm... trượt giá, liệu con số này có đủ? Đó là chưa tính thêm cả yếu tố trượt giá tính từ nay cho tới ngày khai mạc năm 2021 sẽ lại làm đau đầu giới quản lý.

Vào thời điểm này, dĩ nhiên nói chuyện kinh phí tổ chức là thiếu tính thực tiễn. Và càng thiếu hơn khi chỉ bàn đến chuyện trông chờ vào ngân sách. 100 triệu hay 250 triệu USD hoặc cao hơn nữa có lẽ không quan trọng bằng việc tìm kiếm thêm các nguồn thu, tận dụng khả năng xã hội hóa... để giảm tải cho ngân sách.

Singapore dành một khoản kinh phí trị giá 324,5 triệu đô-la Singapore (SGD) - tức gần 241 triệu USD cho việc đăng cai tổ chức SEA Games 28 tới đây. Khoản ngân sách này không bao gồm số tiền hơn 60 triệu SGD nhận được từ 23 nhà tài trợ và sẽ dùng để trang trải kinh phí tổ chức, như sử dụng đầu tư cho nơi ở của VĐV và quan chức thể thao, tổ chức lễ khai mạc và bế mạc cũng như các chương trình tiếp cận cộng đồng.

Trước đó, Indonesia đổ ra đến 319 triệu USD cho sự kiện thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào năm 2011. Theo báo Jarkarta Globe, chính Bộ trưởng Bộ Thể thao và Thanh niên Indonesia thừa nhận đã “mượn đỡ” 66,6 triệu USD từ ngân sách giáo dục quốc gia đắp vào sự thiếu hụt tổ chức Đại hội. Gần nhất, theo tờ Myanmar Times, SEA Games năm 2013 tổ chức ở Myanmar tốn hơn 400 triệu USD.

Chỉ riêng Lễ bế mạc SEA Games 27 đã “ngốn” tới 30 triệu USD của nước chủ nhà. Vậy 100 triệu USD liệu có đủ cho TTVN tổ chức SEA Games 2021 khi vẫn còn tới 6 năm nữa?


Nguồn: xaluan.com


Tin khác
Thời tiết
32°C
Thống kê
17
742
233
10,350,637
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 80.000 82.500
SJC 73.680 75.380
Đối tác