Trao đổi - Phản biện

Xử lý tro xỉ, thạch cao làm VLXD: Cần sự hợp tác hơn từ ngành điện

07/11/2015 - Thứ Bảy - 22:25 Lượt xem: 1
Trao đổi với PV Báo Xây dựng về các giải pháp đồng bộ xử lý triệt để tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất, ông Lương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (VLXD) cho rằng, các đơn vị cần có ý thức khi phát thải nhằm đảm bảo chất thải đáp ứng chỉ tiêu chất lượng của nguyên liệu đầu vào cho sản xuất VLXD.

- PV: Vì sao, tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất hiện nay chưa được sử dụng rộng rãi trong sản xuất VLXD, thưa ông?

- Ông Lương Đức Long: Trước tiên, tôi xin khẳng định, ngành xây dựng đề xuất phương án xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất, xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như thể hiện trách nhiệm của ngành đối với xã hội, không phải do thiếu nguyên liệu sản xuất VLXD.

Trở lại với câu hỏi đặt ra, tôi cho rằng, ở Việt Nam, các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất chưa thực sự quan tâm đến chất lượng của các chất phát thải mà chỉ để ý đến ngành sản xuất chính. Do đó, chất phát thải vừa có chất lượng kém, vừa không đồng đều chất lượng nên không thể sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các ngành nghề khác, một cách rộng rãi.

Hiệu suất đốt than của các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam vẫn còn rất kém, mặc dù đã được cải thiện đáng kể, là một trong những nguyên nhân đáng kể làm chất lượng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện không thể sử dụng rộng rãi cho các ngành sản xuất kinh doanh khác. Trong quá khứ, nhà máy nhiệt điện được gọi là tiên tiến nhất là Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 1, có hàm lượng than chưa cháy chiếm 25 - 30%. Trong khi, tổng lượng than trong than cám 5 chỉ chiếm khoảng 65 - 70%. Như vậy, có nghĩa là nhà máy này chỉ đốt được khoảng 50 - 70% tổng số nguyên liệu than đầu vào. Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí có hàm lượng than chưa cháy 30 - 40%. Nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình có lúc hàm lượng than chưa cháy còn đến 60%.

Thời điểm hiện nay, ở Nhật Bản và Hàn Quốc, lượng than còn lại sau khi đốt nhỏ hơn 6%, thông thường còn khoảng 3 - 4%. Còn tại Việt Nam, ở Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 lượng than còn lại sau đốt giao động 15 - 20%. Ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, lượng than còn lại sau khi đốt trên 10%. Nói chung các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam hiện nay lượng than còn lại sau khi đốt còn từ 10 - 15%.

Trong khi đó, theo Tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay, hàm lượng than còn lại sau khi đốt đối với tro bay dùng cho xi măng khoảng 6%.

- PV: Vậy cách nào để có thể tiêu thụ được nhiều nhất khối lượng tro xỉ, thạch cao cho sản xuất VLXD?

- Ông Lương Đức Long:Như vậy, để đảm bảo tiêu thụ được số lượng nhiều nhất, tro xỉ, thạch cao phải được sử dụng cho rất nhiều loại VLXD khác nhau (bê tông, vữa xây, xi măng…) và đồng thời chất lượng của tro xỉ, thạch cao phải đáp ứng được những chỉ tiêu chất lượng nhất định cho từng loại VLXD (hàm lượng mất khi nung, hàm lượng SO3, hàm lượng CaOtd, hàm lượng kiềm, độ ẩm, chỉ số hoạt tính cường độ, hoạt độ phóng xạ tự nhiên…).

Hiện ngành xây dựng đã có rất nhiều các nghiên cứu, ứng dụng thực tế bước đầu cho việc sử dụng tro xỉ vào sản xuất VLXD. Tuy nhiên, một trong những trở lại lớn nhất hiện nay là chất lượng của tro xỉ, thạch cao chưa đảm bảo được tiêu chí chất lượng đầu vào nguyên liệu, nếu có thì cũng phải trải qua rất nhiều công đoạn xử lý dẫn đến giá thành của các loại nguyên liệu này rất cao, chưa khuyến khích được các nhà sản xuất VLXD.

Do đó, các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất phải có ý thức khi phát thải, phải tính đến phương án phát thải đảm bảo tro xỉ, thạch cao đáp ứng được những tiêu chí về chất lượng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất VLXD.

Ở Nhật Bản làm rất tốt điều này. Tro xỉ của các nhà máy sản xuất thép tại Nhật Bản tốt hơn xỉ của các nhà máy sản xuất thép của Việt Nam đang có. Các nhà máy sản xuất thép ở Nhật Bản hiểu được rằng, nếu trong quá trình sản xuất, họ tạo ra chất thải có chất lượng tốt thì ngành xi măng sẽ sử dụng được. Do đó, họ đầu tư thêm hệ thống làm hoạt hoá chất xỉ thải để ngành xi măng có thể sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng.


 

- PV: Vậy, ông có đề xuất gì với ngành điện?

- Ông Lương Đức Long: Tôi cho rằng, ngành Điện cần phát động một chương trình tìm cách đốt kiệt than trong khi sản xuất ra điện. Về giải pháp lâu dài, ngành điện hoàn toàn có thể đặt vấn đề với các nhà cung cấp thiết bị, cung cấp buồng đốt than phù hợp với đặc trưng của than Việt Nam để đảm bảo lượng than đốt kiệt.

Về giải pháp trước mắt, đối với các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động hoặc đã lắp đặt thiết bị hoàn chỉnh, nhưng nếu được vận hành tốt, sẽ giảm được lượng than chưa được đốt cháy. Hiện nay, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh, phường Hà Khánh, TP Hạ Long, nhiều thời điểm lượng than chưa cháy chỉ còn 6 - 8%, đảm bảo tiêu chuẩn Mỹ, với công nghệ sản xuất không có gì tiên tiến, công suất nhỏ. Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả cũng có thời gian đốt được như vậy.

Hay đối với ngành xây dựng, khi xây dựng Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch 1 với dây chuyền của Đan Mạch. Các chuyên gia nước ngoài cho rằng phải dùng thêm 15% dầu mới đốt hết được than antraxit của Việt Nam. Nhưng bằng quyết tâm của các nhà máy xi măng và các nhà khoa học của Việt Nam, dưới sức ép về giá thành, nhiều nhà máy xi măng đã không phải đốt thêm dầu mà vẫn dùng được than antraxit, nhờ cải tiến công nghệ đốt.

Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm của cả cộng đồng, của tất cả các ngành trong xử lý tro xỉ, thạch cao cho các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Thanh Nga/baoxaydung.com.vn 


Tin khác
Thời tiết
30°C
Thống kê
12
855
296
10,345,535
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 81.700 83.700
SJC 75.530 77.230
Đối tác