Trao đổi - Phản biện

BỘ TRƯỞNG TRẦN HỒNG HÀ “TRẢI LÒNG” VỀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI, KHOÁNG SẢN

14/12/2016 - Thứ Tư - 16:03 Lượt xem: 1
Trước chất vấn của đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thái Học, Ngọ Duy Hiểu… về vấn đề quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những chia sẻ thẳng thắn.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp Ban quản lý rừng quản lý sử dụng là nguồn lực rất lớn nhưng chưa được khai phá hiệu quả. Quản lý đất đai nông, lâm trường còn hạn chế, bị buông lỏng trong một thời gian dài, dễ bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài không được giải quyết. Ranh giới giữa bản đồ thực địa cụ thể một số nông, lâm trường giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết không đúng theo quy định.

datdai

Còn nhiều hạn chế, sai phạm trong quản lý đất đai.

Đã cấp trên 95% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 giao trách nhiệm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có nông, lâm trường triển khai thực hiện các nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ, sắp xếp, phê duyệt phương án tổng thể, sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Cho đến nay đã có 27/39 tỉnh, thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại. Đã có 141.983 km ranh giới chiếm 88% đã cắm được 33.195 mốc giới chiếm khoảng 45%, đo đạc lập bản đồ địa chính được 632.000ha và cấp hơn 11,5 nghìn giấy chứng nhận, đã chuyển sang cho thuê theo quy định với diện tích trên 1,1 triệu ha, có 10 tỉnh đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ xác định ranh giới sử dụng đất. Qua rà soát, sắp xếp sẽ bàn giao lại cho các địa phương gần 500.000ha để quản lý, sử dụng hiệu quả hơn và giải quyết tình hình sử dụng đất của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng cho biết, việc cấp các giấy tờ này khó khăn là do cơ chế, chính sách thay đổi nhiều lần, nghĩa vụ tài chính áp dụng cho việc cấp giấy còn bất cập, chưa phù hợp với từng loại đối tượng mà luật pháp chưa cập nhật kịp thời. Trong số 5% này còn có nhiều trường hợp sinh sống, sử dụng đất trước ngày 15/12/1980 nhưng không có các loại giấy hợp lệ theo quy định do bị thất lạc. Nhiều trường hợp người có công như bộ đội, giáo viên nhưng giấy tờ chưa hợp lệ vì các quy định của chúng ta chưa tính hết. Có trường hợp vi phạm pháp luật đất đai như lấn chiếm, chuyển dụng mục đích trái phép, mua bán giao tay. Nhiều chủ đầu tư hoàn thành xây dựng bàn giao nhà xong đã chậm trễ trong việc nộp hồ sơ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận và nhiều chủ đầu tư vi phạm. Cũng có những hộ thực hiện việc thế chấp giấy tờ nhưng không có đủ để cấp.Về vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, thực hiện Nghị quyết 30 đến năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiệm vụ này một cách quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp ủy Đảng, địa phương. Trong cả nước đã cấp được trên 95% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mặc dù chỉ còn khoảng 5% diện tích cần tiếp tục cấp giấy chứng nhận nhưng đây là vấn đề rất phức tạp, rất khó và cũng là một điểm nóng có nhiều khiếu kiện.

“Quan điểm xử lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường chúng tôi cho rằng, việc hoàn thành cấp 5% là một việc đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các cấp phải tập trung hoàn thành, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, lợi ích của người có đất và có nhà. Điều kiện để thực hiện các quyền của người sử dụng đất đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý về đất đai, giảm bớt khiếu nại, tố cáo và thúc đẩy thị trường bất động sản. Phải tập trung vào các địa bàn trọng điểm, nhất là các đô thị, khu vực phức tạp có nhiều khiếu kiện. Việc xử lý phải căn cứ theo từng nhóm đối tượng, theo quy định của pháp luật tại từng thời điểm. Phải đảm bảo công bằng đối với các đối tượng trong mọi thời kỳ và theo cơ chế chính sách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử phạt hành chính. Việc chấp hành pháp luật liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất và xử lý thật nghiêm đối với trường hợp cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, công khai các doanh nghiệp vi phạm”. – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Khai thác khoáng sản diễn biến phức tạp

Về khai thác khoáng sản, các đại biểu Nguyễn Thái Học, Ngọ Duy Hiểu đã chất vấn liên quan đến các nhóm vấn đề và đặt ra rất nhiều bức xúc hiện nay liên quan đến vấn đề khai thác và sử dụng hiệu quả khoáng sản. “Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với những nhận định, đánh giá của các đại biểu. Chúng tôi đã tiếp thu các vấn đề này và trình Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi Nghị định 15 liên quan đến hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản, trong đó đã để ý đến vấn đề tăng cường quản lý, khai thác khoáng sản, quản lý sản lượng khoáng sản cũng như bảo vệ các khoáng sản chưa khai thác. Đặc biệt, đối với vấn đề khai thác cát chúng tôi quan tâm giải quyết công tác quy hoạch, phối hợp giữa các địa phương có ranh giới liền nhau và cơ chế phối hợp của các địa phương cũng như là phải huy động các lực lượng, hệ thống chính trị và xác định trách nhiệm người đứng đầu của các địa phương này trong việc nếu để xảy ra khai thác trái phép. Đồng thời chỉnh đốn việc tổ chức đấu thầu chọn các doanh nghiệp có năng lực”.

Liên quan đến tài nguyên nước và biến đổi khí hậu do các đại biểu Phùng Văn Cường, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Thể, Nguyễn Tuấn Anh chất vấn, người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đối với tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn hán thiếu nước do xâm ngập mặn như tôi đã nói nó xuất phát từ 2 nguyên nhân là vừa thiên tai vừa nhân tai do các nước ở thượng nguồn đóng góp vào đây, có thể nói, rất nghiêm trọng.

“Trên thực tế chúng ta không bị động và chúng ta đã xây dựng quy hoạch chiến lược, chúng ta đã có các chương trình rất cụ thể đối với những khu vực này. Đồng thời, chúng ta đã có một nghiên cứu đánh giá tổng thể, mời các nhà khoa học, tổ chức quốc tế vào để đánh giá tổng thể, tổng hợp về tác động của các công trình thủy điện ở thượng nguồn đối với hạ nguồn bao gồm các nhà máy thủy điện từ Trung Quốc cho đến Lào, Campuchia, v.v… chúng ta đã tính đến. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để giúp Bộ Chính trị, nhà nước, cũng như phối hợp với Ủy ban sông Mê Kông và các tổ chức quốc tế để có thể đàm phán đấu tranh, chia sẻ lợi ích sử dụng nước ở đây”. – Bộ trưởng nói.

Nguồn: Nam Phong/enternews.vn


Tin khác
Thời tiết
29°C
Thống kê
17
875
467
10,354,687
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 81.800 84.000
SJC 73.620 75.320
Đối tác