Trao đổi - Phản biện

Khoa học và công nghệ mỏ, luyện kim: Bước chuyển mình mạnh mẽ

06/06/2023 - Thứ Ba - 22:43 Lượt xem: 1
Nhờ bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, ngành KHCN mỏ, luyện kim đã có những bước tiến vượt bậc trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Đào Duy Anh – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Vimluki).
Thưa ông, sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 (NQ 20) Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được ban hành, đến nay khoa học và công nghệ trong lĩnh vực khai thác, làm giàu khoáng sản và luyện kim đã có những bước tiến như thế nào?
                                    
TS. Đào Duy Anh chia sẻ về sự thay đổi của Vimluki nhờ bám sát các chủ trương, chính sách về KHCN
Khai thác, làm giàu khoáng sản và luyện kim là ngành công nghiệp cung cấp nguyên, nhiên liệu cho các ngành công nghiệp khác, có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp và kinh tế đất nước.
Cụ thể, chúng tôi đã xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, trong đó, lấy trọng tâm là các đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ tập trung vào công tác xây dựng chính sách, công cụ quản lý, thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ, thiết bị trong các doanh nghiệp đang hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản như: Nghiên cứu, tham mưu các cấp quản lý đưa ra cơ chế, chính sách với các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ để các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản mới sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, thân thiện môi trường…; nghiên cứu-phát triển (R-D) khoa học, công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản. Từ đó, đã từng bước thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp về lợi ích của khoa học và công nghệ đối với phát triển, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp từ mọi thành phần kinh tế vào công tác R-D, khoa học, công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Sau 10 năm triển khai nội dung NQ20, khoa học, công nghệ đã thúc đẩy ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng chuyển biến rõ rệt về trình độ công nghệ, thiết bị nói chung. Qua đó, hình thành nhiều tổ hợp khai thác, chế biến khoáng công suất lớn, có công nghệ, thiết bị và trình độ quản trị hiện đại, hội nhập nền công nghiệp 4.0. Phát triển bền vững, sản xuất xanh, hội nhập cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, sản xuất kinh doanh…dần trở thành nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng để có thể tồn tại trong môi trường, bối cảnh cạnh tranh mới.
Là đơn vị nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ mỏ - luyện kim, thời gian qua Vimluki đã triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học gắn với sự phát triển của ngành Công Thương thế nào, thưa ông?
Hoạt động nghiên cứu triển khai (R-D), khoa học và công nghệ của Vimluki luôn bám sát định hướng phát triển khoa học và công nghệ, phát triển ngành Công Thương, ngành công nghiệp Mỏ của Đảng, Chính phủ và Bộ Công Thương. Từ đó, xây dựng các định hướng R-D phù hợp để tham gia các Chương trình, Đề án khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo đó, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ của Vimluki có 02 trọng tâm chính: Trước hết, R-D khoa học, công nghệ để xây dựng các luận cứ, công cụ quản lý.... giúp các cấp lãnh đạo trong quản lý, phát triển ngành, lĩnh vực như: Xây dựng các quy hoạch, chiến lược, định hướng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho ngành, lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, sản xuất.
Công tác R-D của Vimluki vừa có tính chất đón đầu xu hướng khoa học, công nghệ, vừa giải quyết các nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất. Đồng thời, song hành cùng các doanh nghiệp trong mục tiêu đổi mới công nghệ, thiết bị, quản trị ở các doanh nghiệp đang hoạt động và phát triển các doanh nghiệp mới có công nghệ, thiết bị hiện đại, trình độ quản trị tiên tiến. Do đó, trong 10 năm qua, hầu hết các dự án triển khai về khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim lớn của đất nước đều có sự tham gia của Vimluki.
Bên cạnh đó, thông qua các Dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị nghiên cứu và các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, Vimluki đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí nhà nước để nâng cao tiềm lực về trang thiết bị nghiên cứu. Đồng thời, tập trung R-D các công nghệ, thiết bị mới, đẩy mạnh hợp tác quốc tế..., chuyển giao cho các đơn vị trong nước nhằm phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng của Việt Nam từng bước trở thành ngành công nghiệp xanh, phát triển theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn.
Ông có thể cho biết, đâu là khó khăn trong việc triển khai thực hiện các đề tài và chuyển giao công nghệ?
Trong những năm qua, từ chủ trương của NQ20, nhiều cơ chế, chính sách được triển khai...đã tạo thuận lợi cho công tác R-D, khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, thực hiện R-D khoa học, công nghệ cho lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng vẫn còn một số bất cập.
                                  
Nhiều hội thảo khoa học được Vimluki tổ chức thường xuyên
Cụ thể, khai thác, chế biến khoáng sản là ngành công nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu cho các ngành công nghiệp khác.
Tuy nhiên, hiện cả nước chưa có một phòng thí nghiệm đồng bộ, đạt chuẩn quốc gia cho lĩnh vực công nghiệp này. Điều này đã làm hạn chế đóng góp của khoa học và công nghệ đối với phát triển ngành và khả năng hội nhập với khu vực và thế giới.
Cùng với đó là bất cập trong yêu cầu đơn vị khoa học, công nghệ công lập hoạt động theo mô hình tự chủ như: (i)- Mọi hoạt động khoa học, công nghệ được ưu tiên tạo ra nguồn thu ngay để duy trì hoạt động của tổ chức, những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu đón đầu xu hướng mang tính dẫn dắt khoa học, công nghệ ngành bị hạn chế phát triển; (ii)- Khả năng tự nâng cao tiềm lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu và tiềm lực con người như đào tạo phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao rất hạn chế, trong khi sự chuyển dịch nhân lực có trình độ cao sang các thành phần kinh tế khác có khả năng đãi ngộ tốt hơn ngày càng tăng, dẫn tới thực trạng suy giảm nhân lực nói riêng và suy yếu tiềm lực của các tổ chức sự nghiệp khoa học, công nghệ nói chung; (iii)-Việc áp các quy định về thuế và nghĩa vụ tài chính của các đơn vị sự nghiệp khoa học, công nghệ như các doanh nghiệp thông thường làm mất khả năng phát triển của tổ chức khoa học, công nghệ.
Bên cạnh đó, các quy định hiện hành về khoa học và công nghệ chưa khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Yêu cầu có doanh nghiệp tham gia, đối ứng trong triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có khả năng gây tranh chấp về sở hữu sản phẩm khoa học, công nghệ cũng như tài sản hình thành.
Theo ông, để khoa học, công nghệ thực sự là động lực, nền tảng cho phát triển kinh tế, chúng ta cần phải có những cơ chế chính sách nào, thưa ông?
Trước hết, cần tăng quyền tự chủ về tổ chức, nhân sự và tài chính (đặc biệt là đãi ngộ cho cán bộ khoa học, công nghệ có trình độ cao) cho các tổ chức sự nghiệp khoa học, công nghệ công lập, kể cả các tổ chức mới tự chủ một phần chi thường xuyên do mức chi này cố định và luôn theo xu hưởng giảm theo từng năm.
Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ thường xuyên để nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, đào tạo cán bộ khoa học, công nghệ... Thành lập quỹ đầu tư rủi ro cho khoa học, công nghệ và cụ thể hóa các quy định để vừa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Nhà nước, của tổ chức khoa học và công nghệ cũng như khuyến khích sự tham gia của mọi tổ chức, cá nhân vào R-D khoa học, công nghệ.
Cuối cùng, Nhà nước cần đặt hàng những nhiệm vụ khoa học, công nghệ mang tính đón đầu xu thế công nghệ, dẫn dắt sự phát triển ngành, lĩnh vực, song song, với tuyển chọn các nhiệm vụ do các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ đề xuất.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: congthuong.vn/


Tin khác
Thời tiết
30°C
Thống kê
12
918
296
10,345,598
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 81.700 83.700
SJC 75.360 77.060
Đối tác