Văn hóa xã hội

MỘT SỐ NĂM THÂN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

26/01/2016 - Thứ Ba - 22:25 Lượt xem: 1
Năm Bính Thân 1056, Lý Thánh Tông là vị vua đầu tiên hạ chiếu khuyến nông, tờ chiếu này được công bố vào tháng 4 mở đầu chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp với quy mô lớn.

          Năm Bính Thân 1056, Lý Thánh Tông là vị vua đầu tiên hạ chiếu khuyến nông, tờ chiếu này được công bố vào tháng 4 mở đầu chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp với quy mô lớn.

          Năm Giáp Thân 1224, tháng 10, Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ lấy cớ vua mắc bệnh khó chữa, ép Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái út là Chiêu Thánh Công chúa (Lý Phật Kim) rồi đi tu ở chùa Chân Giáo. Trong bối cảnh chính sự phức tạp lúc đó, Lý Phật Kim - một bé gái 7 tuổi lên ngôi, trở thành nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam với hiệu là Chiêu Hoàng. Tháng 12 năm sau, Lý Chiêu Hoàng bị buộc thoái vị, nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông, vị vua mở đầu triều đại Nhà Trần).

          Năm Nhâm Thân 1272, tháng 7 học giả Lê Văn Hưu, lúc đó là Hàn lâm viện Học sĩ, Quốc sử viện Giám tu soạn xong bộ sách “Đại Việt sử ký” gồm 30 quyển chép từ cuối đời An Dương Vương đến hết triều Lý. Đây là công trình sử học đồ sộ và toàn diện nhất thời kỳ cổ trung đại nước ta nhưng đã bị quân nhà Minh đưa về Trung Quốc trong thời kỳ đô hộ cuối thế kỷ XIV.

          Năm Giáp Thân 1284, tháng 12 hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi LăngHưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn rút quân về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho triệu Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng: "Thế giặc to như vậy, chống lại chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?". Hưng Đạo Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã!". Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam, thảo bản Dụ chư tỳ tướng hịch văn (thường gọi là Hịch tướng sĩ văn) để khuyên răn tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông lần 2.

          Năm Bính Thân 1416, tháng 3 Lê Lợi, một vị hào trưởng có uy tín ở Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hoá) đã cùng 18 người (gồm Lê Lai, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Lưu Nhân Chú…) tổ chức Hội thề Lũng Nhai (Thường Xuân, Thanh Hóa), làm lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em để đồng lòng đánh giặc Minh, cứu nước. Từ sau Hội thề, Lam Sơn trở thành địa điểm tụ nghĩa thu hút các anh hùng hào kiệt, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống quân Minh.

          Năm Mậu Thân 1428, tháng 1 cuộc kháng chiến chống Minh toàn thắng sau 9 năm gian khổ (1418-1427). Tháng 2, ban bố “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi soạn, được coi như bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ 2 (sau bài thơ “Nam quốc sơn hà”). Ngày 29/4 Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở ra triều Hậu Lê (1428-1786), đặt lại quốc hiệu là Đại Việt, miễn giảm tô thuế cho dân, khen thưởng người có công và ban hành luật lệ, xây dựng bộ máy nhà nước Trung ương tập quyền.

          Năm Nhâm Thân 1632, ở Đàng Trong Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển, cứ 6 năm 1 lần duyệt tuyển lớn, 3 năm một lần duyệt tuyển nhỏ. Mỗi kỳ tuyển lớn tổ chức cho học trò các huyện đến trấn dinh khảo thí một ngày. Bắt đầu cải cách cơ cấu tổ chức, quản lý, làm sổ hộ tịch và định lại chế độ thuế khóa.

           Năm Bính Thân 1776, khởi nghĩa Tây Sơn lan rộng và giành nhiều thắng lợi. Ngày 8 tháng 2 Nguyễn Lữ đem thủy binh đánh chiếm Gia Định khiến Chúa Nguyễn đại bại, phải chạy về Đồng Nai. Tháng 4, Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, đúc ấn vàng, phong Nguyễn Huệ làm Phụ chính, Nguyễn Lữ là Thiếu phó. 

        Năm Mậu Thân 1788, tại Phú Xuân, nhận được tin cấp báo quân Thanh đã xâm lược nước ta, ngày 25/11 (22/12/1978) Nguyễn Huệ lập tức lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung và khởi binh ra Bắc tiêu diệt quân Thanh. Sau 4 ngày hành quân thần tốc từ Phú Xuân, đại quân Quang Trung đã có mặt tại Nghệ An; dừng lại 10 ngày, tuyển mộ thêm binh sĩ. Ngày 20 tháng Chạp, Quang Trung đến Tam Điệp, Ninh Bình, truyền hịch lên án quân xâm lược Mãn Thanh; tổ chức khao quân và làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước. Đúng vào ngày 30 Tết, năm cánh quân xuất phát từ Tam Điệp tiến nhanh ra giải phóng Bắc Hà.

          Năm Bính Thân 1836 (tức năm Minh Mạng thứ 17), tháng 2, triều Nguyễn xác định chủ quyền toàn vẹn trên quần đảo Hoàng Sa, cử Suất đội Thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền ra đo đạc và cắm mốc. Tháng 7, tổ chức cải cách giáo dục sâu rộng.

          Năm Giáp Thân 1884, Nhà Nguyễn buộc phải ký Hoà ước Giáp Thân (Hoà ước Patenôtre) với Chính phủ Pháp do Sứ thần Patenôtre đại diện. Hoà ước gồm 19 điều, chấp nhận quyền bảo hộ của Pháp.

          Năm Giáp Thân 1944, ngày 7/5, Tổng Bộ Việt Minh ra chỉ thị về chuẩn bị khởi nghĩa trên toàn quốc. Ngày 22/12 thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

          Năm Mậu Thân 1968, ngày 29/1, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên khắp các tỉnh thành miền Nam. Ngày 31/3 Tổng thống Mỹ tuyên bố ngừng ném bom bắn phá Miền Bắc. Ngày 13/5, Hội nghị Pari giữa hai chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ khai mạc./.

Nguồn: Trần Văn Trạch/vampro.vn


Tin khác
Thời tiết
24°C
Thống kê
189
1,099
9,886
10,307,281
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 78.800 80.800
SJC 69.880 71.080
Đối tác