Văn hóa xã hội

MỘT SỐ NHÂN VẬT TUỔI THÂN TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

26/01/2016 - Thứ Ba - 22:54 Lượt xem: 1
Tuổi thân

Tuổi Giáp Thân:

- Thiền sư Đồng Kiên Cương (1284-1330), hiệu là Pháp Loa Tôn giả. Năm 1308, Ngài được Trúc Lâm Đệ nhất Tổ là Trần Nhân Tông trao quyền thừa kế, trở thành vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Ngài đã biên soạn nhiều tác phẩm Phật học có giá trị.

- Đại thần Nguyễn Văn Tường (1824-1886), tên khai sinh là Nguyễn Phước Tường, trùng với họ nhà vua nên đỗ tú tài năm 1842 nhưng bị gạch tên và lưu đầy. Sau khi cải thành Nguyễn Văn Tường, Ông đỗ cử nhân năm 1850. Đường hoạn lộ của Ông khá hanh thông; Ông làm tới chức Phụ chính đại thần nhưng bị mang tiếng xấu là đầu hàng Pháp, đứng đầu phái chủ hoà, thậm chí bị coi là bán nước. Điều gây băn khoăn là sau khi Pháp chiếm được Kinh thành Huế (1885), Ông không những không được Pháp ưu ái mà còn bị quản thúc, tra khảo rồi đày đi Tahiti và mất ở đó. Gần đây đã tìm được Dụ của Vua Hàm Nghi giao cho Ông ở lại làm nhiệm vụ đối phó, tranh biện với Pháp trong khi Nhà vua cùng Tôn Thất Thuyết chủ trì kháng chiến (chủ trương “vừa đánh vừa đàm”). Năm 2007, Hội thảo Khoa học Lịch sử Việt Nam đã chính thức minh oan cho Ông và dâng tặng bia kỷ niệm cho dòng họ Ông ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị.

- Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958), tên thật là Hồ Văn Trung, quê ở huyện Gò Công, Tiền Giang. Sau khi đỗ Thành chung, Ông làm ký lục, thông ngôn rôi lên đến chức Đốc phủ sứ (1936). Ông nổi tiếng với bút danh Hồ Biểu Chánh. Ông đóng góp nhiều cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại viết bằng chữ quốc ngữ với cốt truyện đơn giản, triết lý chủ đạo là thiện thắng ác, ở hiền gặp lành; đặc biệt mang phong vị Nam Bộ, từ giọng văn đến cách miêu tả con người. Ông để lại một khối lượng sáng tác lớn: 64 tiểu thuyết, 12 tập truyện, 12 vở kịch, 5 tập thơ và truyện thơ, 8 tập ký, 28 tập khảo cứu-phê bình và 2 tác phẩm dịch. Từ 1989-2015 có tới 14 bộ phim dựng theo tác phẩm của Ông.

Tuổi Bính Thân:

-  Nhà văn Hoàng Ngọc Phách (1896-1973). Nhà văn- nhà giáo, quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương năm 1922 và gắn bó chủ yếu với công tác giáo dục. Ông là tác giả cuốn  tiểu thuyết Tố Tâm khi học Cao đẳng Sư phạm; là đồng tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu như: Thơ văn Nguyễn Khuyến, Văn thơ Trần Tế Xương, Nhị Độ Mai, Cung oán Ngâm khúc, Thơ văn Phan Chu Trinh… Tiểu thuyết Tố Tâm  đã tái bản hơn 30 lần, được dịch sang tiếng Pháp và được Nhà xuất bản Gallimar ấn hành trong Tủ sách”Tìm hiểu Phương Đông” với đầu đề “Một trái tim trong trắng”.

- Liệt sĩ Phạm Hồng Thái (1896-1924). Là nhân vật nòng cốt của nhóm Tâm Tâm Xã ở Quảng Châu. Ông đã ném tạc đạn mưu sát Toàn quyền Đông Dương Merlin khi ông này sang Sa Điện, Quảng Châu. Bị truy đuổi gắt gao, Phạm Hồng Thái đã gieo mình xuống dòng Châu Giang.Thi hài Ông được an táng tại Đài Liệt sĩ Hoàng Hoa Cương cùng 72 liệt sĩ Trung Quốc hy sinh trong Cách mạng Tân Hợi (1911).

- Nhà văn Khái Hưng (1896-1947) tức Trần Khánh Giư, quê ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông là nhà văn chủ chốt trong nhóm Tự Lực Văn đoàn với nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như Hồn bướm mơ tiên, Tiêu Sơn Tráng sĩ, Trống Mái, Gánh hàng hoa…

- Nhà viết kịch Vũ Đình Long (1896-1960) quê ở huyện Thanh Oai, Hà Nội, tác giả của vở kịch nổi tiếng “Chén thuốc độc” được coi là tác phẩm khai phá nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam. Ông chủ trương Nhà xuất bản Tân Dân và các báo Tiểu thuyết Thứ bảy, Phổ thông Bán nguyệt san…

Tuổi Mậu Thân:

- Nhà Cách mạng Ngô Gia Tự (1908-1935) quê ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1929, Ông là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Cuối  năm 1930, Ông bị bắt và năm 1933 bị đày ra Côn Đảo. Ngô Gia Tự mất tích trên biển trong chuyến vượt ngục đầu năm 1935.

- Nhà Cách mạng Nguyễn Đức Cảnh (1908-1932), một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông bị Pháp chém đầu tại Hải Phòng; thi hài Ông được xác định qua phương pháp ngoại cảm năm 2007.

- Nhà Cách mạng Đoàn Trần Nghiệp (1908-1930) tức Ký Con, tên thật là Đặng Trần Nghiệp (Ông khai họ sai đi khi hoạt động để tránh liên luỵ đến gia đình, dòng họ). Là yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Đảng; trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, Ông chỉ huy khu vực Hà Nội. Ông bị Pháp bắt và chém đầu cũng 06 đồng chí ngay trước Nhà tù Hoả Lò.

Tuổi Canh Thân:

- Danh nhân Văn hoá Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai. Ông đỗ Thái học sinh (tiến sĩ), là công thần khai quốc thời Lê. Ông là nhà chính trị, nhà thơ, nhà văn hoá lớn; tác giả Bình Ngô Đại cáo, Quân trung Từ mệnh tập, Quốc âm Thi tập, Dư địa chí.

- Tổng đốc Nguyễn Tri Phương (1800-1873) quê ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Là đại thần triều Nguyễn, Ông từng đảm nhiệm chức vụ Khâm sai, Đông Các Đại học sĩ, Thái tử Thái bảo, Kinh lược sứ Nam Kỳ… Là Tổng đốc, Ông chỉ huy cuộc chiến đấu không cân sức bảo vệ Hà Nội ngày 20/11/1873. Con Ông là Phò mã Nguyễn Lâm (là rể của Vua Thiệu Trị) tử trận. Ông bị thương nặng và bị bắt song không chịu để băng bó rồi tuyệt thực đến chết. Ông được thờ trong Đền Trung Liệt trên gò Đống Đa (cùng với Tổng đốc Hoàng Diệu cũng hy sinh khi bảo vệ Hà Nội năm 1882) với câu đối:

“Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa

Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên”.

Tạm dịch:

Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn đất đỏ

Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh.

- Liệt sĩ Mai Xuân Thưởng (1860-1887) quê ở huyện Tây Sơn, Bình Định. Sau khi thi đỗ cử nhân, Ông hưởng ứng Chiếu Cần Vương và dần trở thành lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Bình Định. Ông bị Pháp chém đầu cùng 26 đồng chí vào  tháng 6/1887.

Tuổi Nhâm Thân:

- Nhà chính trị Đào Duy Từ (1572-1634) quê ở huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Do dòng dõi là con cháu phường chèo, Ông đã cải theo họ mẹ là Vũ Duy Từ đi thi đỗ Á nguyên kỳ thi Hương năm 1593; vào thi Hội thì bị phát giác. Sau một số năm mai danh ẩn tích, Ông bỏ Đàng Ngoài, trốn vào Đàng Trong theo Chúa Nguyễn. Ông được coi là Khai quốc công thần. Đào Duy Từ là tác giả bài văn Ngọa Long Cương Văn (ý ví mình với Gia Cát Lượng ở ẩn) và Hổ trướng Khu cơ (tác phẩm nghệ thuật quân sự). Ông chỉ huy đắp Luỹ Trường Dục, Luỹ Động Hải, Luỹ Trường Sa ở Đồng Hới, Quảng Bình để ngăn quân Trịnh (thường gọi chung là Luỹ Thầy vì Ông được dân chúng tôn vinh là  bậc Thầy).

-Vua Hàm Nghi (1872-1943) tức Nguyễn Ưng Lịch. Ngài là vị vua thứ 8 của Triều Nguyễn. Ngài lên ngôi năm 1884. Sau sự kiện đánh đồn Mang Cá, Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết đưa Nhà vua rời kinh đô lên vùng núi Quảng Trị. Tại đây Ngài ban Chiếu Cần Vương kêu gọi kháng chiến chống Pháp. Tháng 9/1988, Ngài bị Pháp bắt và đưa đi an trí tại Alger, thủ đô nước Algeri, thuộc địa Pháp và mất ở đó.

-Chí sĩ Phan Chu Trinh (1872-1926), hiệu là Tây Hồ quê ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Năm 1901, Ông đỗ Phó bảng và được cử làm Thừa biện Bộ Lễ song đã từ quan năm 1905 và đi vào hoạt động cách mạng với chủ trương bất bạo động. Ông chủ trì vận động Phong trào Duy Tân với khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (mở mang hiểu biết của dân, củng cố ý chí của dân, chú trọng đời sống của dân). Sau khi bị tù ở Côn Đảo năm 1908-1910, nhờ sự can thiệp của các lực lượng trí thức Pháp, Ông sang Pháp từ năm 1911 tới năm 1925. Về nước chưa đầy 1 năm, Ông qua đời tháng 3/1926. Đám tang Ông là sự kiện lịch sử nổi bật với 60.000 người dự ở Sài Gòn và các cuộc truy điệu trên khắp ba kỳ, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân ta./.

Nguồn: Trần Văn Trạch/vampro.vn


Tin khác
Thời tiết
24°C
Thống kê
82
412
168
10,351,679
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 80.000 82.500
SJC 73.680 75.380
Đối tác