Văn học nghệ thuật

NĂM THÂN, TẢN MẠN CHUYỆN LOÀI KHỈ

26/01/2016 - Thứ Ba - 22:58 Lượt xem: 1
Con vật chủ, con giáp của năm Thân là Chú khỉ. Theo hệ Can Chi thì năm Thân đứng thứ 9 trong Thập nhị chi. Tháng Thân là tháng 7 Âm lịch; giờ Thân tính từ 15h đến 17 h. Trong 12 con giáp, con khỉ tuy là thú hoang nhưng láu lỉnh, nhanh nhẹn; đứng về mặt sinh học lại gần giống với con người nhất.

Khỉ là động vật có vú thuộc Bộ Linh trưởng (Primates) gồm nhiều loài khác nhau như Khỉ (monkey,singe); Vượn (gibbon), Tinh tinh (pan); Đười ươi (orang-outang, pongo); Khỉ đột (gorilla); Voọc… Mỗi loài lại chia ra nhiều phân loài. To nhất là loài Khỉ đột, con đực có thể nặng tới 200 kg và cao tới 2m. Nhỏ nhất là giống Khỉ túi (pygmy) chỉ nặng khoảng 50g. Bộ Khỉ phân bố rộng khắp trên thế giới nhưng nhiều nhất ở Châu Á…

Người Ấn Độ coi khỉ là hiện thân của Thần Hanuman (Thần Khỉ) với vũ khí là quả chuỳ, biểu trưng cho lòng dũng cảm. Hình tượng Hanuman phổ biến ở các đền thờ và trong nền mỹ thuật Ấn Độ. Vì vậy Người Ấn Độ  thường để loài khỉ tự do đi lại ngay trong các thành phố; nhiều lúc chúng gây phiền nhiễu (như ăn cắp đồ ăn, trêu ghẹo trẻ em…). Trong nền văn học Trung Quốc, chúng ta không thể quên tiểu thuyết “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân với chú khỉ Tôn Ngộ Không đã đại náo Thiên Đình; dù được phong là Tề Thiên Đại thánh vẫn phải mang vòng kim cô trên đầu. Bộ phim King Kong nổi tiếng của Mỹ quay năm 1933, dựng lại năm 1976 và 2005 kể về một con khỉ đột ở vùng Đảo Đầu lâu, Sumatra. Diễn viên Ann bị đưa làm vật tế cho con khỉ đột King Kong này song chính Nàng lại cảm hoá King Kong… King Kong bị đem về New York, sau khi sổng chuồng gây náo loạn đã bị 6 máy bay tiêm kích bắn hạ. Ai đi du lịch Hội An mà chẳng qua Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều-Cầu Nhật Bản) với tượng chú khỉ và chú chó dựng ở hai đầu cầu để ghi nhận thời điểm các thương nhân Nhật Bản xây dựng cầu (khởi công năm Thân và hoàn công năm Tuất) ở Thế kỷ XVII…

Trong nền văn học dân gian Việt Nam có nhiều thành ngữ tục ngữ nói về loài khỉ như: “Nhăn nhó như khỉ ăn gừng”, “Mặt nhăn như khỉ”, “Khỉ sợ mắm tôm”, “Đười ươi giữ ống”; “Khỉ ho, cò gáy, chó leo thang”; “Chim kêu vượn hót” hay “Ve ngâm vượn hót”, “Nửa người nửa ngợm”, “Nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà”, “Rung cây doạ khỉ”, “Giết gà doạ khỉ”…  Ca dao có câu: “Ba bốn năm ăn ở trên rừng /Chim kêu vượn hót, nửa mừng nửa lo”… Trong đời sống hàng ngày, những câu khẩu ngữ nhắc đến loài khỉ thật phong phú: “Khỉ gió!”, “Trò khỉ!”, “Khỉ thật!”, “Đồ con tườu!”, “Mẹc! Xà lù! Bú dù con khỉ!”, “Cái con khỉ mốc!”, “Cái con khỉ khô!”…

Trong văn học viết của Việt Nam, nổi tiếng nhất là Truyện thơ “Bạch Viên Tôn Các” (còn có tên là “Lâm tuyền Kỳ ngộ” có nghĩa là “Cuộc gặp gỡ kỳ lạ chốn núi rừng”) gồm 150 bài thơ được viết khoảng đầu Thế kỷ XVII (chưa xác định được tác giả). Truyện kể về một nàng tiên mắc lỗi, bị đày xuống cõi trần mang lốt con vượn trắng (Bạch Viên-Vượn Trắng) do thành tâm tu luyện đã biến thành cô gái đẹp. Chàng nho sinh Tôn Các về Kinh thi nhưng chỉ đỗ tam trường. Trên đường về nhà, chàng bị lạc vào rừng, gặp Bạch Viên. Hai người lấy nhau, sau 4 năm chung sống, sinh được 2 con trai. Một hôm nghe bạn nói là trong nhà có yêu khí, Tôn Các lấy kiếm trừ yêu đặt dưới gối vợ. Bạch Viên đau đớn, phải bỏ về trời. Tôn Các vừa nuôi dạy con vừa tiếp tục sự nghiệp khoa cử. Cuối cùng chàng đỗ Trạng nguyên, hai con đỗ Bảng nhãn, Thám hoa... Trên thiên đình, Ngọc Hoàng thấy Bạch Viên buồn rầu, nhớ chồng thương con, bèn cho nàng xuống cõi trần, gia đình lại được sum họp.

Trong “Truyện Kiều”, Đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820) đã miêu tả tiếng đàn của Thuý Kiều trong tiệc mừng công của Hồ Tôn Hiến:

“Ve ngâm, vượn hót nào tày

Lọt tai, Hồ cũng nhăn mày, rơi châu”.

Thi hào Cao Bá Quát (1809-1955) trong thời kỳ bị biếm về làm Giáo thụ ở Sơn Tây có dán đôi câu đối trước cửa phòng dạy học:

Nhà trống ba gian, một thày, một cô, một chó cái

Học trò mươi đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.

Bài thơ “Than sự thi”  của Thi hào Tú Xương (1870-1907) thể hiện rõ sự chán chường, cám cảnh: 

“Cử nhân: Cậu Ấm Kỷ. Tú tài: con Đô Mỹ.

Thi thế mà cũng thi! Ối khỉ ơi là khỉ!”.

Thi sĩ Tản Đà (1889-1939) trong bài  “Cảm thu,tiễn thu” cũng có câu:

“Nhạn về én lại bay đi

Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm”.

Thi sĩ kỳ dị Bùi Giáng (1926-1998) lại tự đặt cho mình bút danh “Đười Ươi thi sĩ”. Tác phẩm thơ văn tinh tuyển của Ông có tên “Đười Ươi Chân Kinh”, phát hành năm 2011. Trong bài thơ “Gide gửi Sophocle”, Bùi Giáng viết:

“Ta về giũ áo đười ươi

Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau”.

             Thi sĩ tài hoa Quang Dũng (1921-1988) nổi tiếng với  các bài thơ “Tây Tiến”, Mắt người Sơn Tây”… lại có bút ký đặc sắc “Xiếc khỉ” kể về những gánh xiếc khỉ mua vui cho trẻ em những năm 1954-1955 ở các chợ vùng quê Xứ Đoài như Sấu Giá, Phùng…, một nét sinh hoạt văn hoá độc đáo.

Để kết thúc, xin kể thêm hai chuyện ngụ ngôn ngắn về loài khỉ:

Sáng ít chiều nhiều - Sáng nhiều chiều ít

Một chủ vườn nuôi bầy khỉ hái dừa với định mức: sáng hái 200 quả, chiều hái 300 quả nhưng bầy khỉ rất chểnh mảng và tỏ ý “lãn công”. Ông ta bèn giao lại định mức: sáng 300 quả, chiều 200 quả, cộng lại vẫn là 500 quả. Bầy khỉ hớn hở chấp nhận và luôn hoàn thành chỉ tiêu. Ông chủ vườn hí hửng “tưởng bở” đã “lừa” được bầy khỉ. Thực ra ông ta không hiểu rằng do vô tình mà ông đã tổ chức lao động, “khoán sản phẩm” hợp lý hơn. Buổi sáng vừa ngủ dậy, khí trời còn dịu nên định mức 300 quả là vừa phải. Đến chiều, trời nắng lên lại bỏ sức từ sáng nên lũ khỉ đã mệt, định mức giảm xuống 200 quả là vừa!

 Khỉ hay bắt chước

 Một người bán mũ rong dừng chân nghỉ lại ở ven rừng. Trước giấc ngủ trưa, anh ta đội thử một chiếc mũ và ngắm nghía dung nhan mình trông gương. Tỉnh dậy, anh chàng hốt hoảng thấy hai chồng mũ đã biến mất, chỉ còn duy nhất chiếc mũ anh đội. Nghe tiếng kêu choe choé, nhìn lên rặng cây, anh ta hốt hoảng thấy một bầy khỉ, mỗi chú đội một chiếc mũ. Anh chàng doạ dẫm để đòi lại nhưng chẳng ăn thua. Trong cơn bĩ cực, anh vứt chiếc mũ đang đội xuống đất và kêu to: “Thế này thì tôi trắng tay!”. Bất đồ, cả bầy khỉ cũng bắt chước anh ném mũ xuống đất. “Bộp! Bộp!”. Anh chàng mừng rỡ, vội thu dọn chiến trường, vừa rời đi vừa tấm tắc: “May quá! Khỉ nó hay bắt chước!”

Chuyện khỉ kể còn dài dài…./.

Nguồn: Trần Văn Trạch/vampro.vn


Tin khác
Thời tiết
28°C
Thống kê
14
1,409
296
10,346,089
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 81.650 83.650
SJC 75.360 77.060
Đối tác