Giải trí

Tản mạn chuyện lừa ngựa ngày Xuân Giáp Ngọ

23/01/2014 - Thứ Năm - 10:22 Lượt xem: 1

1.Vế đối khó về con ngựa

            Trong văn học Việt Nam, có những vế thách đối được coi là không thể đối được, ví dụ:

Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa

            Cái khó của vế đối này là dù chỉ có 13 từ nhưng cụm từ "con ngựa đá" lặp lại 03 lần liền nhau, sau đó lặp lại lần nữa nhưng đổi từ "đá" lên trước "con ngựa". Từ "đá" là động từ, còn từ "đá" là tính từ. Nghĩa của nó là:

Con ngựa (thật) đá con ngựa (bằng) đá, còn con ngựa (bằng) đá không đá con ngựa (thật).

Sau này cũng có người tìm tòi, cố đối lại như sau:

Thằng mù nhìn thằng mù nhìn, thằng mù nhìn chẳng nhìn thằng mù

Bù nhìn còn gọi là bồ nhìn hoặc "mù nhìn" theo tiếng địa phương một số vùng miền Trung. Nghĩa của vế đối lại cũng rõ:

Anh mù nhìn con bù nhìn, còn con bù nhìn không nhìn anh mù.

            Điểm gượng là không chỉ con bù nhìn không thể nhìn mà chính anh mù cũng không thể nhìn được. Cho nên vế đối lại cũng chỉ tạm được chấp nhận.

           2.Khéo can ngăn lễ tang ngựa 

            Sở Trang Vương  (đời Chiến Quốc) có một con ngựa quý, cho mặc áo gấm ngũ sắc rực rỡ, nuôi trong một căn nhà chạm trổ, ngủ trên giường có màn che, cho ăn bằng táo khô. Giống ngựa sinh ra để người cưỡi, xông pha trận mạc mới khoẻ. Con ngựa quý này không được vận động, chết vì quá béo phì. Sở Trang Vương rất thương tiếc, ra lệnh cho quần thần để tang, chuẩn bị tổ chức lễ tang theo nghi thức quan đại phu. Mọi người can gián song Sở Trang Vương ra lệnh: Ai dám can ngăn thì chịu tội chết. Có nhạc công cung đình là Ưu Mạnh nổi tiếng khéo nói lời can gián xin vào chầu. Vừa tới nơi, Ưu Mạnh đã khóc rống lên, tâu với Sở Trang Vương (đại ý): Nước Sở là nước lớn, nên dùng lễ tiết của tước vương mà chôn cất mới xứng, nếu dùng tước đại phu thì quá bạc! Phải kiếm những loại gỗ quý nhất làm quan quách, phái quân sĩ đào huyệt mả, dân chúng vác đất đắp mộ. Lúc đưa đám, các nước chư hầu phải đứng chầu sau trước. Sau đó lập miếu thờ, tế bằng cỗ thái lao, phong ấp vạn nhà (vạn hộ hầu). Như thế các chư hầu mới biết Nhà vua coi rẻ con người mà chỉ quý ngựa!

            Sở Trang Vương giật mình: Ta đã sai lầm đến thế ư? Bây giờ nên làm thế nào?

Ưu Mạnh tâu (đại ý): Xin Nhà vua coi nó là súc vật, cho đào bếp làm quách, lấy nồi đồng làm quan tài, dùng gừng mà tẩm liệm, đặt lên mâm gỗ, dùng gạo nếp để tế, ninh cho nhừ rồi "chôn" vào bụng người ta.

            Sở Trang Vương nghe ra, bèn sai giao ngựa cho nhà bếp, không nhắc đến việc lễ tang ngựa nữa. Chuyện này được Sử gia Tư Mã Thiên ghi trong mục "Hoạt kê liệt truyện" của "Sử ký".

            Con lừa chữa bệnh (Chuyện cười của Pháp)

            Một bệnh nhân có cái nhọt bọc nằm ở thanh quản, vị bác sĩ chữa đủ cách mà bệnh nhân mãi vẫn không khỏi nên chính Ông cũng nản chí.

            Một buổi sáng Ông cưỡi lừa đến khám định kỳ cho bệnh nhân. Vừa đến cửa nhà người bệnh, Ông gặp một người quen nên nán lại chuyện trò, bỏ quên con lừa không buộc. Chú lừa cứ thế đi vào gian hầm. Nghe tiếng lộp cộp, tưởng là tiếng giày của bác sĩ, người bệnh vội thò tay ra đợi được bắt mạch kê đơn. Bỗng có một vật ẩm ướt vừa nóng vừa ráp liếm vào tay anh ta. Giật mình anh ta thét to lên kinh hãi rồi ngồi phắt dậy. Khi nhìn thấy con lừa, anh ta chợt hiểu ra nên cười phá lên. Kết quả là cái nhọt bọc vỡ ra, anh ta thấy nhẹ cả người.

               Đúng lúc ấy vị bác sĩ chạy vào. Ông vừa kéo dây mũi con lừa vừa phát vào mông nó vì cái tội dám tự tiện xông vào nhà hầm. Nhưng người bệnh vội ngăn lại: "Tôi xin Ông đừng đánh nó. Chính nó đã chữa cho tôi khỏi cái bệnh mà Ông dường như chịu bó tay!"

               Liệu pháp cưỡi ngựa (Chuyện cười của Mỹ)

               - Mình bị béo phì nên bác sĩ hướng dẫn liệu pháp cưỡi ngựa để giảm cân.

               - Kết quả thế nào?

               - Sau 3 tháng con ngựa giảm được 20 kg!

            Thi thơ vịnh tuấn mã (Chuyện cổ tân trang)

            Một phú ông có cô con gái rượu đang kén chồng, lại mới tậu được một con tuấn mã. Phú ông giao hẹn ai làm bài thơ vịnh con ngựa nghe hay nhất sẽ được chấm làm rể của Ông. Đúng hẹn có ba thi sĩ đến xin ứng thí. Phú ông đã cho đắp một con đường chạy dọc trang trại của Ông. Ông Bà ra ngoài hiên lớn ngồi chễm chệ trên chiếc sập gụ còn ba chàng trai đứng dưới bậc thềm.

             Khi tay nài ngồi lên yên giật cương, chú ngựa bắt đầu cất nước kiệu, chạy đi chạy lại trên đường. Vừa hay có một chiếc lá rụng đang bay trong gió. Chàng Thi sĩ A nổi hứng thơ liền cất giọng ngâm:

Ngoài sân chiếc lá rơi

Ngựa Ông phi như chơi.

Phi đi rồi phi lại

Chiếc lá vẫn lưng trời!

             Cô gái rượu đang khâu áo thập thò nhìn ra, lỡ tay đánh rơi cây kim xuống bể nước. Chú ngựa cũng phi nhanh hơn. Thi sĩ B vội hắng giọng:

Thành bể rơi chiếc kim

Ngựa Ông phi như chim.

Phi đi rồi phi lại

Chiếc kim vẫn chưa chìm!

            Nghe hai bài thơ "nịnh" ngựa, Phú ông hả hê rít điếu thuốc lào. Chẳng may khi dụi đóm vào thành bát điếu, tàn lửa bén vào lông chân Ông. Ngoài kia, chú ngựa phi ngày càng nhanh. Thi sĩ C liền cất tiếng:

Tàn lửa bén sợi lông

Ngựa Ông phi lông nhông.

Phi đi rồi phi lại

Sợi lông vẫn còn... hồng!

            So sánh 03 bài thơ vịnh ngựa, vợ chồng Phú ông quyết gả con gái cho Thi sĩ C. dù cách nịnh có hơi quá đà. [Một dị bản khác kể có tới bốn nhà thơ nhưng bài thơ thứ 4 không được thanh nên không thuật lại ở đây]

          3.Tái Ông thất mã (Ông già ở biên ải mất ngựa)

 Chuyện kể về việc một ông lão ở vùng biên giới bị mất một con ngựa; khi hàng xóm biết chuyện đến chia buồn, ông nói biết đâu con ngựa chạy mất ấy sẽ đem lại điều tốt. Quả thực vài tháng sau con ngựa ấy trở về và dẫn theo một con ngựa khỏe mạnh khác. Lần này hàng xóm đến chia vui ông lại bảo biết đâu việc được ngựa sẽ dẫn đến tai họa. Không lâu sau con trai ông lão vì cưỡi chú ngựa mới chưa thuần dưỡng nên bị ngã gãy chân. Hàng xóm hay tin đến chia buồn, ông lão lại nói biết đâu nhờ họa ấy mà được phúc. Khi đất nước xảy ra chiên tranh loạn lạc, các chàng trai khỏe mạnh đều phải tòng quân và tử nạn ở chiến trường còn con trai ông lão được miễn quân dịch và sống sót với gia đình.

            Kết thúc mẩu chuyện, sách Hoài Nam Tử đưa ra luận điểm họa là gốc của phúc, phúc là gốc của họa, họa phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy không thể nhìn thấy được, chỉ thấy cái hậu quả của nó. Do đó người đời sau mới có câu thành ngữ: "Tái ông thất mã, an tri họa phúc". Nghĩa là ông lão ở biên giới mất ngựa biết đâu là họa hay phúc.
 
Năm 1908 trong "Bài ca lưu biệt" viết tặng các bạn đồng chí tiễn đưa Ông đi đầy ở Côn Đảo, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng có vận dụng tích truyện này và viết:

"Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt

Ngựa Tái Ông hoạ phúc biết về đâu"./.

Nguồn: Trần Văn Trạch - Vampro.vn



Tin khác
Thời tiết
25°C
Thống kê
135
269
1,319
10,372,885
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 83.500 85.700
SJC 73.680 75.280
Đối tác