Tin tức

TS Vương Thanh Xuyên vào Hội trường danh vọng ngành công nghiệp vệ tinh thế giới

03/08/2015 - Thứ Hai - 11:43 Lượt xem: 1
Lần đầu tiên trong lịch sử khoa học và công nghệ vệ tinh, một người Việt Nam vinh dự nhận được danh hiệu cao quý trong Hội trường danh vọng (Hall Of Fame) do Hiệp hội các chuyên gia vệ tinh quốc tế (SSPI – Society Of Satellite Professionals International) phong tặng. Đó là tiến sĩ Vương Thanh Xuyên (thường được biết đến với danh hiệu là “Dr. Xt Vuong”) - Phó chủ tịch kiêm giám đốc khoa học của công ty Artel, LLC tại Hoa Kỳ.

DANH HIỆU CAO QUÝ CỦA CUỘC ĐỜI 
SSPI Hall of Fame là danh hiệu cao quý nhất thế giới trong ngành Vệ tinh, do Hiệp hội các Chuyên gia Vệ tinh Quốc tế (SSPI) vinh danh mỗi 2 năm tại thủ đô Washington-DC, Hoa Kỳ. Đây là giải thưởng nhằm công nhận những thành tích đóng góp lớn lao cho những người có tầm nhìn xa rộng đã góp phần mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn trên trái đất thông qua Công nghệ Vệ tinh. Để được vinh danh vào Hội trường Danh vọng (Hall of Fame), đó phải là những người được công nhận là tiên phong khai sáng trong các lĩnh vực viễn thông, hàng không vũ trụ, nghiên cứu khoa học hoặc phát triển và cung cấp những ứng dụng thực tiễn thông qua vệ tinh cho các doanh nghiệp, tổ chức và Chính phủ. 
Việc phong tặng vào Hall of Fame sẽ được chọn lựa dựa trên hồ sơ thành tích đạt được trong sự nghiệp gắn liền với việc phát triển và ứng dụng công nghệ vệ tinh. Tầm cỡ danh giá của Hall of Fame có thể hình dung được qua những nhà khoa học kỳ cựu nổi tiếng thế giới về vệ tinh đã được vinh danh trước đây, như Giáo sư - Tiến sĩ James C. Van Allen (người thiết kế Explorer 1, vệ tinh đầu tiên của Mỹ và cũng là người khám phá vòng đai phóng xạ trong không gian được đặt chính tên ông: “Van Allen radiation belt”) và Sir Arthur C. Clarke (là cha đẻ khái niệm quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh “geosynchronous orbit” còn được gọi là “Clarke orbit”). 
Vuong Thanh Xuyen, khoa hoc va cong nghe ve tin, Hall of fame
Tiến sĩ Vương Thanh Xuyên (phải) và em trai - GS.TS Vương Thanh Sơn.
“Đây là một niềm vinh dự đánh dấu thành tựu to lớn, một niềm tự hào không chỉ đối với riêng cá nhân mà còn của cả gia đình tôi”, Tiến sĩ Vương Thanh Xuyên chia sẻ. Thực sự, ở tuổi 67, được ghi tên vào Hall of Fame chính là sự công nhận về cả tài năng lẫn thành tựu cống hiến trong sự nghiệp tận tụy suốt hơn 40 năm qua của “Dr. XT Vuong” trong lĩnh vực khoa học vệ tinh quốc tế. Tuy nhiên, dưới quan điểm của một người nghiên cứu khoa học, ông thẳng thắn: “Con người tôi sống rất thực tế, không mộng mị cao và cũng không nhiều khát vọng; danh vọng hay tiếng tăm không quan trọng, mình làm việc trung thực, tận tình, tâm huyết và đóng góp hết mình là được rồi”. 
HỌC BỔNG “LÃNH ĐẠO” – BƯỚC NGOẶT ĐẦU TIÊN 
Tiến sĩ Vương Thanh Xuyên sinh năm 1948, lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình trung lưu khiêm nhường, đông con cùng với 2 chị và 6 em trai; mẹ quê ở Châu Đốc, ba quê ở Sóc Trăng. Đến năm 1966, ở tuổi 18, học xong trung học tại trường Hồ Ngọc Cẩn (nay là trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu), người thanh niên thông minh, hiếu học đã xuất sắc thi đậu vào trường Đại học Bách khoa Phú Thọ (ĐH Bách khoa TP.HCM hiện nay) để theo học chuyên ngành Kỹ sư Điện. Đây là một cột mốc đầu tiên mà cho đến nay Tiến sĩ Xuyên vẫn tự hào vì kết quả bài thi vượt trội của mình khi đó - ông đã giải được bài toán về hỏa tiễn với cách làm bài sáng tạo vượt ra ngoài tầm các bài học lý thuyết về vật lý và toán trong sách giáo khoa bậc trung học. 
Tuy nhiên, vào Đại học Bách khoa Phú Thọ chưa bao lâu thì một cơ hội khác lại mở ra cho người thanh niên trẻ, đó là học bổng “Lãnh đạo” (Leadership Scholarship) của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ). Với học bạ giỏi và điểm thi Tú Tài II cao, Vương Thanh Xuyên đã lọt vào danh sách 105 người được nhận học bổng qua Mỹ học lấy bằng Cử nhân hoặc Thạc sĩ tại thời điểm đó. Thế là khăn gói lên đường từ tháng 2/1967 và đến tháng 1/1971, anh đã hoàn tất bằng Cử nhân Khoa học Kỹ sư Điện (BSEE) tại trường California State University, Sacramento. Không dừng lại ở đó, với niềm mơ ước trở thành Giảng viên đại học, năm 1971, anh tiếp tục sang Canada học tập, lấy được bằng Thạc sĩ tại trường Carleton University (Ottawa, Ontario) năm 1973 và bằng Tiến sĩ tại trường University of Western Ontario (London, Ontario) năm 1976, với chuyên ngành Kỹ sư Hệ thống (Systems Engineering). Và công việc đầu tiên của vị tiến sĩ 28 tuổi này không gì khác, đó chính là thực hiện ước mơ đi dạy của mình tại các trường Đại học: Univeristy of Ottawa và Concordia University. 
CỐNG HIẾN VÀ VINH QUANG 
Năm 1978, do tính chất công việc đòi hỏi cần phải có kỹ năng thực tiễn, Tiến sĩ Vương Thanh Xuyên đã rời trường đi làm việc cho nhà sản xuất vệ tinh Spar Aerospace (Montreal, Quebec) để học hỏi thêm kinh nghiệm. Từ đó, sự nghiệp của ông bắt đầu rẽ sang một hướng mới. Ông đã làm việc trên hàng loạt các dự án hàng đầu về vệ tinh cho các khách hàng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tư nhân đến chính phủ, từ Radarsat thăm dò trái đất của Canada, các sáng kiến thương mại hỗ trợ viễn thông tới vệ tinh LEO (Low Earth Orbit - Vệ tinh Quỹ đạo Trái Đất thấp) của NASA, cho đến hệ thống quản lý và bảo đảm an ninh mạng vệ tinh cho băng tầng Ka-band Spaceway của Hughes, hệ thống vệ tinh Ka-band Teledesic của Motorola... 
Vuong Thanh Xuyen, khoa hoc va cong nghe ve tin, Hall of fame
“Dr. XT Vuong” chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình khi nhận giải thưởng Hall of Fame.
Chính sự hứng thú và tâm huyết trong nghiên cứu về khoa học kỹ thuật đã giúp Tiến sĩ Vương Thanh Xuyên trở thành một bậc “tên tuổi” trong ngành công nghiệp vệ tinh. Năm 1984, sau khi đã có khá nhiều kinh nghiệm thực tế, “Dr. XT Vuong” đã quay trở lại Mỹ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và cống hiến các thành quả sáng tạo cho nhiều công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực vệ tinh. Có thể nói, trong 40 năm làm việc, Tiến sĩ Vương đã có nhiều nghiên cứu giá trị đóng góp vào nền tảng phát triển cho ngành công nghiệp vệ tinh. Trong đó, phải kể đến là các sáng kiến có tầm quan trọng như: Vuong-Vuong Techniques (Kỹ thuật Vương-Vương, đồng phát minh với GS.TS Vương Thanh Sơn, em trai ông, là Giáo sư tại trường University of British Columbia, Canada) được dùng để phỏng đoán mức nhiễu giới hạn và thời gian hiệu lực sử dụng khi giao tiếp giữa hai trạm mặt đất thông qua vệ tinh trong quá trình bị ảnh hưởng từ lượng mưa trong năm. Kế đến là Vuong-Forsey Technique (cùng phát triển với kỹ sư John Forsey ở Telesat Canada) tiên đoán sự gián đoạn của tín hiệu vệ tinh do nhiễu từ bức xạ mặt trời. Ngoài ra, còn có The IM Microscope (đồng phát triển với Tiến sĩ Don Arnstein ở Comsat Laboratories) là một kỹ thuật trợ giúp đắc lực trong việc phân tích và tổng hợp các phi tuyến tính, giống như bộ khuếch đại công suất vệ tinh, các thiết bị chống nhiễu. Đặc biệt, ông đã tham gia và đóng góp vào việc phát triển một công nghệ tiên tiến, MARS - Matrix Amplifier and Routing System (Bộ Khuếch đại Ma trận và Hệ thống Định tuyến), cũng như nghiên cứu về ứng dụng khả thi để dùng MARS với các vệ tinh viễn thông quốc phòng thế hệ thứ ba (DSCS IIIs)… 
Năm 2000, Tiến sĩ Vương Thanh Xuyên gia nhập vào công ty Artel. Trong suốt 15 năm ông làm việc tại đây, Artel từ một công ty không có khả năng quản lý vệ tinh đã vươn lên chủ động quản lý băng thông với khoảng 60 vệ tinh GEO (Geosynchronous Earth Orbit) và trở thành nhà cung cấp băng thông lớn nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ và Sở An ninh Nội địa. Tính riêng trong khoảng thời gian 10 năm 2001- 2011, Artel đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh trong lĩnh vực vệ tinh viễn thông. Những đóng góp của Dr. XT Vuong khiến Giám đốc Điều hành (CEO) Artel chỉ có thể thốt lên một từ để miêu tả: “Instrumental” (trụ cột nòng cốt). Thực sự, nhìn nhận một cách khách quan có thể nói, học bổng USAID năm 1967 chính là một trong những khoản đầu tư tốt nhất của chính phủ Mỹ khi đã trao cho “đúng người”, để ngày hôm nay thế giới có được một Tiến sĩ XT Vuong đầy năng lực mà Việt Nam có thể tự hào.
Phóng viên của Duyên Dáng Việt Nam đã có dịp gặp gỡ Tiến sĩ trong chuyến ông về thăm Việt Nam. Với hơn 40 năm kinh nghiệm và cống hiến trong ngành công nghiệp vệ tinh, Tiến sĩ Vương Thanh Xuyên chia sẻ về con đường dẫn đến thành công của mình. 

PV: Là người Việt Nam duy nhất có được danh hiệu cao quý này, hẳn ông rất tự hào? 

Con người tôi sống rất thực tế, không mộng mị cao và cũng không nhiều khát vọng, danh vọng hay tiếng tăm không quan trọng, mình làm việc trung thực, tận tình, tâm huyết và đóng góp hết mình là được rồi. 

PV: Tại sao ông chọn theo đuổi công việc có vẻ khô khan này? Chắc ông đã gặp phải rất nhiều khó khăn phải không? 

Lúc đầu khi theo đuổi lĩnh vực này, thực sự có rất nhiều khó khăn vì hầu như không có sách vở hay tài liệu để tham khảo, nhưng bằng niềm say mê khoa học, say mê nghiên cứu, tôi luôn cố gắng tìm tòi cho ra câu trả lời cho các thắc mắc: “Tại sao nó xảy ra như thế?”. Đứng trên góc độ là một khoa học gia, tôi thực sự không đặt nặng các vấn đề chính trị hay quân sự mà cái tôi quan tâm chính là sự đóng góp và cống hiến cho khoa học, sao cho khoa học ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn cho xã hội”. 

PV: Những đóng góp của ông cho nền vệ tinh thế giới là điều đáng trân trọng, ông có nghĩ mình sẽ trở về Việt Nam để góp phần công sức cho nền khoa học của quê hương không?

 Tôi rất muốn đóng góp nhiều đề tài, phát triển định hướng cho các dự án vệ tinh, viễn thông ở Việt Nam, huấn luyện thực tiễn cho các chuyên viên vệ tinh, cũng như hướng dẫn các luận án nghiên cứu bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại các trường đại học trong nước. Nhìn chung, tuy Việt Nam có những bước tiến tương đối khả quan gần đây trong lĩnh vực này nhưng vẫn còn một khoảng cách xa so với nước ngoài. Dù vậy, tôi tin rằng trong tương lai, khoảng cách đó sẽ giảm đi và dần dần biến mất nếu như các nguồn lực được kế hoạch kỹ lưỡng và đầu tư một cách đầy đủ và đúng đắn. 

PV: Trong niềm vui và tự hào này, ông có điều gì nhắn nhủ với mọi người không? 

Đây cũng là dịp để tôi gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến công ơn dưỡng dạy và sự hy sinh của cha mẹ, cũng như sự cổ vũ của gia đình và anh chị em - những người đã đem lại cho ông động lực to lớn để luôn phấn đấu, có được những thành tựu như ngày hôm nay. 

PV: Cám ơn ông, chúc ông ngày càng thành công. 

Nguồn: Thảo Hương - Thanh Dung.http://motthegioi.vn/


Tin khác
Thời tiết
38°C
Thống kê
12
1,011
52
10,357,650
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 74.580 76.180
Đối tác