Tin tức

Các trường ĐH Việt Nam nỗ lực hội nhập

27/08/2015 - Thứ Năm - 16:25 Lượt xem: 1
Vài năm gần đây, thứ hạng của các đại học (ĐH) Việt Nam trên các bảng xếp hạng ĐH quốc tế đã có nhiều cải thiện. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự nỗ lực hội nhập giáo dục ĐH quốc tế của Việt Nam.

Trên thế giới có nhiều bảng xếp hạng ĐH cả tầm quốc tế và quốc gia. Các trường ĐH Việt Nam mới biết nhiều, quan tâm nhiều và có tên trong 4 bảng xếp hạng thế giới là: xếp hạng chung về đại học của QS; xếp hạng năng lực công bố quốc tế của Scimago Lab; xếp hạng cả về mức độ số hóa các thư tịch khoa học trên website năng lực công bố quốc tế của Webometrics Lab và xếp hạng về chất lượng học thuật URAP của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tháng 6 vừa qua, bắt đầu là Bảng xếp hạng QS, tiếp theo là Scimago, URAP, Webometrics… đều đã công bố kết quả xếp hạng của mình. Ngoài thông tin xếp hạng, họ cũng thông báo các thông tin cơ bản về các trường ĐH, các lĩnh vực, chương trình đào tạo và cả mức học phí. Đây là các thông tin rất cần thiết để hỗ trợ cho việc lựa chọn học tập.

Tại Bảng xếp hạng QS năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội (QGHN) tiếp tục duy trì là ĐH Việt Nam thuộc TOP 200 đại học hàng đầu châu Á (kể từ năm 2014) với thứ hạng trong nhóm 191-200, đồng thời duy trì vị trí số 1 Việt Nam trong  bảng xếp hạng này (kể từ năm 2009).

Cũng trong năm 2015, trong Bảng xếp hạng Scimago, ĐHQGHN cũng có vị trí số 1 của các ĐH Việt Nam về tổng số bài báo khoa học (công bố trong giai đoạn 2010-2014), thứ 1.895 thế giới - tăng 88 bậc trong bảng xếp hạng thế giới (từ 1.983 lên 1.895). Vị trí tiếp theo là ĐHQG TP. HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Xếp hạng này dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu khoa học Scopus của Tập đoàn Elsevier (Hà Lan).

Mới đây, Bộ Khoa học & Công nghệ có đánh giá và công bố 20 tổ chức có năng lực công bố tốt nhất Việt Nam. Nhưng bảng này chỉ xếp hạng các cơ sở nghiên cứu và đào tạo có trên 100 bài báo xuất bản trong năm trước đó. Do vậy, tên các trường đại học Việt Nam còn rất ít.

Trong Bảng xếp hạng URAP, ĐHQGHN vươn lên ngôi vị số 1 của Việt Nam và đứng thứ 1.196 trong hệ thống các trường ĐH trên thế giới, tiếp theo là ĐHQG TP. HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Cần Thơ và ĐH Y Hà Nội.

Tại Bảng xếp hạng Webometrics 2015 vừa công bố, Việt Nam có 122 trường, trong đó ĐHQGHN đứng thứ 1 Việt Nam, 1.133 thế giới; tiếp theo là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, xếp thứ 2.181.

Nếu chỉ quan tâm đến quy mô tài nguyên số, nhiều ĐH Việt Nam cũng đã rất mạnh. Nhưng vì bảng xếp hạng này cũng tính đến cả số lượng công bố của các trường trong cơ sở dữ liệu Scopus (tức là có kết hợp thông tin như xếp hạng của Scimago), nên thứ hạng của các trường ĐH Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tham khảo thêm Bảng xếp hạng 4ICU. Bảng xếp hạng này chỉ quan tâm xếp hạng mức độ quan tâm của cộng đồng đối với các trường ĐH thể hiện thông qua website của trường. Năm 2015, có 58 trường ĐH của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này và ĐHQGHN tiếp tục giữ ngôi vị số 1 của Việt Nam.

Mỗi bảng xếp hạng một mục tiêu, một bộ chỉ số riêng, từ đơn giản đến toàn diện, nhưng để có thứ hạng tốt, các trường ĐH cũng cần nỗ lực rất nhiều.

Thời gian qua, dù đã có nhiều cố gắng nhưng chúng ta chưa có ĐH lọt vào TOP 10, TOP 100. Tuy nhiên, trong tổng số 25.000 trường ĐH tham gia xếp hạng trên thế giới, với đầu tư như hiện nay, việc ĐH của Việt Nam lọt vào nhóm 1.000 cũng đã khả quan (thuộc nhóm 4%).

Tương tự như vậy, vị trí nhóm 200 châu Á của ĐHQGHN so với hơn 6.000 trường hiện có thì cũng đã lọt vào nhóm 3%.

Mặt khác, cũng cần biết rằng, 5 năm trước, xếp hạng ĐH là vấn đề còn xa lạ với các trường ĐH Việt Nam, nhưng khi chúng ta hội nhập, tham gia cuộc chơi thì thứ hạng đã xuất hiện. Điều này có nghĩa là, nếu quan tâm đầu tư đầy đủ, đến ngưỡng, chúng ta cũng có khả năng xây dựng được các ĐH thuộc nhóm hàng đầu.

Trong các bảng xếp hạng, ngoài sự có mặt của các ĐH truyền thống, một số trường ĐH dù mới thành lập nhưng đã có cách tiếp cận quản trị đại học tốt theo các bộ chỉ số của ĐH hiện đại như các Trường ĐH Hoa Sen, Duy Tân, Quảng Bình, Tôn Đức Thắng… nên đã có thứ hạng quốc gia tốt trong Bảng xếp hạng Webometrics.

Thông qua các bảng xếp hạng này, cả quốc tế và chính chúng ta sẽ thấy vị trí của giáo dục ĐH Việt Nam nói chung và của ĐHQGHN nói riêng so với thế giới, đồng thời sẽ nhận ra những khoảng cách mà giáo dục ĐH Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực xóa nhòa trong tiến trình hội nhập.

Hiện nay, theo cách tiếp cận quản trị ĐH tiên tiến, ĐHQGHN rất quan tâm đến việc phân tích nội bộ, quản trị mục tiêu và quản trị hệ thống thông qua các chỉ số của mình. Mục tiêu là hướng đi, còn chỉ số là sự định vị.

ĐHQGHN vừa ban hành Bộ tiêu chí đại học nghiên cứu gồm nhiều nhóm tiêu chí được lượng hoá như nhóm tiêu chí về thành tích nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức; nhóm tiêu chí về chất lượng đào tạo; nhóm tiêu chí về mức độ quốc tế hoá, nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo và nghiên cứu.

Đây là cơ sở để ĐHQGHN, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu thành viên và trực thuộc phân tích, đánh giá, định vị hiện trạng, xác định đúng kế hoạch phát triển để ưu tiên đầu tư; thúc đẩy các đơn vị từng bước phát triển đạt chuẩn ĐH nghiên cứu của khu vực và quốc tế.

Nguồn: Nguyệt Hà, chinhphu.vn


Tin khác
Thời tiết
36°C
Thống kê
126
888
52
10,357,527
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 74.580 76.180
Đối tác