Hoạt động Hội

Hội TKVN 20 năm thành lập và phát triển

10/12/2013 - Thứ Ba - 15:08 Lượt xem: 1

TS. Nguyễn Đức Quý

                                                                                                        Chủ tịch Hội Tuyển khoáng Việt Nam

Tháng 6/2010, Hội Tuyển khoáng Việt Nam tròn 20 tuổi (14/06/1990-14/06/2010). Nhìn lại những chặng đường mà ngành Tuyển khoáng và Hội Tuyển khoáng đã trải qua chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động. Hôm nay, nhân ngày tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hội, toàn thể hội viên Hội Tuyển khoáng Việt Nam, thuộc mọi ngành, mọi thế hệ trong cả nước tụ họp về Thủ đô Hà Nội, trái tim của Tổ quốc để biểu lộ tình đồng nghiệp gắn bó trong một đại gia đình và để cùng nhau ôn lại quá trình hình thành và phát triển của Hội, cũng như những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong 20 năm qua. Đồng thời thống nhất phương hướng hoạt động Hội trong thời gian tới nhằm xây dựng Hội Tuyển khoáng Việt Nam ngày càng phát triển và lớn mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc đổi mới và hiện đại hóa ngành Công nghiệp khoáng sản nói riêng và công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước Việt Nam nói chung. Sau đây xin điểm lại những mốc lịch sử của Hội trên chặng đường đã qua.

1. Sơ lược tình hình phát triển ngành chế biến khoáng sản của Việt Nam

Dưới thời thuộc Pháp, để phục vụ cho mục đích vơ vét tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đưa về "mẫu quốc" chế biến và sử dụng, người Pháp chỉ xây dựng một vài cơ sở tuyển khoáng có qui mô nhỏ và công nghệ thô sơ như: Nhà sàng Tinh Túc với thủy điện Tà Sa ở Cao Bằng để tuyển thiếc và vonfram sa khoáng, nhà sàng Hòn Gai và Cẩm Phả để tuyển than, xưởng chế biến kẽm ở Quảng Yên, cơ sở tuyển quặng cromit ở Cổ Định (Thanh Hóa),v.v...

Giai đoạn 1954 - 1960: Hòa bình lập lại, cùng với sự phát triển của ngành Mỏ Việt Nam, Nhà nước đã phục hồi một số cơ sở sản xuất cũ của người Pháp đồng thời xây dựng thêm các cơ sở khai-tuyển mới: Năm 1956 với sự giúp đỡ của Liên Xô đưa nhà máy tuyển quặng thiếc Tĩnh Túc vào sản xuất; Cũng năm 1956, nhà máy tuyển quặng sa khoáng cromit Cổ Định, Thanh Hóa và năm1963, nhà máy tuyển rửa quặng sắt Trại Cau, Thía Nguyên được đưa vào sản xuất với sự giúp đỡ kỹ thuật của Trung Quốc .... Những cơ sở tuyển khoáng này đã có vai trò nhất định trong việc cung cấp các sản phẩm khoáng sản phục vụ công cuộc xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.

Trong những năm 1960 - 1970 chúng ta bắt đầu đào tạo trong nước đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật tuyển khoáng. Từ năm 1959, Thầy Thái Duy Thẩm cùng với đội ngũ giảng viên đã bắt đầu đào tạo những sinh viên đầu tiên của ngành tuyển khoáng ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những kỹ sư Tuyển khoáng được đào tạo trong nước cùng với các kỹ sư được đào tạo từ các nước XHCN như Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Triều Tiên... chính là lớp cán bộ kỹ thuật tuyển khoáng đầu tiên hoạt động tại các cơ sở sản xuất, nghiên cứu thiết kế và quản lý vừa mới được xây dựng và thành lập ở nhieuf ngành kinh tế - kỹ thuật khác nhau.

Có thể nói, từ năm 1970 trở về trước, các công trình nghiên cứu, thiết kế tuyển khoáng của Việt Nam đều do các chuyên gia nước ngoài thực hiện. Từ năm 1970 về sau, đội ngũ cán bộ kỹ thuật tuyển khoáng tuy còn non trẻ của Việt Nam đã từng bước khẳng định mình bằng các công trình nghiên cứu, thiết kế mới: Năm 1966, Việt Nam tự phát hiện và xây dựng mỏ thiếc Sơn Dương (Tuyên Quang). Năm 1977, lần đầu tiên các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế, xây dựng một xưởng tuyển nổi quặng antimon ở Đầm Hồng (Tuyên Quang). Một năm sau đó, xưởng tuyển nổi quặng grafit ở Cổ Phúc (Yên Bái) cũng được hoàn thành. Bên cạnh các công trình quy mô lớn được xây dựng với sự giúp đỡ kỹ thuật của Liên Xô như Tinh Túc (Cao Bằng), Quỳ Hợp (Nghệ An) là một loạt các công trình do các kỹ sư Việt Nam tự thiết kế xây dựng như: Nhà máy tuyển thiếc Khuôn Phầy ở mỏ Sơn Dương (Tuyên Quang), Nhà máy tuyển nổi chì-kẽm Lang Hích, tuyển vàng Suối Hoan (Thái Nguyên), tuyển thiếc Bắc Lũng (Tuyên Quang), tuyển thiếc Đại Từ (Thái Nguyên), vonfram Thiện Kế (Tuyên Quang),v.v..

Cũng từ năm 1965 trở đi trên 20 cán bộ Tuyển khoáng được gửi đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài và từ năm 1990 bắt đầu đào tạo sau đại học trong nước. Từ năm 1980 một số cán bộ tuyển khoáng đã tham gia nhiều đề tài, đề án, chương trình và nhiệm vụ KHCN cấp nhà nước để giải quyết những vấn đề đặc thù và phát triển TNKS của Việt Nam.

Đặc biệt, từ năm 1990 đến nay, nhu cầu về khai thác, chế biến nhiều loại hình khoáng sản khác nhau tăng lên nhanh chóng. Một số cơ sở chế biến khoáng sản mới được xây dựng và đưa vào hoạt động như các cơ sở tuyển than Hòn Gai, Cửa Ông, tuyển apatit, tuyển quặng Cu Sin Quyền, tuyển quặng vàng Bồng Miêu, tuyển quặng sa khoáng ven biển chứa titan - zircon ...

Từ sau năm 2000 hàng chục dự án qui mô lớn, với công nghệ tiến bộ hơn và qui mô lớn hơn đang được chuẩn bị đầu tư và xây dựng như boxyt, đất hiếm, than, apatit, cao lanh, fenspat, cát thủy tinh cromit... Việc nghiên cứu lựa chọn và tiếp thu công nghệ chế biến khoáng sản tiên tiến và hợp lý là cơ hội và cũng là thách thức đối với những người làm công tác quản lý, hoạt động KHCN và các tổ chức hoạt động khoáng sản.

2. Quá trình thành lập Hội Tuyển khoáng Việt Nam

Chế biến khoáng sản là công đoạn trung gian, nằm trong toàn bộ qui trình phát triển TNKS từ khảo sát thăm dò địa chất → khai thác → chế biến → sử dụng. Cán bộ tuyển khoáng hoạt động phân tán trong nhiều ngành kinh tế kỹ thuật thuộc các tổ chức hành chính khác nhau như Địa chất, Điện than, Cơ khí, Luyện kim, Hóa chất, Xây dựng, Giao thông ...

Vì vậy để thành lập được Hội KHCN Tuyển khoáng, bước đầu gặp nhiều khó khăn và kỳ thị ngành nghề. Câu nói chua sót của người Kỹ sư Tuyển khoáng đầu tiên của nhà sàng Cửa Ông: Ông Lê Thanh Mai cho đến nay nhiều người vẫn còn nhắc đến: "Tuyển khoáng là gì? Chỉ là nước chảy than nhẹ trôi đi và đá nặng chìm xuống."

Tuy chưa thành lập được Hội nghề nghiệp nhưng những cán bộ kỹ thuật tuyển khoáng năm 1986 đã tổ chức thành công Hội nghị KHKT Tuyển khoáng toàn quốc lần thứ I tại Hội trường Tổng cục Hóa Chất, phố Đặng Thái Thân. Sự thành công của Hội nghị KHKT do những yếu tố chủ yếu sau đây:

- Đông đảo các cán bộ Kỹ thuật Tuyển khoáng mong muốn được họp mặt để giao lưu đồng nghiệp, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn.

- Phấn lớn các cán bộ Tuyển khoáng có tâm huyết và ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp, với sự phát triển ngành chế biến khoáng sản nói riêng và ngành công nghiệp khoáng sản Việt Nam nói chung.

- Nhận được sự động viên và ủng hộ của lãnh đạo và các quan chức của Uỷ ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, Bộ Cơ khí và Luyện kim, Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất và Hội KHKT Địa chất, Hội KHKT Mỏ lúc bây giờ.

Sau Hội nghị KHKT Tuyển khoáng lần I thấy rằng do sự phát triển nguồn nhân lực và nhiệm vụ phát triển KHKT của ngành chế biến khoáng sản ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, nên việc thành lập Hội Tuyển khoáng là cần thiết và phù hợp với yêu cầu khách quan.

Sau thời gian vận động chuẩn bị, được sự ủng hộ và giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp Nặng và Hội Địa chất Việt Nam, các cơ quan quản lý Nhà nước đã cho phép thành lập Phân hội Tuyển khoáng trực thuộc Hội Địa chất Việt Nam.

Ngày 14 tháng 6 năm 1990, Đại hội thành lập (Đại hội I) Hội Tuyển khoáng được tổ chức tại Hội trường Bộ Khoa học và Công nghệ, số 39 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

Đại hội đã trở thành ngày hội của toàn thể cán bộ làm công tác Tuyển khoáng của Việt Nam. Lần đầu tiên, những người làm công tác tuyển khoáng thuộc mọi ngành, mọi thế hệ tụ họp về Thủ đô Hà Nội, trái tim cả nước để biểu lộ tình đồng nghiệp gắn bó trong một đại gia đình.

Đại hội đã thông qua phương hướng hoạt động, Điều lệ của Hội và bầu ra Ban chấp hành gồm 21 người đại diện cho các lĩnh vực hoạt động quản lý, nghiên cứu, thiết kế, đào tạo và trực tiếp tham gia sản xuất trong các ngành khoáng sản kim loại, ngành than, hóa chất và địa chất...

3. Quá trình phát triển của Hội

Từ Đại hội I đến nay, Hội Tuyển khoáng Việt Nam đã trải qua 3 kỳ Đại hội. Mỗi Đại hội lại đánh dấu sự trưởng thành của Hội.

a) Từ Đại hội I đến Đại hội II: Năm 1990 - 1999 chủ yếu là giai đoạn củng cố tổ chức của Hội. Các mặt hoạt động của Hội chưa thật sự rõ nét và phần nào còn mang tính tự phát. Sức tập hợp và lan tỏa của Hội cũng chưa cao. Hoạt động của Hội chỉ mới tập trung chủ yếu ở một số cơ sở nghiên cứu, thiết kế các khoáng sản kim loại màu và hóa chất trên địa bàn Hà Nội. Đây cũng là thời kỳ nhà máy tuyển quặng apatit Tằng Loỏng, Lào Cai vừa hoàn thành xây dựng, đang tiến hành chỉnh định để đưa vào sản xuất. Hầu hết những lực lượng cốt cán của ngành tuyển khoáng đã được huy động vào cuộc. Bằng nỗ lực và trí tuệ của chính mình, chúng ta đã đưa nhà máy tuyển nổi quặng apatit loại 3 ở Tằng Loỏng, Lào Cai vào hoạt động với kết quả năm sau cao hơn năm trước. 

b) Đại hội II của Hội: Được tổ chức vào ngày 31 tháng 10 năm 1999. Đại hội đã tạo dấu ấn mới cho hoạt động của Hội khi lần đầu ngoài Ban chấp hành còn tổ chức Ban Thường vụ Hội và thành lập các Tiểu ban. Thường vụ Hội và Ban chấp hành duy trì sinh hoạt đều đặn. Nhờ đó mà hoạt động của các chi hội cơ sở cũng có những khởi sắc. Hoạt động các mặt dần đi vào nề nếp. Về công tác tổ chức: Đã hình thành các chi hội cơ sở. Lần đầu tiên, Hội đề ra chế độ trao học bổng hàng năm cho 4 sinh viên có thành tích xuất sắc nhất trong học tập của 2 trường Đại học Mỏ - Địa Chất và Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh. Các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, cải tiến và đổi mới công nghệ diễn ra khá sôi nổi tại các chi hội thuộc các viện nghiên cứu, thiết kế và các đơn vị sản xuất.

Có thể nói rằng, hoạt động của Hội Tuyển khoáng những năm này đã có những chuyển biến tích cực, được sự ủng hộ của các cấp, các ngành và các Hội bạn. Trong nhiệm kỳ này, tuy vậy Hội cũng gặp khá nhiều khó khăn trong hoạt động vì chưa có đầy đủ tư cách pháp nhân như các Hội chuyên ngành khác.

Hoạt động của Hội trong giai đoạn này chủ yếu vẫn chỉ trong giới hạn các khoáng sản kim loại và hóa chất mà chưa thu hút được sự tham gia tích cực của các cán bộ tuyển khoáng ngành than.

c) Đại hội III của Hội được tổ chức vào ngày 3 tháng 12 năm 2004 tại Hà Nội.

Từ sau Đại hội III, hoạt động của Hội Tuyển khoáng đã được nâng cao một bước về chất. Hoạt động của Hội diễn ra đồng đều hơn trên tất cả các mặt.

Được sự ủng hộ của Tổng Hội Địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nội vụ và các Cơ quan quản lý Nhà nước Phân Hội Tuyển khoáng, trực thuộc Hội Địa chất Việt Nam chuyển đổi thành Hội Tuyển khoáng Việt Nam tại Quyết định số 18/2005/QĐ-BNV ngày 20/01/2005 của Bộ Nội vụ và Điều lệ của Hội được công nhận tại Quyết định số 94/2005/QĐ-BNV ngày 05/9/2005. Đây là một bước phát triển rất quan trọng về mặt tổ chức, tạo điều kiện để Hội của những cán bộ tuyển khoáng có đầy đủ tư cách pháp nhân trong hoạt động và quan hệ công tác như các Hội chuyên ngành khác.

 
 
 

4. Những thành tựu

20 năm qua, với lòng nhiệt thành, sự phấn đấu kiên trì của toàn thể hội viên, Hội Tuyển khoáng Việt Nam đã đạt một số thành tích đáng kể. Đó là:  

* Về tổ chức:

- Các tổ chức cơ sở của Hội được củng cố và không ngừng phát triển. Đến nay, Hội đã có 26 chi hội cơ sở với trên 500 hội viên phân bố trên địa bàn cả nước từ Quảng Ninh, Lào Cai đến thành phố Hồ Chí Minh. Từ chỗ chủ yếu gồm các chi hội ngành khoáng sản kim loại, đã bổ sung các uỷ viên Ban chấp hành, Ban thường vụ và phát triển các chi hội thuộc ngành than, ngành hóa chất công nghiệp và một số địa phương.

- Trụ sở của Hội ban đầu phải nhờ vào lòng hảo tâm của một số cá nhân và đơn vị nay đã có thể tự thu xếp thuê Văn phòng, tuy chưa thể gọi là khang trang nhưng đã trang bị đủ phương tiện để đảm bảo các hoạt động bình thường của Hội.

- Năm 2006 Hội đã thành lập "Trung tâm KHCN Chế biến và Sử dụng khoáng sản" với mục đích chính là tập hợp, phát huy tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ tuyển khoáng các thế hệ, thực hiện nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ chế biến, sử dụng một số khoáng sản mới và phức tạp. Trung tâm đã đi vào hoạt động tương đối ổn định, đúng mục đích, phát huy tốt vai trò được Hội giao phó. Sau hơn 4 năm thành lập và phát triển Trung tâm đã thực sự trở thành một đơn vị của toàn thể hội viên Hội Tuyển khoáng Việt Nam hoạt động Khoa học và Công nghệ trong ngành Công nghiệp khoáng sản. Ngoài việc đảm bảo kinh phí cho hoạt động của mình và đóng thuế cho nhà nước, Trung tâm cũng đã có tích luỹ một phần và cung cấp kinh phí cho hoạt động của Hội.

* Về hoạt động KHCN:

KHCN là thế mạnh và là nội dung hoạt động chính của Hội Tuyển khoáng Việt Nam:

- Sau gần 20 năm kể từ Hội nghị lần thứ I, Hội nghị KHCN Tuyển khoáng toàn quốc lần thứ II được tổ chức vào tháng 11 năm 2005 với chủ đề: "Chế biến hợp lý và sử dụng tổng hợp tài nguyên khoáng sản". Với 54 báo cáo khoa học, tham dự Hội nghị có trên 300 cán bộ KHCN trong và ngoài ngành, lãnh đạo và đại diện của các doanh nghiệp, Viện chuyên ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước và đại diện truyền thông, báo chí. "Tuyển tập công trình" các báo cáo khoa học dày hơn 400 trang được các nhà khoa học trong và ngoài ngành đánh giá cao.

- Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đã chuẩn bị và tổ chức Hội nghị KHCN Tuyển khoáng Toàn quốc lần thứ III với chủ đề "Ứng dụng KHCN trong chế biến và sử dụng khoáng sản góp phần phát triển bền vững tài nguyên khoáng sản Việt Nam" vào tháng 6/2010; Cùng thời gian tiến hành Đại hội IV Hội Tuyển khoáng Việt Nam. Hội Nghị KHCN Tuyển khoáng Toàn quốc lần thứ III nhận được sự tham gia của đông đảo cán bộ KHKT, các nhà khoa học trong Hội và các Hội Bạn. Trong số 73 bài báo cáo gửi về đã tuyển chọn được 60 báo cáo để in trong tuyển tập hội nghị.

- Một số hội viên của Hội đã chủ trì Chương trình và đề tài nghiên cứu KHCN cấp Nhà nước, cấp Bộ về khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên trong quá trình chế biến khoáng sản.Về đổi mới, hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khoáng sản đến 2015; định hướng đến 2025...; chủ trì lập quy hoạch phát triển một số khoáng sản đến năm 2025 như cromit, titan...

- Nhiều hội viên của Hội đã rất tích cực tham gia viết bài cho các tạp chí KHCN chuyên ngành, tham gia các hội nghị khoa học của các Hội liên quan như Tổng Hội Địa chất  Hội KHCN Mỏ Việt Nam, Hội KHCN Đúc - Luyện kim, Hội KHCN Hoá học, Hội Vật liệu xây dựng....

- Ngoài ý nghĩa về chính trị - kinh tế, Trung tâm KHCN Chế biến và Sử dụng khoáng sản của Hội thật sự đã là một Trung tâm ứng dụng khoa học tuyển khoáng có uy tín. Trung tâm đã và đang triển khai nhiều công trình nghiên cứu và thiết kế với hàm lượng chuyên môn cao.

- Các Chi hội cơ sở cũng có những hoạt động khoa học công nghệ hết sức sôi nổi và có hiệu quả. Một số công trình đã được công bố trong Tuyển tập và báo cáo tại Hội nghị KHCN Tuyển khoáng toàn quốc lần thứ III.

* Về công tác văn hoá-xã hội:

Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, nên ngay từ khi thành lập Hội đã rất quan tâm đến các hoạt động xã hội

- Hội đã tổ chức và duy trì đều đặn được các buổi gặp mặt đầu xuân, mừng thọ các hội viên cao tuổi. Đến nay, Hội đã tổ chức chúc mừng tuổi 70 và trao quà lưu niệm cho 25 hội viên cao tuổi; Thăm hỏi và động viên, tặng quà cho 12 gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn với giá trị 500.000 đồng/người.

Những hoạt động xã hội, giá trị vật chất tuy không lớn nhưng thật sự là nguồn động viên các hội viên cao tuổi, đánh giá đúng những cống hiến của các Bác các Anh Chị đối với ngành, tạo nên sự gắn bó khăng khít giữa các hội viên với Hội và giữa hội viên các thế hệ với nhau; Cũng như chia sẻ khó khăn của những người đồng nghiệp.

- Hội cũng khuyến khích tổ chức các buổi gặp mặt định kỳ của các bạn đồng môn, đồng khóa, đồng ngành...cũng như thăm hỏi khi ốm đau, phúng viếng trong tang lễ theo quy chế chung về tài chính của Hội.

* Công tác giáo dục-đào tạo:

- Từ năm 1966, nhiệm vụ đào tạo kỹ sư tuyển khoáng được chuyển về Trường Đại học Mỏ-Địa chất. Từ đó đến nay, cùng với trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, trường ĐH Mỏ-Địa chất đã đào tạo kỹ sư tuyển khoáng theo hệ thường xuyên và tại chức với số lượng ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.

- Đến nay, đội ngũ cán bộ tuyển khoáng của chúng ta như sau:

+ Đào tạo ở nước ngoài (chủ yếu là các nước: Liên Xô, Tiệp Khắc, Triều Tiên, Đức, Nhật Bản, Úc...) được khoảng 100 kỹ sư và khoảng 15 cán bộ trình độ trên đại học;

+ Đào tạo trong nước tính đến 2008 được khoảng 1.200 kỹ sư, 2000 trình độ trung cấp và cao đẳng, 30 thạc sĩ và 5 tiến sĩ.

- Hội duy trì cấp học bổng cho 4 sinh viên xuất sắc/năm của ngành tuyển khoáng với giá trị mỗi học bổng hiện nay là 1,0 triệu đồng.

* Công tác hợp tác quốc tế:

- Thời kỳ đầu mới thành lập, từ chỗ chưa có quan hệ trực tiếp nào, đến nay Hội đã có quan hệ với nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quốc tế trong lĩnh vực chế biến khoáng sản.

- Hội đã tổ chức nhiều đoàn đi công tác tại Lào, Trung Quốc, Nhật Bản, CHLB Đức, CH Séc,v.v...; Hội đã tổ chức một số cuộc hội thảo với các chuyên gia nước ngoài về chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường; Hội cũng đã tổ chức tiếp, làm việc và giới thiệu với một số đoàn, chuyên gia các nước Nhật Bản, CHLB Đức, Lào, Trung Quốc về các hoạt động KHCN và môi trường.

Nhìn lại chặng đường 20 năm thành lập và phát triển, những thành tích mà Hội Tuyển khoáng đạt được thật đáng trân trọng. Tuy nhiên, để Hội ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tích lớn hơn nữa, toàn thể hội viên Hội Tuyển khoáng còn cần phải nỗ lực phấn đấu, phát huy những lợi thế và sức mạnh tập thể của Hội, đồng thời hạn chế và khắc phục những mặt tồn tại trong thời gian qua như: Tính chuyên nghiệp, chuyên trách trong công tác điều hành hoạt động của Hội; Sự phối kết hợp giữa các Chi hội cũng như giữa Hội với các Hội bạn và các Cơ quan quản lý Nhà nước; nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ kỹ thuật ngành tuyển khoáng; Công tác truyền thông quảng bá cho ngành; Công tác hợp tác quốc tế ...

5. Phương hướng hoạt động chính trong thời gian tới

Với mục tiêu đến năm 2020 xây dựng nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì trong những năm tới, chắc chắn hoạt động của ngành khoáng sản sẽ ngày càng sôi động hơn. Bên cạnh việc phát huy những thành tựu đạt được trong thời gian qua, phương hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới cần đặc biệt tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

1Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KHCN theo hướng "Chế biến hợp lý, sử dụng tổng hợp, hiệu quả và tiết kiệm nguồn TNKS; Hình thành công nghệ chế biến ít và không phế thải; Tận thu tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp khoáng sản Việt Nam".

2.  Tham gia tích cực vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ ngành chế biến và sử dụng khoáng sản.

Tổ chức các khoá bồi dưỡng, bổ túc, nâng cao chuyên môn và nghiệp vụ cho cán bộ chế biến khoáng sản ở các đơn vị. Chú ý đến công tác giáo dục truyền thông đại chúng về chế biến và sử dụng hợp lý TNKS.

3Tiếp tục củng cố tổ chức, phát triển Hội ngày càng lớn mạnh về mọi mặt.

4. Kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Hội; Xây dựng qui chế hoạt động có tính chuyên nghiệp và chuyên trách.

5. Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm và tiếp cận với những thành tựu khoa học mới trong công nghiệp chế biến và sử dụng khoáng sản.

20 năm - một khoảng thời gian không phải là dài so với lịch sử nhưng cũng không ngắn so với một tổ chức xã hội nghề nghiệp, một đời người. Để thay cho lời kết, chúng tôi muốn nêu ra một số luận cứ để lý giải cho những thành tựu mà Hội đã đạt được trong thời gian 20 năm qua. Đó là:

1. Đa số cán bộ ngành chế biến khoáng sản là những người có tâm huyết với nghề, có nhiệt tình với công tác của Hội và trên hết là có trách nhiệm với sự phát triển của ngành chế biến khoáng sản nói riêng và ngành công nghiệp khoáng sản của đất nước nói chung.

2. Ban chấp hành Hội hoạt động tự nguyện, vô tư, không ngại khó khăn, gian khổ; Cùng nhau vì mục đích phát triển ngành nghề.

3. Sự thân ái, đoàn kết hợp tác, nghĩa tình gắn bó giữa những người đồng nghiệp với nhau như anh em một nhà.

4. Sự ủng hộ và giúp đỡ vô tư, to lớn của các cá nhân, tổ chức, cơ quan quản lý cũng như các doạnh nghiệp và các nhà khoa học thuộc các chuyên ngành khác nhau đã dành cho Hội Tuyển khoáng Việt Nam.

Hội Tuyển khoáng Việt Nam biết ơn sâu sắc tới các cán bộ tuyển khoáng lão thành, các nhà lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các Hội bạn, các nhà Khoa học và toàn thể cán bộ ngành chế biến khoáng sản, 20 năm qua đã hết lòng ủng hộ, tạo điều kiện, giúp đỡ cho Hội Tuyển khoáng Việt Nam ngày càng phát triển và mong rằng trong thời gian tới Hội Tuyển khoáng Việt Nam ngày càng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn hơn nữa.

 
Nguồn: Vampro.vn 


Tin khác
Thời tiết
25°C
Thống kê
138
272
1,319
10,372,888
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 83.500 85.700
SJC 73.680 75.280
Đối tác