Hội nghị, hội thảo

Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững

09/05/2014 - Thứ Sáu - 20:36 Lượt xem: 1
Quyết tâm cải cách kinh tế đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là phương thức cơ bản để tạo sức bật mới cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Đó là tư duy về phát triển bền vững của Việt Nam, được Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu bật tại Hội thảo quốc tế “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, khai mạc sáng 24-3, tại Hà Nội...

“Không thể vỗ tay bằng một bàn tay”

 

Hội thảo do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức, với sự tham dự của 80 đại biểu, trong đó có các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã điểm lại một số kết quả kinh tế-xã hội nổi bật mà Việt Nam đạt được trong công cuộc Đổi mới. Theo đó, từ một nước chậm phát triển, nay Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển các lĩnh vực xã hội, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội và thụ hưởng các thành quả của phát triển…

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội thảo.

Theo Phó thủ tướng, sự phát triển vượt bậc này của Việt Nam trong gần 30 năm qua đều gắn liền với đổi mới tư duy phát triển và nỗ lực cải cách với hai nội dung cốt lõi. Thứ nhất, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Đây thực chất là cuộc cải cách mạnh mẽ nhằm giải phóng sức sản xuất. Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế mà thực chất là chuyển từ nền kinh tế khép kín sang nền kinh tế mở và chủ động hội nhập quốc tế.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng cho rằng, đẩy mạnh hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa là động lực thúc đẩy cải cách kinh tế ở trong nước. Mặt khác, hội nhập quốc tế chỉ có hiệu quả nếu được gắn kết chặt chẽ với cải cách kinh tế. Cải cách kinh tế cần gắn kết tương hỗ với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, bởi "chúng ta không thể vỗ tay chỉ bằng một bàn tay”. Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tiến trình hội nhập của Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới khi Cộng đồng ASEAN đi vào hoạt động năm 2015, hoàn tất đàm phán các FTA với các đối tác chủ chốt, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Trước những cơ hội mới từ tiến trình hội nhập sâu rộng, Phó thủ  tướng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh đổi mới thể chế, hoàn thiện chính sách, pháp luật, cải thiện sức cạnh tranh kinh tế, tăng cường truyền thông về hội nhập và nâng cao năng lực hội nhập. Trong nước, Việt Nam đang triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 với 3 đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.

Phó thủ tướng gợi ý các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ 5 vấn  đề: Tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước trong tương quan với các chủ thể khác trong nền kinh tế thị trường đang hội nhập quốc tế sâu rộng; xây dựng một cơ cấu kinh tế hiện đại như thế nào để tăng trưởng bền vững và bao trùm; giải quyết mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và cải cách cơ cấu trong trung và dài hạn; vị trí, vai trò mới của nông nghiệp đối với tăng trưởng bền vững và bao trùm; cần làm gì trong xu thế liên kết kinh tế đa tầng nấc để có thể tham gia và tranh thủ được tối đa lợi ích của các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình cải cách

Cũng tại hội thảo, nhận định về những lợi thế của Việt Nam, bà Hê-len Clác (Helen Clark), Tổng giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều điểm mạnh, trong đó có lực lượng lao động tương đối trẻ và cạnh tranh, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và ở vị trí trung tâm một khu vực phát triển năng động. Bà Hê-len Clác nhấn mạnh, trong khi xem xét các biện pháp cải cách thuộc thế hệ mới, Việt Nam có thể lựa chọn con đường phát triển bao trùm và bền vững. “UNDP cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình cải cách”, bà Hê-len Clác nói.

Gợi ý một số lĩnh vực quan trọng để Việt Nam có thể cân nhắc trong quá trình cải cách để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững, Tổng giám đốc UNDP cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp để cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản xuất trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản như là một phần hữu cơ trong chiến lược tăng trưởng của đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục nâng cấp mạnh mẽ nền kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn để giúp Việt Nam có thể xác lập được lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới, tạo ra được nhiều việc làm tốt; mở mang nhiều cơ hội thông qua khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng và phù hợp có vai trò then chốt; cải cách các hệ thống bảo trợ xã hội; đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch.

Hội thảo sẽ bế mạc vào ngày 25-3.

 
Nguồn: Vy Oanh - qdnd.vn 


Tin khác
Thời tiết
26°C
Thống kê
12
361
782
10,369,106
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 83.500 85.700
SJC 73.680 75.280
Đối tác