Hội nghị, hội thảo

Ngành công nghiệp Titan: “Chung tay vượt khó và gìn giữ môi trường”

19/08/2014 - Thứ Ba - 11:29 Lượt xem: 1
Đó chính là chủ đề đã đưa ra tại Đại hội lần thứ VII nhiệm kỳ 2014 - 2018 của Hiệp hội Titan Việt Nam được tổ chức tại tại Quy Nhơn, Bình Định, vào ngày 16/8/2014.


Ra mắt Ban chấp hành Hiệp hội Titan VN khóa VII, nhiệm kỳ 2014 - 2018

Ra mắt Ban chấp hành Hiệp hội Titan VN khóa VII, nhiệm kỳ 2014 - 2018

 Sự chuyển mình

Báo cáo tại hội nghị, Ông Nguyễn Văn Lịch - Chủ tịch HH Titan Việt Nam đã đánh giá về những kết quả đã đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại và bất cập trong nhiệm kỳ 2010 - 2014 của ngành Titan Việt Nam.

Hiện Hiệp hội có 44 thành viên, trong đó có 38 đơn vị trực tiếp thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh, các sản phẩm từ Titan; 6 đơn vị nghiên cứu khoa học, công nghệ, chế tạo và lắp đặt thiết bị tư vấn lập dự án, giám sát và thiết kế thi công, và sử dụng sản phẩm Titan. Trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng Titan là 658 triệu tấn, trong đó, có thể huy động cho quy hoạch khoảng 440 triệu tấn, nằm trong 89 mỏ và điểm quặng. Với trữ lượng và tài nguyên dự báo này, Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để đầu tư, xây dựng ngành công nghiệp Titan hiện đại và bền vững.

Trong 4 năm qua đã có 5 nhà máy luyện xỉ đã được đầu tư và đi vào sản xuất với công suất 64.000 tấn xỉ/năm, và chỉ sau 1 đến 2 năm hoạt đồng đã đầu tư mở rộng giai đoạn 2 nâng công suất lên 137.000 tấn/năm như: Nhà máy luyện xỉ của Bimico từ 12.000 tấn/năm lên 21.000 tấn/năm; Nhà máy luyện xỉ của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Nông thôn Miền núi Thái Nguyên từ 12.000 tấn/năm lên 24.000 tấn/năm; Nhà máy luyện xỉ của Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn – Quy Nhơn đang đầu tư mở rộng để nâng công suất từ 24.000 tấn/năm lên 60.000 tấn/năm; Nhà máy luyện xỉ của Công ty TNHH NN Một thành viên Khoáng sản Thừa Thiên Huế từ 10.000 tấn/năm lên 20.000 tấn/năm; Nhà máy luyện xỉ của Công ty cổ phần Khoáng sản Biotan từ 6.000 tấn/năm lên 12.000 tấn/năm…

Giai đoạn này, ngành công nghiệp Titan đầu tư được nhiều dự án nhất, cụ thể: Đầu tư và đưa vào sản xuất và đầu tư mở rộng nâng công suất (giai đoạn 2) của 5 dự án luyện xỉ, đầu tư mới nhiều nhà máy sản xuất Zircon mịn và siêu mịn, sản xuất Rutin chất lượng cao, 2 nhà máy Ilimenite hoàn nguyên sản xuất ổn định đạt và vượt công suất thiết kế. Các dự án luyện xỉ chọn công suất hiệu quả, chọn thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến đã được thẩm định, một số dự án luyện xỉ, Titan Pigment đang lập và chuẩn bị trình Bộ Công Thương thẩm đinh, một số dự án sản xuất Titan xốp và Titan kim loại đang được hình thành…

Thứ trưởng Bộ Công Thương – Lê Dương Quang phát biểu tại HN

Liên quan đến việc hạn chế XK quặng thô của Chính phủ, Thứ trưởng Lê Dương Quang yêu cầu các DN phải chia sẻ với những chủ trương của Chính phủ, đồng thời phải chủ động điều tiết việc khai thác quặng Titan, tránh để tồn đọng lớn, từ đó gây sức ép đến các cơ quan quản lý và Chính phủ

Khó khăn và nhiều trăn trở

Bên cạnh những kết quả nêu trên thì phải thừa nhận rằng, trong mấy năm trở lại đây, nhất là từ năm 2012, nhiều DN Titan đã phải vật lộn giữa sự tồn tại phát triển và sự đóng cửa ngừng hoạt động. Giá mặt hàng quặng Titan trên thế giới đang xuống kỷ lục (hiện giảm tới 60% so với giá tại thời điểm đầu năm 2012), các DN không tiêu thụ được quặng, tồn đọng lớn. Thêm vào đó, trước yêu cầu của Chính phủ về việc tiết kiệm và sử dụng nguồn khoáng sản có hiệu quả; gắn chế biến sâu với việc cấp mỏ khai thác, không ít nhà máy khai thác Titan đã phải đóng cửa hoặc cố gắng duy trì cầm cự. Nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng tới DN đang triển khai các dự án đầu tư chế biến sâu.

Phát biểu tại Hội nghị, hầu hết các DN đều cho rằng: Chưa bao giờ ngành Titan phải đối mặt với những khó khăn như hiện nay. Ông Huỳnh Ngọc Châu- đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Khoáng sản Ban Mai- phát biểu: “Nếu DN không được gia hạn giấy phép khai thác nữa thì trên 300 lao động của công ty mất việc làm. Các nhà xưởng, máy móc thiết bị không vận hành sẽ bị hư hỏng, DN chắc chắn sẽ phải đóng cửa…”.

Ông Ngô Quốc Hội- Tổng giám đốc Công ty CP Khoáng sản An Khánh- thì cho rằng: Mặc dù Bộ Tài chính đã có quyết định giảm thuế XK mặt hàng quặng Titan từ 40% xuống 30% nhưng đó vẫn là mức thuế cao. Đã vậy, giai đoạn này Nhà nước xem xét tăng thuế tài nguyên đánh vào các sản phẩm từ khoáng sản tăng từ 11% lên 16%; tiếp theo là ban hành Nghị định về phương pháp tính mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… đã thực sự khiến các DN bế tắc về tài chính.

Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Kim Phương đưa ra những con số về hoạt động khai thác, chế biến và XK Titan của Bình Định - Một trong những tỉnh hàng đầu về phát triển ngành CN Titan như sau: Xuất khẩu Titan của Bình Định trong năm 2013 đạt 60,7 triệu USD, giảm 21,8% so năm 2012; 6 tháng đầu năm 2014 đạt 12,8 triệu USD, giảm 63,9% so cùng kỳ 2013; ước cả năm 2014 đạt 30 triệu USD, giảm 61,3% so 2012 và 50,5% so với năm 2013. Sự suy giảm này đã làm ảnh hưởng lớn đến mức tăng trưởng giá trị sản xuất chế biến và kim ngạch XK của tỉnh Bình Định. Đặc biệt, việc DN thua lỗ trong năm 2014 tăng dẫn đến việc trách nhiệm bảo vệ môi trường của DN chưa tuân thủ đúng mức, giảm vốn đầu tư thiết bị công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm do kinh doanh không còn hiệu quả. Một vài DN đã thu hẹp quy mô hoặc ngừng sản xuất như Biotan, SQC…

Ông Nguyễn Hữu Lộc- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại HN

Hiệp hội Titan Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 – 2018. Đây là Đại hội có ý nghĩa quan trọng nhằm tổng kết đánh giá hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ 2010 - 2014 và triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành CN Titan Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020 có xét đến năm 2030.

Chung tay chia sẻ

Cùng với sự chung tay vượt khó của các DN trong Hiệp hội Titan, tham dự Đại hội, ông Lê Hữu Lộc- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định- đánh giá cao các DN Titan của tỉnh Bình Định trong những năm qua đã có đóng góp cho ngân sách địa phương, giải quyết công ăn việc làm lao động tại chỗ. UBND tỉnh Bình Định cũng đã chủ động phối hợp với Hiệp hội, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các DN trong suốt thời gian qua, đồng thời chỉ đạo các Sở, ban ngành thường xuyên theo dõi, nắm sát tình hình, lắng nghe ý kiến của DN để kịp thời đưa ra hướng xử lý, giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này cũng như sự phát triển trong thời gian tới. Ông Lê Hữu Lộc cũng yêu cầu các DN đoàn kết, chung tay, cufng nhau chia sẻ vượt khó, đồng thời phải đặc biệt chú ý đến vấn đề đầu tư công nghệ, xử lý môi trường, an toàn lao động để ngành công nghiệp Titan phát triển ổn định, bền vững.

Đánh giá cao vai trò của Hiệp hội Titan Việt Nam trong nhiệm kỳ qua, nhất là giai đoạn khó khăn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng, Hiệp hội càng phải thể hiện hơn nữa vai trò của mình. Trước những kiến nghị của DN trong Hiệp hội liên quan đến cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương, Thứ trưởng cũng thừa nhận: đôi khi chính sách còn chậm so với diễn biến thực tế, vì vậy đề nghị các địa phương, các DN có những phản ánh, đóng góp ý kiến để các cơ quan chức năng nắm bắt và có những hướng xử lý kịp thời. Thứ trưởng cam kết, Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các DN, nhất là giai đoạn khó khăn hiện nay để tháo gỡ khó khăn, bất cập cho DN, sớm đưa ngành công nghiệp Titan phát triển theo phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, trước một số bất cập, hạn chế ngay giữa các DN trong ngành Titan, Thứ trưởng cũng thẳng thắn yêu cầu các DN phải có sự hợp tác, liên kết với nhau; chia sẻ thông tin về công nghệ, thị trường. Nhất là trước yêu cầu của Chính phủ về viêc đầu tư chế biến sâu, trong khi không phải DN nào cũng có đủ tiềm lực về tài chính thì việc liên doanh liên kết là hướng đi khả thi.

Cùng với Bộ Công Thương, đại diện Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài Chính, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng không chỉ tiếp thu các ý kiến của các DN về chính sách thuế mà còn giải thích và tham mưu cho các DN hiểu đúng, trên cơ sở đó thực hiện nghĩa vụ cũng như quyền lợi của mình.

Toàn cảnh Hội nghị

Thực hiện chủ trương tiết kiệm và sử dụng nguồn khoáng sản có hiệu quả của Chính phủ, trong mấy năm trở lại đây, nhiều DN khai thác và chế biến Titan đã nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến sâu, vì vậy từng bước giải quyết được vấn đề tồn đọng quặng thô, tháo gỡ khó khăn cho DN.  

Thị trường và hướng đi đã xác định

Do chất lượng các loại sản phẩm của các đơn vị đều đạt tiêu chuẩn XK, có khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thế giới, do vậy nhiều khách hàng lớn, có uy tín như: Sumitomo, Fuji, Tay - Ka, Sakai, Ishihara (Nhật Bản); Kosmo (Hàn Quốc); Husman (Malaysia) và Trung Quốc đều đã chấp nhận. Đặc biệt, sản phẩm Ilmenite đã vào được Tập đoàn Dufon của Mỹ. Các sản phẩm Zircon, Zircon bột, Zircon siêu mịn, Rutin hàm lượng TiO2 cao, Ilmenite hoàn nguyên và gần đây là các sản phẩm xỉ Titan của tất cả các đơn vị đã chinh phục được khách hàng “khó tính” ở các thị trường lớn trên thế giới.

Có thể nói, thời kỳ 2010 - 2014 là giai đoạn gặp nhiều khó khăn, thử thách đối với các DN khai thác và chế biến XK Titan. Trong lúc quy hoạch mới: Phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Titan chưa được phê duyệt, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản Titan còn nhiều bất cập, Chính phủ yêu cầu ngành Titan từng bước phải thực hiện đúng lộ trình chấm dứt XK thô, đầu tư công nghệ chế biến sâu… khiến cho không ít DN khủng hoảng và rơi vào khó khăn khi chưa đáp ứng được vấn đề đầu tư các dự án chế biến sâu.

Bên cạnh đó, bản thân việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản… của một số DN chưa nghiêm. Tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép khoáng sản chưa giảm, việc buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp, dẫn đến thất thoát nghiêm trọng tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng đến môi trường, thất thoát lớn ngân sách Nhà nước.

Việc hợp tác, liên kết, giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng các DN tuy đạt được kết quả đáng kể song chưa thực sự ngang tầm với yêu cầu. Một số đơn vị vẫn mang tư tưởng cục bộ địa phương, không muốn liên kết hợp tác với đơn vị bạn, muốn khép kín từ khâu khai thác, chế biến, tuyển tinh và XK quặng tinh để có ngoại tệ. Vì vậy đã làm cho ngành công nghiệp Titan phát triển manh mún, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh ngay trong nội bộ của Hiệp hội.

Tuy nhiên, xác định: tiết kiệm và sử dụng nguồn khoáng sản có hiệu quả, đúng với tinh thần của Chính phủ, các DN đã từng bước nghiên cứu, đầu tư công nghệ, vì vậy giai đoạn này, ngành công nghiệp Titan đầu tư được nhiều dự án nhất, cụ thể: Đầu tư và đưa vào sản xuất và đầu tư mở rộng nâng công suất (giai đoạn 2) của 5 dự án luyện xỉ, đầu tư mới nhiều nhà máy sản xuất Zircon mịn và siêu mịn, sản xuất Rutin chất lượng cao, 2 nhà máy Ilimenite hoàn nguyên sản xuất ổn định đạt và vượt công suất thiết kế. Các dự án luyện xỉ chọn công suất hiệu quả, chọn thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến đã được thẩm định, một số dự án luyện xỉ, Titan Pigment đang lập và chuẩn bị trình Bộ Công Thương thẩm đinh, một số dự án sản xuất Titan xốp và Titan kim loại đang được hình thành…

Titan tồn đọng trong các kho

Nguồn: Quỳnh Minh - báo công thương


Tin khác
Thời tiết
23°C
Thống kê
176
229
99
10,366,285
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 73.880 75.480
Đối tác