Hội nghị, hội thảo

Trí thức khoa học và công nghệ đóng góp ý kiến Dự thảo Luật về Hội

10/10/2015 - Thứ Bảy - 13:02 Lượt xem: 1
Ngày 29 tháng 9 năm 2015, tại Thanh Hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các nhà khoa học cho dự thảo Luật về Hội.

GS.TSKH. Đặng Vũ Minh, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và GS.TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam, lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Ban Tuyên giáo Trung ương, Vụ Khoa giáo - Văn xã Văn phòng Chính phủ, Vụ Tổ chức phi chính phủ Bộ Nội vụ cùng với gần 30 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, hội thành viên và tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam.

Để triển khai Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định về “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 70/2014/QH13 về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2015, trong đó dự thảo Luật về Hội sẽ được Quốc hội xem xét lần đầu tiên tại kỳ họp thứ 10 (dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm 2015).

Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, trước năm 1986, cả nước chỉ có gần 30 hội quần chúng có phạm vi hoạt động toàn quốc. Năm 1990, có khoảng 100 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, 300 hội có phạm vi hoạt động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2002, có 240 hội hoạt động toàn quốc, 1.450 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2012, có 460 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc. Năm 2013, cả nước có khoảng 36.900 hội. Tính đến tháng 12/2014, cả nước có 52.500 hội, trong đó có 482 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc. Với cơ chế lãnh đạo của Đảng và Nhà nước hiện nay, các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, xã hội hoá ngày càng cao, thành lập và phát triển hội thực sự là một nhu cầu thiết thực, phù hợp với nhu cầu của thực tiễn đời sống.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về quan điểm xây dựng Luật và những nội dung cơ bản của dự thảo Luật về Hội. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật về Hội được đưa ra lấy ý kiến hiện nay chủ yếu dựa vào Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, có sự kế thừa, sắp xếp lại bố cục nội dung, hoàn thiện một số điều, khoản, đồng thời bổ sung một số điều khoản mới. Tuy nhiên, những thay đổi, bổ sung đó chưa nhiều, chưa căn bản, mới chỉ dừng lại tầm của một nghị định hướng dẫn luật, chưa xứng tầm một văn bản luật, chưa bao quát và thể hiện được tinh thần bảo đảm và tạo điều kiện thực hiện quyền lập hội của công dân. Thực tiễn đòi hỏi cần thiết phải có nhận thức và quan điểm phát triển hơn về vai trò của hội, trách nhiệm của Nhà nước đối hoạt động của hội. Vì vậy, cơ quan soạn thảo dự thảo Luật về Hội cần tổng kết, đánh giá lại Sắc lệnh số 102/SL/L004 ngày 29/5/1957 về quyền lập hội, bởi lẽ đến nay Sắc lệnh vẫn còn hiệu lực, thay vì chỉ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP.

IMG 0009

Dự thảo Luật về Hội toát lên tư tưởng chủ đạo nghiêng về việc quản lý của Nhà nước đối với hội, chưa thể hiện nội dung quyền lập hội và trách nhiệm của Nhà nước tạo điều kiện để hội hoạt động và phát triển theo tinh thần của Hiến pháp. Thực tế, hội được thành lập không những chỉ để bảo vệ quyền lợi hội viên mà còn cung cấp dịch vụ cho xã hội và phục vụ các lợi ích xã hội. Vì vậy, cần bổ sung, viết lại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật như sau: “1. Luật này quy định về hội, quyền lập hội, tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội”.

IMG 0001

Một số đại biểu cho rằng, quyền lập hội có liên quan mật thiết với nhiều quyền khác như: quyền hội họp, quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin; quyền của công dân trong việc tham gia vào quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho công dân tham gia, vì vậy Luật về Hội cần bảo đảm để hội được tham gia giải quyết các vấn đề của đất nước với tư cách là những thành tố quan trọng trong hệ thống chính trị nước ta, đồng thời cần phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết.

Nguồn: NQC, vusta.vn


Tin khác
Thời tiết
25°C
Thống kê
233
264
99
10,367,296
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.900
SJC 73.050 75.050
Đối tác