KHCN ngoài nước

TRIỂN VỌNG KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÊN VŨ TRỤ

13/06/2017 - Thứ Ba - 13:12 Lượt xem: 1
Cuộc đua tìm vàng trong tương lai sẽ không diễn ra trên trái đất mà sẽ có địa điểm là các tiểu hành tinh. từ Người đồng sáng lập Google Larry Page đến giám đốc công ty Amazon Jeff Bezos đều đang đua nhau giành quyền khai thác. Nhà báo George Pendle gặp mặt những ông trùm công nghệ muốn tìm khoáng sản trong vũ trụ

khai thác khoáng sản trên vũ trụ

Trụ sở Planetary Resources, một công ty muốn khai thác khoáng sản trên vũ trụ, tọa lạc tại một khu văn phòng ở thành phố Richmond, bang Washington (Mỹ), cách thành phố Seattle 24km. Đây là lãnh địa của Microsoft. Sảnh chính cũng giống như các công ty công nghệ khác. Có một bức tượng to như người thật của nhân vật Boba Fett trong phim Star Wars. Một bàn bi-da, một thùng bia lớn có vòi vặn, nhiều máy trò chơi điện tử cũ, một nhóm những người khoảng 20~40 tuổi râu ria làm việc trên laptop. Sứ mệnh của công ty này là đáp tàu vũ trụ xuống các tiểu hành tinh đang di chuyển hỗn loạn trong không gian và khai thác khoáng sản bằng robot chạy bằng năng lượng mặt trời. Sứ mệnh to tát là vậy nhưng nơi này nhìn cũng bình thường, cho đến khi đi đến phòng trung tâm của văn phòng. Phòng có tường bằng kính, nhiều đèn, bên trong vô trùng, có các kỹ sư đeo khẩu trang, mặc trang phục kín mít màu trắng, tóc được bọc lại. Có hai vệ tinh nhỏ. Tất cả mọi người vẫn làm việc bình thường. Chris Lewicki, 43 tuổi, là chủ tịch kiêm CEO. Lewicki từng là chỉ đạo bay cho nhiệm vụ xe tự hành thám hiểm Sao Hỏa của NASA khi chưa đầy 30 tuổi. Lewicki hiểu rõ những khó khăn và thách thức trong việc đưa một con robot điều khiển từ xa đi quãng đường 500 triệu km và bắt nó khám phá một nơi xa lạ: “Du hành vũ trụ rất khó. Nhưng đào mỏ trên không gian vẫn khả thi”.

Đội ngũ cố vấn gồm có các nhà vật lý của trường MIT, các nhà khoa học của NASA, các vị tướng đã về hưu và… đạo diễn phim Avatar James Cameron. Avatar là phim về việc người trái đất đi đến hành tinh khác để đào mỏ và áp bức sinh vật bản địa. Điều ấn tượng hơn là, những người đầu tư vào công ty gồm có Larry Page, đồng sáng lập Google; Bryan Johnson, sáng lập Braintree; Tencent, một công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc; và một nhóm các nhà đầu tư khó tính khác. Năm ngoái, họ rót 21 triệu đô-la Mỹ vào công ty.

Planetary Resourses hi vọng sẽ bắt đầu khai thác khoáng sản trên tiểu hành tinh trong vòng 10~15 năm, nhưng cũng muốn thu lời từ các bước dọc đường. Đầu tiên, công ty muốn tạo ra nhiều vệ tinh nhỏ như hai cái trong phòng kín. Chỉ hơi nhỏ hơn bao gạo một chút, những vệ tinh nhỏ này sẽ được dùng để tìm kiếm tiểu hành tinh thích hợp để khai thác. Nhưng trước đó, những máy dò này sẽ được dùng trên trái đất, thu thập dữ liệu hồng ngoại và ngoại tuyến để đem bán. Tương tự như một bản đồ Google riêng cho một người, cập nhật và chính xác hơn. Các công ty dầu khí có thể kiểm tra đường ống dẫn dầu để phát hiện những điểm rò rỉ. Người quản lý đất có thể thấy cháy rừng. Thậm chí nông dân có thể yêu cầu vệ tinh kiểm tra ruộng khi đang đi nghỉ mát. “Giống như một chương trình không gian”, Lewicki nói. “Mục đích là đưa người lên mặt trăng nhưng trong quá trình đó chúng ta tạo ra được nhiều thứ có giá trị. Nếu rất thành công, chúng tôi sẽ hoàn thành được một phần sứ mệnh. Nếu chỉ thành công vừa phải, chúng tôi sẽ thu lời từ một số dịch vụ không gian thú vị”.

Theo các nhà khoa học, những tiểu hành tinh bay vòng quanh hệ mặt trời với vận tốc 100.000km/h có nhiều nước, sắt và các kim loại quý. Những tài nguyên này có thể được dùng để xây các công trình trên vũ trụ, nạp nhiên liệu cho tàu vũ trũ, hoặc đơn giàn là dùng làm trang sức. Asterank.com, một cơ sở dữ liệu về tiểu hành tinh được Planetary Resources mua vào năm 2013, đã định giá hơn 600.000 tiểu hành tinh. Một số có giá trị hơn 100 ngàn tỷ đô-la Mỹ. Những tiểu hành tinh gần trái đất là mục tiêu chính.

Mục tiêu kiếm lời từ không gian chỉ mới xuất hiện gần đây. Tiến sỹ John Lewis là một người ủng hộ từ sớm và đã viết một cuốn sách về khai thác mỏ trên tiểu hành tinh. Trong Mining in the Sky, Lewis cho rằng các thành phố và cơ sở hạ tầng có thể xây được trong không gian. Trong tính toán của Lewis, dải tiểu hành tinh giữa Sao Hỏa và Sao Mộc có đủ tài nguyên để phục vụ cho “vài chục triệu tỷ người”.

Lewis cho biết: “Mục tiêu của cuốn sách là trẻ vị thành niên. Những người có đầu óc cởi mở”. Một trong những học trò của Lewis ở Đại học Arizona là Chris Lewicki. Lewicki đã mời Lewis làm việc ở Planetary Resources, nhưng quá trình thương lượng thất bại. Lewis kể lại: “Họ chỉ muốn dùng tên tôi. Tôi không được nói câu nào. Tiền lương thì rất ít”. Hiện nay Lewis là trưởng ban khoa học tại Deep Space Industries, một công ty khai thác tiểu hành tinh khác. Planetary Resources chỉ nói đơn giản, “Chúng tôi tôn trọng tiến sỹ Lewis và các công trình nghiên cứu của tiến sỹ”.

“NASA không bao giờ muốn kiếm tiền”, Lewicki cho biết. “Người ta làm cho NASA không phải vì được trả lương hậu hĩnh. Mà vì họ muốn khám phá vũ trụ và mở mang kiến thức con người”. Những nhà đầu tư lắm tiền trong ngành khai thác tiểu hành tinh và triển vọng kiếm nhiều tiền rất hấp dẫn đối với các nhà khoa học NASA chuyên giành giật từng đồng từ nguồn vốn eo hẹp của chính phủ. Sara Seager, một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới, về làm cố vấn cho Planetary Resources với hi vọng kiếm đủ tiền để tự tìm kiếm một trái đất thứ hai (một tham vọng rất tốn kém). Những ham muốn khởi nghiệp như vậy rất phổ biến trong ngành công nghiệp NewSpace mới xuất hiện này.

Ít thứ bậc, giảm thủ tục, bớt truyền thống hơn Old Space (“Không gian Cũ của Nhà nước”), NewSpace (“Không gian Mới của Tư nhân”) gồm những nhóm nhỏ làm việc với công nghệ hiện có. Ví dụ, Planetary Resources đang thử nghiệm một linh kiện vệ tinh làm từ máy điều tiết truyền dịch tĩnh mạch. Lewicki giải thích: “Rất đáng tin cậy vì mạng người dựa vào vật này. Khi muốn làm một linh kiện tương tự, NASA mướn 200 kỹ sư để thiết kế từ đầu. Trong khi đó, chúng tôi chỉ cần mua thiết bị y khoa. Các công ty y tế đã làm hoàn chỉnh khâu thiết kế”.

Elon Musk là người đặt nền tảng cho NewSpace với SpaceX, một công ty tên lửa thành lập năm 2002. NASA bây giờ thuê SpaceX tiếp tế cho trạm không gian quốc tế ISS. SpaceX hiện có tổng giá trị khoảng 15 tỷ đô-la Mỹ. “Elon càng ăn nên làm ra”, Meagan Crawford, COO của Deep Space Industries, cho biết, “toàn ngành càng được nhờ”.

Dick Rocket, CEO của NSG, một công ty phân tích chuyên về NewSpace, ước tính hằng năm các công ty NewSpace thu về 5 đến 10 tỷ đô-la Mỹ, và dự đoán trong 10 năm tới sẽ có 10.000 công ty mới xuất hiện.

Jeff Bezos, người sáng lập Amazon, đồng thời là chủ tờ báo The Washington Post, cũng có những kế hoạch vĩ đại như Musk. Bezos sáng lập công ty tên lửa NewSpace Blue Origin vào năm 2000. Người giàu thứ tư thế giới muốn “hàng triệu người sống và làm việc trong không gian”.

Để những ý tưởng NewSpace này trở thành hiện thực, khai thác tiểu hành tinh phải thành công. Vì có vẻ như đây là cách duy nhất để khám phá và định cư lâu dài trong không gian. Chi phí đưa nhiên liệu, nước và vật liệu xây dựng từ trái đất vào không gian quá cao: 11.000 đô-la Mỹ một kg từ mặt đất lên trạm không gian quốc tế ISS trên tên lửa SpaceX. Khi được khai thác, tiểu hành tinh sẽ trở thành cây xăng và xưởng cưa cho tàu vũ trụ.

Về mặt luật pháp, khi thời kỳ Mỹ và Liên Xô chạy đua vào không gian lên đến đỉnh điểm, một hiệp ước quốc tế cấm mọi quốc gia tuyên bố chủ quyền trên các “thiên thể”, nhưng không nhắc đến công ty tư nhân hoặc cá nhân. Trong khi đó, Đạo luật Space Act năm 2015 của Mỹ cho phép công dân nước này sở hữu những gì họ tự lấy được từ tiểu hành tinh. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước chính thức cho phép người dân khai thác vũ trụ. Một phiên bản trước đó của đạo luật này bao gồm từ ngữ của những người muốn khai thác tiểu hành tinh. Họ đã vận động hành lang mạnh tay cho đạo luật này. Họ muốn chiếm tiểu hành tinh bằng cách thể hiện “hoạt động”. Điều này có nghĩa là những công ty có vệ tinh như Planetary Resources có thể chĩa vệ tinh vào tiểu hành tinh và tuyên bố chủ quyền. Phần này cuối cùng cũng được loại bỏ khỏi đạo luật. Planetary Resources cũng phủ nhận họ muốn chiếm tiểu hành tinh bằng cách đó. Tuy nhiên, nhiều luật sư trong ngành đang tìm cách lách luật. Họ cho rằng nếu tiểu hành tinh nhỏ đến mức tàu vũ trụ kéo đi được, nó không còn là một “thiên thể” và do đó có thể được chiếm hoàn toàn.

Hiện nay, những ý tưởng trên vẫn còn rất xa vời. Planetary Resources mới chỉ đưa được một vệ tinh vào quỹ đạo trái đất. Một vụ nổ khi phóng đã làm tan tành một vệ tinh khác. Chưa có đơn vị tư nhân nào đến gần với việc đáp tàu lên tiểu hành tinh. Thứ duy nhất mà họ có được là những tuyên bố cường điệu. Jim Logan, người từng có 22 năm làm việc tại NASA, đồng sáng lập Space Enterprise Institute, một công ty phân tích phi lợi nhuận, cảnh báo việc nhiều người trong ngành nhìn quá xa: “Không phải là họ đang cường điệu hóa vấn đề mà là họ cho rằng giải quyết vấn đề rất đơn giản”.

Không ai muốn bản thân ngờ nghệch về không gian như các cây bút ngồi trong ca-bin của The New York Times khi họ đăng bài viết cho rằng tên lửa không thể hoạt động trong không gian vào năm 1920. Tuy nhiên, người trong ngành ai cũng cuồng tín vào một điều chưa xảy ra. Tìm được một người hoài nghi trong cộng đồng NewSpace còn khó hơn mò kim đáy bể.

Thật ra họ cũng có lý do lạc quan, nhờ những người trong Old Space. Vào năm 2001, NASA đáp tàu thăm dò NEAR Shoemaker trên một tiểu hành tinh. Cơ quan không gian Nhật Bản đem về trái đất gần 1mg bụi tiểu hành tinh về trái đất trên tàu Hayabusa năm 2010. Năm 2014, Cơ quan không gian Châu Âu đáp tàu thăm dò Rosetta lên một sao băng (một dạng tiểu hành tinh nhiều băng) nhưng Rosetta tiếp đất quá mạnh và văng vào một khe nứt.
Năm ngoái, NASA phóng tàu OSIRIS-REx, đặt theo tên thần chết trong thần thoại Ai Cập, mục đích là thám hiểm một tiểu hành tinh và đem 2kg khoáng vật về trái đất vào năm 2023. Một đề nghị tỷ đô còn tham vọng hơn là dự án Asteroid Redirect Mission: Lấy một khối đá nặng vài tấn từ một tiểu hành tinh đem vào quỹ đạo của mặt trăng. Khối đá sẽ quay xung quanh mặt trăng, tiện cho việc nghiên cứu.

 

Tất cả các nhiệm vụ không gian này đều được các chính phủ chi trả, chứ không phải các nhà đầu tư tư nhân muốn kiếm lời. Nhưng điều này không cản được những người muốn khai thác tiểu hành tinh thu hút những nhà đầu tư kỳ lạ.

Công quốc luxembourg là nơi có Ceratizit, một công ty sản xuất khoảng 40~45% lượng bi dùng trong viết bi trên thế giới. Là một đất nước nhỏ bé và không có đường bờ biển, nhưng năm ngoái Công quốc tuyên bố đã trở thành một nhà đầu tư lớn trong ngành khai thác tiểu hành tinh.

Người chủ xướng cho phi vụ đầu tư liên hành tinh này là Étienne Schneider, phó thủ tướng Luxembourg, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đây là một quốc gia rất nhỏ). Ngồi trong văn phòng trên tầng cao của một cao ốc bình dị, Schneider giải thích: “Luxembourg từng là nước sản xuất thép lớn nhất châu Âu”. Khi ngành khai mỏ suy yếu vào những năm 1970, họ chuyển sang làm tài chính. “Lúc đó người ta nói Luxembourg không bao giờ có thể trở thành một trung tâm tài chính”, Schneider nói, “nhưng chúng tôi đã thành công”. Từ “thành công” có lẽ không nói lên hết được thành tựu của quốc gia này: Luxembourg hiện là nước có GDP đầu người cao nhất thế giới.

Để đa dạng hóa nền kinh tế hơn nữa, Luxembourg đã chi 25 triệu euro mua 10% cổ phần Planetary Resources. Họ cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Deep Space Industries. Schneider muốn dựa vào hai công ty này để xây dựng một cơ quan không gian Luxembourg, cũng như một quỹ đầu tư NewSpace. “Chúng tôi sẽ không nghiên cứu chỉ để hiểu biết nhiều hơn về vũ trụ. Chúng tôi muốn làm những nghiên cứu có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh doanh”.

Không như tất cả những người khác trong ngành, Schneider không hề quan tâm đến không gian, chưa bao giờ xem cảnh phóng tàu vũ trụ hay muốn trờ thành phi hành gia khi còn nhỏ. Ông không đọc truyện khoa học viễn tưởng, không nhắc đến phim Star Wars. Mặc dù tin rằng khai thác tiểu hành tinh sẽ trở thành một ngành công nghiệp lớn, thu hút các công ty NewSpace đến Luxembourg, Schneider thẳng thắn nói rõ hiện nay đầu tư có mục đích khác: “Bây giờ chúng tôi có mặt trên bàn lãnh đạo của một công ty Mỹ. Tôi đã gặp Jeff Bezos và Larry Page”. Đối với Schneider, khai thác tiểu hành tinh là cơ hội tốt để tạo thêm nhiều mối quan hệ.

Mất hai tiếng rưỡi bay về phía Tây Bắc Luxembourg là một thiên đường thuế khác còn nhỏ hơn. Nơi này từng muốn tham gia vào NewSpace và từng được xem là biết nhìn xa trông rộng. Nhưng hôm nay đây không phải là một thành công mà là một câu chuyện buồn.

Đảo Man – dài 48km, rộng 16km, dân số 88.000 người – nằm giữa biển Ireland. Đảo không thuộc Ireland và cũng không thật sự thuộc Anh. Lá cờ của đảo là ba cái chân nối lại ở phần hông, với khẩu hiệu: “Bị ném như thế nào thì nó cũng đứng được”. Khẩu hiệu này có vẻ không có ý nghĩa sâu xa gì khác ngoài lợi ích của việc có ba chân.

Khi được hỏi về chương trình không gian, tửu khách trong một quán rượu ở thủ đô Douglas nhún vai: “Khai thác tiểu hành tinh? Anh giỡn chơi hả?”. Nếu muốn thoát khỏi trọng lực, họ khuyên đến đồi Magnetic, nơi mà xe hơi đang đậu trôi lên đồi thay vì xuống đồi (đây chỉ là một ảo ảnh thị giác). Hòn đảo này là một nơi kỳ lạ. Khi Áo choàng của thần biển Manannán (sương mù dày đặc mà người địa phương cho là giấu đảo khỏi những kẻ không mời) tràn vào, xung quanh trông như một hành tinh khác.

Chris Machin (72 tuổi) là chủ tịch bảo tàng giao thông vận tải Jurby. Bảo tàng là một xưởng chứa máy bay cũ, nơi lưu giữ những gì còn sót lại của chương trình không gian, bên cạnh xe bus và xe điện cũ. “Đồng nghiệp của tôi không ưa nó lắm. Họ bắt đầu cằn nhằn khi thấy món gì không có bốn bánh và nhiều chỗ ngồi”.

Tại bảo tàng, chúng tôi len lỏi giữa những chiếc Ford Model T và Buick. Giữa chiếc xe bus hai tầng Leyland và chiếc xe mô tô đua Velocette là một capsule (tàu chở người) vũ trụ hình nón mới tinh màu lục thẫm. Trên có cờ Mỹ, Anh, Nga và Đảo Man. Capsule này và một module khổng lồ từ một trạm không gian của Liên Xô ở một góc khác của hòn đảo là tài sản của một người tên Art Dula.

Dula là một bản anh hùng ca trong câu chuyện nhiều tập về NewSpace. Vào những năm 1970, ông trở thành một trong những luật sư vũ trụ đầu tiên ở Mỹ. Là một người tiên phong trong ngành, Dula vận động không mệt mỏi vì tự do kinh doanh liên hành tinh. Ông cũng là người thi hành di chúc văn học của tác giả khoa học viễn tưởng huyền thoại Robert Heinlein.

Vào năm 1982, Dula tham gia phóng tên lửa không gian tư nhân đầu tiên, Conestoga. Ông thành lập một công ty chuyên bán chỗ trên tên lửa Liên Xô cho người phương Tây (chỉ bán được một chỗ). Những công ty này không thành công lắm, nhưng Dula đã đi trước thời đại rất xa trong việc kiếm tiền từ vũ trụ. Nhờ đó, ông trở thành một người nổi tiếng ở thành phố Houston (Mỹ), một nơi cuồng về không gian, địa điểm của trung tâm điều phối sứ mệnh không gian của NASA trong những năm 1980. Tuy nhiên, không có mối làm ăn nào lại táo bạo như kế hoạch của Dula trên đảo Man trong những năm 2000.

Dula muốn dùng quan hệ với chương trình không gian của Nga và Mỹ để thành lập các công ty khai thác tiểu hành tinh và du lịch vũ trụ ở đảo Man. Lúc đó đảo đang muốn đa dạng hóa kinh tế, thay vì chỉ làm dịch vụ tài chính. Một ngành công nghiệp vệ tinh mới đã có sẵn ở Man, nên họ hăng hái cho Dula mở một công ty với tên gọi Excalibur Almaz.

Dula dự định mua bốn capsule vũ trụ có thể tái sử dụng và hai module (mô-đun) trạm không gian vũ trụ khổng lồ của Liên Xô. Ông muốn dùng những thứ mà người Nga bỏ đi để phóng sứ mệnh thăm dò tiểu hành tinh tư nhân đầu tiên, và để đưa người giàu đến quỹ đạo mặt trăng. Lúc đó tìm kiếm đầu tư rất dễ. Du lịch không gian đang được giới truyền thông quan tâm nhờ cuộc thi Ansari XPrize. Cuộc thi này thưởng 10 triệu đô-la Mỹ cho SpaceShipOne vì họ đóng tàu vũ trụ có người lái tư nhân đầu tiên. Cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 vẫn chưa xảy ra. Takafumi Horie, một người Nhật giàu có nhờ khởi nghiệp trên Internet, đồng ý chi 49 triệu đô-la Mỹ mua 75% Excalibur Almaz. Dula tìm được một nhà đầu tư khác trên một du thuyền. Khi tàu vũ trụ được chuyển đến đảo Man và kế hoạch của Dula được công bố, hòn đảo tí hon bị giới truyền thông bu kín. Flight Ascend, một công ty phân tích ngành công nghiệp không gian, sắp hạng cho đảo Man là nước có khả năng đáp xuống mặt trăng cao thứ tư, hơn cả Ấn Độ.

Không may, trục trặc xảy ra gần như ngay lập tức. Dula đổ lỗi cho việc Mỹ ngừng Space Shuttle trong năm 2011. Vì Mỹ ngừng nên nhu cầu dùng tên lửa Nga tăng gấp bốn lần chỉ sau một ngày. Cùng lúc, hai người kiện Dula tội lừa đảo. Một người đã rút đơn kiện, nhưng vụ lớn hơn của Horie vẫn còn đó. Dula không bình luận mà chỉ trả lời: “Những hoạt động mới có thể thay đổi tương lai thường hay bị hiểu nhầm và có nhiều rủi ro”. Horie cũng đã từng ngồi tù vì tội gian lận chứng khoán, đã phát biểu rằng sẽ dùng tiền bồi thường để đầu tư vào một công ty NewSpace của riêng mình gọi là Interstellar Technologies.

Craig Malisow, nhà báo đã viết về vụ việc này trên tờ Houston Press, có nhiều nghi ngờ về những dự đoán lạc quan của Dula: “Trong ngành NewSpace, không ai nghĩ người khác đang nói khoác”. Jim Logan nhẹ lời hơn: “Dula thất bại vì hứa nhiều quá”.

Phần lớn những người biết câu chuyện của Dula đều sẵn lòng tin rằng ông không cố ý lừa đảo. Dula là một người luôn muốn làm những việc gần như không tưởng. Nhưng sự khác biệt giữa một người nhìn xa trông rộng và một kẻ lừa đảo là gì?

Đây là một câu rất đáng để hỏi vì Art Dula có dây mơ rễ má với những người đang muốn khai thác tiểu hành tinh. Một trong những khách hàng đầu tiên của Dula là Eric Anderson, đồng sáng lập Planetary Resources. Anderson trả Dula 200.000 đô-la Mỹ để nghiên cứu xem khai thác tiểu hành tinh có khả thi không. Rick Tumlinson, đồng sáng lập Deep Space Industries, đã trao cho Dula một giải thưởng gọi là “Người tiên phong của NewSpace” qua quỹ Space Frontier Foundation vào năm 2010. Và Dula, với vai trò thi hành di chúc văn học (tức là quản lý tiền nhuận bút) cho những người thừa kế của Heinlein, đã lấy tiền này thưởng hàng trăm ngàn đô-la Mỹ cho Elon Musk, Jeff Bezos và Peter Diamandis (đồng sáng lập Planetary Resources) để ghi nhận “những thành tựu trong kinh doanh vũ trụ” của họ.

“Không ai trong cộng đồng NewSpace có tư duy khách quan hoặc sẵn sàng phê phán người khác”, Malisow mô tả mạng lưới các mối quan hệ trong NewSpace. “Không ai muốn mở miệng nói rằng ừ cái này không ổn ngay cả khi họ nghĩ như vậy. Vì vậy rất dễ có những người mơ mộng hão huyền và những kẻ lừa đảo ngồi quài mà không bị đá ra”. Malisow ngừng lại để tìm một phép so sánh thích hợp. “Một vòng lẩn quẩn”.

khai thác khoáng sản trên vũ trụ

Không phải ai cũng tin có vàng trên trời. Martin Elvis là một nhà vật lý thiên văn cấp cao tại Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian. Nghiên cứu mà ông đăng tải năm 2014 cho thấy có lẽ chỉ có khoảng 10 tiểu hành tinh có thể kiếm lời khi được khai thác. Elvis nói: “Mắt những người muốn khai thác tiểu hành tinh long lanh như con nít thèm kẹo”. Ông cho rằng công nghệ và kỹ thuật ngày càng tiên tiến nên con số 10 đã tăng lên, nhưng vẫn nghi ngờ những định giá ngàn tỷ đô-la Mỹ. Thành phần của một tiểu hành tinh được xác định bằng cách quan sát quang phổ trên bề mặt của nó. Như vậy giống như nhìn vào Trái Đất và nói hành tinh này chủ yếu là nước từ trong ra ngoài. “Họ chỉ giả định giá trị của tiểu hành tinh”, Elvis vẫn tin rằng công nghệ khai thác tiểu hành tinh hoàn toàn khả thi, nhưng “lợi nhuận có tồn tại hay không thì tôi không biết. Tôi hi vọng họ sẽ kiếm được tiền”.
Tất cả những người mà người viết gặp kể cả trong NewSpace và Old Space đều tin rằng những khó khăn về kỹ thuật trong việc khai thác tiểu hành tinh rất đáng kể, nhưng đều có thể vượt qua được bằng sự sáng tạo của con người. Một số người nói có thể sẽ bắt đầu khai thác tốt trong 15 năm. Nhưng thành công của sự mạo hiểm này phụ thuộc vào không chỉ thiết bị tốt mà còn cần rất nhiều lòng tin.

 

Người khai thác phải tin rằng tiểu hành tinh giàu khoáng sản, dễ tiếp cận, kiếm lời được, và không gặp trở ngại về luật pháp. Họ cũng phải tin vào tầm nhìn rất xa, có lẽ là viễn tưởng, của Bezos và Musk. Nếu trong 15 năm mà con người vẫn chưa định cư trên Sao Hỏa thì khai mỏ tiểu hành tinh làm gì cho mệt?

Chris Lewicki cho rằng những người bi quan như vậy có tầm nhìn hạn chế. Ngành khai thác tiểu hành tinh so sánh mục tiêu của họ với việc tìm ra châu Mỹ trong lịch sử. Phép so sánh này rất hay nhưng cũng có một số hạn chế. Những con tàu đến và rời châu Mỹ bị đắm, bị cướp. Những người tiên phong định cư ở lục địa mới chết đói và bị giết. Một số chỗ quá khắc nghiệt không sống được. Đó là chưa kể tên lửa có thể nổ to hơn xe ngựa.

Khi những người muốn khai thác tiểu hành tinh gây quỹ được nhiều hơn và tuyên bố hùng hồn hơn, thế giới tự hỏi: Không biết họ đang đổ xô đi đào vàng thật hay đang đi tìm những tảng đá mạ vàng.

 Nguồn: esquirevietnam.com.vn


Tin khác
Thời tiết
30°C
Thống kê
22
224
196
10,389,824
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 87.700 89.800
SJC 75.880 77.180
Đối tác