KHCN trong nước

Bảo đảm cho các nhà khoa học có được khả năng tư duy độc lập và sáng tạo

17/01/2014 - Thứ Sáu - 10:19 Lượt xem: 1
Để tránh sự tụt hậu về khoa học và công nghệ (KH và CN), không chỉ với thế giới nói chung mà ngay cả với các nước Đông - Nam Á, cần đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng đối với những chính sách về KH và CN. Điều then chốt nhất trong chính sách đó là bảo đảm cho các nhà khoa học có được khả năng tư duy độc lập và sáng tạo.




Các kỹ sư Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ kiểm tra sự tăng trưởng của lạc giống. Ảnh: TRUNG PHONG

Như chúng ta đã thấy, các giải thưởng Nô-ben khoa học phần lớn thuộc về người Mỹ, người Pháp, người Anh và người Nhật Bản (nhiều nhất vẫn là người Mỹ). Những quốc gia có những chủ nhân đoạt được giải thưởng cao quý này là những quốc gia có nền khoa học hiện đại. Vậy câu hỏi đặt ra là tình hình khoa học, giáo dục nước ta thì sao? Hiện không có một trường đại học nào của Việt Nam được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học đứng đầu thế giới. Số lượng bài báo công bố quốc tế của cả nước với 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng số lượng bài của Đại học Chu-la-long-con (Thái-lan). Còn số bằng sáng chế, phát minh thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, số giáo sư, tiến sĩ của chúng ta nhiều nhất khu vực Đông-Nam Á. Chúng ta cũng có một số lượng không nhỏ các viện nghiên cứu. Cả nước thì đua nhau thi vào đại học. Chúng ta đang có một số lượng lớn những người làm khoa học nhưng lại có rất ít người có tay nghề làm khoa học - có các công trình công bố đạt chuẩn quốc tế.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chặn đứng được sự tụt hậu đó, không chỉ với thế giới nói chung mà ngay cả so với các nước Đông-Nam Á? Những chính sách về giáo dục, về KH và CN thật sự nghiêm túc sẽ phải đặt ra các mục tiêu và nhiệm vụ gì trong bối cảnh hiện nay?

Để trả lời câu hỏi nêu trên có lẽ cần phải nhìn lại quá trình hiện đại hóa của nước ta kể từ khi giành được độc lập đến nay. Lúc đó, tiếp thu truyền thống của các cụ nhà nho của phong trào Duy Tân vĩ đại, chúng ta đã tập trung vào phát triển khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và không quan tâm đầy đủ đến các ngành khoa học xã hội hiện đại như kinh tế học, xã hội học, luật học và nhiều chuyên ngành khác cần cho việc tổ chức và xây dựng một xã hội hiện đại. Khi cử sinh viên đi học nước ngoài, vào những năm 70 của thế kỷ trước, một thời gian dài các sinh viên giỏi nhất được cử đi học khoa học tự nhiên; kém hơn một chút đi học kỹ thuật và cuối cùng mới là đi học khoa học xã hội. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong quá trình hiện đại hóa cho thấy: Để phát triển và hiện đại hóa một quốc gia, vấn đề không phải là khoa học và kỹ thuật, mà là cách tổ chức xã hội có cho phép khoa học và kỹ thuật phát triển hay không. Cụ thể hơn, câu chuyện là ở chỗ xã hội bảo đảm cho người ta khả năng tư duy độc lập và sáng tạo như thế nào. Đây có lẽ là vấn đề then chốt nhất trong việc phát triển KH và CN nói riêng, phát triển quốc gia nói chung. Bên cạnh đó, còn cần có những điều kiện khác, những điều kiện đủ, thì KH và CN nước nhà mới phát triển được.

Theo chúng tôi, có ít nhất bốn vấn đề lớn cần được giải quyết. Trước hết, hệ giá trị của xã hội cần có sự thay đổi trong cách nhìn nhận đối với những người làm công tác khoa học. Những người này cần phải được tôn trọng như những người làm nghề cao quý trong xã hội, chứ không phải tôn trọng trước hết là những người làm quản lý. Làm khoa học, hay nghề trí óc thì sự tìm tòi sáng tạo phải là phẩm chất hàng đầu. Đem cách hành xử của bộ máy hành chính áp cho những người trí thức thì những người trí thức không làm được tốt cái việc mà theo chức năng họ phải làm.

Tiếp đó, cách tổ chức tách rời hệ thống nghiên cứu với hệ thống đào tạo theo mô hình Liên Xô (trước đây) đã là một "thảm họa" cho khoa học và giáo dục: Trường đại học không có giảng viên giỏi để giúp sinh viên có đủ kiến thức mới, có khả năng để có thể sớm bước vào nghiên cứu khoa học, trong khi các viện nghiên cứu thiếu sự tiếp xúc với sinh viên, nguồn nhân lực có chất lượng cho nghiên cứu trong tương lai. Giải pháp cho vấn đề này khá đơn giản: phải đưa các viện nghiên cứu cơ bản về lại các trường đại học, các phòng thí nghiệm hay viện công nghệ về doanh nghiệp, hay tốt hơn là thành lập các doanh nghiệp KH và CN vận hành theo cơ chế thị trường. Và cũng phải thiết lập các viện tư vấn chính sách độc lập giống như ở các nước phát triển.

Nhưng nếu chỉ có vậy thì chưa đủ. Cần phải có cách thức để đánh giá hiệu quả hoạt động của các nhà khoa học và không thể đánh giá theo kiểu hành chính, như chúng ta thường làm. Để làm việc này thì cần thiết phải cải tổ các tạp chí khoa học và các hội đồng đánh giá. Ở đây, các tiêu chuẩn chuyên môn phải là cái duy nhất để chọn người đứng đầu các tạp chí và tham gia các hội đồng. Còn đánh giá công nghệ thì được minh chứng qua việc đăng ký sáng chế và sự chấp nhận của thị trường, công nghệ phải bán được thì công nghệ đó mới có ích.

Vấn đề cuối cùng là cách trả thù lao cho những người làm công tác khoa học, những người lao động trí óc. Khoa học là phát minh của các cá nhân, không có phát minh tập thể. Vậy thì trả tiền thù lao bình quân như nhau cho tất cả mọi người sẽ không còn khoa học. Việc quyết định mức chi cho công tác khoa học một cách hợp lý không thể do người cán bộ tài chính quyết định, vì họ sẽ biến hoạt động sáng tạo thành công việc của lao động giản đơn. Nếu cứ như thế, chúng ta sẽ mãi mãi không có khoa học.

Tất cả những vấn đề này đang được thực tiễn cuộc sống đặt ra một cách nghiêm túc. Hiểu được sự đòi hỏi của cuộc sống cần thay đổi cách làm khoa học này thì ai cũng hiểu. Nhưng triển khai thay đổi những rào cản này, thì tiếc thay, chẳng mấy ai am tường là thị trường đang ứng xử với hoạt động khoa học như thế nào.


 
Nguồn: Vusta.vn 


Tin khác
Thời tiết
26°C
Thống kê
22
53
99
10,367,085
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.800 85.000
SJC 73.300 75.300
Đối tác