KHCN trong nước

"Nhà khoa học phải sống bằng kết quả nghiên cứu của mình"

05/05/2014 - Thứ Hai - 09:23 Lượt xem: 1
Phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với TS. Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam về những khó khăn của các nhà khoa học và ý nghĩa của ngày KH&CN Việt Nam.

Ngày KH&CN Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức có ý nghĩa như thế nào với ông nói riêng và các nhà khoa học nói chung?

Ngày KH&CN Việt Nam năm nay là sự kiện rất có ý nghĩa đối với giới khoa học Việt Nam bởi vì đây là lần đầu tiên những người làm công tác KH&CN có một ngày của riêng mình. Đây không chỉ là ngày nhằm tôn vinh những nhà nghiên cứu, những người làm KH&CN có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước mà còn là ngày để giới thiệu các thành tựu KH&CN của đất nước với người dân, là cơ hội để nâng cao nhận thức của xã hội đối với vai trò của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong ngày này, những người làm công tác KHCN cũng có dịp để trao đổi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu của mình cũng như những dự định nghiên cứu trong tương lai. Hy vọng những hoạt động này sẽ tạo thêm động lực cuốn hút thế hệ trẻ đến với các hoạt động KH&CN.

 TS. Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam 

Ngày KH&CN Việt Nam không thấy có hoạt động gì hướng đến các nhà khoa học Việt kiều trên thế giới nhằm động viên họ về nước đóng góp công sức cho ngành khoa học nước nhà. Theo ông, việc này có cần thiết hay không?

Trong những năm qua, các nhà khoa học Việt kiều trên thế giới đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển KHCN nước nhà được nhà nước cũng như dư luận xã hội đánh giá cao. Vì vậy, việc tôn vinh những đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài là cần thiết.

Tuy nhiên, trong các văn bản chính thức về việc tổ chức các sự kiện nhân ngày KH&CN Việt Nam đúng là chưa đề cập đến những hoạt động chuyên biệt hướng đến các nhà khoa học Việt kiều trên thế giới. Tôi cho rằng vì đây là ngày KH&CN của cả giới khoa học Việt Nam vì vậy chỉ đề cập đến những hoạt động chung mà không kể đến những sự kiện mang tính chất riêng biệt. Nhưng, tôi tin rằng trong các hội thảo, hội nghị KH&CN trong dịp này chắc chắn sẽ có sự hiện diện các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài hoặc chính tác giả của các công trình này.

Với trách nhiệm của một nhà quản lý đồng thời cũng là nhà khoa học, ông đánh giá như thế nào về những đóng góp của khoa học và công nghệ trong khoảng 10 năm gần đây?

Theo tôi KH&CN ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong 10 năm gần đây. Nhìn lại sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế xã hội ta đều thấy dấu ấn của KHCN.Trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều.Đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu. Đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu thủy sản…

Trong lĩnh vực y tế chúng ta đã sản xuất thành công nhiều loại văc xin phòng bệnh, nhiều kỹ thuật tiến bộ đã được áp dụng và mang lại thành công trong ghép tạng người như ghép thận, gan, tim…

Trong lĩnh vực cơ khí, chúng ta đã làm chủ được những công nghệ tiên tiến để có thể chế tạo được từ những chiếc tàu lớn hàng trăm ngàn tấn đến những sản phẩm đòi hỏi sự tinh vi như các vệ tinh siêu nhỏ Pico – Dragon…

Trong công nghệ thông tin đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong lĩnh vực quản lý xã hội, dự báo, tự động hóa sản xuất.

Trước đây khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình chúng ta cần tới hàng vạn người trong đó có hàng ngàn chuyên gia nước ngoài. Ngày nay khi xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á các nhà thầu Việt Nam đã tự đảm nhiệm và xây dựng thành công. Trong quá trình thực hiện công trình này nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới đã được các đơn vị thiết kế thi công Việt Nam làm chủ và ứng dụng thành công.KH&CN Việt Nam đã góp phần quan trọng đưa công trình vào vận hành sớm hơn 2 năm so với dự kiến, tận dụng nguyên vật liệu trong nước, hạ giá thành sản phẩm làm lợi cho đất nước trên 24.000 tỉ đồng.

Một vài ví dụ trên phần nào có thể minh chứng cho sự đóng góp của KH&CN vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thời gian qua. Có ý kiến đánh giá rằng trong thời gian qua KH&CN đóng góp khoảng 30% vào sự tăng trưởng GDP của đất nước.

Giờ đây các nhà khoa học có thể yên tâm công tác.

Nhiều nhà khoa học chia sẻ, với mức lương ít ỏi của họ chỉ đủ để duy trì cuộc sống hàng ngày đã rất khó khăn nói gì đến an tâm nghiên cứu khoa học. Được biết, LHH có nhiệm vụ tạo điều kiện nâng cao trình độ nghề nghiệp, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của những người làm công tác KH&CN. Vậy, ngay tại LHH công tác này được thực hiện đến đâu thưa ông?

Trước hết tôi cũng xin chia sẻ với ý kiến của bạn. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này theo tôi phải nhìn từ hai phía. Về phía Nhà nước thì phải tạo điều kiện để KH&CN phát triển, tạo điều kiện để những người làm khoa học, công nghệ sống được bằng kết quả nghiên cứu của mình.

Về vấn đề này phần nào đã được giải tỏa qua những quy định mới của Luật KH&CN sửa đổi.

Mặt khác, những người làm công tác khoa học chúng ta cũng phải tự đánh giá mình và tự xác định cho mình hướng phát triển phù hợp để có thể vừa sống tốt, vừa đóng góp tích cực cho sự phát triển.

Về phía Liên hiệp hội Việt Nam chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức KHCN:

- Các hội thành viên thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam đã thành lập hoặc bảo trợ gần chục trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề như: Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội; Đại học Phương Đông…; Một số trường đã có uy tín trong xã hội. Các trường này đã đào tạo hàng vạn sinh viên thuộc các ngành nghề khác nhau, nhất là ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin.

- Các hội thành viên và các tổ chức KH&CN trực thuộc đã liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước, các cơ sở đào tạo nước ngoài tổ chức hàng vạn khóa đào tạo ngắn hạn về quản trị kinh doanh, quản trị dự án, tài chính, công nghệ thông tin… để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Riêng Hội tin học Việt Nam đã có 100 trung tâm đào tạo tin học trình độ A, B, C.

Ngoài ra, Liên hiệp hội Việt Nam cũng có hơn 200 tờ báo, tạp chí chuyên ngành đăng tải, phổ biến kiến thức mới, tiên tiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, sức khỏe, an toàn lao động, kỹ thuật canh tác… và công bố các công trình nghiên cứu khoa học, các luận án tiến sĩ… cũng góp phần cung cấp thông tin nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung cũng như những người làm công tác khoa học công nghệ.

Tôi cho rằng, nếu Quốc hội ban hành Luật Hành nghề chuyên nghiệp trong đó quy định những người hành nghề chuyên nghiệp phải thường xuyên bổ túc, nâng cao trình độ nghề nghiệp và giao trách nhiệm này cho các hội nghề nghiệp thì tác dụng nâng cao trình độ nghề nghiệp của đội ngũ KH&CN Việt Nam sẽ được hiệu quả hơn nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Duy Anh - vietq.vn


Tin khác
Thời tiết
26°C
Thống kê
72
170
365
10,374,839
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 85.300 86.800
SJC 73.970 75.470
Đối tác