Môi trường tài nguyên và phát triển bền vững

Báo động ô nhiễm môi trường vùng Tây Đáy

15/09/2016 - Thứ Năm - 16:39 Lượt xem: 1
Khu vực phía tây sông Đáy, tỉnh Hà Nam là nơi tập trung nhiều nhà máy, khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, sản xuất xi-măng đang hoạt động bởi nguồn đá vôi với trữ lượng hàng tỷ m3. Những năm qua, hàng trăm doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác, chế biến và vận chuyển vật liệu xây dựng ở khu vực này.

Đáng nói là, nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản chưa thực hiện đúng quy trình, quy phạm và đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết, dẫn đến ô nhiễm bụi, tiếng ồn, trong khoan nổ mìn; bụi trong quá trình chế biến khoáng sản, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan môi trường và sức khỏe của nhân dân.

Cấp phép khai thác khoáng sản dày đặc

Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Hà Nam đã có ba quy hoạch khoáng sản đến năm 2020, quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo số liệu thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, trên địa bàn từ xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, đến xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, đang có 152 cơ sở khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường và mỏ đá vôi với công suất theo giấy cấp phép lên đến gần 20 nghìn m3; một mỏ khai thác sét xi-măng; ba mỏ khai thác sét gạch ngói; hai mỏ khai thác đất san lấp được UBND tỉnh Hà Nam cấp giấy phép.

Trong đó, có một số xã có số lượng mỏ khai thác, chế biến đá dày đặc lên đến vài chục doanh nghiệp trên chiều dài khoảng vài km như Thanh Tân, Thanh Thủy, Thanh Hương, thị trấn Kiện Khê của huyện Thanh Liêm. Ngoài ra, còn có đến năm mỏ đá vôi xi-măng; hai mỏ sét xi-măng có giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

Cùng với đó, vùng Tây Đáy còn có tới sáu nhà máy với 11 dây chuyền sản xuất xi-măng công nghệ lò quay, với tổng công suất thiết kế lên đến 21,5 triệu tấn xi-măng/ năm; 38 dự án chế biến khoáng sản, một nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, 67 cầu cảng, bến bãi, máng rót đang hoạt động, 70 khu vực xây dựng bến, bãi và khu vực văn phòng; hàng chục trạm trộn bê-tông, bê-tông nhựa asphalt, sản xuất gạch tuy-nel, gạch không nung...

Như vậy, có thể thấy, bình quân, 12 xã thuộc hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng có tài nguyên khoáng sản của tỉnh Hà Nam đang phải oằn mình gánh tới hơn 20 nhà máy, doanh nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng các loại đang hoạt động. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra hệ lụy về môi trường, sinh thái trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.

Ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng

 

Tình trạng khai thác khoáng sản ảnh hưởng tới môi trường sống của nhân dân.

Chạy dọc theo bờ tây con sông Đáy qua hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng của tỉnh Hà Nam, dễ nhận thấy, đó là cả một công trường khổng lồ đang hoạt động ngày đêm với công suất cực lớn để sản xuất, vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu xây dựng ra thị trường mỗi ngày.

Để có hàng nghìn tấn vật liệu đó mỗi ngày, đổi lại là một môi trường đang bị ô nhiễm từng ngà. Từ khói bụi, nguồn nước cho đến cả không khí mà chính người dân nơi đây đang phải gánh chịu.

Đặc biệt, ở các khu vực khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất xi-măng tại khu vực Tây Đáy đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo kết quả phân tích của Viện Khoa học công nghệ và môi trường quan trắc vào tháng 8 năm 2015, tại năm khu vực trên đều có chỉ tiêu bụi ở tất cả các mẫu cao hơn quy chuẩn cho phép.

Cụ thể, tại thôn Hải Phú, xã Thanh Hải có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 2,17 lần; tại thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị có hàm lượng bụi tổng vượt quy chuẩn cho phép khoảng 3,15 lần; ở thôn Nam Công, xã Thanh Tân có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 1,96 lần; tại thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 2,69 lần; tại khu vực thị trấn Kiện Khê có hàm lượng bụi tổng cao hơn quy chuẩn cho phép khoảng 3,09 lần.

Nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường vùng Tây Đáy đã được các ngành chức năng của tỉnh Hà Nam xác định chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp không xây dựng hoặc xây dựng không đúng hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn, xả nước thải không qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt tại chỗ và ô nhiễm nguồn nước mặt các sông ngòi trong khu vực, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Đa số doanh nghiệp khai khoáng sản chưa thực hiện theo đúng phương án nổ mìn đã được phê duyệt, lượng thuốc nổ sử dụng vượt định mức trong phương án nổ mìn. Thiết bị chế biến của các nhà máy theo công nghệ cũ, phát sinh tiếng ồn lớn. Cầu cảng, máng rót đá tự phát của các doanh nghiệp không có các biện pháp, giải pháp che chắn giảm thiểu bụi phát sinh trong quá trình cấp sản phẩm xuống tàu, thuyền. Mặc dù hiện nay đã có quy hoạch cảng dùng chung, nhưng vẫn còn tồn tại các máng rót tự phát ở một số điểm dọc bờ tây sông Đáy.

Cùng với đó, các cơ sở sản xuất gạch không nung, cát nhân tạo, trạm trộn bê-tông asphalt; nhiều cơ sở không bảo đảm khoảng cách với khu dân cư, không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm môi trường không khí và rung chấn chủ yếu do nổ mìn, chế biến khoáng sản, sản xuất xi-măng đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân sinh sống trong khu vực, gây bức xúc trong nhân dân.

Để sống chung với ô nhiễm môi trường, người dân đang sống dọc theo triền bờ tây sông Đáy đều phải sử dụng các giải pháp hạn chế bụi như mành, rèm, lắp cửa kính, thậm chí phải đeo khẩu trang ngay cả khi ngồi trong nhà. Thế nhưng, cũng chẳng thấm vào đâu khi mà lượng bụi ngày đêm bao phủ, khiến cho mọi đồ dùng, vật dụng trong nhà luôn bị phủ một lớp bụi trắng.

Miết tay xuống mặt bàn uống nước, trên tường và cửa nhà, để chỉ cho chúng tôi xem những lớp bụi đá dày, bà Trần Thị Hồng, thôn Đồng Ao xã Thanh Thủy huyện Thanh Liêm bức xúc: "Dù có cố gắng che phủ các đồ dùng thì cũng chỉ chẳng thấm vào đâu, người dân chúng tôi rất lo lắng đến sức khỏe của cả gia đình, khi hằng ngày phải sống chung với bụi. Đề nghị các cấp có thẩm quyền cần có biện pháp kiên quyết về vấn đề bảo vệ môi trường, để trả lại môi trường sống trong sạch cho nhân dân”.

Siết chặt quản lý

Thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Hà Nam đã có sự buông lỏng quản lý trong các quy hoạch vật liệu xây dựng, quy hoạch khoáng sản, quy hoạch phát triển công nghiệp chưa đồng bộ, thường xuyên bị điều chỉnh, không đáp ứng việc quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, thanh kiểm tra sau cấp phép còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Từ năm 2010 đến nay, mới có 75 cuộc thanh tra của Bộ, tỉnh và các sở, ngành liên quan đến công tác khai thác khoáng sản ở tỉnh Hà Nam được tiến hành. Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra 67 cuộc, phát hiện và xử lý 57 trường hợp vi phạm, phạt 3,254 tỷ đồng. Chất lượng công tác thẩm định thiết kế cơ sở khai thác mỏ còn hạn chế, chưa sát với thực tế nên khi các doanh nghiệp thực phải hiện điều chỉnh...

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường khu bờ tây sông Đáy ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân và cảnh quan môi trường trong khu vực, tỉnh Hà Nam đã đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng trên.

Tỉnh ủy Hà Nam sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng tiết kiệm, hiệu quả gắn với công tác bảo vệ môi trường. Ngày 24-12-2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định 1069/QĐ-UBND phê duyệt kết quả khoanh vùng khu vực cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đó cũng là cơ sở pháp lý đển các cấp, các ngành thực hiện công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đưa công tác quản lý khoáng sản vào nề nếp, theo đúng quy định của pháp luật.

Do công suất cấp phép đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường đã vượt so với công suất theo quy hoạch là 13 triệu m3/10 triệu m3. Vì vậy, từ nay đến năm 2020, Hà Nam sẽ dừng việc cấp phép thăm dò và cấp phép khai thác khoáng sản mới. Từ năm 2016, nếu doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động chết người trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, UBND tỉnh sẽ thu hồi giấy phép. Địa phương cũng tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp không thực hiện các biện pháp, giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Nguồn:Đào Phương/nhandan.com.vn 


Tin khác
Thời tiết
26°C
Thống kê
64
1,147
1,797
10,372,444
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 83.500 85.700
SJC 73.680 75.280
Đối tác