Nghiên cứu và trao đổi

Viện Hàn lâm Khoa học Nga dự báo về ngành năng lượng thế giới

08/11/2013 - Thứ Sáu - 11:22 Lượt xem: 1
Hiện nay, Nga thua Mỹ và Trung Quốc về sản xuất và tiêu thụ năng lượng, nhưng là nước xuất khẩu lớn nhất về nhiên nguyên liệu và phụ thuộc rất lớn vào tình hình thị trường năng lượng thế giới, việc bán các nguồn năng lượng sẽ bảo đảm tới 15% GDP, gần 30% ngân sách hoặc 2/3 doanh thu từ xuất khẩu của đất nước.

Do phụ thuộc nhiều như vậy, nên việc tạo ra một hệ thống giám sát và dự báo hoàn chỉnh về tình hình thị trường năng lượng toàn cầu là rất cần thiết. NangluongVietnam xin giới thiệu bài phân tích, dự báo về tình hình năng lượng của Nga và thế giới tới năm 2035 của Viacheslav Kulaghin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thị trường năng lượng thế giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga).

Trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học Nga

 

Tuy nhiên, cho đến nay, Nga, một đấu thủ quan trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu, sản xuất gần 1/10 năng lượng thế giới, vẫn chưa đưa ra được sự phân tích tương tự, mà chỉ sử dụng các công trình nghiên cứu của nước ngoài, cố gắng san lấp khoảng cách về phân tích - thông tin này, tháng 4/2012, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Viện Hàn lâm khoa học và các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nga đã đưa ra “Dự báo về sự phát triển của ngành năng lượng Nga và thế giới cho đến năm 2035″.

Tất nhiên, Nga có kinh nghiệm đưa ra các tài liệu dài hạn có tính chương trình. Trước hết, đó là các bản dự thảo khác nhau về “Chiến lược năng lượng”. Khối năng lượng luôn luôn có trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, các tài liệu này luôn thiếu sự quan tâm đến thị trường năng lượng thế giới. Điều đáng ngạc nhiên là Liên Xô trước đây và sau đó là Nga, luôn là nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới và là nước tiêu dùng năng lượng lớn, đã không có những công trình phân tích có hệ thống về các xu hướng và dự báo tình hình phát triển kinh tế và năng lượng thế giới, như OPEC và các nước lớn - những nước nhập khẩu năng lượng, vẫn làm.

Hiện nay, Nga thua Mỹ và Trung Quốc về sản xuất và tiêu thụ năng lượng, nhưng vẫn là nước xuất khẩu lớn nhất nhiên nguyên liệu và phụ thuộc rất lớn vào tình hình thị trường năng lượng thế giới, việc bán các nguồn năng lượng bảo đảm tới 15% GDP, gần 30% ngân sách hoặc 2/3 doanh thu từ xuất khẩu của đất nước. Do phụ thuộc nhiều như vậy, nên việc tạo ra ở Nga một hệ thống giám sát và dự báo hoàn chỉnh về tình hình thị trường năng lượng toàn cầu với sự đánh giá vai trò của các tập đoàn năng lượng quốc gia, các hiệu ứng và rủi ro có thể có đối với các tập đoàn này và đối với nền kinh tế của đất nước nói chung đang trở thành vấn đề an ninh quốc gia. Tất nhiên, sự phân tích như vậy cần được cập nhật hàng năm, có tính đến những thay đổi thường xuyên và đa dạng trên thị trường năng lượng thế giới.

Mong muốn lấp đầy khoảng cách về phân tích - thông tin không thể chấp nhận được này đã thúc đẩy hai cơ quan hàng đầu của Nga trong lĩnh vực phân tích tình hình năng lượng bắt tay vào nghiên cứu dự báo của riêng mình: một quốc gia như Nga, phải có trách nhiệm phân tích các điều kiện bên ngoài đối với ngành năng lượng của mình. Sử dụng kinh nghiệm tốt nhất của nước ngoài, thường phản ánh lợi ích của khách hàng và không phải lúc nào cũng rõ ràng xét về mặt phương pháp, đôi khi là nguy hiểm.

Điều quan trọng là “Dự báo về sự phát triển của ngành năng lượng Nga và thế giới cho đến năm 2035″ không phải là văn bản quy phạm giống như “Chiến lược phát triển năng lượng” với các tiêu chí, mục tiêu và các tiêu chuẩn đã được xác định trước; nó mô tả đối tượng của các công trình nghiên cứu - năng lượng toàn cầu - trong sự phát triển của các xu hướng được quan sát và phân tích tác động của những xu hướng đó tới tổ hợp nhiên liệu, năng lượng của Nga. Đây là công trình nghiên cứu hoàn toàn độc lập, được thực hiện không có bất kỳ sự đặt hàng của Nhà nước hoặc doanh nghiệp nào, mà chỉ có sự nhiệt tình của những người tham gia.

Công cụ để đưa ra dự báo của Nga là một tổ hợp mô hình - thông tin SCANER, do Trung tâm nghiên cứu thị trường năng lượng thế giới thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga tiến hành trong 20 năm qua. Cơ sở phương pháp luận là dự đoán chung về nền kinh tế và ngành năng lượng của thế giới và của Nga.

Các tác giả đặt cho mình nhiệm vụ dự báo các thị trường nhiên liệu toàn cầu trong cơ cấu sản phẩm của các thị trường đó (dầu mỏ, các sản phẩm hóa dầu chủ yếu, khí tự nhiên và khí hóa lỏng, than đá) trong mối liên hệ giữa sự phát triển theo lãnh thổ với mức độ chi tiết cao (đối với tất cả các quốc gia lớn nhất thế giới). Công việc này đòi hỏi sự phân tích thật kỹ về những khách hàng tiêu dùng, những nhà sản xuất chính và cơ sở hạ tầng giao thông.

Trong công trình nghiên cứu, người ta đã dự đoán tất cả các thông số chủ yếu về tình hình thị trường: từ các đấu thủ chính tới giá nhiên liệu cân bằng có tính đến ảnh hưởng của giá cả tới nhu cầu và các chỉ số tài chính của các công ty chủ yếu và các nghĩa vụ ngân sách của các nước - các nhà sản xuất chủ yếu. Việc mô phỏng tính tới các loại thị trường đã hình thành ở các khu vực khác nhau (sự cạnh tranh, độc quyền khách hàng hoặc các nhà sản xuất).

Triển vọng dự báo đến năm 2035 được lựa chọn không phải ngẫu nhiên. Thông thường, kể từ khi thông qua quyết định đầu tư đến khi đưa các cơ sở năng lượng lớn vào sử dụng phải mất tới 10 năm, thời gian hoàn vốn có thể là hơn 15 năm. Dự đoán tới 25 năm cho phép đánh giá bức tranh một cách đầy đủ về hiệu quả kinh tế của các dự án và có thể nhận ra hậu quả của các quyết định đã được thông qua.

Chuyển sang kết quả của công trình nghiên cứu, trước hết chúng tôi muốn xua tan những lo ngại khác nhau về sự cạn kiệt các nguồn khí đốt và về sự khai thác dầu mỏ đạt tới đỉnh điểm. Bất cứ khi nào việc khai thác đạt tới đỉnh điểm thì các công nghệ mới sẽ cho phép tăng các nguồn dự trữ và việc khai thác. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khối lượng gia tăng các nguồn dự trữ cao hơn mức khai thác.

Theo đó, tới năm 2035, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới sẽ tăng lên 20%, còn nhu cầu tiêu thụ khí đốt là 55%. Mặc dù có các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng vẫn như trước đây, dầu mỏ và khí đốt sẽ tiếp tục bảo đảm hơn một nửa nhu cầu tiêu dùng điện năng, vì vậy nói về sự kết thúc thời đại dầu khí là còn sớm.

Giá dầu mỏ luôn thu hút sự chú ý của bất kỳ dự báo nào. Phần lớn giá dầu mỏ xác định tình trạng nền kinh tế thế giới. Giá dầu mỏ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, kể cả các yếu tố không dự đoán trước được, chẳng hạn như các sự cố, các vụ đánh bom tự sát, các cuộc xung đột địa chính trị, tiến bộ công nghệ, sự thay đổi tình hình trên các thị trường tài chính…

Việc dự đoán thời gian xảy ra những sự việc đó là rất khó, vì vậy chúng tôi không chỉ ra được chính xác đại lượng dự đoán giá cả thị trường và không chỉ ra được sự vận động của giá cân bằng (tức là giá cân bằng giữa cung và cầu, không tính đến các yếu tố địa chính trị và các nhân tố đầu cơ) và biên độ thay đổi của giá thị trường, cho phép đưa ra phạm vi biến động có thế có do ảnh hưởng của các yếu tố đầu cơ và các yếu tố khác. Giới hạn trên của biên độ này do giá chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học và năng lượng thay thế quy định, còn giới hạn dưới do nhu cầu đầu tư của ngành và nhu cầu ngân sách của các nước sản xuất quy định. Chẳng hạn, theo chúng tôi, tới năm 2035, giá cân bằng sẽ là 125 USD/thùng.

Thị trường khí đốt sẽ phát triển nhanh hơn nhiều so với thị trường dầu mỏ - tương ứng là 56% và 21% trong giai đoạn từ năm 2010 tới năm 2035. Nhu cầu khí đốt tới năm 2035 được dự báo ở mức hơn 5.000 tỷ m3 và có thể về nguyên tắc sẽ tăng thêm 500 tỷ m3, nhưng mức giá cuối cùng cũng sẽ tăng khoảng 50%. Ngành điện sẽ là khu vực cần nhiều khí đốt nhất.

Sự gia tăng tiêu dùng khí đốt của các nước đang phát triển ở châu Á là khoảng 65%: chính thị trường này sẽ là động cơ tiếp tục làm tăng nhu cầu. Các nước đang phát triển sẽ làm gia tăng khí thải CO2. Các nước phát triển sẽ ổn định được hoặc thậm chí giảm bớt khí thải, tuy nhiên, việc này cũng không thể làm thay đổi được tình hình khí thải CO2 trên phạm vi toàn cầu.

Tới năm 2035, các nhà nhập khẩu chính các nguồn năng lượng sẽ là châu Âu và châu Á. Bắc Mỹ sẽ giảm nhập khẩu khí đốt và có thể sẽ ngừng nhập khẩu một số loại nhiên liệu. Trong những năm tới, Bắc Mỹ sẽ tự bảo đảm được khí đốt và dầu mỏ, vận động theo hướng này có thể tách sự hình thành giá trong khu vực khỏi thị trường thế giới. Nếu như vậy, thậm chí theo kịch bản dự tính tiếp tục phát triển việc khai thác khí đốt từ đá phiến hiện đang bị hạn chế, Mỹ sẽ không nhập khẩu khí hóa lỏng quy mô lớn. Việc thiếu nguồn cung được giải quyết bằng việc gia tăng khai thác khí đốt của mình theo cách truyền thống.

Bắc Mỹ sẽ sớm tham gia thị trường thế giới với tư cách là nhà cung cấp khí hoá lỏng. Ngay cả khi xuất khẩu khối lượng không lớn khí hoá lỏng (theo chúng tôi, 30 tỷ m3 tới năm 2035), việc này không thể định hình lại một cách căn bản bản đồ các dòng khí đốt của thế giới, còn điều chủ yếu là rất có thể sẽ dẫn đến việc làm thay đổi hệ thống hình thành giá khí hóa lỏng.

Việc khai thác dầu mỏ phi truyền thống, đặc biệt là khai thác dầu mỏ từ đá phiến, có thể tác động đáng kể tới thị trường. Việc giảm hai lần các chi phí cho việc khai thác dầu mỏ từ đá phiến trong những năm 2006 - 2011, đang thúc đẩy việc này. Dầu mỏ từ đá phiến thực tế có thể lặp lại sự thành công của khí đốt từ đá phiến, nhờ đó, khu vực Bắc Mỹ nói chung có thể chuyển sang tự bảo đảm dầu mỏ và khí đốt.

Tất nhiên, những thay đổi tại thị trường Bắc Mỹ đang ảnh hưởng đáng kể đến tình hình thị trường thế giới. Khí đốt từ đá phiến đã làm cho tình hình trong lưu vực Đại Tây Dương trở nên phức tạp. Nếu Bắc Mỹ từ chối nhập khẩu dầu mỏ, theo chúng tôi, giá vàng đen có thể sẽ giảm tới 23%, và ở tất cả các khu vực, kể cả khu vực các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), việc khai thác sẽ giảm đi.

Trung Đông và Bắc Phi, những nhà cung cấp chính dầu mỏ và khí đốt cho thị trường thế giói, như trước đây, sẽ tiếp tục giữ vị trí của mình. Đặc biệt, trong dự báo, người ta đã tính tới phương án có thể chiến dịch quân sự kéo dài ở vùng Vịnh với sự cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong khu vực tới 10%, đồng thời, trong thời kỳ 2013 - 2019 Iran hoàn toàn ngừng khai thác, Irắc sẽ giảm sản lượng xuống còn một nửa.

Nếu kịch bản như vậy xảy ra thì không có nguồn nhiên liệu sinh học hoặc sản xuất tại các khu vực khác có thể bù đắp hoàn toàn cho việc xuất khẩu dầu khí từ Trung Đông và Bắc Phi. Theo chúng tôi, tình hình bất ổn lâu dài trong khu vực có thể dẫn đến tình trạng giá dầu mỏ nhảy lên tới 200 USD/thùng và tình trạng thiếu nhiên liệu trên thị trường thế giới.

Gần đây, người ta đang đặc biệt tích cực thảo luận các ý tưởng cấp tiến từ bỏ việc sử dụng năng lượng hạt nhân và khai thác dầu mỏ ở vùng nước sâu. Các tính toán của chúng tôi cho thấy các ý định bảo đảm an ninh cho thế giới bằng cách này dẫn đến việc giá tất cả các nguồn nguyên nhiên liệu đột ngột tăng lên (khoảng 60% so với kịch bản cơ sở).

Việc này tạo ra nguy cơ đói năng lượng thực sự ở một số khu vực và làm cho cuộc tranh giành các nguồn năng lượng càng trở nên gay gắt. Như vậy, việc giải quyết vấn đề này đang làm nảy sinh những vấn đề khác không kém phần nghiêm trọng. Do vậy, thế giới cần tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa vấn đề an ninh và tình trạng không được bảo đảm về năng lượng.

Trong sự phát triển của ngành than, vai trò của Trung Quốc và Ấn Độ là không thể phủ nhận. Tới năm 2035, hai nước này sẽ bảo đảm tới 95% nhu cầu tăng lên đối với loại nhiên liệu này.

Một kết luận rất thú vị về triển vọng phát triển của ngành năng lượng hạt nhân đã được rút ra trong dự báo, căn cứ vào những kết quả phân tích tất cả các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Các tổ máy đưa vào hoạt động chưa tới 20 năm chỉ chiếm 1/5 những tổ máy hiện có. Do đó, trong thời gian dự tính, một số lượng đáng kể các nhà máy điện hạt nhân sẽ bị đóng cửa.

Trong bối cảnh việc cấp phép xây dựng các nhà máy mới bị hạn chế, đối với nhiều nước, vấn đề đang đặt ra là không tiếp tục mở rộng các cơ sở sản xuất, mà thay thế các nhà máy điện hạt nhân hiện có hay tìm kiếm nguyên nhiên liệu có thể thay thế để cân bằng năng lượng. Hiện nay, gần 75% các tổ máy mới được xây dựng ở các nước có nền kinh tế mới nổi (BRICS). Điều này có nghĩa là các nước phát triển, nơi có các cơ sở sản xuất cơ bản, không vội đổi mới thiết bị của mình.

Nguồn năng lượng tái tạo sẽ cho thấy tốc độ gia tăng nhanh nhất trong giai đoạn dự tính. Nhưng bất chấp việc giảm các chi phí trong những năm gần đây, thì hiện nay năng lượng tái tạo không cho phép cạnh tranh một cách đầy đủ với khí đốt và than đá. Vì vậy, triển vọng phát triển năng lượng tái tạo sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức độ hỗ trợ của nhà nước.

Những dự đoán có ý nghĩa nhất là sự phân tích tổ hợp nhiên liệu - năng lượng của Nga. Nhiệm vụ hàng đầu của tổ hợp này là đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế đất nước. Đúng, tình hình thị trường bên ngoài không thuận lợi lắm cho việc mở rộng xuất khẩu của chúng ta (Nga). Vì vậy, sau năm 2030, chúng ta chờ đợi một sự suy giảm không lớn khối lượng xuất khẩu nếu các nguồn cung cấp cho thị trường trong nước thường xuyên tăng lên.

Việc khai thác khí đốt ở Nga sẽ gia tăng trong suốt thời gian dự tính. Tuy nhiên, nếu việc sản xuất dầu mỏ được ổn định, thì việc khai thác khí đốt sẽ tăng mạnh mẽ, và tới năm 2035 sẽ chậm lại. Nhu cầu của thị trường bên ngoài, giá các nguồn năng lượng ở trong và ngoài nước, và tất nhiên, giá thành khai thác và chính sách thuế, sẽ đóng vai trò quyết định đối với nhịp độ phát triển kinh tế của Nga.

Khối lượng đầu tư hiện hay vào ngành dầu khí rõ ràng là chưa đủ cho sự ổn định lâu dài việc khai thác và chế biến dầu mỏ, hơn nữa là cho việc mở rộng khai thác. Nhưng theo chúng tôi, với điều kiện mức giá khí đốt trong nước và thế giới đã được dự đoán và nếu có chính sách thuế hợp lý thì các công ty của Nga có thể tạo ra và thu hút được khối lượng vốn đầu tư cần thiết để thực hiện các dự án thương mại có hiệu quả. Cần có hai điều kiện: tính hợp lý (cá thể hóa các điều kiện khai thác) của các loại thuế và tính hiệu quả của các dự án - hai điều kiện này là hết sức quan trọng đối với việc thực hiện.

Sự phân tích các xu hướng của thị trường khí đốt toàn cầu chỉ ra rằng trong những năm tới, Nga sẽ phải cạnh tranh ở thị trường bên ngoài trong những điều kiện ngày càng khắc nghiệt, ở thị trường châu Âu, nhu cầu và việc tiêu dùng khí đốt nhập khẩu tăng nhẹ.

Tính tới số lượng nhà cung cấp đang tăng lên, các dự án mới có giá trị cao của chúng ta tại thị trường này sẽ phải cạnh tranh hết sức khó khăn. Trong tương lai, thị phần trong thị trường xuất khẩu của Nga ở hướng châu Âu sẽ giảm do gia tăng việc cung cấp cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Châu Á (đặc biệt là các nước đang phát triển) là động cơ rõ ràng của sự gia tăng nhu cầu đối với tất cả các nguồn năng lượng. Đối với Nga, cả hai thị trường này sẽ vẫn hấp dẫn, nhưng các kế hoạch phát triển khu vực ở Nga và sự phân tích nhu cầu của bên ngoài cho thấy Nga đang quan tâm tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Rõ ràng là trong triển vọng lâu dài, Nga vẫn sẽ là một trong những đối thủ quan trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rất có thể tình hình thị trường thế giới đối với khí đốt và phần nào dầu mỏ của Nga sẽ xấu đi với doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu có thể sẽ giảm và tới năm 2035 tỷ lệ doanh thu đó trong GDP sẽ giảm đi hai lần nếu tỷ lệ tổ hợp nhiên liệu - năng lương trong GDP giảm 3 lần.

Trong tình hình như vậy, việc mở rộng xuất khẩu các nguồn năng lượng sẽ không còn là mục đích tự thân nữa. Việc phát triển nền kinh tế của mình và định hướng lại nền kinh tế từ khuynh hướng phụ thuộc vào nguyên nhiên liệu sang hướng đổi mới khoa học, công nghệ, phát minh sáng chế, là quan trọng hơn cả.

“Dự báo về sự phát triển của ngành năng lượng Nga và thế giới cho đến năm 2035″ được đưa ra, theo chúng tôi, là bước tiến đáng kể đầu tiên trong việc hình thành hệ thống giám sát và dự báo hoàn chỉnh của Nga về các thị trường năng lượng thế giới. Chúng tôi hy vọng rằng tài liệu được chuẩn bị và các công cụ phát triển đã được soạn thảo sẽ là cơ sở của hệ thống phân tích dài hạn tình hình năng lượng thế giới và kế hoạch hóa mang tính chiến lược.

Tình hình trên thế giới đang thay đổi nhanh chóng và cần phải theo dõi tình hình một cách có hệ thống, thường xuyên điều chỉnh các đánh giá. Hiện nay, chúng ta có những công cụ cho phép tính toán trên quy mô rộng lớn một cách linh hoạt, tính tới những kịch bản hết sức khác nhau. Giới các nhà chuyên môn làm việc với mục đích cung cấp thông tin đã hình thành. Chúng tôi thường xuyên đổi mới các cơ sở dữ liệu, bổ sung thông tin mới, điều chỉnh các chỉ số không có lợi và các chỉ số khác. Khi xuất hiện những hiện tượng mới, những thách thức hay cơ hội, chúng tôi sẽ nhanh chóng tính toán những hậu quả của chúng, đó là công việc của chúng tôi hiện nay.


Nguồn: Vietnam+

 

 


Tin khác
Thời tiết
27°C
Thống kê
156
567
3
10,365,244
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 73.880 75.480
Đối tác