Nghiên cứu và trao đổi

Châu Phi cảnh giác Trung Quốc, Việt Nam phản ứng mờ nhạt!

08/05/2014 - Thứ Năm - 15:00 Lượt xem: 1
"Các nước Châu Phi cảnh giác với Trung Quốc và đưa ra cáo buộc nước này áp chính sách "thực dân kiểu mới" là không oan".

TS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Nghiên cứu chính trị thế giới đã phân tích về việc mới đây Trung Quốc đã bị Châu Phi cáo buộc chỉ tập trung vào việc khai thác tài nguyên chứ không giúp tạo công ăn việc làm và thị trường tại các nước này.

PV: - Thưa ông, mới đây Trung Quốc đã bị Châu Phi cáo buộc chỉ tập trung vào việc khai thác tài nguyên chứ không giúp tạo công ăn việc làm và thị trường tại các nước này. Đồng thời nhiều dự án được đưa vào đây cũng là nhằm phục vụ ý đồ của Trung Quốc khai thác nhân công giá rẻ, đối xử bất công với người dân địa phương. Thêm nữa, hàng tiêu dùng, đồ may mặc… Trung Quốc đã tràn ngập các thị trường châu Phi. Phương Tây cáo buộc đây là chính sách "thực dân kiểu mới". Ông bình luận gì về mức độ cáo buộc của các nước châu Phi và nhận định của phương Tây? Cá nhân ông kiến giải như thế nào về hiện tượng này?Trung Quốc muốn làm tất, ăn cả

TS Bùi Ngọc Sơn: - Cáo buộc này không oan bởi cách đây 4-5 năm ngay cả Mỹ La Tinh người ta cũng thấy và nhiều Chính phủ cũng đã nhận ra. Thậm chí có nước đã đặt câu hỏi: Trung Quốc muốn gì ở chúng tôi?.

Họ đặt ra nghi vấn là vì khi đó Trung Quốc cho tiền viện trợ nhiều quá tới các vùng trước đó được gọi là sân sau của Mỹ. Họ đã cho tiền viện trợ tại các quốc gia nhỏ vùng Trung Mỹ. Và rồi chuyện kênh đào Panama cũng là các công ty Trung Quốc, người Trung Quốc sang làm.

Có thể thấy một điều rất rõ Trung Quốc là nơi sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới hiện nay. Cho nên khi đã có nhiều hàng thì họ phải mở rộng thị trường ra nước ngoài nhưng không phải chỉ đứng đó để bán hàng, mà cũng không đơn thuần đến lập công ty để tạo mảng phân phối. Cách mà họ làm là vừa tạo cơ sở sản xuất vừa đưa cả người sang để kiểm soát, lao động...

Trong khi đó ở các quốc gia chậm phát triển thì bao giờ nạn tham nhũng cũng lớn mà chắc chắn con đường và cách thức Trung Quốc làm là chỉ cần mua chuộc một vài quan chức có thể họ sẽ được rất nhiều lợi khác bù vào chi phí của họ.

Thậm chí họ kiểm soát được cả chính trị lẫn thị trường ở các nước đó nên cũng dễ dàng đưa cả nhân lực sang những nước đó.

Cho nên con đường và cách thức để Trung Quốc vươn sang các nước khác kiểu như vậy là đang hình thành. Có thể nói chắc chắn rằng những biểu hiện kiểu khai thác thực dân như cáo buộc của Châu Phi là rõ ràng, chỉ khác là thực dân trước đây thực dân phải đưa cả chính quyền, quân đội sang, còn với thời đại mới thì có khác đôi chút.

Nghĩa là không phải chỉ là buôn bán đầu tư thông thường mà trở thành những người làm tất ăn cả từ trong nước đến nước khác. Do vậy các quốc gia đang phát triển đang dần nhận ra điều này.

Ở Việt Nam mọi hàng hóa phục vụ tiêu dùng đều ngập tràn thương hiệu của Trung Quốc
Ở Việt Nam mọi hàng hóa phục vụ tiêu dùng, giải trí... đều ngập tràn thương hiệu của Trung Quốc

PV: - Hiện tượng tương tự cũng đang diễn ra tại Việt Nam: các dự án FDI khủng, lao động phổ thông người Trung Quốc tràn lan không kiểm soát, hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, nguồn nguyên liệu cho các ngành sản xuất ở Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc. Liệu có sự khác nhau giữa hiện trạng xảy ra ở Việt Nam và các nước châu Phi kể trên hay không và cụ thể là như thế nào? Theo ông đánh giá, mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc đã tới đâu?

TS Bùi Ngọc Sơn:- Tôi cho rằng hiện tượng ở Việt Nam cũng không khác ở Châu Phi nhiều lắm. Dù không có con số cụ thể để so sánh, song hiện tượng rất giống, thậm chí chúng ta còn bất lợi hơn là ở ngay sát đường biên giới với họ nên rất khó kiểm soát.

Đối với nền kinh tế của Việt Nam, thể hiện rõ nhất trong cán cân thương mại phần nhập siêu chủ yếu từ Trung Quốc. Trong nhập siêu này thể hiện nền kinh tế của chúng ta lệ thuộc vào Trung Quốc là vì công nghệ, nguyên vật liệu nhập từ nước này rất lớn.

Một vấn đề tôi vẫn nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng kinh tế Việt Nam khá giống với Trung Quốc trong khi họ đi trước rất nhiều. Năm 1994 họ lại thực hiện chính sách phá giá cho nên hàng của họ rất rẻ. Chúng ta lại là nước đi sau nên hàng hóa không thể nào cạnh tranh nổi.

Chúng ta vẫn nói ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 20 năm vẫn trắng tay cũng chính vì vấn đề này. Các nhà đầu tư vào Việt Nam thấy nhập từ Trung Quốc rất nhiều lại không thể rẻ hơn nếu sản xuất ở Việt Nam.

Như năm 2000 thấy rằng một bộ comple Trung Quốc bán ở Việt Nam chỉ có giá 160.000 đồng thì thử hỏi ở trong nước làm thế nào để cho có lãi nếu bán cạnh tranh với giá này? Trong khi đó hàng Trung Quốc bán tràn ngập ở Việt Nam với giá rẻ mà họ vẫn có lãi.

Nếu như chúng ta không xử lý nhanh thì chúng ta không thể nào xây dựng được nền công nghiệp phụ trợ các ngành khác.

Ở nước có tham nhũng sẽ giúp Trung Quốc có lợi thế

PV:- Hiện các nước Châu Phi đã nghi ngại về sự đầu tư của Trung Quốc trên đất nước họ và đã bày tỏ quan điểm chính thức. Theo ông, sự giật mình tỉnh giấc sau hơn nửa thế kỷ nhận nguồn đầu tư của Trung Quốc là sớm hay muộn? Việc lựa chọn đối sách với họ có quá khó khăn không, khi mà cả châu Âu và Mỹ đều đang "trở lại với châu Phi"?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Ở Châu Phi khi họ nhìn nhận và chắc chắn sẽ có những ứng xử trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên tôi vẫn muốn nhắc lại ở các quốc gia chậm phát triển đều gặp vấn đề cực kỳ rắc rối là nạn tham nhũng không kiểm soát được. Cho nên chỉ cần Trung Quốc đưa ra một lượng tiền lớn, các quan chức có thể lái chính sách của quốc gia theo hướng có lợi cho họ.

Vấn đề này nhiều khi được nhận ra nhưng đưa ra phản ứng để chống lại nó hay không thì lại là câu chuyện rất dài và phụ thuộc nhiều thứ.

Đó là còn chưa nói đến bình diện quốc tế, đôi khi cần sự ủng hộ nào đó nên có những việc phải chấp nhận.

Có thể nói đây là một cuộc chơi nhưng phải hiểu rõ một điều như có ý kiến từng nói là: "không có bữa cơm trưa nào miễn phí". Có nghĩa là khi người ta đã đến quốc gia mình cho tiền một cách dễ dàng thì chắc chắn sẽ phải trả cái gì đó.

Còn quan điểm của tôi khi đã phải trả giá với Trung Quốc thì cái giá sẽ là cực đắt.

PV: Đối với trường hợp của Việt Nam thái độ của chúng ta với nguồn đầu tư và sự phụ thuộc nền kinh tế Trung Quốc hiện nay đang thế nào? Và nếu tiếp tục duy trì sự lệ thuộc này thì điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế của chúng ta? Muốn tránh được hậu quả đó chúng ta phải làm gì, dựa trên những lợi thế hay cơ sở nào?

TS Bùi Ngọc Sơn: - Với Việt Nam sẽ rất khó làm vì còn liên quan đến những chính sách quản lý vĩ mô. Như trước đây nếu chúng ta nhanh chóng sử dụng ngón đòn về tỉ giá, tức là cũng thực hiện một cuộc phá giá tương tự như Trung Quốc, chấp nhận đau đớn để làm thì có thể tình hình đã cứu vớt được phần nào.

Tức là nếu thay đổi về tỉ giá thì hàng Trung Quốc có nhập vào Việt Nam cũng rất đắt. Chỉ khi nào các hàng nhập khẩu trở nên đắt thì người ta mới nghĩ đến chuyện sản xuất ở trong nước.

Tiếp đến là phải cởi mở, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn tốt, chính đáng. Nói như vậy không có nghĩa là đứng ra lập một hàng rào dây thép gai mà quan trọng là phải nhanh chóng canh tân nền sản xuất trong nước, có được công nghệ cao, vốn liếng lớn, kỹ năng... để chiếm lại thì phần ít nhất là trong nước, sau đó mới hướng đến nước ngoài.

Thế nhưng các phản ứng của chúng ta rất mờ nhạt, thụ động, manh mún. Còn về tỉ giá thì bây giờ vô cùng khó thực hiện bởi chúng ta vay nợ nước ngoài (nợ công) tương đối lớn. Do đó nếu chỉ cần thay đổi chính sách tỉ giá, đống nợ này sẽ tăng vù lên.

Chỉ bằng chính sách tỉ giá tạo sự ngang bằng về chi phí mới có thể cạnh tranh, trong khi Trung Quốc phá giá năm 1994 tới 40% thì Việt Nam sao chịu đựng nổi khi một nền kinh tế lớn như vậy ngay sát mình?. Họ lại còn đi trước Việt Nam hàng chục năm, Việt Nam có cái gì họ có cái đó nhưng giá lại rẻ hơn rất nhiều thì sao cạnh tranh nổi?.

Nhưng một điều rõ ràng nếu chúng ta không thay đổi thì sẽ không giải quyết được gì cả. Muốn tăng được uy tín, vị thế thì phải thu hút được đầu tư, từ đó sinh lời, tiền của mới nhiều lên, công ăn việc làm nhiều lên. Năm tháng trôi đi thì mới tích lũy được kinh nghiệm, vốn liếng...

Chỉ đến khi nào người ta nghe đến cái gì cũng của Việt Nam thì lúc đó mới là chiến thắng. Chứ như hiện nay chạm vào đâu cũng kêu là do buông lỏng quản lý thì nói thật là không tiền nào có thể nuôi đủ bộ máy để chạy theo quản lý. Chúng ta chỉ có thể tạo luật cho cuộc chơi mới có thể thành công.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Bích Ngọc - baodatviet.vn


Tin khác
Thời tiết
25°C
Thống kê
212
243
99
10,367,275
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.900
SJC 73.830 75.430
Đối tác