Nghiên cứu và trao đổi

Làm gì để dân giàu?

10/07/2014 - Thứ Năm - 14:46 Lượt xem: 1

“Dân giàu, nước mạnh” là cụm từ mà chúng ta đã quá quen thuộc. Nhưng thế nào gọi là “dân giàu” và cần làm gì để cho “dân giàu”? Dĩ nhiên là có nhiều góc nhìn về chữ “giàu” nhưng chúng ta hãy xét về phương diện kinh tế.
 
Trước hết thì mức độ giàu có của một quốc gia được tính từ con số “tổng sản lượng quốc gia”, là tổng cộng tất cả giá trị sản phẩm và dịch vụ sản xuất trong nước, mang chia đều con số này cho toàn dân thì sẽ có số “thu nhập bình quân đầu người”. Căn cứ vào ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á thì thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ bằng 2/3 so với Indonesia và 1/3 so với Thái Lan. Vắn tắt thì Việt Nam vẫn là một nước nghèo so với hầu hết nước láng giềng.
 
Với tử số (tổng sản lượng quốc gia) và mẫu số (dân số) luôn gia tăng, muốn cho “dân giàu” nghĩa là muốn nâng cao chỉ số thu nhập bình quân thì chỉ có hai cách là làm sao để mẫu số tăng chậm và tử số tăng nhanh. Trong phạm vi bài này tôi gác qua việc kềm mức tăng trưởng dân số như Trung Quốc hạn chế sinh đẻ, mà chỉ bàn về việc làm sao để tổng sản lượng quốc gia tăng nhanh.
 
Cơ cấu kinh tế như ta biết là gồm 2 khối căn bản: sản xuất và tiêu thụ. Khối sản xuất gồm các doanh nghiệp công và tư có tầm cỡ từ nhỏ, vừa đến lớn, cung cấp đủ loại sản phẩm và dịch vụ. Khối tiêu thụ gồm những cá nhân cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp để được trả lương rồi lại dùng đồng lương này để: a) mua sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp, b) đóng thuế cho nhà nước, c) để dành và đầu tư sinh lợi...  Khi “nối mạng” với các nước khác thì phát sinh ra hoạt động thương mại quốc tế: một phần sản phẩm và dịch vụ sản xuất trong nước được bán ra nước ngoài (xuất khẩu) và một phần đồng lương của khối tiêu thụ lại được dùng để mua sản phẩm và dịch vụ của nước ngoài (nhập khẩu). Căn bản kinh tế thì thực sự giản dị chỉ có thế. 
 
Con số tổng sản lượng quốc gia có thể ước tính được bằng cách cộng các số chi tiêu bên khối tiêu thụ của người tiêu dùng, của nhà nước, tiền đầu tư… hoặc cũng có thể tính được từ đầu ra của khối sản xuất gồm tất cả các doanh nghiệp trong nước. Như vậy muốn giúp cho “dân giàu” thì điều căn bản là cần tạo điều kiện tốt đẹp để giúp cho khối doanh nghiệp này được phát triển mạnh 
 
Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam thì chúng ta hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp cỡ lớn chiếm 2%, doanh nghiệp cỡ vừa 2%, còn lại 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nếu tính cả các hộ cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể chiếm tới 99,9%. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước được quan tâm tập trung để giúp lớn lên và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì bản thân họ có sức mạnh kết nối trong chuỗi năng lực toàn cầu nên hoạt động vẫn rất tốt. 
 
Riêng khu vực doanh nghiệp tư nhân thì đang đứng trước một giai đoạn khó khăn nhất của mình. Với quy mô, năng lực tài chính yếu kém, công nghệ lạc hậu, lượng nhân công ít ỏi, lại thiếu bẵng đi các biện pháp trợ giúp của nhà nước, vì thế nên các doanh nghiệp dân doanh không lớn được nhanh và khi có cú sốc tiêu cực ập đến thì khu vực này không có sức đề kháng…
 
Bài thảo luận chính sách của một nhóm nghiên cứu gia thuộc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (Đại học Harvard) năm ngoái về tình hình kinh tế Việt Nam cũng đã nhận xét rằng: “Đóng góp của khu vực doanh nghiệp cho nền kinh tế so với khu vực tư nhân không tương xứng với những ưu ái và nguồn lực mà khu vực này đang được hưởng”. Bài thảo luận cũng viết về khu vực doanh nghiệp dân doanh: “Khu vực doanh nghiệp tư nhân đã trở nên rất năng động từ khi đổi mới đến nay, nhất là sau thập niên 2000. Khu vực này đã đóng vai trò đáng kể vào tăng trưởng và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang đứng trước nguy cơ teo tóp, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng đến mức báo động”.
 
Tôi muốn lướt qua một vài điểm chính như sau:
 

Đi tắt đón đầu

Chỉ trong vòng một thế hệ mà Nam Triều Tiên đã nhảy vọt từ một nước chậm tiến thành một quốc gia tân tiến. Nghiên cứu những mô hình phát triển kinh tế thần kỳ này, nhà nước cũng đã chọn một số ngành công nghệ làm mũi nhọn, thành lập nhiều tập đoàn lớn để tìm cách “đi tắt đón đầu” và nhanh chóng “đưa thuyền ra biển lớn”. Thế nhưng chiến thuật này đã không mang lại kết quả mong muốn. Bài thảo luận Fulbright / Harvard viết: “Từ khi các tổng công ty được chuyển ào ạt thành tập đoàn kinh tế, những yếu kém cơ bản của khu vực doanh nghiệp bộc lộ ngày càng rõ, đặc biệt dưới tác động của bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kết quả là sự sụp đổ của một số tập đoàn kinh tế và sự kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được phơi bày, những điều này đã góp phần tạo ra những trục trặc hiện nay của hệ thống ngân hàng. Những trục trặc này, đến lượt mình, tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của hai động cơ tăng trưởng nội địa khác là khu vực tư nhân và nông nghiệp”.

 “Đi tắt đón đầu” quả là một chiến thuật chính đáng, nhưng muốn thực thi chính sách thì cần có những thể chế vững chắc và quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Muốn đưa thuyền ra biển lớn thì phải có những vị thuyền trưởng tài ba, đầy kinh nghiệm để lèo lái những tập đoàn kinh tế này, không khéo chưa ra khơi thì thuyền đã chìm ngỉm để rồi đất nước lại gánh thêm nợ.
 
Như một vị tướng tài trong thời chiến, người CEO của một tập đoàn lớn cần có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh để lãnh đạo doanh nghiệp mình xông pha thương trường, cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Nếu một quan chức nhà nước không thể bước ngang sang làm bác sĩ mổ xẻ trong một bệnh viện hay làm nhạc trưởng của một ban đại hợp tấu thì chúng ta cũng không thể mong quan chức ấy trong một thời gian ngắn có thể trở thành vị tổng giám đốc tài ba của một tập đoàn công nghệ hay một ngân hàng lớn được.
 
Quản lý doanh nghiệp là việc vô cùng phức tạp và khó khăn hơn việc mổ xẻ hay điều khiển một ban nhạc rất nhiều vì thương trường luôn biến động không ngừng và sự cạnh tranh khốc liệt liên tục không hề nương tay cho một ai. Không phải chỉ cần đổ tiền ra tậu của cải, mua công ty, mua ngân hàng, tạo “phần cứng” là sẽ có ngay một cỗ máy làm tiền, mà vấn đề gai góc nhất là ở cái “phần mềm” quản lý.
 
Như một quân nhân phải mất nhiều năm để leo từ cấp úy, cấp tá trước khi được phong hàm tướng, để có thể lèo lái một tập đoàn lớn, một vị CEO cũng cần được rèn luyện bài bản từ những doanh nghiệp hay các phân ngành từ nhỏ đến lớn để  trưởng thành theo thời gian. Thế nhưng sân huấn luyện CEO của chúng ta có đủ khả năng đào tạo hay chưa?
 

Tạo công ăn việc làm

Nói chung nền kinh tế Việt Nam cần phải tạo ra ít nhất một triệu việc làm mới mỗi năm chỉ để hấp thụ lao động mới. Về điểm này thì một bài thảo luận khác của nhóm nghiên cứu Fulbright / Harvard trước đó đã đưa ra nhận xét như sau: “Nói một cách đơn giản, khu vực nhà nước không tạo ra được nhiều việc làm, nhưng lại chiếm một nửa giá trị đầu tư doanh nghiệp. Trong khi đó khu vực tư nhân, hiện đang tạo ra được việc làm, lại chủ yếu bao gồm những doanh nghiệp nhỏ với cơ cấu vốn yếu kém, gặp khó khăn trong việc tăng trưởng để trở thành các doanh nghiệp vừa và lớn, vì khó tiếp cận được đất đai và vốn vay ngân hàng”.

 

Thiếu liên kết với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Kêu gọi các doanh nghiệp FDI vào đầu tư ở Việt Nam cũng không khác mang những ngọn lửa công nghệ mới về nước và mong làm mồi châm cho những doanh nghiệp trong nước để cùng nhau thắp sáng bộ mặt kinh tế Việt Nam. Tiếc thay mang những đốm lửa ấy về nhưng lại không thấy “bắt mồi”.

Bài thảo luận trên đây cũng đã viết như sau: “Các trở ngại đối với sự tăng trưởng của khu vực tư nhân trong nước đã làm hạn chế sự phát triển của những ngành phụ trợ vốn hưởng lợi nhiều nhất từ những liên kết này.  Hơn thế nữa, nếu không có mối quan hệ vững chắc và lâu dài với các nhà cung ứng nội địa, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có ít động cơ ở lại Việt Nam một khi chi phí lao động và những chi phí khác tăng lên…”.

 

Doanh nghiệp là nguồn đóng thuế quan trọng

Cũng đừng quên rằng các doanh nghiệp trong nước là một nguồn đóng thuế rất lớn cho nhà nước. Doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập trên lương chủ và nhân viên, cùng nhiều chi phí khác… Lương tiền trả cho quân đội, cảnh sát, cán bộ công nhân viên nhà nước cùng các chi phí từ cấp làng xã đến quốc gia… tất cả đều lấy từ nguồn thuế là chính.  Không thu đủ thuế để trang trải mọi chi phí quốc gia thì ngân sách thiếu hụt và nhà nước phải vay nợ trong và ngoài nước, hoặc phải… in tiền để rồi đưa đến lạm phát.

Ai bảo làm doanh nhân là dễ?

Dấn thân vào thương trường là một quyết định táo bạo vì đây là một con đường đầy chông gai và rủi ro. Ngay ở Mỹ, trong một môi trường thuận lợi và với những điều kiện hoạt động tốt đẹp nhất mà tỷ lệ doanh nghiệp tử vong cũng rất cao. Tính ra cứ 100 doanh nghiệp được thành lập thì trong vòng 5 năm đầu đã có đến 75% phải đóng cửa và đến năm thứ 10 thì có 90% doanh nghiệp dẹp tiệm. Tỷ lệ doanh nghiệp tử vong trong nước chắc hẳn là còn cao hơn nhiều!

Chính sách cần thay đổi

Nhìn lại vấn đề từ các góc cạnh trên thì vai trò chính của các cơ quan quản lý nhà nước là để hỗ trợ doanh nghiệp, tương tự như bộ phận hậu cần hỗ trợ các chiến sĩ tiền tuyến. Bài thảo luận Fulbright / Harvard (2013) đã có nhắc đến điểm này như sau: “Sau khi thực thi Luật Doanh Nghiệp năm 1999, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên trong thời gian gần đây tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp có vẻ đang trở lại. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh không được cải thiện đáng kể, một phần lớn thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp được tiêu tốn để đáp ứng các thủ tục quản lý còn thiếu tường minh và không nhất quán từ phía các cơ quan quản lý nhà nước”.

Là “xương sống” của nền kinh tế, khối doanh nghiệp dân doanh phải nên được xem là “con gà đẻ trứng vàng”, cần được chăm sóc và trân quý thay vì bắt họ phải hứng chịu nhiều khó khăn hành chánh, thủ tục nhiêu khê, luật lệ chồng chéo.

Ai bảo cứ xài hàng ngoại là xịn?

Nếu cứ đổ lỗi cho chính sách và chờ đợi được nhà nước hỗ trợ thì quả cũng là một điều khiếm khuyết. Dù cho được ưu đãi, dù chính sách thay đổi nhưng không hẳn cứ nhờ đó mà các doanh nghiệp sẽ làm ăn dễ dàng hơn. Doanh nghiệp chỉ là khối sản xuất mà thành công hay không cũng còn tùy thuộc ở mảng tiêu thụ. Đồng tiền là dòng máu luân lưu trong một cơ thể kinh tế, là gió để nâng các con diều doanh nghiệp trong nước bay cao. Mua một món hàng sản xuất trong nước là giữ cho đồng tiền lưu chuyển trong nước, giữ cho máu còn nằm trong cơ thể, giúp cho nhà máy chúng ta tiếp tục hoạt động, nhân công chúng ta có công ăn việc làm, gia đình của họ có tiền để sống, con cái của họ được ăn học... Biết thế nhưng dân ta vẫn cứ mua hàng ngoại, vô tư “hiến máu” ra nước ngoài, để rồi bó tay nhìn nhau mà hỏi rằng đồng tiền mình chạy đi đâu, vì sao nhà máy mình đóng cửa hàng loạt, vì sao bất động sản mình bán không chạy, vì sao kinh tế mình xuống dốc?

Các vec tơ cần hướng về một phía

Hơn bao giờ hết đây là thời điểm mà khối doanh nghiệp tư nhân đang chờ đợi một niềm tin, động lực mới từ sự quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành để họ yên tâm khởi nghiệp, đầu tư kinh doanh đóng góp sức lực, của cải cho nền kinh tế. Điều quan trọng hơn cả là nhà nước nên có cái nhìn mới đối với khối doanh nghiệp tư nhân và dần dần rút về đóng vai trò điều hành và hỗ trợ thay vì trực tiếp nhúng tay vào việc kinh doanh. Về phía người dân là những người tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, thì cũng cần phải đóng góp bằng cách mua hàng nội. Có như thế thì kinh tế mới phát triển để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và giúp cho dân giàu nước mạnh.

 Nguồn: Võ Tá Hân - vnexpress.net


Tin khác
Thời tiết
23°C
Thống kê
11
1
782
10,367,815
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.900
SJC 73.580 75.180
Đối tác