Nghiên cứu và trao đổi

Vạch trần thủ đoạn “khảo sát”, “khảo cổ” biển Đông của TQ

17/08/2014 - Chủ Nhật - 20:29 Lượt xem: 1
Âm mưu độc chiếm biển Đông của TQ tiếp tục được che đậy dưới một chiêu bài mới là khảo cổ di chỉ và khảo sát vật lý dưới đáy biển.

Bàn giao tàu khảo sát thăm dò vật lý địa cầu dưới nước “Hải Dương Thạch Du 721”

Tờ Chinnanews đưa tin, ngày 6-8, tại nhà máy đóng tàu tàu Thượng Hải, tàu “Hải Dương Thạch Du 721” đã chính thức được biên chế cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) cổ phần dầu khí Trung Quốc (COSL).

“Hải Dương Thạch Du 721” thuộc loại tàu khảo sát nước sâu cỡ lớn của Trung Quốc, có chiều dài 107,4m, chiều rộng 24m, chiều cao 9,6m, độ sâu tác nghiệp đạt 3.000m, tàu được trang bị 12 dây cáp có chiều dài mỗi dây 8000m, có thể tác nghiệp thu thập số liệu địa chất trong điều kiện biển sóng gió cấp 5.

Phó tổng giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Thượng Hải Chung Khánh Hoa cho biết, tàu khảo sát vật lý địa cầu “Hải Dương Thạch Du 721” được khởi đóng hồi tháng 4-2013 và hoàn thành chỉ trong vòng 15 tháng, lập kỷ lục tốc độ đóng mới nhanh nhất thế giới so với tàu cùng loại.

Tàu được trang bị nhiều thiết bị công nghệ tối tân nhất nhằm đẩy nhanh tốc độ khảo sát nước sâu, nâng cao hiệu quả thu thập dữ liệu về tài nguyên dầu khí Hải Dương cho Trung Quốc.

Sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, tàu “Hải Dương Thạch Du 721” sẽ cùng với tàu “Hải Dương Thạch Du 720” (Tàu này hiện đang tác nghiệp tại biển Đông và được coi là “anh em ruột” của Tàu Hải Dương Thạch Du 721) hợp thành đội tàu chuyên tiến hành hoạt động khảo sát địa chất, tìm nguồn dầu khí mới tại khu vực biển Đông.

Tàu khảo sát vật lý địa cầu “Hải Dương Thạch Du 720”

Tàu khảo sát vật lý địa cầu “Hải Dương Thạch Du 720”

Với cặp đôi “Hải Dương Thạch Du 720” và “Hải Dương Thạch Du 721”, kết hợp cùng với các giàn khoan nước sâu (ví như Giàn khoan 981 mà hồi tháng 5 Trung Quốc đã kéo vào khai thác dầu khí trái phép tại vùng biển của Việt Nam) sẽ hình thành một quy trình khép kín chuyên “thăm dò - khai thác” dầu khí Hải dương.

Các tàu khảo sát vật lý địa cầu dưới đáy biển này đóng vai trò như những tên lính tiên phong, sẽ tiến hành thăm dò, lấy mẫu các tầng đất đá, nghiên cứu cấu tạo các tầng địa chất dưới đáy biển để tìm ra những dấu hiệu cho thấy sự hiện hiện của các mỏ dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các giàn khoan tiến hành thăm dò chất lượng và trữ lượng dầu trong các mỏ ngầm dưới đáy biển.

Điều đó cho thấy, chính quyền Bắc Kinh đã lộ rõ chân tướng của một kẻ luôn muốn độc chiếm biển Đông, nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên dầu khí phong phú ở vùng biển này, phục vụ cho cơn khát năng lượng của một nền kinh tế hiện đang phát triển quá nóng của Trung Quốc.

Chính thức đưa tàu khảo cổ dưới nước đầu tiên vào sử dụng

Cũng trong ngày 6-8, tại Thanh Đảo, Sơn Đông - Trung Quốc, chiếc tàu khảo cổ dưới nước đầu tiên của nước này đã chính thức được bàn giao cho Cục văn vật Quốc gia đưa vào sử dụng, kết thúc toàn bộ cả quá trình lịch sử Trung Quốc không có tàu khảo cổ hoạt động dưới nước.

Tàu “Khảo Cổ 01” được đóng mới với mức kinh phí là 60 triệu nhân dân tệ, do Phòng 701 - Tập đoàn công nghiệp nặng tàu thuyền Trung Quốc thiết kế, và được Công ty công nghiệp tàu thuyền Đông Phong - Trùng Khánh khởi đóng ngày 11- 04/2013, và hoàn thành đưa vào chạy thử ngày 24-01/2014.

Tàu khảo sát vật lý địa cầu “Hải Dương Thạch Du 721”

Tàu khảo sát vật lý địa cầu “Hải Dương Thạch Du 721”

Tàu “Khảo Cổ 01” có chiều dài 56 m, chiều rộng 10,8m, chiều cao 4,8 m, độ mớn nước 2,6 m, trọng tải 950 tấn, tốc độ 12 hải lý/h, chịu được sóng gió cấp 8, hành trình liên tục 30 ngày đêm, biên chế 36 người, tàu gồm 5 tầng với 11 phòng, bao gồm phòng công tác chuyên môn, phòng thiết bị khảo cổ, phòng nghỉ…

Tàu này được thiết kế với mục đích chuyên thực hiện nhiệm vụ khảo cổ, bảo tồn di chỉ di vật dưới nước tại các khu vực biển duyên hải, bao gồm cả khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Phó cục trưởng Cục văn vật quốc gia Trung Quốc Đồng Minh Khang cho biết, từ những năm 80 của thế kỷ 20 nước này đã bắt đầu thực hiện công tác bảo tồn di sản văn hóa dưới nước, trải qua hơn 20 năm phát triển, đến nay Trung Quốc đã thu được nhiều thành tựu đáng kể.

Ông Đồng còn cho biết, việc tàu Khảo cổ 01 chính thức được đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao năng lực bảo tồn di sản văn hóa dưới nước của Trung Quốc. Việc được phê duyệt và đóng mới tàu khảo cổ đã thể hiện sự ủng hộ cao của lãnh đạo Trung ương cũng như các ban ngành liên quan trong nước.

Bảo tồn di sản văn hóa là việc làm cấp thiết và đúng đắn đối với mỗi quốc gia nhưng phát ngôn của ông Đồng Minh Khang đã trở thành lố bịch khi Trung Quốc lại có ý đồ tiến hành khảo cổ dưới đáy biển thuộc chủ quyền của quốc gia khác. Điều này thể hiện rõ khi giới chức lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố tiến hành chuyến khảo cổ đầu tiên tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tàu khảo cổ dưới nước “Khảo Cổ 01” của Trung Quốc

Tàu khảo cổ dưới nước “Khảo Cổ 01” của Trung Quốc

Khảo cổ chính là chiêu trò mới của Trung Quốc trong việc tìm kiếm các chứng cứ lịch sử, yêu cầu UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” của họ là di sản văn hóa thế giới. Nó thực chất là thủ đoạn ngụy tạo những chứng cứ lịch sử về sự hiện diện, khai phá của cư dân Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nhằm đòi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển này.

Đồng thời với  kế hoạch này Trung Quốc cũng đang dùng mọi thủ đoạn bao vây, phong tỏa các địa điểm khảo cổ tại các khu vực có tranh chấp trên Biển Đông, bao gồm cả khu vực quần đảo Hoàng Sa và hiện đang mở rộng về hướng nam, tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cái gọi là “sự ủng hộ cao của lãnh đạo Trung ương cũng như các ban ngành liên quan trong nước” đã thể hiện rõ chủ trương nhất quán từ trung ương đến địa phương của Trung Quốc là mượn vỏ bọc “khảo cổ di chỉ”, “khảo sát vật lý” để phục vụ cho dã tâm nuốt trọn 80% diện tích vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên này.

Cho dù là dưới hình thức nào, vì bất cứ mục đích gì, thì việc Trung Quốc tiến hành tìm kiếm khảo cổ học tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam, đi ngược lại với “Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển” năm 1982 (UNCLOS) và “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông” (DOC).

Nguồn: Cao Minh - Đất việt


Tin khác
Thời tiết
23°C
Thống kê
88
358
782
10,368,172
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.900
SJC 73.580 75.180
Đối tác