Nghiên cứu và trao đổi

Giải pháp đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế (Kỳ 1)

19/12/2014 - Thứ Sáu - 15:03 Lượt xem: 1
Việt Nam là nước đang phát triển, hiện đang đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do đó, nhu cầu năng lượng nói chung, trong đó có nhu cầu than cho phát triển kinh tế - xã hội tăng cao. Trong khi đó nguồn tài nguyên than có hạn, chỉ đáp ứng được ở mức hạn chế nhu cầu than của nền kinh tế.

PGS.TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TKV

1. Dự báo nhu cầu than

Theo dự báo trong “Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ (QH60), nhu cầu than trong nước thời gian tới sẽ tăng rất cao, cụ thể là (theo P/a cơ sở):

TT

Hộ tiêu thụ

2015

2020

2025

2030

1

Tổng số (106T)

56,2

112,3

145,5

220,3

1.1

Các ngành khác

22,6

29,5

32,8

39,0

1.2

Nhiệt điện

33,6

82,8

112,7

181,3

Như vậy, so với mức tiêu thụ năm 2013, đến năm 2015, nhu cầu than trong nước sẽ tăng gấp 2 lần, đến năm 2020 tăng gấp 4 lần và đến năm 2030 tăng gấp 8 lần.

Tuy nhiên, có thể nhu cầu than dự báo nêu trên là quá cao, ví dụ, năm 2012 dự báo nhu cầu là 32,9 triệu tấn, thực tế chỉ là 25,3 triệu tấn, bằng 76,9%; năm 2013 dự báo nhu cầu là 38,3 triệu tấn, thực tế khoảng 28 triệu tấn, bằng 73,1%.

Nguyên nhân chủ yếu làm cho nhu cầu than thực tế giảm so với dự báo là 2 năm vừa qua do nước nhiều nên thủy điện huy động tăng lên và do suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế nên nhu cầu điện cũng giảm so với dự báo. Song, ngay cả khi nhu cầu than thực tế chỉ bằng khoảng 80% nhu cầu dự báo thì cũng đã là rất cao, khi đó đến năm 2015 sẽ là 45 triệu tấn, tăng so với năm 2013 là 17 triệu tấn (bình quân mỗi năm tăng 8,5 triệu tấn, bằng sản lượng của 4 mỏ hầm lò cỡ lớn) và đến năm 2020 là 90 triệu tấn, tăng so với năm 2013 là 62 triệu tấn (bình quân mỗi năm tăng 12,4 triệu tấn, bằng sản lượng của 6 mỏ hầm lò cỡ lớn). Rõ ràng mức tăng đó là quá cao so với khả năng khai thác than trong nước nêu dưới đây.

2. Khả năng tăng sản lượng than khai thác trong nước gặp nhiều khó khăn

Thứ nhất,tài nguyên than đã được thăm dò có khả năng huy động vào khai thác bị suy giảm và mức độ tin cậy thấp; việc cấp phép thăm dò gặp nhiều vướng mặc; công tác thăm dò chậm tiến độ.

Theo Báo cáo kết quả giai đoạn 1 Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng than dưới mức -300m, bể than Quảng Ninh” (phê duyệt tại Quyết định số 1795/QĐ-BTNMT ngày 30/10/2013 của Bộ TN&MT) thì tổng trữ lượng và tài nguyên bể than Đông Bắc và vùng nội địa giảm 1.875.988 ngàn tấn so với số liệu nêu trong QH60 (tức giảm 20,8%). Như vậy, mới chỉ sau 1 năm phê duyệt QH60, tài nguyên, trữ lượng than đã “bốc hơi” gần 2 tỉ tấn do mức độ tin cậy thấp của số liệu báo cáo thăm dò.

Tính đến 31/12/2013, tổng trữ lượng và tài nguyên bể than Đông Bắc và vùng nội địa còn lại là 6.933.125 ngàn tấn, trong đó phần tài nguyên đạt cấp trữ lượng rất thấp, chỉ khoảng 30%. Ngoài ra, việc khai thác bể than Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) không những chưa rõ về công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường mà ngay cả khả năng khai thác thử nghiệm đã dự kiến trong QH60 được duyệt cũng bị lùi lại và chưa biết sẽ làm ở địa điểm nào và khi nào bắt đầu.

Trong tổng số 6,75 tỷ tấn tài nguyên, trữ lượng than của bể than Đông Bắc, hiện có:

- Khoảng 2,085 tỷ tấn đang nằm phía dưới diện tích quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, quy hoạch vùng cấm, hạn chế khai thác khoáng sản (Quyết định số 491/CP-CN ngày 13/5/2002). Tuy nhiên theo Luật Khoáng sản hiện nay không có quy định vùng hạn chế hoạt động khoáng sản.

- Vấn đề cấp phép thăm dò cho TKV - đơn vị được Chính phủ giao chủ trì thực hiện QH60 gặp nhiều vướng mắc làm chậm tiến độ thực hiện công tác thăm dò theo QH được duyệt. Cụ thể như sau:

+ Khoảng 900 triệu tấn tại các mỏ khu vực Bảo Đài, Bộ TN&MT đã có văn bản không đồng ý cấp phép thăm dò cho TKV (văn bản số 1350/ĐCKS-KS ngày 25/6/2013 và văn bản 2682/ĐCKS-KS ngày 14/11/2013 của Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, Bộ TN&MT) mặc dù đã được phê duyệt QH thăm dò, khai thác than trong nội dung QH 60.

Như vậy, trong trường hợp không được phép thăm dò các mỏ khu Bảo Đài và không huy động phần tài nguyên than dưới các khu vực QH của tỉnh Quảng Ninh, tài nguyên, trữ lượng than của Bể than Đông Bắc chỉ còn lại 3,77 tỷ tấn (bằng 55,8%).

+ Tại bể than Đông Bắc vẫn còn 4,4 tỷ tấn trữ lượng cấp C2+P (chiếm 63% tổng tài nguyên, trữ lượng) cần được thăm dò, nâng cấp. Công tác thăm dò dưới mức -300 m thực hiện được còn hạn chế, chủ yếu mới thực hiện khoan từ mặt đất, việc khoan thăm dò lấy mẫu từ trong lò vẫn chưa thực hiện được, hơn nữa công tác lấy, phân tích mẫu khí than tự cháy vẫn chưa có thiết bị để nghiên cứu. Điều này gây khó khăn cho công tác quy hoạch dài hạn phát triển ngành than, nhất là để đánh giá khả năng huy động nguồn tài nguyên, trữ lượng dưới -300 m vào khai thác sau năm 2030.

+ Ngoài ra, công tác tìm kiếm, thăm dò tại bể than Đồng bằng sông Hồng chưa triển khai tại hiện trường. Bộ TN&MT đã cấp phép cho TKV thăm dò than vùng Khoái Châu, tuy nhiên UBND tỉnh Hưng Yên chưa chấp thuận cho TKV triển khai thực hiện đề án do chồng lấn quy hoạch của địa phương. TKV đã có công văn số 6347/VINACOMIN-TN ngày 30/11/2012, về việc thực hiện đề án thăm dò vùng than Khoái Châu - tỉnh Hưng Yên và công văn số 6476/VINACOMIN-VP, về việc đăng ký làm việc nhưng địa phương vẫn chưa có văn bản trả lời. Vì vậy, đến nay, TKV vẫn chưa thực hiện được công tác thăm dò theo giấy phép được cấp.

Thứ hai,việc tăng sản lượng khai thác bị hạn chế và giảm so với QH60.

Theo QH60, sản lượng than thương phẩm dự kiến đến năm 2030 (triệu tấn) như sau:

TT

P/a sản lượng

2015

2020

2025

2030

I

P/a không có than ĐBSH

57,4

62,3

68,1

65,6

II

P/a có than ĐBSH

57,4

62,8

70,0

75,7

- Đồng bằng Sông Hồng

0

0,5

1,9

10,1

Tuy nhiên, theo Báo cáo của TKV về tình hình thực hiện QH60 nêu trên, sau khi rà soát lại tình hình tài nguyên, trữ lượng than thì khả năng tối đa chỉ đạt sản lượng than thương phẩm khoảng 55 triệu tấn/năm, hụt so với QH60 khoảng 10 triệu tấn.

Như vậy, so sánh nhu cầu dự báo và khả năng khai thác trong nước nêu trên cho thấy, từ năm 2015 sẽ thiếu than và đến năm 2020 tối đa chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, đặc biệt than cho sản xuất điện sẽ thiếu trầm trọng, ước tính đến năm 2015 thiếu khoảng 3 triệu tấn và đến năm 2020 ít nhất thiếu hơn 40 triệu tấn, bằng tổng sản lượng than toàn ngành năm 2013.

Thứ ba,nhu cầu vốn đầu tư rất cao so với nguồn vốn của các đơn vị sản xuất than.

Theo tính toán trong QH60, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện QH trong giai đoạn 2012 - 2030 là 690.875 tỉ đồng, bình quân 36.362 tỉ đồng/năm, trong đó đầu tư mới 29.797 tỉ đồng và đầu tư duy trì công suất là 6.565 tỉ đồng; nếu không kể vốn đầu tư khai thác than ĐBSH thì bình quân khoảng hơn 32 ngàn tỉ đồng/năm (tương đương khoảng 1,5 tỉ USD/năm), trong đó đầu tư mới khoảng 26 ngàn tỉ đồng/năm. Trong lúc đó tổng nguồn vốn chủ sở hữu riêng phần sản xuất than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc đến năm 2014 chỉ có khoảng hơn 20 ngàn tỉ đồng.

Với nhu cầu vốn đầu tư mới là 26 ngàn tỉ đồng/năm thì theo quy định của Luật khoáng sản mỗi năm đòi hỏi vốn chủ sở hữu làm đối ứng phải có ít nhất khoảng 7,8 ngàn tỉ đồng; trong khi với tổng vốn chủ sở hữu của sản xuất than hiện có nêu trên thì vốn đầu tư từ nguồn khấu hao cơ bản hàng năm chỉ có khoảng 2 ngàn tỉ đồng, chỉ bằng khoảng 26% mức vốn quy định. Còn nguồn vốn tích lũy từ lợi nhuận sau thuế để lại cho doanh nghiệp (tức là quỹ đầu tư phát triển trích lập từ lợi nhuận sau thuế), nếu có, cũng sẽ rất hạn hẹp vì hiệu quả sản xuất than ngày càng giảm do giá thành tăng cao như sẽ nêu dưới đây. Như vậy, nguồn vốn đầu tư cho phát triển than trong thời gian tới sẽ thiếu trầm trọng so với nhu cầu.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng đã hết rồi cái thời điều kiện tài nguyên thuận lợi có thể khai thác bằng công nghệ thủ công, lạc hậu theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” mà phải chuyển sang khai thác lộ thiên xuống sâu dưới mực nước biển hoặc phải khai thác hầm lò trong điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp (như sẽ nêu dưới đây) đòi hỏi phải có công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, đội ngũ cán bộ chuyên gia trình độ cao, công nhân kỹ thuật lành nghề, giàu kinh nghiệm và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tận thu tài nguyên, an toàn và bảo vệ môi trường.

Thứ tư,giá thành khai thác tăng cao. Chủ yếu do các nguyên nhân sau đây:

(1) Do phần trữ lượng than có điều kiện khai thác thuận lợi, giá thành thấp đã cạn kiệt, phải chuyển sang khai thác phần trữ lượng than có điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp, giá thành tăng cao; chẳng hạn, ở các mỏ lộ thiên trước đây có hệ số bóc đất đá bình quân vào khoảng 4-5 m3/tấn than nguyên khai và cung độ vận chuyển đất đá khoảng 2-3 km thì nay hệ số bóc đất đá đã tăng lên trên 10 m3/tấn, thậm chí lên trên 15 m3/tấn và cung độ vận chuyển bình quân lên đến 4-5 km, trong tương lai sẽ còn tăng hơn nữa; hoặc trước đây tỉ lệ sản lượng khai thác hầm lò chỉ vào khoảng 30-35 % thì nay đã tăng lên trên 50% và sắp tới lên khoảng 70% với điều kiện khai thác xuống sâu có nhiều rủi ro về nổ khí, bục nước, cháy lò, sập lò... Ngoài ra, phần trữ lượng than có chất lượng tốt, giá bán cao cạn kiệt dần, chủ yếu chỉ còn lại phần trữ lượng than chất lượng kém hơn có giá bán thấp hơn.

(2) Chính sách thuế, phí của Nhà nước đối với tài nguyên than ngày càng tăng cao làm cho giá thành than tăng cao. Cụ thể là:

- Về thuế suất các khoản thuế hiện hành: Thuế giá trị gia tăng 10%; Thuế xuất khẩu 10%; Thuế TNDN 22%; Thuế tài nguyên: đối với than antraxit hầm lò 7%, antraxit lộ thiên 9% (riêng tổng tiền thuế tài nguyên đối với than của TKV phải nộp đã tăng từ 230 tỉ đồng năm 2007 lên 2.758,3 tỉ đồng năm 2012 (tăng 12 lần) và 3.127,5 tỉ đồng năm 2013 (tăng 13,6 lần); Thuế bảo vệ môi trường 20 ngàn đồng/tấn và các loại thuế khác. Tổng cộng các khoản thuế đối với sản xuất than mà TKV phải nộp năm 2013 là 8.280,2 tỉ đồng.

- Về các loại phí, lệ phí: Phí bảo vệ môi trường 10 ngàn đồng/tấn than nguyên khai và các khác như phí nước thải, lệ phí cấp giấy phép thăm dò, lệ phí cấp phép khai thác, hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Tổng cộng các khoản phí, lệ phí đối với sản xuất than mà TKV phải nộp năm 2013 là 637,8 tỉ đồng.

- Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: Đây là một khoản thu mới theo quy định của Luật Khoáng sản. Theo Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013, quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đối với than khoản thu này bằng khoảng 2% giá tính thuế tài nguyên. Ví dụ đối với TKV hàng năm phải nộp thêm khoản tiền này đối với than khoảng trên 1 ngàn tỉ đồng.

Những vấn đề nêu trên không những làm giảm hiệu quả kinh doanh than mà còn tác động tiêu cực đến việc khai thác tận thu tài nguyên. Than là tài nguyên thiên nhiên không tái tạo và hữu hạn, đối với nước ta, tài nguyên than cũng không phải là dồi dào, lẽ ra trong bối cảnh đó thay vì chính sách thu thuế, phí cao phải có chính sách khuyến khích tận thu tối đa tài nguyên than để góp phần đáp ứng nhu cầu.

3. Nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than còn nhiều khó khăn

Để đáp ứng nhu cầu than, QH60 đã đề ra chủ trương nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về nước.

Theo thống kê của IEA (2012), danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm năng tài nguyên than và xuất khẩu than lớn trên thế giới có thể kể đến: Australia, Indonesia, Nga, Mỹ, Nam Phi, Nam Mỹ, Canada, Trung Quốc và Phần Lan. Trong đó, khối lượng xuất khẩu than nhiệt của các nước Mỹ, Canada, Trung Quốc và Phần Lan tại thời điểm hiện tại là không đáng kể so với các nước như Australia, Indonesia, Nga, Nam Mỹ và Nam Phi.

Thêm vào đó, dự báo triển vọng xuất khẩu của các nước này đến năm 2030 không tăng trưởng nhiều so với thời điểm hiện tại nên sẽ khó có cơ hội cho Việt Nam tham gia nhập khẩu. Mặt khác, Nam Mỹ mặc dù là vùng lãnh thổ có năng lực xuất khẩu than nhiệt hiện tại rất lớn (85,4 triệu tấn năm 2011) và dự kiến tương lai thị trường này còn mở rộng mạnh (lên đến 221 triệu tấn năm 2030, chỉ thua Australia và Indonesia), tuy nhiên khoảng cách từ nguồn cung này đến Việt Nam là một trở ngại lớn và sẽ làm tăng vọt chi phí nhập khẩu than.

Như vậy, trong danh sách kể trên thì chỉ có 4 nước là Australia, Indonesia, Nga và Nam Phi được đánh giá cao nhất về khả năng cung cấp than nhiệt cho Việt Nam trong hiện tại cũng như trong định hướng tương lai.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu than dài hạn với khối lượng hàng chục triệu đến hơn trăm triệu tấn/năm là vô cùng khó khăn. Muốn có nguồn than ổn định phải đầu tư mua mỏ ở nước ngoài để khai thác. Nhưng đây là dạng đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro, hơn nữa cơ hội mua mỏ than ở các nước có tiềm năng về than như Indonesia, Úc… đã không còn dễ do các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã triển khai đầu tư mua mỏ ở các nước đó từ hàng chục năm nay. Nếu không có chủ trương, chính sách quyết liệt và bảo lãnh của Chính phủ thì các doanh nghiệp không thể đủ tiềm lực và không dám đầu tư mua mỏ ở nước ngoài. Chẳng hạn, đã xúc tiến với LB Nga để đầu tư khai thác than tại đây nhưng mới chỉ dừng lại ở bước chủ trương do còn nhiều khó khăn, vướng mắc cả phía ta và phía bạn. Hơn nữa, để có thể nhập khẩu mỗi năm hàng mấy chục triệu đến hơn trăm triệu tấn than, ngoài đội tàu vận tải biển hùng hậu cần phải có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ nhập khẩu than như hệ thống cảng biển, cảng sông, bến bãi, kho chứa... Muốn vậy, cần phải có quy hoạch địa điểm các hộ sử dụng than nhập khẩu, thời điểm và chủng loại than nhập khẩu. Nhưng hiện nay, tất cả những vấn đề này đều còn là ẩn số.

Kỳ 2: Kiến nghị các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu than trong nước

Nguồn: NangluongVietnam.vn


Tin khác
Thời tiết
23°C
Thống kê
94
364
782
10,368,178
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.900
SJC 73.580 75.180
Đối tác