Nghiên cứu và trao đổi

Giải pháp đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế (Kỳ 2)

19/12/2014 - Thứ Sáu - 15:05 Lượt xem: 1
Đi đôi với ban hành chính sách sử dụng than hợp lý, tiết kiệm cần đẩy mạnh nghiên cứu chế biến than, nhằm tạo ra sản phẩm than sạch, nhất là than cho luyện kim để giảm nhập khẩu và sử dụng tiết kiệm, giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình sử dụng than.

PGS.TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TKV

4. Kiến nghị các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu than trong nước

4.1. Tạo lập thị trường than cạnh tranh, công khai, minh bạch

Đẩy nhanh việc hoàn thiện và xây dựng đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường theo hướng tạo dựng một thị trường than hoàn chỉnh có kết cấu hạ tầng đồng bộ, thể chế quản lý, vận hành minh bạch, công khai và tính cạnh tranh theo đúng thông lệ thị trường. Đặc biệt, để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cần tăng cường năng lực và chất lượng quản lý nhà nước về thị trường cũng như về công tác quy hoạch, cấp phép, quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động khai thác, kinh doanh than, nhất là về các mặt đảm bảo khai thác hợp lý, giảm tổn thất tài nguyên, đảm bảo an toàn, bảo vệ môi trường và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các trách nhiệm xã hội theo quy định của pháp luật.

4.2. Khẩn trương giải quyết cấp phép thăm dò và đẩy mạnh công tác thăm dò nâng cấp tài nguyên với độ tin cậy cao để đảm bảo đủ trữ lượng than đưa vào khai thác.

Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo khẩn trương cấp phép thăm dò cho TKV - là đơn vị chủ lực được giao nhiệm vụ chính thực hiện QH60 - để triển khai thực hiện công tác thăm dò theo đúng tiến độ, đặc biệt là cấp phép thăm dò tiến tới lập dự án khai thác các khu mỏ mới vùng Bảo Đài, Đông Quảng Lợi (thuộc Bắc Giang và Quảng Ninh) để đưa nhanh các mỏ này vào tham gia sản lượng giai đoạn sau 2022 ở mức 5,5 triệu tấn than nguyên khai/năm. Chỉ cấp phép khai thác than cho các đơn vị khác ngoài TKV có đủ năng lực thực sự theo quy định.

4.3. Phát huy tối đa lợi thế khai thác lộ thiên để duy trì sản lượng và giảm tổn thất than.

Khai thác lộ thiên có lợi thế là công suất lớn, năng suất và hệ số thu hồi than cao, an toàn, đã có thiết bị và kinh nghiệm về công nghệ khai thác dưới sâu, do vậy cần phát huy tối đa khả năng khai thác lộ thiên trên cơ sở nâng cao hệ số bóc cao nhất (đảm bảo giá thành < giá than nhập khẩu) bằng cách áp dụng các thiết bị công nghệ đồng bộ công suất lớn và hình thức vận tải liên tục.

4.4. Đẩy mạnh khai thác than hầm lò trên cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp sau:

+ Tích cực nghiên cứu tìm kiếm công nghệ khai thác thích hợp đi đôi với tăng cường áp dụng cơ giới hóa đến mức cao nhất trên cơ sở hợp tác bằng các hình thức thích hợp với các đối tác nước ngoài có năng lực về công nghệ, chế tạo thiết bị và tài chính theo hướng nội địa hóa một cách tích cực khâu chế tạo thiết bị phục vụ cơ giới hóa.

+ Đẩy nhanh việc nghiên cứu công nghệ khai thác than tại các khu vực cần phải bảo vệ nghiêm ngặt bề mặt hoặc nằm dưới các vùng quy hoạch của địa phương.

+ Nâng cao tốc độ đào lò để đảm bảo đưa các dự án hầm lò mới vào hoạt động theo đúng tiến độ.

+ Cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn lao động và có chính sách thích đáng thu hút công nhân hầm lò.

4.5. Nhà nước cần có cơ chế chính sách hợp lý để tạo vốn đầu tư phát triển than và khuyến khích khai thác tận thu tối đa tài nguyên than.Cụ thể là:

- Giảm mức vốn đối ứng của chủ đầu tư từ 30% xuống 15%, 20% và 25% tổng mức đầu tư tùy theo quy mô vốn của từng dự án.

- Xem xét điều chỉnh các chính sách thuế, phí đối với tài nguyên than theo hướng khuyến khích khai thác tận thu tối đa tài nguyên thay vì tăng cao như hiện nay.

- Xem xét bảo lãnh hoặc có chính sách thích hợp hỗ trợ ngành than vay vốn từ Ngân hàng đầu tư phát triển, huy động vốn trên thị trường quốc tế phù hợp với tình hình thực tế của từng dự án, nhất là các dự án khai thác than ĐBSH.

- Tăng cường huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo hình thức BO đối với các công trình, hạng mục công trình phục vụ dây chuyền chính khai thác than như băng tải chở than, đất đá, ô tô chở đất đá, nhà máy tuyển than... Việc thực hiện xã hội hóa đầu tư phải tuân thủ nguyên tắc “cái gì xã hội làm được và làm có hiệu quả hơn thì để xã hội làm”; các tập đoàn, tổng công ty, DNNN chủ yếu chỉ nắm quyền chỉ huy, điều hành và nắm đầu ra thông qua nắm quyền chủ mỏ hoặc các khâu then chốt.

4.6. Đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài.

Tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài trong việc đẩy nhanh nghiên cứu tìm kiếm công nghệ khai thác hợp lý và khai thác thử nghiệm tại Bể than ĐBSH để làm cơ sở cho việc triển khai trên quy mô lớn công tác thăm dò và khai thác trong tương lai khi có đủ điều kiện.

4.7. Ban hành chính sách sử dụng than hợp lý, tiết kiệm và đẩy mạnh chế biến than.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng chính sách sử dụng than hợp lý, nhất là về chủng loại và chất lượng phù hợp cho các hộ sử dụng than: điện, xi măng, phân bón… và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước ở phía Bắc, các hộ sử dụng than nhập khẩu ở phía Nam. Nghiên cứu chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, nhằm giảm áp lực vào nhiên liệu hóa thạch; tiến tới hạn chế các nhà máy điện dùng than để chuyển sang sử dụng dạng năng lượng khác, nhằm giảm nhập khẩu than. Có chính sách giảm sử dụng than của các hộ khác để dành than cho điện, cụ thể: hạn chế sử dụng vật liệu nung, khuyến khích sử dụng vật liệu không nung trong các dự án xây dựng công trình; khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng khác phục vụ nhu cầu chất đốt sinh hoạt, sấy nông sản thực phẩm… Quy hoạch các làng nghề đang sử dụng than mà hiệu suất thấp và gây ô nhiễm môi trường, tiến tới hạn chế và không dùng than.

Đi đôi với ban hành chính sách sử dụng than hợp lý, tiết kiệm cần đẩy mạnh nghiên cứu chế biến than, nhằm tạo ra sản phẩm than sạch, nhất là than cho luyện kim để giảm nhập khẩu và sử dụng tiết kiệm, giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình sử dụng than.

4.8. Giải pháp đảm bảo nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than.

a) Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than đưa về phục vụ trong nước; đồng thời có các giải pháp về cơ chế chính sách thích đáng tạo điều kiện cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác đầu tư ra nước ngoài khai thác than.

b) Trên cơ sở Chiến lược nhập khẩu than và đầu tư ra nước ngoài khai thác than được duyệt đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống cảng, bến bãi và năng lực vận chuyển phục vụ nhập khẩu than.

Cuối cùng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng lại Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” được phê duyệt tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg, ngày 27/12/2007, vì Chiến lược đó không còn phù hợp với thực tế các phân ngành năng lượng và tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và trong tương lai. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phát triển thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, không phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế và xu thế của thời đại của các phân ngành năng lượng nước ta gồm: than, dầu khí, năng lượng tái tạo và điện.

Giải pháp đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế (Kỳ 1)

 

Nguồn: NangluongVietnam.vn


Tin khác
Thời tiết
23°C
Thống kê
27
737
99
10,367,769
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.900
SJC 73.580 75.180
Đối tác