Nghiên cứu và trao đổi

Việt Nam phải kiến tạo lại để thoát 'lời nguyền tài nguyên'

05/03/2015 - Thứ Năm - 19:50 Lượt xem: 1
Tài nguyên đa dạng sinh học bị giảm sút nghiêm trọng, khoáng sản không giàu... được các cơ quan hữu quan nhìn thẳng lúc này cũng là quá muộn.

TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng thuộc Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã chia sẻ với Đất Việt như vậy trước báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề cập đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị giảm sút nghiêm trọng.

PV: Thưa ông, mới đây trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị giảm sút trầm trọng. Cùng với đó, Việt Nam vừa được tái khẳng định là không giàu tài nguyên khoáng sản. Trong khi sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên, ông bình luận như thế nào về việc các cơ quan hữu quan đã nhìn thẳng vào thực tế trên?

TS Nguyễn Thành Sơn: - Có thể thấy việc các cơ quan hữu quan nhìn nhận thẳng thắn thực tế này là quá muộn bởi điều này đã được các nhà khoa học nói từ lâu.

Một thực tế phải thừa nhận rằng khâu quản lý của chúng ta từ trước có vấn đề. Nó không mang tính chất chiến lược, có tầm nhìn rất hạn chế. Những cái mang tính chất vĩ mô không có quy hoạch hoặc có thì cũng mang tính chất đối phó. Chất lượng các quy hoạch từ khoáng sản đến những quy hoạch khác đều rất hạn chế.

Không thể nói chung chung được mà đây chính là tầm nhìn quản lý.

Hệ quả của tầm nhìn này khiến tài nguyên bị giảm sút sản lượng. Đơn cử như than không nâng được sản lượng lên nữa (chỉ được 40 triệu tấn/năm) là hết. Chục năm nữa thì coi như hết than.

Các khoáng sản khác cũng bị khai thác lãng phí, be bét mà không mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Những nguyên liệu khoáng sản chính của Việt Nam bây giờ chỉ còn trong tay là boxit trong khi thử nghiệm thì cho kết quả không thành công.

Nói một cách đơn giản về mặt số học là tài nguyên khoáng sản nó hình thành hàng triệu năm trong lòng đất. Trong khi đó lục địa của Việt Nam nằm ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc là lục địa trẻ cho nên không có đủ thời gian nhiều để tài nguyên khoáng sản hình thành nhiều được.

Từ mặt thời gian có thể suy ra chúng ta không có nhiều tài nguyên khoáng sản, nhất là những khoáng sản quý như kim cương, đá quý... lại càng cần nhiều thời gian để hình thành.

Còn về không gian để chứa nó thì diện tích của chúng ta chỉ có 320.000 km2 thì lấy đâu ra mà chứa nhiều khoáng sản? Cho nên cái chúng ta có cũng chỉ rất nhỏ, một ít ở vùng Quảng Ninh, Tây Nguyên... không đáng gì.

Như vậy cả thời gian hình thành khoáng sản và không gian để chứa khoáng sản của Việt Nam là rất ít. Nên cứ nói chúng ta giàu có, rừng vàng biển bạc là hiểu sai về mặt số học và cả cơ chế hình thành khoáng sản. Không có cơ sở để nói chúng ta giàu tài nguyên khoáng sản.

Nguồn than đá của Việt Nam đang bị giảm sút, không thể nâng
Nguồn than đá của Việt Nam đang bị giảm sút, không thể nâng sản lượng lên cao hơn

PV: Vài năm gần đây, để giải thích cho sự chuệch choạc của kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia đã cho rằng, đó là sự ứng nghiệm của lời nguyền tài nguyên. Theo ông, việc nhận thức rõ Việt Nam không phải là nước có rừng vàng biển bạc có đồng nghĩa, Việt Nam có động lực và cơ hội để bước khỏi lời nguyền này hay không và vì sao?

TS Nguyễn Thành Sơn: - Lời nguyền tài nguyên có từ những năm 1970 bắt đầu từ Hà Lan cho thấy sự ứng nghiệm sớm nhất. Khi đó nước này bị tài nguyên khoáng sản làm lu mờ. Bởi khi họ phát hiện ra dầu khí thì bắt đầu tập trung khai thác dầu khí ngoài biển mà quên đi phát triển các lĩnh vực điện tử, công nghệ cao.

Tức là nền kinh tế Hà Lan khi đó chuyển hẳn sang dựa vào tài nguyên khoáng sản chứ không phải là phát triển công nghệ cao.

Sau đó tài nguyên bị sụt giảm nghiêm trọng, trong khi đó Hà Lan không có đủ 'sức khỏe' để dịch chuyển đối mặt với cạnh tranh thị trường và nền kinh tế bước vào giai đoạn 'ốm yếu'.

Trong khi đó chúng ta có rất nhiều tấm gương để học hỏi như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản.... Những nước này không có nhiều tài nguyên nhưng họ chú tâm phát triển công nghiệp sản xuất, công nghệ cao nên nền kinh tế rất bền vững và không bị lệ thuộc.

Còn chúng ta quá lệ thuộc vào tài nguyên nên bị lời nguyền là đúng. Nhưng khi nhìn nhận sự thật - trong cái khó ló cái khôn thì cần phải tìm cách để bước ra.

Ví như trong khoáng sản, than bắt đầu cạn kiệt, việc khai thác khó khăn thì phải sớm nghĩ đến việc tiết kiệm, khai thác bằng công nghệ cao để không bị lãng phí tài nguyên thậm chí cũng cần phải tính cả chuyện nhập khẩu về để sau này có cái mà dùng, đảm bảo an ninh năng lượng.

Về ý thức của các doanh nghiệp cũng vậy, cần phải hướng đến các công nghệ cao, sử dụng ít than hơn hoặc dùng năng lượng khác thay thế.

Sự điều chỉnh của xã hội và con người dần dần mọi thứ sẽ tự lấy lại cân bằng. Điều này rất gần với quan điểm của Adam Smith - ông tổ của ngành kinh tế học cũng từng nói "bàn tay của chúa" - một bàn tay vô hình sẽ điều khiển xã hội.

PV: Ông nghĩ sao khi đặt vấn đề, cơ hội từ việc Việt Nam nhận thức rõ không có rừng vàng biển bạc? Theo quan điểm của cá nhân ông, cơ hội ấy là gì?

TS Nguyễn Thành Sơn: - Bản thân điều này đã là cơ hội nhưng để tận dụng được thì chúng ta phải tự thay đổi. Phải bước sang giai đoạn phát triển mới. Về mọi lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương phải đổi mới hoàn toàn.

Nói như Thủ tướng thì phải có thể chế mới. Rồi vai trò của Nhà nước cũng phải rất khác. Các Bộ không nên và cũng không thể làm công việc quản lý kinh doanh mà phải giúp nhà nước trong vai trò kiến tạo sự phát triển. Tạo ra những điều kiện để doanh nghiệp phát triển chứ không phải là đi quản lý các doanh nghiệp.

Bởi có muốn quản lý cũng không nổi. Như với ngành ô tô, Bộ can thiệp quá sâu khiến mọi việc rất dở.

Đến khi quay sang xe máy cũng chỉ là để cho các doanh nghiệp ngoại phát triển. Lợi nhuận bao nhiêu vào túi các doanh nghiệp nước ngoài hết.

Đây là những việc thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước phải kiến tạo lại, làm đúng việc của cơ quan quản lý tạo ra sân chơi để doanh nghiệp có thể phát triển được. Không nhúng tay vào các việc kinh doanh của doanh nghiệp.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, đối với Việt Nam, việc tạo động lực phát triển kinh tế từ khai thác tài nguyên gần như là không thể (đã phải tính chuyện nhập than, giá dầu thế giới giảm mạnh), thế mạnh lao động giá rẻ cũng đang dần bớt hấp dẫn. Theo ông, chúng ta cần có cách đối phó như thế nào? Ông đã nhìn thấy động thái gì từ phía các cơ quan quản lý về việc này chưa?

TS Nguyễn Thành Sơn: - Nếu thẳng thắn mà nói cá nhân tôi chưa thấy có động thái thể hiện rõ rệt. Tất cả mọi cái đều từ con người mà ra. Trong khi đó con người không thay đổi, tư duy nhận thức không khác đi thì sẽ không tận dụng được cơ hội này. Cuối cùng biết mà không khắc phục, nói mà không làm được.

Chúng ta đang giật gấu vá vai sửa chữa sai lầm này bằng sai lầm khác thì rất khó để bước ra khỏi khó khăn.

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguồn: baodatviet.vn


Tin khác
Thời tiết
24°C
Thống kê
97
146
782
10,367,960
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.900
SJC 73.580 75.180
Đối tác