Nghiên cứu và trao đổi

Việt Nam không "rừng vàng, biển bạc": Cơ hội để chuyển mình

05/03/2015 - Thứ Năm - 20:13 Lượt xem: 1
Chúng ta trước đây phát triển kinh tế vẫn dựa nhiều vào tài nguyên nhưng nay đã không còn nữa thì phải thấy được làm sao để phát triển.

TS Nguyễn Khắc Kinh, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam đã bình luận trước đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định đa dạng sinh học đang bị giảm sút nghiêm trọng.

PV: Thưa ông, mới đây trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đa dạng sinh học của Việt Nam đang bị giảm sút trầm trọng. Cùng với đó, Việt Nam vừa được tái khẳng định là không giàu tài nguyên khoáng sản. Trong khi sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên thiên nhiên, ông bình luận như thế nào về việc các cơ quan hữu quan đã nhìn thẳng vào thực tế trên?

TS Nguyễn Khắc Kinh: - Đúng là từ trước đến nay chúng ta có rất nhiều nhận định rằng Việt Nam là rừng vàng biển bạc, giàu tài nguyên thiên nhiên. Thế nhưng cùng với việc phát triển kinh tế thời gian qua, chúng ta đã phá đi nhiều và hậu quả là đến nay không còn gì.

Đây là một sự thật cần nhìn nhận.Có thể thấy nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản của chúng ta từng bị khai thác rất lãng phí nhưng cuối cùng không phục vụ được cho phát triển kinh tế lớn thì bây giờ lại cho rằng không giàu.

Nhận thức này là một quá trình. Dù sự thật đáng buồn nhưng hy vọng với nhận thức đúng sẽ có những hành xử đúng.

Trước đây đúng là chúng ta là một nước giàu về thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng, địa hình địa mạo đa dạng. Nhưng do quá trình phát triển kinh tế đã không đảm bảo hài hòa khía cạnh bảo vệ thiên nhiên và môi trường nên nó bị suy thoái, suy kiệt cũng là điều dễ hiểu.

Chú tâm phát triển kinh tế, tài nguyên đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước bị giảm sút nghiêm trọng
Chú tâm phát triển kinh tế, tài nguyên đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước bị giảm sút, ô nhiễm nghiêm trọng

PV: - Vài năm gần đây, để giải thích cho sự chuệch choạc của kinh tế Việt Nam, nhiều chuyên gia đã cho rằng, đó là sự ứng nghiệm của lời nguyền tài nguyên. Theo ông, việc nhận thức rõ Việt Nam không phải là nước có rừng vàng biển bạc có đồng nghĩa, Việt Nam có động lực và cơ hội để bước khỏi lời nguyền này hay không và vì sao?

TS Nguyễn Khắc Kinh: - Tôi cho rằng nếu nhận thức đúng thì sẽ tìm được lối ra.

Chúng ta trước đây phát triển kinh tế vẫn dựa nhiều vào tài nguyên nhưng nay đã không còn nữa thì phải thấy được làm sao để phát triển nhưng vẫn giữ được cái đang còn.

Nghĩa là không để nó mất tiếp đi những gì còn lại mà phải tiếp tục khôi phục lên.Tức là tất cả phải bằng hành động chứ không phải là những khẩu hiệu cho hay.

PV: - Ông nghĩ sao khi đặt vấn đề, cơ hội từ việc Việt Nam không có rừng vàng biển bạc? Theo quan điểm của các nhân ông, cơ hội ấy là gì?

TS Nguyễn Khắc Kinh: - Đúng là nếu thực sự thấy được chúng ta không thể dựa vào tài nguyên để phát triển nữa thì đây là một cơ hội để thay đổi. Khi đó chúng ta sẽ phải biết làm như thế nào để vượt qua khó khăn và đi lên.

Trên thực tế nhiều quốc gia không hề có tài nguyên như Nhật Bản hay Singapore. Nhưng khi đó họ sẽ phải tự tìm cách đi khác và cuối cùng họ rất thành công. Các dịch vụ của họ phát triển rất tốt và cuối cùng họ có tiền để mua tất cả những tài nguyên cần.

Với Việt Nam quan trọng nhất là thấy không thể phát triển như cũ, tài nguyên không là vô tận. Nhưng chúng ta có tài nguyên con người rất đông. Tại sao không khai thác tiềm năng trí tuệ con người?

Muốn khai thác được thì phải đổi mới tư duy, sử dụng người tài thì mới khai thác được chất xám. Phải xem đây là một lợi thế nhưng không tận dụng được thì rất nhiều người tài của Việt Nam đã ra đi và họ thành công.

Điều đó đặt câu hỏi với gần 90 triệu dân tại sao chúng ta không tạo cơ chế để những người có tài có đất dụng võ. Phải sử dụng người có tài để họ có cơ hội để sáng tạo, phát huy được tài năng.

Nhưng điều tôi cảm nhận nhiều người có tài chưa được sử dụng đúng nên đây là một sự lãng phí đáng tiếc.

PV: - Trong bối cảnh hiện nay, đối với Việt Nam, việc tạo động lực phát triển kinh tế từ khai thác tài nguyên gần như là không thể (đã phải tính chuyện nhập than, giá dầu thế giới giảm mạnh), thế mạnh lao động giá rẻ cũng đang dần bớt hấp dẫn. Theo ông, chúng ta cần có cách đối phó như thế nào? Ông đã nhìn thấy động thái gì từ phía các cơ quan quản lý về việc này chưa?

TS Nguyễn Khắc Kinh: - Dù đã nói như vậy nhưng chưa nhìn thấy những động thái cụ thể mà mới chỉ ở tính chất hời hợt. Phải nhìn vấn đề nghiêm túc hơn và thực sự thấy xót xa.

Điều này phải thể hiện ngay nhưng thực tế chúng ta vẫn đang có những hành động xâm hại tới thiên nhiên cũng như việc phát triển kinh tế vẫn được chú trọng hơn.

Bằng chứng là các dự án trình lên vẫn lấy phát triển kinh tế, lấy GDP là số 1. Các địa phương vẫn xem đây là một thành tích, thậm chí một số tỉnh tôi không tiện nêu tên còn chỉ đạo cho các Sở Tài nguyên và Môi trường nhẹ tay để thu hút đầu tư.

Như vậy một mặt nói là tài nguyên thiên nhiên đang bị giảm sút nhưng mặt khác hành động lại không thể hiện được ý thức cần bảo vệ thì rất khó để nói sẽ bảo vệ chứ chưa nói đến khôi phục như thế nào.

Những hành động chưa thể hiện được cái quyết tâm không làm suy thoái tiếp tài nguyên thiên nhiên nữa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh, Tổng hội địa chất:

Chính phủ cũng thấy điều này rồi!

Đúng là Việt Nam không giàu tài nguyên khoáng sản. Điều này tôi đã từng phát biểu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và trực tiếp nói chuyện với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khi ông còn đương chức. 

Sở dĩ tôi nói chúng ta không giàu về tài nguyên khoáng sản vì hầu hết các khoáng sản ở Việt Việt Nam có trữ lượng không lớn, lại phân bố tản mạn không tập trung. 

Về khoáng sản năng lượng, dầu khí của Việt Nam không nhiều, với sản lượng khai thác như hiện nay, nếu không phát hiện thêm trữ lượng thì chỉ vài ba chục năm nữa sẽ hết nguồn khai thác.  

Than ở đất liền cũng đã cạn kiệt dần, đang và sẽ phải nhập mới bảo đảm được nhu cầu tiêu thụ trong nước. Than ở dưới sâu đồng bằng sông Hồng có thể có nhiều, theo số liệu tính toán có thể tới vài trăm tỷ tấn nhưng vấn đề công nghệ trong khai thác rất phức tạp, chưa giải quyết được, nếu có khai thác thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và an sinh xã hội. 

Về khoáng sản không kim loại và vật liệu xây dựng, Việt Nam có nhiều nhưng chỉ dùng trong nước. Chúng không phải là loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao và trên thế giới cũng không có nhu cầu nhiều. 

Về khoáng sản kim loại như vàng, bạc, đồng chì, kẽm, sắt, thiếc, molipden…, Việt Nam có rất ít không đáp ứng được các nhu cầu trong nước trong thời gian tới. Những loại khoáng sản này thế giới cũng cạn kiệt dần. 

Việt Nam có một số loại đá quý như ruby, saphia, peridot nhưng trữ lượng không nhiều. Việt Nam lại không có kim cương – loại đá có giá trị kinh tế rất cao và có nhu cầu rất lớn. 

Trên cơ sở đó tôi cũng đã đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể lại các quy hoạch đối với từng loại khoáng sản, có kế hoạch khai thác sử dụng khoáng sản hợp lý phục vụ cho phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài tránh tình trạng khai thác tràn lan, xuất khẩu khoáng sản thô không qua chế biến. 

Tôi nghĩ rằng việc các cơ quan quản lý đã nhìn thẳng và thừa nhận thực tế này báo cáo của Chính phủ cũng thấy điều này rồi.

Cứ nói giàu tài nguyên nhưng những cái ta có bán họ không mua. Ví dụ như đồng, chì, kẽm... khai thác bán một ít thì bán tiểu ngạch Trung Quốc mua ngay nhưng bán nhiều họ không mua. 

Thực sự đây là vấn đề lớn và đã đến lúc chúng ta phải dựa vào sức mình là chính và dựa vào thị trường. 

Còn Việt Nam thời gian qua không dựa vào thị trường mà mới theo kiểu thăm dò rồi đào lên thấy có gì thì bán cái đó. Đã đến lúc chúng ta phải dựa vào trí tuệ và công nghệ thay vì dựa vào tài nguyên như thới gian qua.

Nguồn: baodatviet.vn


Tin khác
Thời tiết
24°C
Thống kê
437
473
99
10,367,505
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.900
SJC 73.730 75.330
Đối tác