Phát triển kinh tế xã hội

Phát triển công nghiệp phụ trợ: Mũi đột phá chiến lược

15/08/2014 - Thứ Sáu - 14:25 Lượt xem: 1
Việt Nam hiện nay đang đứng trước một thử thách lớn là phải tiến hành công nghiệp hoá trong điều kiện phải tự do hoá thương mại với các nước xung quanh.

Nhưng sức cạnh tranh của hàng công nghiệp Việt Nam nói chung còn yếu, nhất là những ngành sản xuất các loại máy móc.

Với cơ cấu công nghiệp hiện nay và với các chính sách đang có, liệu trong vòng 3-4 năm tới, ta có thể thay đổi được tình hình hiện tại không? Tôi sẽ nêu những điểm yếu cơ bản của công nghiệp Việt Nam để thấy rằng không thể thay đổi được tình hình hiện tại, trừ trường hợp tìm một mũi đột phá chiến lược và dồn tất cả các năng lực về chính sách cho mũi đột phá đó: công nghiệp phụ trợ.

1. Khái niệm công nghiệp phụ trợ

Công nghiệp phụ trợ (supporting industries) là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Cụ thể là những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm, v.v., và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Nếu kể các sản phẩm tương tự thì phạm vi sẽ rất rộng nhưng nếu thêm một đặc tính nữa sẽ thấy phạm vi rõ ràng hơn: Sản phẩm công nghiệp phụ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, trong ngành xe hơi chẳng hạn, các bộ phận như đầu máy xe, thân xe, bánh xe... thường không được kể là công nghiệp phụ trợ vì chủ yếu do các công ty lớn sản xuất với quy mô lớn. Trong ngành này, công nghiệp phụ trợ là những linh kiện, những phụ liệu ở cấp thấp hơn được cung cấp để sản xuất ra đầu máy xe, thân xe...

Ngoài hiệu quả tạo nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá theo hướng vừa mở rộng (broadening) vừa thâm sâu (deepening). Công nghiệp phụ trợ không phát triển sẽ làm cho các công ty lắp ráp và những công ty sản xuất thành phẩm cuối cùng khác sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Dù những sản phẩm này có thể được cung cấp với giá rẻ ở nước ngoài nhưng vì chủng loại quá nhiều, phí tổn chuyên chở, bảo hiểm sẽ làm tăng phí tổn đầu vào. Đó là chưa nói đến sự rủi ro về tiến độ, thời gian nhận hàng nhập khẩu11. Công ty đa quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý dây chuyền cung cấp (supply chain management) nếu phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, bộ phận, và các sản phẩm công nghiệp phụ trợ khác. Xem thêm Chương 8.. Vì lý do này, công nghiệp phụ trợ không phát triển thì các ngành công nghiệp chính sẽ thiếu sức cạnh tranh và phạm vi cũng giới hạn trong một số ít các ngành.

Vấn đề làm sao để phát triển công nghiệp phụ trợ là đề tài khá lớn. Phần dưới đây sẽ bàn vấn đề này trong tương quan với hoạt động của doanh nghiệp có vốn nước ngoài (dưới đây gọi là doanh nghiệp FDI)22. Tháng 1-2004, chúng tôi có tổ chức một hội nghị quốc tế về đề tài công nghiệp phụ trợ tại Đại học Đà Nẵng (kết hợp với Đại học Obirin ở Tôkyô và Đại học Thammasat ở Băng Cốc). Nhân sự kiện này, Thời báo kinh tế Sài Gòn (4-3-2004) có đăng bài viết của tôi trong mục Sự kiện và vấn đề. Chương này là kết quả phát triển và bổ sung của bài viết ấy. Ngoài ra, các báo cáo trong hội thảo quốc tế ở Đà Nẵng đã được Đại học Obirin đăng lại toàn văn (bằng tiếng Anh) trong tạp chí nghiên cứu của trường. Xem Trần Văn Thọ (2004), Đỗ Mạnh Hồng (2004), Lê Thế Giới và Đoàn Công Tuấn (2004), Mai Đức Lộc (2004) và Kriengkrai and Thammavit (2004)..

Liên quan giữa CPPT và doanh nghiệp FDI

Từ phân tích ở trên ta thấy ngay là CPPT phải phát triển mới thu hút FDI, nhất là FDI trong các ngành sản xuất các loại máy móc, là những ngành đang phát triển mạnh tại Đông Á và là những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế so sánh động (Xem lại các Chương 2, 8 và 9). Tỷ lệ của chí phí về CPPT cao hơn nhiều so với chi phí lao động nên một nước dù có ưu thế về lao động nhưng CPPT không phát triển sẽ làm cho môi trường đầu tư kém hấp dẫn. Tuy nhiên, cũng không phải là CPPT phát triển đồng bộ rồi mới có FDI. Có nhiều trường hợp FDI đi trước và lôi kéo các công ty khác (kể cả công ty nước ngoài và công ty bản xứ) đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ. Do đó, có sự quan hệ hỗ tương giữa FDI và công nghiệp phụ trợ. Để dễ hiểu và cụ thể hơn, quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ có thể chia làm ba giai đoạn:

(1) Trước khi FDI vào đã có nhiều công ty trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cung cấp cho các công ty lắp ráp, sản xuất sản phẩm chính cho thị trường nội địa. Khi có FDI, một bộ phận những công ty sản xuất công nghiệp phụ trợ sẽ phát triển mạnh hơn nếu được tham gia vào mạng lưới chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI. Sự liên kết (linkage) này không phải tự nhiên hình thành mà các công ty công nghiệp phụ trợ phải tỏ ra có tiềm năng cung cấp linh kiện, phụ liệu với chất lượng và giá thành cạnh tranh được với hàng nhập. Tiềm năng đó sẽ thành hiện thực nhờ chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI.

(2) Đồng thời với sự gia tăng của FDI, nhiều doanh nghiệp bản xứ ra đời trong các ngành công nghiệp phụ trợ chủ yếu để phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Những doanh nghiệp sớm hình thành sự liên kết với doanh nghiệp FDI sẽ được chuyển giao công nghệ và sẽ phát triển nhanh.

(3) Sau một thời gian hoạt động của doanh nghiệp FDI với lượng sản xuất ngày càng mở rộng, tạo ra thị trường ngày càng lớn cho công nghiệp phụ trợ, nhiều công ty nhỏ và vừa ở nước ngoài sẽ đến đầu tư. Ở đây có trường hợp các công ty con hoặc các công ty có quan hệ giao dịch lâu dài của các doanh nghiệp FDI đến đầu tư do sự khuyến khích của các doanh nghiệp FDI; cũng có trường hợp các công ty nhỏ và vừa ở nước ngoài độc lập với các doanh nghiệp FDI nhưng thấy thị trường của công nghiệp phụ trợ đã lớn mạnh nên đến đầu tư.

Như vậy, công nghiệp phụ trợ của một nước sẽ phát triển được khi các công ty trong nước ở trường hợp (1) ngày càng được cải tiến quản lý, công nghệ để cung cấp sản phẩm công nghiệp phụ trợ cạnh tranh được với hàng nhập, và chính phủ có chiến lược, chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp ở trường hợp (2) ra đời, đồng thời tạo điều kiện, môi trường để các công ty nhỏ và vừa ở nước ngoài đến đầu tư (giai đoạn 3). Mối liên quan giữa công nghiệp phụ trợ và môi trường thu hút FDI có thể được hiểu như sau: chừng nào các công ty nước ngoài không thấy chính phủ đưa ra các chính sách cụ thể và dài hạn để phát triển công nghiệp phụ trợ theo hướng nói ở (1) và (2) cũng như chính phủ không tạo môi trường kinh doanh ổn định cho các doanh nghiệp FDI để từ đó công nghiệp phụ trợ phát triển theo trường hợp (3) thì họ sẽ không đánh giá cao môi trường FDI ở nước đó. Phần phân tích môi trường ở Việt Nam tiếp theo đây sẽ thấy rõ hơn điểm này.

Tình hình tại Việt Nam

Nhìn chung, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện nay quá yếu. Nguyên nhân ở đâu?

Trước hết, cho đến nay sản phẩm công nghiệp phụ trợ chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước sản xuất, phần lớn cung cấp những sản phẩm có chất lượng kém và giá thành cao (vì công nghệ lạc hậu, vì quản lý kém, ...) nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ các doanh nghiệp nhà nước. Một bộ phận khác, chủ yếu là những sản phẩm công nghiệp phụ trợ cấp thấp, do các hộ kinh doanh cá thể sản xuất cũng gặp khó khăn về vốn và công nghệ.

Điều tra thực tế của tôi về các doanh nghiệp FDI hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận Hà Nội cho thấy, do tình hình hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp nội địa hiện tại, các doanh nghiệp FDI tuy rất muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá để giảm giá thành sản xuất nhưng ít tìm được nguồn cung cấp công nghiệp phụ trợ đáng tin cậy. Đặc biệt, những doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài hoặc những doanh nghiệp FDI hướng vào xuất khẩu có khuynh hướng dùng linh kiện và nguyên vật liệu nhập khẩu hoặc do các công ty FDI khác sản xuất. Chẳng hạn, trường hợp một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài sản xuất hàng may mặc tại Khu chế xuất Tân Thuận, tỷ lệ nội địa hoá về nguyên vật liệu chính (sợi và vải) trong gần tám năm hoạt động (từ năm 1996 đến 2003) chỉ tăng từ 0% đến 3%. Những phụ liệu đơn giản như kim chỉ, khuy nút, bao bì, v.v., tỷ lệ nội địa hoá cũng chỉ tăng từ 0% đến 29% trong thời gian đó11. Theo kết quả điều tra của tác giả vào mùa hè năm 2003. Tình hình hiện nay có thể tốt hơn nhưng mức độ phát triển quá thấp của công nghiệp phụ trợ vào thời điểm mới hai năm trước cho thấy trên căn bản vấn đề chưa được giải quyết..

Trường hợp công ty Honda hoạt động ở tỉnh Vĩnh Phúc, như sẽ được phân tích chi tiết trong Chương 11, tỷ lệ nội địa hoá tăng khá nhanh, từ 10% đến 66% trong năm năm (1998 đến 2002), vượt quá yêu cầu của Chính phủ Việt Nam (quy định tỷ lệ nội địa hoá tăng từ 10% lên 60% trong vòng sáu năm). Hành động tích cực này có lẽ bắt nguồn từ kế hoạch và dự tưởng về khả năng đẩy mạnh sản xuất của Honda (lượng xe máy sản xuất tăng đến một quy mô nhất định sẽ tạo ra tính hiệu quả của thị trường cho sản phẩm công nghiệp phụ trợ). Tuy tỷ lệ nội địa hoá của Honda tăng nhanh, song phân tích kỹ sẽ thấy vai trò của doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nội địa Việt Nam rất nhỏ. Phần lớn các bộ phận, linh kiện và nhiều sản phẩm công nghiệp phụ trợ khác đều do Honda tự sản xuất trong nội bộ nhà máy hoặc mua từ các doanh nghiệp FDI khác. Được biết Honda đã điều tra hàng trăm doanh nghiệp nội địa (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước) sản xuất công nghiệp phụ trợ trong ngành xe máy, nhưng đến năm 2003 cũng chỉ chọn ra được 13 công ty có khả năng cung cấp công nghiệp phụ trợ đủ tiêu chuẩn về chất lượng (về chi tiết, xem thêm Chương 11).

Phân tích ở trên cho thấy giai đoạn (1) của quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam chưa diễn ra một cách có hiệu suất. Doanh nghiệp trong nước đã có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Do vậy, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và các công ty trong nước.

Giai đoạn (2) của quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ cũng chưa thấy có triển vọng lớn. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước ra đời khá nhiều sau khi Luật doanh nghiệp được thực hiện (từ năm 2000), trong đó có lẽ có khá nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng như nhiều báo cáo cho thấy, các doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và công nghệ. Đó là chưa kể đến các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh sau khi doanh nghiệp ra đời cũng còn nhiều phiền toái.

Giai đoạn (3) của quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ tuỳ thuộc vào môi trường FDI nói chung, nhưng chủ yếu là vào triển vọng mở rộng quy mô sản xuất của các sản phẩm chính ở trung nguồn (mid-stream) tức giai đoạn lắp ráp, hoàn thành sản phẩm trong chuỗi giá trị (xem lại Biểu đồ 2.2 của Chương 2), đặc biệt là các ngành lắp ráp, sản xuất các loại máy móc như ôtô, xe máy, đồ điện gia dụng, v.v.. Các ngành trung nguồn này có hai trường hợp: những ngành thay thế nhập khẩu, trước mắt sản xuất cho thị trường nội địa, và những ngành hướng vào xuất khẩu. Quy mô sản xuất của trường hợp thay thế nhập khẩu tuỳ thuộc vào khả năng và triển vọng lớn mạnh của thị trường nội địa. Chính sách của Việt Nam về vấn đề này, đặc biệt trong ngành ôtô và xe máy, đang lúng túng và có khuynh hướng hạn chế sự mở rộng của thị trường trong nước. Dù cho chính sách đó xuất phát từ những mục tiêu khác như để giải quyết vấn đề giao thông, nhưng phải hiểu rằng đứng về phương diện phát triển công nghiệp đó là tín hiệu cho thấy quá trình phát triển công nghiệp ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn và do đó khó kêu gọi FDI trong các ngành thuộc công nghiệp phụ trợ11. Việt Nam dường như đang đứng trước một sự chọn lựa khó khăn: xây dựng ngành ô tô và xe máy thành các ngành công nghiệp hiện đại hay là phải ưu tiên giải quyết vấn đề giao thông và các vấn đề xã hội khác. Tôi cho là có thể tìm một chiến lược tối ưu giải quyết cùng một lúc cả hai vấn đề kinh tế và xã hội. Về ngành ô tô, hiện nay chưa thể xuất khẩu vì năng lực cạnh tranh yếu và không thể tăng sức cạnh tranh trong thời gian trước mắt nên phải tuỳ thuộc vào thị trường nội địa, mà thị trường trong nước lại còn quá nhỏ bé. Do đó, chính sách khôn ngoan là không hạn chế sự phát triển của thị trường nội địa bằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao làm cản trở bước phát triển của sản xuất. Chính sách cho ngành xe máy thì nên ngược lại: cần hạn chế lượng lưu thông tăng ở mức mà cơ sở hạ tầng giao thông cho phép nhưng tìm cách tăng năng lực cạnh tranh để có thể xuất khẩu. Ở đây đòi hỏi một chính sách nhập khẩu hợp lý cho các linh kiện, bộ phận dùng cho việc lắp ráp xe máy. Trường hợp ngành xe máy có hoàn cảnh giống ngành đồ điện, điện tử gia dụng phân tích ở Chương 9. Điểm giống nhau giữa chính sách của hai ngành ô tô và xe máy là phải tìm cách tăng năng lực sản xuất mới xây dựng được các ngành công nghiệp phụ trợ nói riêng và toàn ngành công nghiệp ô tô và xe máy nói chung.. Còn về các ngành hướng vào xuất khẩu, khả năng mở rộng sản xuất tuỳ thuộc vào năng lực cạnh tranh quốc tế. Rất tiếc hiện nay những ngành sản xuất các loại máy móc ở Việt Nam có sức cạnh tranh quốc tế còn quá ít.

Tóm lại, cả ba trường hợp, ba giai đoạn trong quá trình phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam đều rất sơ khai. Công nghiệp phụ trợ không phát triển thì không có hy vọng thu hút nhiều FDI để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá.

2. Cái yếu cơ bản của công nghiệp Việt Nam hiện nay

Trong khoảng 10 năm nay, công nghiệp Việt Nam phát triển khá nhanh, với tốc độ nhanh hơn tốc độ của GDP 4-5 điểm phần trăm. Do đó, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP đã tăng từ 23,5% năm 1990 lên 34,5% năm 199911. Tỷ trọng của công nghiệp và xây dựng vào năm 2000 là 36,7% và ước tính năm 2005 là 41,0% (Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2005).. Nhìn từ phương diện này, đây là một sự chuyển dịch cơ cấu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, công nghiệp Việt Nam còn quá yếu, hiện nay có quá ít ngành có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới (xem lại các chương 2 và 8). Nguyên nhân không có sức cạnh tranh một phần vì cơ cấu đầu tư nghiêng về những ngành Việt Nam không có lợi thế so sánh (những ngành thuộc công nghiệp nặng như sắt thép, ximăng, phân bón, luyện kim...) nên sản xuất chủ yếu là cho thị trường nội địa, FDI cũng tập trung nhiều vào những ngành thay thế nhập khẩu. Tuy nhiên, cái yếu cơ bản nhất của công nghiệp Việt Nam có thể nói bắt nguồn từ sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ vì các lý do sau:

Thứ nhất, các ngành phụ trợ này (chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước sản xuất) cung cấp những sản phẩm có chất lượng kém và giá thành cao (vì công nghệ lạc hậu, vì quản lý kém...) nên chỉ tiêu thụ được trong nội bộ các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng cũng vì dùng những sản phẩm phụ trợ này mà các sản phẩm lắp ráp, các loại máy móc hoàn thành tại các công ty nhà nước cũng không có sức cạnh tranh. Đây là một sự liên kết kém hiệu suất và bó chân lẫn nhau trong nội bộ các doanh nghiệp nhà nước. Tại các nước ASEAN khác và tại Trung Quốc, có sự liên kết (linkage) hiệu suất giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất các sản phẩm phụ trợ với các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư của nước ngoài, và công nghệ, tri thức quản lý được chuyển giao từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ hai, các ngành phụ trợ quá yếu không hấp dẫn các công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp sản xuất tại Việt Nam các loại hàng điện tử gia dụng, các sản phẩm của công nghệ thông tin phần cứng như máy tính cá nhân, điện thoại di động, các loại xe hơi, xe máy, v.v., nói chung là các loại máy móc, các ngành cơ khí. Các mặt hàng này thường có cả hàng trăm hoặc hàng ngàn bộ phận, linh kiện ở nhiều tầng lớp, từ những loại thông thường đơn giản đến những loại có công nghệ rất cao. Đối với các công ty nước ngoài đầu tư vào các ngành sản xuất các loại máy móc, tỷ lệ nội địa hoá càng cao càng có lợi. Điểm này khác với nhận thức của nhiều người Việt Nam, kể cả các nhà hoạch định chính sách. Việt Nam có khuynh hướng cho rằng các công ty đa quốc gia không muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá để đưa các sản phẩm trung gian và bộ phận, linh kiện từ nước mình tới . Điều tra của JETRO và nhiều cơ quan khác, cũng như các cuộc tiếp xúc giữa tôi với các giám đốc doanh nghiệp có vốn nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hiện thực thì ngược lại. Dĩ nhiên những bộ phận, linh kiện có công nghệ rất cao thông thường được nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc những nơi có đủ điều kiện về công nghệ và kỹ thuật. Trên thực tế, phí tổn về linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian trong những sản phẩm thuộc các ngành sản xuất máy móc chiếm tới hơn 80% giá thành, lao động chỉ chiếm từ 5 đến 10%, do đó khả năng nội địa hoá có tính chất quyết định đến thành quả kinh doanh của doanh nghiệp. Từ thực tế này, có thể nói các công ty đa quốc gia chậm tăng tỷ lệ nội địa vì năng lực cung cấp trong nước quá kém không đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá thành. Do đó chừng nào các ngành phụ trợ sẵn có chưa được cải thiện đồng loạt và chừng nào nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ngoài chưa đến đầu tư ồ ạt thì FDI của các công ty lớn không thể tăng hơn. Mặt khác, sau năm 2006, trong khuôn khổ AFTA, những công ty này có thể sẽ chuyển cơ sở sản xuất sang các nước ASEAN khác để tận dụng các ngành phụ trợ đã có tại đó.

Thứ ba, hiện nay những ngành sản xuất các loại máy móc như đồ điện gia dụng, nhiều ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin phần cứng như máy điện thoại di động... và một bộ phận của nhóm các ngành có công nghệ cao như xe hơi, máy tính... có nhu cầu ngày càng lớn trên thế giới. Mặt khác, công nghệ cũng dễ lan nhanh từ nước này sang nước khác nên những nước có nguồn lực lao động dồi dào, khéo tay và tiền lương rẻ sẽ dễ trở thành những cứ điểm sản xuất có sức cạnh tranh lớn. Việt Nam rất có triển vọng cạnh tranh được trong lĩnh vực này nhưng vì hai lý do nói ở trên, Việt Nam chưa trở thành một trong những nơi sản xuất chính tại châu Á. Trong khoảng 15 năm qua, các cứ điểm sản xuất của các ngành này chuyển nhanh từ Nhật Bản sang Hàn Quốc, Đài Loan, Xingapo, sau đó sang Malaixia và Thái Lan, và gần đây sang Inđônêxia và Trung Quốc. Bảng 10.1 cho thấy khuynh hướng đó trong ngành điện, điện tử, thể hiện sự thay đổi trong kim ngạch sản xuất đồ điện gia dụng (thành phẩm lắp ráp cuối cùng, phần trung nguồn trong chuỗi giá trị) và phụ tùng điện tử (sản phẩm của công nghiệp phụ trợ, ở thượng nguồn trong chuỗi giá trị). Theo biểu này, trong thập niên 1990, Nhật Bản và các nền kinh tế công nghiệp hoá mới (NIEs-4) giảm sản xuất ở phần trung nguồn nhưng tăng kim ngạch sản xuất của công nghiệp phụ trợ. Đáng chú ý là khuynh hướng tại Trung Quốc và các nước ASEAN, nhất là tại Malaixia, Thái Lan và Philíppin, sản xuất tăng nhanh trong cả hai giai đoạn đồ điện gia dụng và phụ tùng điện tử. Phụ tùng điện tử gồm rất nhiều chủng loại mặt hàng, có loại có hàm lượng công nghệ cao nên Nhật và NIEs còn duy trì sức cạnh tranh trong nhiều mặt hàng và triển khai phân công hàng ngang với các nước ASEAN (xem thêm Chương 2). Rất tiếc là làn sóng công nghiệp này chưa lan rộng đến Việt Nam, như Bảng 10.1 cho thấy, kim ngạch sản xuất của Việt Nam còn quá nhỏ.

3. Mũi đột phá chiến lược và các nỗ lực để thay đổi tình thế

Từ phân tích ở trên, tôi cho là việc ưu tiên đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ là mũi đột phá chiến lược để trong thời gian ngắn khắc phục các mặt yếu cơ bản của công nghiệp Việt Nam. Trước nhu cầu hội nhập và nhất là trước những thách thức từ AFTA và Trung Quốc, ta không còn nhiều thời gian. Trong vòng 3-4 năm tới, với cố gắng lớn và với các ưu tiên về mặt chính sách, lĩnh vực Việt Nam có thể làm gấp và có hiệu quả lớn là việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Các ngành này phát triển sẽ tạo ngay nhiều công ăn việc làm và dần dần thu hút FDI từ các công ty đa quốc gia tầm cỡ lớn. Hơn nữa, việc nhà nước dồn hết nỗ lực tập trung phát triển ngành này tự nó gây được niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường đầu tư ở Việt Nam. Sau một thời gian đầu tư ồ ạt ở Trung Quốc, hiện nay nhiều công ty đa quốc gia muốn phân tán sang các nước khác và đang trong giai đoạn chọn thị trường mới. Do đó Việt Nam cần phát tín hiệu càng sớm càng tốt để chớp thời cơ.

Tóm lại, theo tôi, chính phủ cần quyết định ngay mũi đột phá chiến lược và trong vòng 2-3 năm tới ưu tiên các nguồn lực trong nước và tận dụng hết các khả năng từ bên ngoài để thực hiện thành công chiến lược này.

Sau đây là các chính sách cụ thể và biện pháp thực hiện:

a. Giảm hoặc bãi bỏ các loại thuế đánh vào linh kiện nhập khẩu để giảm giá thành sản phẩm lắp ráp, để các sản phẩm này xuất khẩu được. Mở rộng thị trường ra các nước khác để tăng quy mô sản xuất thành phẩm cuối cùng mới kích thích các công ty nhỏ và vừa nước ngoài đến đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Trong thời đại tự do thương mại không thể áp dụng chính sách nội địa hoá như các nước chung quanh đã làm trong quá khứ. Mở rộng thị trường sản phẩm lắp ráp và chủ động xây dựng công nghiệp phụ trợ là chiến lược thích hợp nhất hiện nay11. Cũng từ quan điểm này, Chương 9 đặc biệt phân tích trường hợp ngành điện, điện tử gia dụng.. Việc chủ động xây dựng công nghiệp phụ trợ có thể được thực hiện qua những điểm từ b đến e dưới đây.

b. Cho rà soát lại các cơ sở sản xuất các ngành phụ trợ tại các công ty nhà nước, ưu tiên cấp vốn và tạo các điều kiện khác để đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ tại những cơ sở đã có quy mô tương đối lớn. Lập chế độ tư vấn kỹ thuật và quản lý để mời các chuyên gia nước ngoài vào giúp thay đổi công nghệ và cơ chế quản lý tại từng doanh nghiệp nhà nước vừa nói. Hiện nay, Nhật Bản và một số nước khác đang có chế độ gửi những người đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn sức khoẻ và ý chí muốn đem kinh nghiệm của mình đến giúp các nước đang phát triển. Họ được gọi là những người tình nguyện cấp cao (senior volunteers). Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực quốc tế này để nhanh chóng tăng sức cạnh tranh của các ngành phụ trợ công nghiệp (xem thêm Chương 13).

c. Đặc biệt khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các ngành công nghiệp phụ trợ, với sự hỗ trợ đặc biệt về vốn, và những ưu đãi đặc biệt về thuế (miễn thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ, miễn thuế doanh thu, v.v.). Đưa ra chính sách ưu đãi đặc biệt và chỉ áp dụng có thời hạn (chẳng hạn trong 3-4 năm).

d. Một số nước đã phát triển, đặc biệt là Nhật, có chương trình xúc tiến chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đang phát triển. Việt Nam nên đặc biệt tiếp nhận nhanh sự hỗ trợ này để nhanh chóng tăng khả năng cung cấp các mặt hàng công nghiệp phụ trợ hiện có, nhất là các mặt hàng đang sản xuất tại các doanh nghiệp nhà nước.

đ. Dồn hết mọi khả năng để kêu gọi FDI đầu tư vào việc sản xuất trong các ngành công nghiệp phụ trợ. Cụ thể tôi đề nghị chỉ định một số khu công nghiệp để ưu tiên giải quyết ngay và triệt để các mặt về hạ tầng, về thủ tục hành chính, về cung cấp nguồn nhân lực cần thiết, v.v., và đặt ra các đội chuyên trách thường xuyên theo dõi hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài để phát hiện ngay các vướng mắc và giải quyết ngay.

e. Lập chế độ tưởng thưởng đặc biệt (từ nay đến năm 2006 chẳng hạn) cho những công ty (kể cả nhà nước, tư nhân và công ty có vốn nước ngoài) có thành tích cao về xuất khẩu các mặt hàng thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ (kể cả thành tích cung cấp cho các công ty nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam sản xuất cho xuất khẩu).

Sau khi phân tích các mặt yếu của công nghiệp Việt Nam và xét về tiềm năng của ta, về nhu cầu trên thị trường thế giới, cũng như những thời cơ quốc tế đang có, tôi cho là mũi đột phá chiến lược của ta hiện nay phải là tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Việt Nam chỉ còn 3-4 năm để chớp thời cơ đang có và tạo những tiền đề cần thiết hầu làm đảo ngược lại tình hình bất lợi hiện nay về công nghiệp. Tôi tin là với các biện pháp trình bày ở trên, bộ mặt công nghiệp Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung sẽ có sự thay đổi lớn vào khoảng cuối năm 2006 hoặc đầu năm 2007, khi ta thực hiện hoàn toàn các cam kết với AFTA và chuẩn bị những bước đầu tiên trong chương trình tự do hoá thương mại với Trung Quốc.

Nguồn: Trần Văn Thọ - tuổi trẻ


Tin khác
Thời tiết
26°C
Thống kê
10
122
3
10,364,799
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 74.380 75.980
Đối tác