Quản lý và hoạt động khoáng sản trong nước

Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản

09/05/2023 - Thứ Ba - 22:04 Lượt xem: 1
Bình Phước có địa hình rất đa dạng với trữ lượng tài nguyên khoáng sản phong phú về chủng loại, loại hình và nguồn gốc, đặc biệt là vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường. Toàn tỉnh hiện có 120 điểm mỏ, trong đó 117 khoáng sản VLXD thông thường và 3 điểm than bùn nguyên liệu phân bón với tổng trữ lượng được thăm dò, dự báo 444,66 triệu mét khối/5.951 ha. Với trữ lượng lớn trong khi tỉnh có địa hình rộng, nhiều đồi núi nên công tác quản lý, khai thác khoáng sản đang là vấn đề nóng, diễn biến phức tạp.

Bài 1:
SẢN XUẤT GẮN VỚI
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

 


Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 45 mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác còn hiệu lực, trong đó 8 mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), số còn lại do UBND tỉnh cấp. Nhằm bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản, tỉnh Bình Phước chú trọng ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường của các dự án khai thác, chế biến, trong đó ưu tiên sàng lọc, loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Giảm thiểu ô nhiễm trong sản xuất

Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp (DN) được cấp phép, nhất là VLXD khó tránh khỏi những tác động đến môi trường như khói bụi, tiếng ồn, xe cộ qua lại… Để ổn định sản xuất, kinh doanh lâu dài, nhiều đơn vị đã tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường xung quanh.

Công ty TNHH MTV SX-TM-XD Phú Hương được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản mỏ đá xây dựng từ năm 2015 và đến năm 2022 được gia hạn lại. Vị trí khai thác là thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long. Công ty đã xây dựng và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, được cơ quan chức năng thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt. Quy mô hoạt động của công ty gồm 2 khu vực, khu vực khai thác mỏ diện tích 5 ha và khu vực chế biến đá xây dựng kết hợp sản xuất gạch không nung diện tích 1,3 ha. Trong hoạt động khai thác, chế biến đá, công ty tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời đóng đầy đủ các loại phí, thuế theo quy định.

Hoạt động khai thác, chế biến tại mỏ đá Công ty TNHH MTV SX-TM-XD Phú Hương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường

Theo ghi nhận của phóng viên, vị trí hoạt động của công ty không chỉ xa khu dân cư mà xung quanh khu vực khai thác, chế biến đều bao bọc bởi vườn điều, cao su như một tấm lưới lọc, ngăn cản bụi phát tán. Các chuyến xe chở đá xây dựng đều được cân và phủ bạt trước khi rời khu chế biến. Tuyến đường ra, vào được tu sửa cũng như tưới nước thường xuyên nên hạn chế tác động xấu đến môi trường và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Ấp Núi Gió, xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản là nơi có mỏ đá lớn và chất lượng, quy mô khoảng 50 ha đang được UBND tỉnh cấp phép cho 4 DN thực hiện khai thác, chế biến. Được UBND tỉnh cấp phép cho khai thác diện tích 9,1 ha, công suất 200.000m3 đá nguyên khối/năm, Công ty cổ phần xây dựng Bình Phước luôn thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản cũng như bảo vệ môi trường. Đặc biệt, DN luôn tìm giải pháp hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường xung quanh. Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Bình Phước Hoàng Hữu Toán chia sẻ: Do thực hiện việc xay nghiền, vận chuyển khoáng sản nên không tránh khỏi bụi phát tán. Để giảm thiểu, công ty lắp hệ thống tưới bụi khu vực đầu cần - nơi phát tán bụi, đồng thời tưới nước khu vực đang hoạt động, trồng cây xanh quanh khu vực moong khai thác… từ đó đã hạn chế tối đa lượng bụi phát sinh. Hằng năm, cơ quan chức năng tiến hành giám sát môi trường đo độ ồn, bụi cũng như tiếng nổ mìn định kỳ 2 lần/năm… đều đánh giá đạt tiêu chuẩn quy định và trong ngưỡng cho phép.

Vì sức khỏe và an toàn người dân

Ngã ba từ tỉnh lộ 303 vào các mỏ đá Núi Gió khoảng 1,5km, nay đã được trải nhựa khang trang, rộng rãi, thuận lợi cho việc vận chuyển đá xây dựng. Nơi đây, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tải ra, vào nên khó tránh khỏi khói bụi, tiếng ồn. Để hạn chế tối đa lượng khói bụi, các DN khai thác đá hợp đồng với một đơn vị chuyên tưới nước, vệ sinh tuyến đường trung bình 4 lần/ngày hoặc nhiều hay ít tùy điều kiện thời tiết.

Ngoài cân đủ trọng lượng, phủ kín bạt, trước khi rời bãi đá, chủ DN luôn nhắc các lái xe chạy đúng tốc độ quy định và tuyệt đối không lấn làn, vượt ẩu. Đặc biệt, hiện nay các DN còn thống nhất với ngành chức năng, chính quyền địa phương chia khung thời gian vận chuyển đá, ngưng vận chuyển qua tuyến đường này vào cao điểm học sinh đến trường nhằm hạn chế khói bụi cũng như đảm bảo an toàn cho phụ huynh, học sinh.

Trước khi rời bãi đá, xe được cân đủ trọng lượng và phủ kín bạt

Khu vực khai thác, chế biến đá cách khu dân cư hơn 500m nên không tác động xấu đến môi trường khu vực người dân sinh sống. Tuy nhiên, ở công trường luôn có hàng chục, hàng trăm công nhân làm việc liên tục. Để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người lao động, các đơn vị đều xây dựng nhà vận hành chống ồn, chống khói bụi, đồng thời trang bị bảo hộ đầy đủ cho công nhân như nút tai chống ồn, khẩu trang, găng tay, mũ bảo hộ. Ngoài đảm bảo các chế độ, chính sách theo quy định với thu nhập bình quân khoảng 12 triệu đồng/người/tháng thì công nhân làm việc trực tiếp ở khu vực khai thác, chế biến đá được DN hỗ trợ thêm tiền điện, nước, xăng xe nên yên tâm làm việc.

Xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm

Địa bàn tỉnh Bình Phước có nhiều điểm mỏ đá, sét gạch gói, cát chất lượng đang được UBND tỉnh cấp phép cho 37 công ty, DN khai thác, gồm 32 DN khai thác đá xây dựng, 4 DN khai thác sét gạch ngói và 1 DN khai thác cát. Theo đánh giá của Sở TN&MT, các đơn vị được cấp phép khai thác thực hiện tốt quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản cũng như nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Năm 2022, các đơn vị đã thực hiện nghĩa vụ tài chính hơn 130 tỷ đồng, gồm tiền thuế tài nguyên, thu nhập DN, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, quỹ phục hồi môi trường.


UBND tỉnh hiện đã cấp phép cho 37 công ty,

DN khai thác, gồm 32 DN khai thác đá xây dựng, 4 DN khai thác sét gạch ngói và 1 DN khai thác cát

Đồng thời, các đơn vị, DN cũng chú trọng thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường trong và sau khai thác. Cụ thể, đã thực hiện việc giám sát chất lượng môi trường định kỳ, quản lý và thu gom, phân loại chất thải nguy hại theo quy định, trồng cây xanh xung quanh moong khai thác, tưới nước và vệ sinh đường đi, khu vực máy xay nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; trang bị bảo hộ lao động; sử dụng công nghệ tiên tiến giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cũng theo đánh giá của Sở TN&MT, mặc dù công tác quản lý, thanh - kiểm tra hoạt động khoáng sản không ngừng được tăng cường nhưng trên địa bàn còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu là đá xây dựng, vật liệu san lấp và sét gạch ngói làm thất thu ngân sách nhà nước. Đối với 35 DN được UBND tỉnh cấp phép, năm 2022, qua thanh - kiểm tra công tác chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước, Sở TN&MT đã phát hiện một số vi phạm. Sau kiểm tra đã xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản đối với 22 đơn vị, số tiền gần 1,9 tỷ đồng.

Nguồn: baobinhphuoc.com.vn


Tin khác
Thời tiết
32°C
Thống kê
29
762
52
10,357,401
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 74.580 76.180
Đối tác