Sản xuất kinh doanh

Nhập khẩu than cho nhà máy điện PVN: Vượt trội nhờ chuyển tải nổi

15/07/2016 - Thứ Sáu - 15:27 Lượt xem: 1
Công nghệ chuyển tải nổi hiện đại FTS (Floating Transfer Station - FTS) và cẩu nổi kết hợp với các cảng cứng hiện có của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại khu vực sông Thị Vải được cho là giải pháp tối ưu để nhập khẩu than cho các nhà máy nhiệt điện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Công tác vận hành và sản xuất điện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã đạt được những thành công đáng khích lệ, sản lượng điện năm sau cao hơn năm trước, đến nay sản lượng điện lũy kế đã đạt 120 tỷ kWh. Nhưng theo Tổng sơ đồ Điện VII hiệu chỉnh, mỗi năm nước ta phải đưa vào hệ thống điện khoảng 5-6.000 MW công suất nguồn, đảm bảo đến 2030, công suất của hệ thống đạt xấp xỉ 130.000 MW. Ông Nguyễn Tiến Vinh, Thành viên, Hội đồng Thành viên PVN, cho đây là “thách thức rất lớn” đối với ngành năng lượng nói chung và công nghiệp điện nói riêng, trong bối cảnh nguồn cung cấp than trong nước ngày càng hạn chế, dự báo từ năm 2018 nước ta phải nhập khẩu than để sản xuất điện.

Gỡ khó vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu sử dụng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải và Vĩnh Tân để chuyển tải than cho Long Phú 1 và Sông Hậu 1. Tuy nhiên, qua quá trình làm việc với EVN, các cảng này không thể đáp ứng nhu cầu chuyển tải cho 2 nhà máy này. Đặc thù ba Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Long Phú 3 (tỉnh Sóc Trăng) và Sông Hậu 1 (tỉnh Hậu Giang) nằm sâu trong sông Hậu, nên tuyến luồng bị hạn chế, chỉ có khả năng tiếp nhận tàu/sà lan trọng tải đến 10.000 DWT.

Việc chuyển tải than nhập khẩu cho 3 nhà máy này gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc vào tiến độ dự án cảng trung chuyển than cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, theo kế hoạch thì cảng trung chuyển than cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 sẽ được đưa vào hoạt động, trong khi thời điểm sử dụng than là từ đầu năm 2018. Giờ Logistics trở thành một trong những vấn đề then chốt, quyết định sự thành công trong việc cung cấp than của Công ty Nhập khẩu và Phân phối than Điện lực Dầu khí (PV Power Coal).

Thách thức lớn về tiến độ chưa có cảng tiếp nhận than khi nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2018 là thực. Vì vậy, PV Power Coal đã chủ động tìm kiếm các vị trí tiềm năng để nghiên cứu, tích cực làm việc với chủ đầu tư, các đối tác hàng đầu thế giới về cảng. PV Power Coal đã đề xuất lựa chọn khu vực sông Gò Gia (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để chuyển tải than. Điều này, đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương với công nghệ chuyển tải nổi hiện đại FTS (Floating Transfer Station - FTS) và cẩu nổi (Floating crane) kết hợp với các cảng cứng hiện có của PVN tại khu vực sông Thị Vải.

Ưu điểm vượt trội của vị trí Gò Gia là ít bị ảnh hưởng bởi bão lớn (tần suất 5-10%). Mặt khác nằm sâu trong vịnh Gành Rái, không chịu tác động trực tiếp của sóng biển và chiều cao sóng do gió thường nhỏ, không ảnh hưởng đến điều kiện khai thác bình thường của các bến phao, đảm bảo điều kiện làm hàng quanh năm. Độ sâu (hải đồ) >= 14m, đảm bảo cho tàu trọng tải từ 80.000 DWT tới 150.000 DWT ra vào, neo đậu. Độ sâu đo đạc trong nhiều năm khá ổn định, mức độ bồi lắng ít. Phần mặt nước rất rộng (chiều rộng lòng sông gần 1.000 m), bề rộng luồng tàu là 200m, phạm vi neo đậu không ảnh hưởng đến luồng tàu, rất thuận tiện cho hoạt động neo đậu và chuyển tải.

Quy hoạch tuyến luồng Gò Gia.

Giải pháp này đã giải quyết được các vấn đề trọng tâm như khả thi về kỹ thuật (kịp thời cung cấp than Quý I/2018, ổn định, đã áp dụng một số nước trên thế giới…), hiệu quả về kinh tế (giảm chi phí và thời gian đầu tư, xây dựng so với phương thức chuyển tải truyền thống bằng cảng cứng), đảm bảo tính pháp lý (được các Bộ chủ quản chấp thuận), đáp ứng yêu cầu về môi trường… Việc triển khai áp dụng công nghệ chuyển tải nổi cho phép sử dụng công nghệ này cho các dự án khác nói chung, trong bối cảnh công tác nhập khẩu và chuyển tải than khối lượng lớn chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Vinh - Thành viên, Hội đồng Thành viên PVN, cho biết, PVN được Chính phủ giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 6 nhà máy nhiệt điện công suất mỗi nhà máy 1.200 MW, trong đó 2 nhà máy nhiệt điện dùng than trong nước là Vũng Áng 1 và Thái Bình 2, còn lại 4 nhà máy dùng than nhập khẩu là Long Phú 1, Long Phú 3, Sông Hậu 1, Quảng Trạch 1. Tổng nhu cầu than cho 6 nhà máy là trên 20 triệu tấn/năm.

Vì vậy, bên cạnh các dự án đã được đưa vào vận hành, các dự án do PVN làm chủ đầu tư đang được triển khai quyết liệt, đáp ứng các yêu cầu về tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Qua khảo sát, nghiên cứu, PV Power xác định nhập khẩu than chủ yếu từ 2 thị trường Úc và Indonesia, những nước sản xuất và xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới, nguồn than đa dạng, chất lượng than phù hợp với dải đặc tính kỹ thuật đã lựa chọn, cung đường vận chuyển từ Úc về khoảng 7.000 km, từ Indonesia khoảng 2.500 km gần hơn so với các thị trường khác. PV Power Coal đã ký kết Hợp đồng khung cung cấp than dài hạn với 7 đối tác lớn, uy tín tại 2 thị trường này với khối lượng than cam kết 15 triệu tấn/năm. Hiện PV Power Coal đang triển khai đàm phán để chuyển đổi các Hợp đồng khung để ký Hợp đồng mua bán than thương mai với các đối tác này. Như vậy, sứ mệnh đảm bảo nguồn than và công tác logistics cho hoạt động nhập khẩu than của PV Power Coal thực sự nặng nề.

Nguồn: Hải Vân/nangluongvietnam.vn


Tin khác
Thời tiết
26°C
Thống kê
577
519
99
10,366,961
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.800 85.000
SJC 73.400 75.400
Đối tác