Sản xuất kinh doanh

Năm 2017, dự án Bauxit - Nhôm Lâm Đồng bắt đầu có lãi

03/04/2017 - Thứ Hai - 16:55 Lượt xem: 1
Đến nay, dự án Tân Rai đã vận hành sản xuất ổn định được 3 năm với tổng doanh thu khoảng 10.800 tỷ đồng, dự kiến năm 2017 lãi khoảng 100 tỷ đồng; dự án Nhân Cơ đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành sản xuất thương mại.

Dự kiến năm 2017, dự án Tân Rai sẽ có lãi khoảng 100 tỷ đồng

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), hai dự án sản xuất alumin tại Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án thử nghiệm quan trọng, có tính quyết định đến việc phát triển ngành công nghiệp bauxit - alumin - nhôm của Việt Nam.

Từ năm 2006, TKV bắt đầu thực hiện đầu tư Dự án Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng (dự án Tân Rai) và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ - Đắk Nông (dự án Nhân Cơ). Trong quá trình triển khai hai dự án, TKV đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau về tính khả thi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai hai dự án. Ngày 29/4/2009 Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 650/TTg-KTN chỉ đạo TKV tiếp tục triển khai dự án Tân Rai. Đến tháng 10/2013, dự án Tân Rai đi vào vận hành, sản xuất thương mại.

Ban đầu, dự án alumin Tân Rai có công suất thiết kế là 600.000 tấn alumin/năm, sau được điều chỉnh tăng lên 650.000 tấn/năm. Công nghệ sản xuất alumin ban đầu là công nghệ Bayer, hoà tách quặng bauxite ở nhiệt độ 105oC và áp suất khí quyển. Tuy nhiên, để nâng cao tỷ lệ thu hồi, tiết kiệm tài nguyên nên đã chuyển đổi công nghệ sang hòa tách ở nhiệt độ 145oC và áp suất 4÷5at. 

Do có sự điều chỉnh tăng về công suất và công nghệ sản xuất nên tổng mức đầu tư tăng từ 7.778 tỷ đồng ban đầu, tương đương 493,5 triệu USD (tỷ giá tại thời điểm quy đổi: 1 USD = 15.780 đồng) lên 15.414 tỷ đồng (điều chỉnh lần cuối), tương đương 805 triệu USD, (tỷ giá USD tại thời điểm quy đổi: 1USD = 19.147 đồng). Giá trị thực hiện của dự án là 15.218 tỷ đồng, không vượt tổng mức đầu tư dự án đã duyệt là 15.414 tỷ đồng. 

Về kết quả sản xuất kinh doanh của dự án Tân Rai, TKV cho biết, sau gần 3 năm vận hành thương mại, nhà máy đã vận hành ổn định, sản lượng ngày càng tăng, đạt công suất thiết kế. Sản phẩm alumin đạt yêu cầu thiết kế, riêng hàm lượng Al2O3 đạt 98,9%, vượt thiết kế là 98,6%, đáp ứng yêu cầu cho xuất khẩu. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ alumin (quy đổi) hàng năm tăng, tiệm cận với thiết kế và nhu cầu thị trường sản phẩm. Năm 2017 sẽ đạt công suất thiết kế 650.000 tấn/năm.

Đến nay, TKV đã xuất khẩu alumin/hydrat đến các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, dự kiến trong thời gian tới sẽ mở rộng sang các khu vực tại thị trường Trung Đông, Malaysia...

Số liệu đến hết năm 2016 của TKV cho thấy, tổng doanh thu của dự án Tân Rai là khoảng 10.800 tỷ đồng, bình quân doanh thu hàng năm là 3.400÷3.700 tỷ đồng. Nộp ngân sách trung ương và địa phương là 1.875 tỷ đồng. Dự án này phải trả lãi vay đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng và thực hiện trích khấu hao tài sản cố định khoảng 2.800 tỷ đồng (dùng để trả gốc vay đầu tư).

Về hiệu quả dự án, TKV cho biết, theo phương án đầu tư, dự án Tân Rai sẽ lỗ kế hoạch trong 4 năm đầu đi vào sản xuất. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, TKV đã nỗ lực cân đối thu, chi tại dự án Tân Rai và bắt đầu có lãi ngay từ năm 2017. Với giá xuất khẩu alumin trên thị trường hiện nay khoảng trên 300 USD/tấn thì dự kiến tổ hợp Tân Rai sẽ có lãi khoảng 100 tỷ đồng trong năm 2017.

TKV khẳng định, từ khi dự án Tân Rai đi vào sản xuất kinh doanh, ngoài việc nộp đầy đủ các loại thuế, phí, TKV cũng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về trích khấu hao tài sản cố định, trả lãi vay và trả gốc vay đến hạn. Số lỗ lũy kế sau 3 năm đầu đi vào hoạt động là gần 2.520 tỷ đồng và lỗ do chênh lệch tỷ giá khoảng 1.176 tỷ đồng (khoản lỗ này là ngoài dự tính do sản phẩm alumin của dự án được xuất khẩu, thu ngoại tệ). 

Bên cạnh đó, bằng những nỗ lực của TKV trong việc áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao sản lượng sản xuất và quản trị chi phí, giảm giá thành sản phẩm alumin từ 5.183 ngàn đ/tấn năm 2014 xuống 4.666 ngàn đ/tấn năm 2015 và năm 2016 là 4.107 ngàn đ/tấn (giá thành phân xưởng). 

Còn dự án Nhân Cơ được triển khai xây dựng từ tháng 6/2007, tuy nhiên, do phải thực hiện đánh giá lại hiệu quả kinh tế và Báo cáo đánh giá tác động môi trường (điều chỉnh) của dự án được phê duyệt, nên dự án này phải tạm dừng. Sau khi Bộ Công Thương thẩm định lại hiệu quả kinh tế dự án và Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho TKV tiếp tục triển khai dự án Nhân Cơ tại Công văn số 21/TB-VPCP ngày 27/1/2010. 

Dự án Nhân Cơ có công suất thiết kế ban đầu là 300.000 tấn/năm, sau được điều chỉnh tăng lên 650.000 tấn alumin/năm. Công nghệ sản xuất alumin ban đầu là công nghệ Bayer, hoà tách quặng bauxite ở nhiệt độ 105oC và áp suất khí quyển. Tuy nhiên, với mục tiêu nâng cao tỷ lệ thu hồi, tiết kiệm tài nguyên nên đã chuyển đổi công nghệ sang hòa tách ở nhiệt độ 145oC và áp suất 4 ÷ 5at như tại sự án Tân Rai. Tổng mức đầu tư điều chỉnh lần cuối của dự án Nhân Cơ là 16.822 tỷ đồng, 

Ngày 30/9/2016, nhà máy đã được đưa vào chạy thử có tải đồng bộ, ngày 10/11/2016 đã ra sản phẩm hydrat đầu tiên và ngày 16/12/2016 đã ra sản phẩm alumin đầu tiên và tính đến hết tháng 2/2017 đã sản xuất được 75.000 tấn alumin. Dự kiến trong năm 2017 sẽ sản xuất 450.000 tấn alumin.

Nguồn: Hoàng Duân/baocongthuong.com.vn


Tin khác
Thời tiết
28°C
Thống kê
691
937
260
10,370,391
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 83.500 85.700
SJC 73.620 75.220
Đối tác