Thảo luận và phản biện

Giải pháp huy động vốn đầu tư của Vinacomin (Kỳ 2)

28/03/2014 - Thứ Sáu - 15:26 Lượt xem: 1
Theo kế hoạch, từ nay cho đến năm 2020, mỗi năm Vinacomin cần từ 25 - 30 nghìn tỷ đồng để đầu tư (trong đó, riêng than chiếm 60 - 70% lượng vốn). Con số này sẽ là một thách thức thực sự đối với Tập đoàn. Cho dù, hiện nay, việc huy động nguồn vốn đã được thực hiện qua nhiều kênh khác, nhưng theo Vinacomin, để linh hoạt và tận dụng hết các kênh vốn vẫn cần nhiều giải pháp thiết thực hơn.

Xây dựng chính sách huy động, điều hành vốn

Theo Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, triển vọng 2030, dự báo nhu cầu than đến năm 2020 của Việt Nam là từ 112,4 - 120,3 triệu tấn, đến năm 2030 là khoảng từ 220,3 - 231,1 triệu tấn.

Phần lớn trữ lượng than đã được thăm dò và đánh giá trữ lượng tại Việt Nam chủ yếu tập trung tại tỉnh Quảng Ninh. Than Antraxit là loại than chính được khai thác. Sản lượng than sạch hàng năm của Vinacomin tăng từ 42,18 triệu tấn (năm 2007) lên đến khoảng 44,98 triệu tấn (năm 2011). Theo đó, sản lượng than sạch toàn ngành sẽ tăng đến mức 60 - 65 triệu tấn vào năm 2020 và trên 75 triệu tấn vào năm 2030.

Tăng sản lượng khai thác đồng thời đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó, các mỏ than lộ thiên với các điều kiện sản xuất thuận lợi đang dần cạn kiệt. Việc khai thác than nằm sâu trong lòng đất (than hầm lò) gặp nhiều khó khăn và cũng mất nhiều vốn để đầu tư. Ngoài ra, sự an toàn của các mỏ than và vấn đề bảo vệ môi trường đòi hỏi các hoạt động khai thác phải được kiểm soát nghiêm ngặt, đặc biệt tại các khu vực mỏ than gần với di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long.

Như vậy, mỗi năm Vinacomin cần từ 25 - 30 nghìn tỷ đồng để đầu tư (trong đó khối than chiếm 60 - 70%). Con số này sẽ là một thách thức thực sự đối với Tập đoàn. Để thực hiện nhiệm vụ này, việc đa dạng hóa các kênh huy động vốn, tránh phụ thuộc vào các kênh vay thương mại truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc thu xếp đủ, hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Trên cơ sở đó, Vinacomin đã thực hiện và lên phương án huy động vốn qua nhiều kênh khác nhau như: phát hành trái phiếu trong nước, trái phiếu quốc tế, thực hiện kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài. Việc tận dụng các nguồn vốn đầu tư từ xã hội (góp vốn, thuê hoạt động…) cũng được Vinacomin tính đến để đa dạng hóa các nguồn lực cho việc đầu tư, phát triển.

Để linh hoạt và tận dụng hết các kênh huy động vốn, theo Vinacomin, phải xây dựng được chính sách huy động và điều hành vốn trong toàn hệ thống. Trước hết, phải có một chiến lược huy động vốn trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Nguồn ngắn hạn sẽ đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinacomin, trong khi đó, nguồn vốn dài hạn sẽ đảm bảo cho hoạt động đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, đem lại lợi nhuận cũng như doanh thu trong tương lai. Hiện nay, Vinacomin đã và đang xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ trong toàn hệ thống, từ các đơn vị sản xuất, đơn vị thực hiện quá trình đầu tư… đến cơ quan quản lý và điều hành. Vinacomin phát huy vai trò đầu mối để tổng hợp nhu cầu, thời hạn các khoản đầu tư trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch huy động một cách hợp lý.

Vinacomin ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác (MoU) với Ngân hàng HSBC

Trong thời gian qua, Vinacomin đã tiến hành huy động vốn với các hình thức như: ngắn hạn hạn mức, vay trung và dài hạn phục vụ đầu tư dự án, vay bắc cầu… Các hình thức này đã và đang đảm nhiệm tốt nhu cầu huy động đủ nguồn vốn hiện tại cho hoạt động và đầu tư của đơn vị. Bên cạnh việc duy trì các kênh huy động truyền thống, Vinacomin cũng nghiên cứu sử dụng các hình thức huy động mới như: phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài…

Đối với việc vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, hiện tại, Vinacomin đã thực hiện nhiều khoản vay song phương, hợp vốn theo các hình thức như: tín dụng xuất khẩu (ECA), thế chấp dòng tiền, hợp đồng xuất khẩu, vay bảo lãnh tín dụng… để huy động các khoản vốn có chi phí thấp và thời hạn dài phục vụ đầu tư các dự án điện, khoáng sản…

Việc sử dụng các hình thức huy động vốn mới sẽ làm tăng khả năng huy động đủ nguồn cho nhu cầu đầu tư cũng như sản xuất kinh doanh của Vinacomin trong thời gian tới. Đồng thời, làm tăng uy tín cũng như danh tiếng của Vinacomin trên thị trường tài chính thế giới, tạo cơ hội dễ dàng cho các lần huy động tiếp theo.

Bên cạnh việc huy động đủ nguồn vốn cho hoạt động đầu tư cũng như sản xuất, Vinacomin cũng tiến hành nghiên cứu, sử dụng các dịch vụ liên quan đến hoạt động huy động vốn. Hiện tại, Vinacomin đã ký kết hợp đồng khung ISDA về việc thực hiện các công cụ phát sinh với hầu hết các ngân hàng quốc tế lớn. Trên cơ sở đó, các dịch vụ phái sinh như: hoán đổi lãi suất, hoán đổi tiền tệ, mua bán kỳ hạn… và các công cụ phát sinh khác được nghiên cứu sử dụng.

Cùng với việc kiểm soát được chi phí vốn, các hoạt động trong quá trình sản xuất đầu tư, tiêu thụ, bán hàng cũng cần được quan tâm chú trọng. Việc xây dựng các công cụ quản trị rủi ro cũng như các bộ phận quản trị rủi ro cần được quan tâm và thực hiện một cách đều đặn, gắn liền với hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh trong toàn bộ quy trình sản xuất sẽ được kiểm soát ở mức hợp lý. Điều này sẽ giúp cho doanh thu cũng như lợi nhuận của Vinacomin được đảm bảo và tăng trưởng. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để Vinacomin tăng cường bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu được trích từ nguồn lợi nhuận sang vốn chủ sở hữu, sang các qũy hoạt động, tăng cường khả năng huy động vốn.

Con người trong hoạt động huy động vốn phải là những cán bộ am hiểu, có kiến thức chuyên môn sâu rộng, có phẩm chất và tinh thần trách nhiệm. Do đó, công tác đào tạo cán bộ chuyên môn là một công tác hết sức quan trọng. Thời gian qua, Vinacomin luôn tổ chức đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho những cán bộ hiện có, sắp xếp lại vị trí và nhiệm vụ của các cán bộ đó cho phù hợp với khả năng. Khuyến khích tinh thần tự học của mọi người bên cạnh việc thường xuyên cử các cán bộ tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ chuyên ngành. Tuy nhiên, cũng cần đào tạo trọng điểm và đúng người, đúng vị trí, tránh việc đào tạo tràn lan, lãng phí thời gian và tiền bạc.

Môi trường vĩ mô ổn định hơn

Hiện nay, với việc Vinacomin được giao nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp than nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia. Do đó, để thực hiện những nhiệm vụ được giao Vinacomin phải thực hiện rất nhiều các dự án đầu tư với nguồn vốn đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, với năng lực vốn chủ sở hữu hiện nay của Vinacomin vẫn còn thiếu và chỉ đáp ứng được cho nhu cầu đầu tư trong hiện tại và tương lai gần. Vinacomin rất cần được bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu nhằm vừa tăng năng lực tài chính, vừa sử dụng đòn bẩy tài chính để có thể huy động các nguồn vốn bên ngoài, vốn nợ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Do vậy, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nên xem xét để có thể cấp bổ sung nguồn vốn chủ đầu tư từ Nhà nước theo đề xuất Hội đồng thành viên của Vinacomin.

Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp cận các khoản vay nợ trên thị trường tài chính quốc tế, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xem xét tăng cường bảo lãnh tín dụng cho Vinacomin để có cơ sở đảm bảo cho các nhà đầu tư về khả năng, năng lực hoạt động cũng như năng lực thanh toán của đơn vị.

Do nhu cầu đầu tư của Vinacomin trong giai đoạn tiếp theo rất lớn, nên Ngân hàng Nhà nước cần có chế độ chính sách lãi suất, chính sách tín dụng riêng cho các tổ chức tín dụng khi cho vay hoặc cung cấp các sản phẩm ngân hàng cho Vinacomin. Đây có thể coi là một sự hỗ trợ cần thiết để đơn vị có thể có đủ cơ sở tiến hành việc đầu tư hoạt động nhằm hoàn thành các nhiệm vụ của mình.

Các giải pháp tăng cường huy động vốn tại Vinacomin chỉ có thể thực hiện được khi có các điều kiện kinh tế - xã hội và pháp lý cần thiết tạo nên một hệ thông các giải pháp hỗ trợ. Vì vậy, rất cần môi trường vĩ mô ổn định. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định xã hội và phát triển bền vững. Nguyên tắc cơ bản của điều hành kinh tế vĩ mô là phải tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kết hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các công cụ của chính sách tiền tệ; xử lý phù hợp mối quan hệ giữa lãi suất tín dụng với tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế, đặc biệt là cán cân thương mại; quản lý tốt thị trường ngoại hối và nợ quốc gia; bảo đảm vốn và tính thanh khoản cho nên kinh tế; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi; thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng, ngăn ngừa lạm phát và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư cũng như huy động vốn của mình, Vinacomin gần như phải thực hiện tất cả các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Môi trường, Luật Khoáng sản… Chính vì vậy, Nhà nước cần tiến hành xây dựng, xem xét việc sửa đổi hay duy trì các luật trên phù hợp với thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, trong đó có Vinacomin được phát triển trên một nền tảng vững chắc, để có thể duy trì và đảm bảo hoạt động của mình được thông suốt và từng bước phát triển.

 
Nguồn: nangluongvietnam.vn


Tin khác
Thời tiết
23°C
Thống kê
261
375
99
10,366,431
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 73.880 75.480
Đối tác