Thảo luận và phản biện

Giải pháp huy động vốn đầu tư của Vinacomin (Kỳ 1)

28/03/2014 - Thứ Sáu - 15:28 Lượt xem: 1
Có nhiều lợi thế để sử dụng linh hoạt các phương thức huy động vốn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), nguồn vốn vay tín dụng vẫn là nguồn vốn quan trọng nhất. Điều này xuất phát từ đặc thù hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, các dự án đầu tư luôn đòi hỏi nguồn vốn lớn và dài hạn.

Doanh thu điện sẽ có đóng góp quan trọng

Trong những năm qua, với vai trò là một trong những Tập đoàn kinh tế lớn nhất cả nước, Vinacomin đã luôn hoàn thành các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đặt ra trong mọi hoàn cảnh biến động của nền kinh tế.

Hiện nay, Vinacomin đang khai thác và bán than nhiều loại than khác nhau. Trong thị trường nội địa, khi xét về doanh thu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và ngành xi măng là các khách hàng quan trọng nhất của Vinacomin, thông qua các hợp đồng mua than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng của mình. Các ngành vật liệu xây dựng, giấy, hóa chất và phân bón cũng đóng vai trò là khách hàng chủ chốt của Vinacomin hiện nay.

Về xuất khẩu than, Vinacomin đang quản lý toàn bộ hoạt động bán hàng cho các khách hàng trên toàn cầu. Các khách hàng lớn nhất của đơn vị đều là các quốc gia châu Á. Trong đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm tỷ trọng sản lượng xuất khẩu tương ứng là 82,5%; 7,03% và 6,37%. Còn lại, Vinacomin xuất khẩu than ra các thị trường quốc tế khác, bao gồm châu Âu, Braxin, Australia, Nam Phi và Ai Cập.

Các lĩnh vực kinh doanh khác đều luôn hỗ trợ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn. Ví dụ, trong lĩnh vực khoáng sản, Vinacomin đã tiến hành thăm dò, đánh giá trữ lượng tinh quặng bauxite, với tổng trữ lượng tinh quặng bauxit tại 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng khoảng 853 triệu tấn, trong đó Lâm Đồng là 158 triệu tấn và Đắk Nông là 695 triệu tấn.

Tuy nhiên, mới chỉ có 182 triệu tấn trữ lượng tinh quặng bauxit được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Phần trữ lượng tinh quặng bauxit còn lại, Vinacomin đã hoàn thành báo cáo trình Bộ Tài Nguyên và Môi trường phê duyệt. Hiện nay, Vinacomin đang phát triển hai dự án khai thác quặng bauxit và sản xuất alumin, đó là dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng và dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ, tại huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông, với công suất tổng cộng khoảng 1,3 triệu tấn/năm.

Cùng với các lĩnh vực kinh doanh khác, Vinacomin xác định, đến năm 2015 doanh thu từ sản xuất điện sẽ là nguồn thu quan trọng và sẽ chiếm ½ doanh thu của toàn Tập đoàn.

Do đó, từ năm 2002, Vinacomin đã cho xây dựng Nhà máy nhiệt điện Na Dương tại Lạng Sơn. Đây cũng là nhà máy đầu tiên thuộc sở hữu và đang được Vinacomin quản lý vận hành.Tính đến ngày 30/6/2013, Vinacomin đã có 5 nhà máy đang hoạt động, với tổng công suất phát điện là 1.550MW, chiếm khoảng 6% tổng sản lượng phát điện tại Việt Nam. Các nhà máy nhiệt điện than gồm: Na Dương (110MW), Cao Ngạn (110MW), Sơn Động (220MW), Cẩm Phả I và II (tổng là 670 MW), Mạo Khê (440 MW).

Từ đó, mà doanh thu từ hoạt động kinh doanh điện của Vinacomin cũng tăng dần trong các năm. Cụ thể, doanh thu điện chiếm 3,18% (năm 2010), 5,67% (năm 2011) và 6,44% (năm 2012) trong tổng doanh thu của các năm tài chính tương ứng.

Các lợi thế của huy động vốn

Với tất cả các đặc điểm trên, Vinacomin có những lợi thế nhất định trong quá trình thu xếp, cũng như huy động các nguồn vốn để đảm bảo nhu cầu hoạt động của mình.

Là một tập đoàn kinh tế Nhà nước hàng đầu của Việt Nam, Vinacomin luôn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ. Trong giai đoạn trung hạn, Chính phủ cũng không có ý định giảm tỷ lệ sở hữu (tỷ lệ hiện là 100%) tại Vinacomin. Hơn nữa, với mục tiêu cung cấp đủ nguồn than cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, Vinacomin nhận được sự cam kết từ Chính phủ tiếp tục đảm bảo an ninh năng lượng để đơn vị có thể hoàn thành mục tiêu của mình.

Với đặc điểm độc quyền tại thị trường Việt Nam về hoạt động khai thác than và khoáng sản và là nhà cung cấp than cho các hộ kinh tế chính của nền kinh tế, nhà cung cấp than antraxit lớn nhất thế giới. Vinacomin đang có thị trường đầu ra ổn định và dự báo nhu cầu than sẽ cao trong thời gian tới. Điều này sẽ đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như doanh thu, lợi nhuận của Tập đoàn được duy trì và phát triển, tình hình tài chính luôn ở mức an toàn.

Vinacomin có tình hình tài chính lành mạnh, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ thông qua cam kết tăng vốn chủ sở hữu cùng với sự bảo lãnh, Vinacomin là nhà đầu tư có hệ số tín nhiệm cao. Điều này đồng nghĩa với việc, sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận các khoản vay ưu đãi với các chi phí vốn cạnh tranh trên thị trường cũng như các điều kiện tín dụng có thẻ chấp nhận được.

Hiện trữ lượng than của khu vực Quảng Ninh còn tương đối lớn. Việc xác định trữ lượng dồi dào tại bể than sông Hồng sẽ đảm bảo về khả năng cung cấp than của Tập đoàn trong dài hạn.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Đa dạng hình thức vay vốn

Giống như bất kỳ một doanh nghiệp nào, nguồn vốn của Tập đoàn được hình thành từ nguồn vốn của chủ sở hữu và nguồn vốn nợ. Để liên tục phát triển trong kinh doanh, ngoài vốn chủ sở hữu do Nhà nước cấp và được bổ sung, hàng năm, Vinacomin phải huy động thêm nguồn vốn từ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, cộng đồng cán bộ công nhân viên theo nhiều hình thức khác nhau để bổ sung nguồn vốn thiếu hụt trong quá trình sản xuất kinh doanh, đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng hoạt động sản xuất của mình.

Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2012, cơ cầu nguồn vốn của Vinacomin được tăng lên một cách nhanh chóng từ 62 nghìn tỷ lên mức 117 nghìn tỷ đồng. Điều này chứng tỏ một điều từ đó đến nay, Tập đoàn đã tiến hành việc đầu tư mới nhiều dự án với tổng mức đầu tư lớn nên cần huy động một lượng vốn rất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của mình.

Từ năm 2009 đến nay, cơ cấu nguồn vốn của Vinacomin luôn được giữ ổn định với tỷ trọng của vốn nợ luôn thấp hơn 70%, đây là cơ cấu vốn khá hợp lý. Điều này cho thấy, đối với quá trình đầu tư mới, mở rộng hoạt động sản xuất cũng như duy trì hoạt động hiện tại của Vinacomin, tỷ trọng vốn mà đơn vị tự tham gia bằng nguồn vốn chủ sở hữu của mình luôn đạt tối thiểu 30%. Đây là mức tương đối an toàn cho các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư quan tâm đến việc cho Vinacomin vay nợ hoặc tài trợ cho các dự án mà Vinacomin làm chủ đầu tư.

Bên cạnh với quy mô sản xuất lớn, Vinacomin cũng là đơn vị có sự đầu tư sản xuất cũng ở mức rất cao. Do đó, Vinacomin thường xuyên sử dụng một lượng vốn lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của mình. Và các nguồn vốn này được mang lại thông qua các phương thức huy động của Vinacomin, bao gồm:

Thứ nhất, huy động vốn chủ sở hữu. Đây là nguồn vốn đầu tiên được hình thành trong quá trình sản xuất kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào. Nguồn vốn này được hình thành ngay từ khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp và là cơ sở để doanh nghiệp có thể tồn tại.

Thứ hai, huy động vốn nợ. Nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn quan trọng trong hoạt động huy động vốn của Vinacomin. Bên cạnh sự cần thiết của vốn chủ sở hữu là cơ sở đề đầu tư, nguồn vốn tín dụng là nguồn vốn chính cho quá trình đầu tư cũng như duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Ngoài ra, Vinacomin còn sử dụng một số các nguồn vốn huy động khác như: tín dụng thương mại, thuê tài chính, từ các khoản nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ đối với Nhà nước mà chưa đến kỳ thanh toán. Huy động từ các cán bộ công nhân viên và các nguồn phải trả khác để có đủ nguồn vốn cho mình.

Theo đó, đối với vốn vay ngân hàng, Vinacomin luôn có nhu cầu khoản vay có giá trị lớn. Tuy nhiên, thông thường đơn vị không phải thực hiện các biện pháp bảo đảm tiền vay và chủ yếu là tín chấp và thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, tài sản hình thành trong tương lai (dòng tiền bán than…) hoặc có sự bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, bằng việc Vinacomin đã được các tổ chức đánh giá uy tín hàng đầu thế giới như S&P, Moody đánh giá hệ số tín nhiệm rất cao, tương đương với mức tín nhiệm của quốc gia. Điều này đã chứng tỏ được năng lực của Vinacomin với các ngân hàng cũng như các tổ chức đầu tư. Chủ trương minh bạch hóa thông tin hoạt động để Vinacomin có thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay.

Trong những năm gần đây, Vinacomin luôn giữ mối quan hệ tín dụng chặt chẽ với các ngân hàng trong nước như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP (VietinBank)… Bên cạnh đó, có các đối tác nước ngoài như: Citibank, ANZ, Standard Chartered, Credit Suisse để thu xếp các khoản tín dụng ngắn, trung và dài hạn đáp ứng yêu cầu vốn đầu tư cũng như vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Ngoài các hình thức huy động truyền thống, Vinacomin đã sử dụng các công cụ mới nhằm huy động thêm được các kênh khác như: phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay nợ nước ngoài… Từ năm 2007-2009, Vinacomin đã phát hành thành công 2 đợt trái phiếu, với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, trong năm 2012 và 2013 tương ứng là 3.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng. Việc phát hành thành công các đợt trái phiếu với mức lãi suất hợp lý và huy động trực tiếp từ nước ngoài đã mang lại lợi ích to lớn cho Vinacomin trong việc đáp ứng nhu cầu vốn của các đơn vị thành viên, đồng thời nâng cao uy tín của Vinacomin khi huy động vốn.

Ngoài ra, Vinaconmin còn linh hoạt sử dụng một số nguồn vốn bao gồm các khoản phải nộp ngân sách nhà nước nhưng chưa đến hạn nộp… đây cũng là nguồn quan trọng vì có thể sử dụng tạm thời để giải quyết các nhu cầu cấp bách.

Có thể thấy, việc tận dụng các lợi thế để huy động nguồn vốn thông qua phương thức huy động khác nhau có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinacomin. Trong đó, nguồn vốn vay tín dụng vẫn được coi là nguồn quan trọng nhất. Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng, các dự án đầu tư của Vinacomin cần có nguồn vốn lớn và dài hạn. Vì vậy, đây luôn là nguồn vốn cần thiết và đóng vai trò quan trọng đối với các dự án đầu tư của Vinacomin hiện nay.

Nguồn: NangluongVietnam.vn


Tin khác
Thời tiết
24°C
Thống kê
277
25
99
10,366,467
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 73.880 75.480
Đối tác