Thảo luận và phản biện

Bán hạ tầng - nên hay không?

20/03/2015 - Thứ Sáu - 14:41 Lượt xem: 1
Nhà nước bắt đầu toan tính bán một số cơ sở hạ tầng như cảng biển, sân bay, đường cao tốc; một số doanh nghiệp cũng tỏ ý muốn mua. Đứng trước xu hướng chuyển dịch cơ cấu sở hữu mới này, không khỏi nảy sinh nhiều câu hỏi như việc này có khác gì với quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, làm sao tránh thất thoát tài sản nhà nước vì bán rẻ, bán hớ, làm sao khi định giá bao gồm cả những ưu đãi trước đó vào giá thành như vốn ưu đãi, đền bù thấp... TBKTSG đã mời một số chuyên gia kinh tế bày tỏ ý kiến về vấn đề này.

Một góc cảng Quảng Ninh, nơi Vinalines đề xuất bán hết vốn nhà nước cho tập đoàn T&T Ảnh:Cảng vụ Quảng Ninh

Nên gọi đúng tên tư nhân hóa

Tư nhân hóa là bán toàn bộ hay một phần tài sản của Nhà nước cho tư nhân trong và ngoài nước. Tài sản của Nhà nước có thể là nhà ở, nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, quyền thu phí hay thuế... Nhà nước chỉ nên tư nhân hóa những thứ mà mình quản lý kém hiệu quả hơn tư nhân vì làm như thế có lợi cho xã hội.

Đã là bán, NẾU bán đúng giá, thì về mặt kinh tế, Nhà nước chẳng mất gì cả, bán sân bay thì thu tiền về và tổng tài sản không thêm không bớt mà chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác (từ sân bay sang tiền). Lưu ý dưới đây chúng ta chỉ xét mặt kinh tế, việc bán tài sản của Nhà nước còn liên quan đến nhiều vấn đề khác như an ninh, xã hội mà cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Về mặt kinh tế chỉ đơn giản vậy thôi nhưng vì nhiều lý do, người ta đặt ra nhiều khái niệm “mới” để tránh chữ “tư nhân hóa” thực ra chẳng có tội tình gì, như  “cổ phần hóa”, “xã hội hóa”... Mới đây, là các đề xuất bán sân bay Phú Quốc lấy vốn xây dựng sân bay Long Thành, nhà ga T1 Nội Bài, đường cao tốc... dưới nhiều cách gọi khác nhau.
Vì nhiều lý do, người ta đặt ra nhiều khái niệm “mới” để tránh chữ “tư nhân hóa” thực ra chẳng có tội tình gì, như  “cổ phần hóa”, “xã hội hóa”...

Vấn đề là ở chữ NẾU nói trên. Bán đúng giá thì phải có nhiều người mua tiềm năng, phải công khai, phải rạch ròi. Và cách hay nhất là đấu giá công khai. Nếu không làm vậy thì việc bán tài sản của Nhà nước có thể là cơ hội cho tiêu cực hoành hành một cách hợp pháp. Chính vì thế phải có khung pháp lý rõ ràng cho tư nhân hóa. Thiếu luật tư nhân hóa đã dẫn đến rất nhiều tai hại cho sự phát triển đất nước.

Những ai là các tư nhân có thể mua sân bay Phú Quốc, nhà ga T1 Nội Bài? Tổng số tiền đã đầu tư vào các nơi đó là bao nhiêu? Giá trị hiện tại của chúng thế nào? Giá chào bán ra sao? Các điều kiện mua, bán thế nào? Ai hay cơ quan nào có quyền quyết định bán? Đó là mấy câu hỏi mà người chủ tài sản (toàn dân Việt Nam) và những người mua tiềm năng phải biết.

Thủ tục bán ra sao cần được luật quy định rõ. Khác đi thì việc câu kết, bán rẻ, bán hớ, tham nhũng…, là những vấn đề sẽ (và đáng tiếc đã) nổi lên, gây chia rẽ trong xã hội và có thể có những hậu quả khôn lường mà nhiều thế hệ sau chưa thể khắc phục.

Bài học nhãn tiền về việc tài sản quốc gia ở Nga, các nước thuộc Liên Xô cũ bị “cướp” phải là lời cảnh báo nghiêm khắc.Giả sử đã bán đúng giá, sòng phẳng và tiền đã thu về, thì vấn đề chi tiêu tiền thu về đó lại là vấn đề hoàn toàn khác và phải được Luật Ngân sách Nhà nước quy định và Quốc hội phải là người có tiếng nói cuối cùng.

Tiền bán tài sản về nguyên tắc phải thu về Kho bạc Nhà nước và có thể dùng để trả nợ, đầu tư vào giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở hoặc làm những việc cần thiết khác mà Nhà nước nhất thiết phải làm.

Đáng tiếc cả Luật Ngân sách Nhà nước hàng năm chúng ta cũng không quen làm việc này. Ở đây tôi chỉ muốn lưu ý rằng vấn đề bán tài sản của Nhà nước và vấn đề chi tiêu tiền thu được là hai việc hoàn toàn khác nhau. Cho nên, hai loại việc này phải được các luật khác nhau quy định (luật tư nhân hóa về bán tài sản, luật đầu tư nhà nước hay các luật khác, chẳng hạn).

Tuyệt đối tránh lẫn lộn hay gộp hai loại này làm một, thí dụ, để lại tiền thu được cho cơ quan đang quản lý tài sản đó tự quyết định, vì chúng tạo cơ hội cho tham nhũng.

TS. Nguyễn Quang A

Giống và khác

Cổ phần hóa và bán hạ tầng (công) về cơ bản khác nhau.

Cổ phần hóa ở Việt Nam, mà đúng ra phải gọi là tư hữu hóa, là một phần của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa sang cơ chế thị trường. Cái này chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tức là doanh nghiệp do Nhà nước đang sở hữu và điều hành. Sở dĩ cần phải cổ phần hóa vì các DNNN có năng suất thấp, bộ máy cồng kềnh và cơ chế quản lý yếu kém. Ngoài ra, cổ phần hóa còn giúp Nhà nước tránh xung đột lợi ích khi vừa làm chức năng quản lý vừa điều hành doanh nghiệp.

Ở một số nước tư bản cũng có DNNN và cũng có lúc tiến hành tư hữu hóa vì những lý do trên. Cũng còn vì lý do thiếu hụt ngân sách - bán DNNN để có một cục tiền lớn ngay lập tức thay vì chỉ nhận được cổ tức hàng năm. Anh và Úc trước đây tư hữu hóa một số DNNN còn vì muốn phá bỏ hệ thống công đoàn.

Hạ tầng về cơ bản có đặc tính là lợi ích xã hội do nó đem lại lớn hơn lợi ích của nhà đầu tư. Ví dụ một cây cầu thu phí thì tổng số tiền thu được là lợi ích của nhà đầu tư, trong khi lợi ích xã hội còn bao gồm tổng thời gian tiết kiệm (quy ra tiền) của những người sử dụng, sự gia tăng thương mại giữa hai bờ sông, giá trị đất đai ở phía kém phát triển gia tăng...

Thông thường hạ tầng có chi phí cố định rất lớn trong khi lợi ích nhà đầu tư thu về lại trải dài trong nhiều năm. Bởi vậy ngay cả trong trường hợp lợi ích cho nhà đầu tư lớn hơn tổng chi phí, kể cả chi phí đầu tư và vận hành cũng ít có nhà đầu tư tư nhân chấp nhận đầu tư. (Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số quỹ hạ tầng được thành lập, chủ yếu do các quỹ hưu trí đầu tư, để đi mua hoặc xây dựng hạ tầng nhằm có dòng thu nhập ổn định và lâu dài.) Trong trường hợp này Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư rồi bán lại cho tư nhân để thu lại tiền dùng vào việc khác, về mặt kinh tế là điều tốt vì nó giải quyết được một số khiếm khuyết của thị trường.

Nhưng đa số hạ tầng có lợi ích cho nhà đầu tư thấp hơn tổng chi phí, nghĩa là nếu Nhà nước không làm thì không một nhà đầu tư tư nhân nào sẽ làm. Trong trường hợp này nếu Nhà nước làm xong rồi bán đứt cho đầu tư tư nhân thì sẽ có một phần là chuyển tiền của Nhà nước đã đầu tư (tức tiền thuế của dân) cho những nhà đầu tư nào mua được hạ tầng đó.

Ví dụ trước đây xây dựng hạ tầng, Nhà nước không phải trả tiền đất nên giá trị sổ sách của dự án thấp hơn giá trị thực; vốn có thể là vốn vay ưu đãi. Do đó bán những loại này không công bằng đối với đa số dân chúng. Tuy nhiên vì cần tiền, để chi tiêu, trả nợ công, hay đầu tư các dự án khác, Nhà nước có thể vẫn chấp nhận bán (ở đây loại trừ lý do tham nhũng, một vài quan chức nào đó quyết định bán để được “lại quả”).

Trong trường hợp này bán hạ tầng về mặt hiệu quả kinh tế thì không sai nhưng về mặt công bằng xã hội thì đáng quan ngại.

Nếu định bán hạ tầng vì đơn vị quản lý làm ăn kém hiệu quả thì trước hết nên xem xét phương án cải tổ phương cách quản lý. Có thể cho phép các công ty tư nhân đấu thầu quản lý với những cam kết cụ thể về mặt hiệu quả. Nếu lý do bán vì thiếu hụt ngân sách thì có thể cân nhắc phát hành trái phiếu hạ tầng, tức là trái phiếu được bảo đảm bằng nguồn thu từ phí sử dụng hạ tầng đó. Hoặc có thể đấu thầu cho thuê dài hạn cho các công ty tư nhân trả một cục tiền đổi lấy quyền khai thác hạ tầng.

Về cơ bản những biện pháp này đều có mục đích giữ lại sở hữu của Nhà nước vì một phần giá trị của hạ tầng sẽ không được phản ánh đủ trong giá thị trường khi đem bán.

TS Lê Hồng Giang

Nguồn: thesaigontimes.vn 


Tin khác
Thời tiết
24°C
Thống kê
19
539
99
10,367,571
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.900
SJC 73.580 75.180
Đối tác