Tin tức

Apatit việt nam - chặng đường 60 năm phát triển

17/02/2016 - Thứ Tư - 16:11 Lượt xem: 1
Năm 1924, quặng apatit tại Lào Cai được một người dân địa phương tình cờ phát hiện và đến năm 1940 chính quyền thực dân Pháp đã chính thức khai thác mỏ apatit. Sau khi hòa bình được lặp lại (năm 1955), mỏ apatit được thành lập với tên gọi Mỏ Apatit Cam Đường, là tiền thân của Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam ngày nay.

Ngày 23/9/1958, Bác Hồ tới thăm nhân dân các dân tộc Lào Cai và công nhân vùng mỏ Apatit Cam Đường. Từ đó, ngày 23/9 hàng năm đã được cán bộ công nhân viên (CBCNV) vùng mỏ chọn làm Ngày truyền thống của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam.
Ngay trong năm đầu tiên (1955) đi vào thăm dò khai thác ở vùng trung tâm, Mỏ Apatit Lào Cai đã khai thác 6 nghìn tấn quặng apatit. Đến năm 1960 khối lượng quặng apatit khai thác đã đạt 864 nghìn tấn, trong đó 74 nghìn tấn quặng được nghiền để trực tiếp làm phân bón.

 

Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ở Miền Bắc, CBCNV Mỏ Apatit Lào Cai đã kiên trì bám trụ, giữ vững sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ khối lượng quặng apatit các loại cho sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp.
Giai đoạn 1975 - 1978 là thời kỳ cả nước bước vào cải tạo kinh tế ở Miền Nam vừa giải phóng, đồng thời xây dựng và phát triển nền kinh tế đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Mỏ Apatit Lào Cai, khi đó là một thành viên của Tổng cục Hóa chất, đã cùng các đơn vị trong Ngành góp phần phát triển Ngành Hóa chất trở thành một ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế.

 

Trong 5 năm, từ 1974 đến 1978, các chỉ tiêu kinh tế của Mỏ đã có những bước thay đổi nhanh chóng. Cũng trong thời gian này, theo Hiệp định được ký kết cuối năm 1975 giữa 2 chính phủ Việt Nam và Liên Xô (cũ), năm 1978 chuyên gia Liên Xô đã sang phối hợp với phía Việt Nam thu thập số liệu để lập báo cáo “Hướng phát triển Công nghiệp Apatit - Lân ở Việt Nam”, phục vụ quy hoạch và phát triển ngành khai thác apatit và công nghiệp các hóa chất chứa lân ở Việt Nam. Tuy nhiên, chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 đã phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển vùng mỏ apatit Lào Cai. Trong thời gian chiến tranh biên giới phía Bắc, CBCNV Mỏ đã làm hết sức mình, kiên cường bám trụ để bảo vệ tài sản và sản xuất. Cũng trong thời gian này, công tác thăm dò của Mỏ Apatit Lào Cai được chuyển sang vùng khoáng sàng Đông Nam.

Năm 1980, Mỏ Apatit Lào Cai đồng thời phải thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng là khai thác quặng và triển khai xây dựng Nhà máy Tuyển Apatit. Khi xây dựng lại Nhà máy Tuyển Apatit, Ban quản lý công trình Mỏ đã gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiết bị không đồng bộ, v.v... Nhất là từ khi Liên Xô (cũ) tan rã, chuyên gia Liên Xô về nước, quá trình xây dựng Nhà máy Tuyển apatit tưởng như phải dừng lại dang dở giữa chừng. Tuy nhiên, với quyết tâm rất cao và được sự hỗ trợ rất mạnh mẽ của Chính phủ cũng như Tổng cục Hóa chất, CBCNV Mỏ Apatit Lào Cai đã xây dựng thành công và đưa Dây chuyền số 1 của Nhà máy Tuyển Apatit với công suất 400 nghìn tấn/năm vào hoạt động tại Tằng Loỏng (Lào Cai) ngày 28/12/1994. Nhà máy Tuyển Apatit đi vào hoạt động đã sử dụng lượng dư thừa quặng apatit loại III để tạo ra tinh quặng apatit (hàm lượng P2O5 đạt 32%) phục vụ sản xuất phân supephốtphat.

Năm 1995, Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 835/TTg ngày 20/12/1995. Mỏ Apatit Lào Cai cũng được chuyển đổi phương thức hoạt động và trở thành Công ty Apatit Việt Nam, là một trong số 42 đơn vị thành viên đầu tiên của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam (nay là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam).

Việc thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 1996 - 2000 của cả nước đã tạo cho Công ty Apatit Việt Nam những thuận lợi cơ bản, đó là nhu cầu thị trường phân bón trong nước ngày càng tăng, các nhà máy sản xuất phân lân chế biến trong ngành ngày càng có nhu cầu lớn về quặng apatit. Vượt qua rất nhiều khó khăn do một số khai trường đã đi vào giai đoạn cuối, hệ số bóc đất đá lớn, Công ty vẫn đạt được các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, cả giai đoạn đã đạt mức tăng trưởng 9,2%/năm, doanh thu tăng liên tục từ 147 tỷ đồng (năm 1996) lên 248 tỷ đồng (năm 2000), đảm bảo việc làm cho hơn 3000 lao động với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/ người/ tháng. Năm 1999, Công ty đã lần đầu tiên đầu tư xây dựng một dây chuyền sản xuất phốtpho vàng ở quy mô công nghiệp, công suất 2000 tấn/ năm, đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu phốtpho cho một số ngành công nghiệp trong nước.

Giai đoạn 2000 - 2005, Công ty đã liên tục đáp ứng đủ nhu cầu quặng apatit làm nguyên liệu cho sản xuất phân bón, đảm bảo có tăng trưởng và lợi nhuận, đa dạng hóa sản phẩm và đảm bảo đời sống cho CBCNV.

Có thể nói, những năm từ 2005 đến 2015 là giai đoạn mà Công ty đã đạt được những thành tựu lớn. Với việc chuyển đổi hình thức hoạt động theo mô hình Công ty TNHH, Mỏ đã phát triển đột biến vượt bậc về mọi mặt. Với mục tiêu nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp nhằm phát huy tinh thần sáng tạo của cơ sở và thực hiện triệt để chống bao cấp, tập thể lãnh đạo Công ty đã phát động cuộc vận động đổi mới toàn diện, từ tư duy, cách nghĩ, cách làm, đặt lợi ích của Doanh nghiệp và Nhà nước lên hàng đầu. Động lực cho sự đổi mới và phát triển là sử dụng đòn bẩy kinh tế một cách mạnh mẽ, lấy lợi ích làm công cụ để điều hành, trong đó xử lý hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Công cuộc đổi mới tập trung vào 2 lĩnh vực then chốt là đổi mới tổ chức sản xuất và đổi mới cơ chế quản lý. Công ty đã tiến hành sắp xếp lại bộ máy gọn nhẹ, đưa quản lý 3 cấp xuống còn 2 cấp, giảm tỉ lệ gián tiếp từ 25% xuống còn 17%, giảm các đầu mối trung gian không cần thiết, xây dựng một cơ chế quản lý và sản xuất công khai, minh bạch, trên nguyên tắc làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, xóa bỏ dần tình trạng bình quân chủ nghĩa trong thu nhập.

Đi đôi với đổi mới tổ chức sản xuất và cơ chế quản lý, Công ty đã từng bước đổi mới công tác cán bộ, đề cao các nhân tố mới, nhân tố tích cực, khơi dậy các phong trào thi đua, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tập trung xây dựng cơ bản cũng như xây dựng các cơ sở sản xuất mới nhằm tăng năng lực sản xuất; chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đến nay đã đáp ứng đầy đủ thị trường trong nước và vươn ra xuất khẩu sang nước ngoài; tăng cường hợp tác với các đối tác để phát triển sản xuất theo hướng đa dạng hoá sản phẩm và chế biến sâu trên cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh của Công ty trên địa bàn, tham gia đầu tư vốn để thành lập các công ty con, công ty liên kết; tăng cường công tác đối ngoại, tranh thủ sự giúp đỡ của Nhà nước, Bộ Công Thương, Tập đoàn, sự giúp đỡ và ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương; tích cực chăm lo đời sống CBCNV, đảm bảo công ăn việc làm, phấn đấu có thu nhập cao và ổn định. Song song với đó, Công ty cũng đầu tư xây dựng các công trình văn hoá - thể thao, tổ chức thường xuyên các đoàn tham quan, học tập ở trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao trình độ cho người lao động.

Từ năm 2005 đến nay, Công ty đã có những bước phát triển vượt bậc, tạo ra những mốc son quan trọng trong quá trình phát triển của mình. Tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm đạt trên 17%, năm 2008 đạt mức cao nhất với 29%. Doanh thu hàng năm của Công ty đang hướng tới mục tiêu 4.000 tỷ đồng/năm. Nếu như năm 2005 doanh thu của Công ty mới đạt 377 tỷ đồng, thì năm 2014 đã đạt 3.517 tỷ đồng; tăng 9,4 lần. Năm 2005, Công ty nộp ngân sách 8 tỷ đồng, đến năm 2014 đã đạt 293 tỷ đồng; tăng 29,8 lần. Lợi nhuận của Công ty năm 2005 mới đạt 8 tỷ đồng thì đến năm 2014 đã đạt 439 tỷ đồng; tăng 55 lần. Thu nhập của CBCNV bình quân trong Công ty năm 2005 đạt 2 triệu đồng/ người/ tháng, năm 2014 đạt trên 10 triệu đồng/ người/ tháng, tăng 5 lần. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt trên 30%.

Năng lực sản xuất của Công ty đang ở mức dồi dào, thỏa mãn nhu cầu quặng apatit cho nền kinh tế quốc dân. Sức sản xuất của Công ty hiện nay là hơn 3 triệu tấn quặng thành phẩm/ năm, lượng đất đá bóc trên 10 triệu m3/ năm.

Nhiều khai trường mới đã được mở ra, đảm bảo nguồn tài nguyên có thể khai thác tiếp trong một kỳ kế hoạch. Tiếp theo Mỏ Cóc, Nhà máy tuyển Tằng Loỏng đã hoàn thành 2 dây chuyền còn lại, do các xí nghiệp trong Công ty tự lắp đặt hoàn chỉnh, có thể huy động vào sản xuất với công suất thiết kế 900.000 tấn/ năm. Nhà máy tuyển Cam Đường đạt và vượt công suất thiết kế 120.000 tấn/ năm. Tổ hợp khai thác và tuyển quặng Bắc Nhạc Sơn đã được đầu tư với Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn công suất 350.000 tấn/ năm. Đây là nhà máy có thiết kế hoàn chỉnh nhất, cải tiến nhất, đầu tư các thiết bị thế hệ mới, có những ưu điểm nổi trội so với 2 nhà máy cũ.

Năm 2012, Nhà máy Tuyển Bắc Nhạc Sơn đã chính thức đi vào sản xuất và đến nay Công ty đã làm chủ được công nghệ tuyển nổi quặng 3. Đặc biệt, cũng trong năm 2012 Công ty đã tổ chức tuyển thành công ở quy mô công nghiệp sản phẩm quặng II nghèo và quặng IV. Đây là một thành tựu to lớn hết sức quan trọng, là điều mong ước của bao thế hệ CBCNV Mỏ, nhằm sử dụng triệt để, có hiệu quả nguồn tài nguyên quặng apatit. Nó cũng đánh dấu một trang lịch sử mới cho sự phát triển của Công ty trong tương lai.

Hiện tại, ngoài việc thăm dò và khai thác quặng, Công ty còn triển khai đảm nhận 100% các công việc của ngành đường sắt (quản lý vận hành, sửa chữa đầu máy toa xe và thi công mới đường sắt), không phải thuê ngoài như trước đây. Đồng thời, toàn bộ hệ thống các công trình phúc lợi của Công ty được đầu tư hoàn chỉnh với chất lượng cao, như Cụm văn hóa thể thao Cam Đường, Tằng Loỏng, Khách sạn Biển Mây. Quặng apatit đã được xuất sang các nước ấn Độ, Australia, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc v.v... Công ty đã thu về hàng trăm triệu đô la, góp phần khắc phục tình trạng nhập siêu và giải quyết nguồn ngoại tệ rất khan hiếm trên thị trường. Thực hiện chủ trương đầu tư chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm mới, Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để thành lập các công ty con như: Công ty cổ phần Phốtpho vàng Lào Cai, Công ty cổ phần Phốtpho apatit và các công ty liên kết như Công ty cổ phần Đồng Tả Phời, Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem.

Nhìn lại thành tích đầu tư xây dựng vùng Mỏ Apatit Lào Cai, có thể thấy 60 năm qua là một giai đoạn mang dấu ấn quan trọng trong việc hình thành và phát triển một ngành sản xuất, một doanh nghiệp luôn gắn mọi hoạt động của mình vào một vùng giàu tài nguyên của đất nước - Mỏ Apatit Lào Cai. Dù mang tên gọi nào, trong suốt quá trình trưởng thành và phát triển apatit Việt Nam vẫn luôn là đơn vị có những đóng góp thiết thực và xứng đáng cho sự phát triển của Ngành Hóa chất nói riêng và nền kinh tế nước ta nói chung. Với những thành tích đã đạt được, Công ty Apatit Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động Hạng Nhất, Hạng Nhì và Hạng Ba; Huân chương Độc lập Hạng Ba. Đặc biệt, năm 2009 Công ty Apatit Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống, Công ty tiếp tục được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất. Những phần thưởng trên đã phần nào thể hiện những cố gắng không ngừng trong học tập và lao động sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công nhân lao động xuyên suốt chặng đường xây dựng và phát triển của Công ty.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay, khó khăn, thách thức với Công ty sẽ còn rất lớn. Tuy nhiên được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lào Cai cũng như Đảng ủy Công ty và với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo Công ty cũng như CBCNV, Công ty sẽ phấn đấu khắc phục khó khăn, đưa sản xuất tiếp tục phát triển, góp phần tích cực vào sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước.

Nguồn: vinachem.com.vn 


Tin khác
Thời tiết
24°C
Thống kê
135
663
99
10,367,695
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.900
SJC 73.580 75.180
Đối tác