Tin tức

Tỉ phú than Úc: tay trắng lại về tay trắng

21/03/2016 - Thứ Hai - 11:30 Lượt xem: 1
Nathan Tinkler từ một thợ điện học việc trở thành tỉ phú trẻ nhất nước Úc, và tuần rồi chính thức phá sản. Vòng sự nghiệp lên-xuống đó chỉ gói gọn trong 12 năm, nhưng gần như lột tả toàn bộ cơn sốt hàng hóa tài nguyên toàn cầu bùng nổ chưa từng có rồi lại sụp đổ.

Các tập đoàn khổng lồ trong ngành khai thác và kinh doanh khoáng sản đang chịu tác động nặng nề của việc kinh tế toàn cầu giảm tốc, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc, và đang mất hàng tỉ đô la giá trị tài sản. Giá cổ phiếu của tập đoàn BHP Billion từ 47 đô la Úc năm 2011 nay còn lại 17 đô la, Anglo America rớt từ 34 bảng Anh còn 558 xu trong cùng thời kỳ. Các tập đoàn này cũng sa thải hàng triệu công nhân.

Các công ty khai thác nhỏ như Australia’s Termite Resources và Western Desert Resources đã sụp đổ do giá nguyên liệu như quặng sắt, than và các khoáng sản khác giảm mạnh. Một trong những nạn nhân nổi tiếng của ngành khai thác khoáng sản là Nathan Tinkler - người chỉ với hai dự án đầu tư ngành than đã trở thành tỉ phú tự thân trẻ nhất Úc - vừa phá sản tuần qua.

Câu chuyện của doanh nhân 40 tuổi “from rag to riches” (từ bần cùng trở thành giàu có) và rồi lại rơi xuống hố sâu này mô tả mọi triệu chứng của cuộc bùng nổ khai thác tài nguyên chỉ trong hơn một thập kỷ.

Mười hai năm trước, cơn khát nhiên liệu cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc và châu Á ở mức “bao nhiêu cũng không đủ” khiến ngành khai thác than trở thành ngành công nghiệp hàng đầu của nước Úc. Tinkler, lúc đó là thợ điện ở một mỏ than của BHP, đã dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình để theo dõi giá cổ phiếu.

Cuối năm 2005, Tinkler kinh doanh tuyển dụng công nhân và cung cấp các dịch vụ khai thác mỏ, nhưng không được mấy lợi nhuận, vay mượn nợ nần khắp nơi. Anh từng bị một chủ món nợ 19.000 đô la hết kiên nhẫn phải gọi cảnh sát phong tỏa nhà và đồ đạc, bị mất nhà do không trả nợ cầm cố đúng hạn, bị một chủ nợ 1.400 đô la kiện lấy cả ti vi và máy sấy áo quần...

Vài tháng sau, năm 2006, người ta mới vỡ lẽ Tinkler đã vét từng đồng xu như vậy để có 1 triệu đô la nhằm đặt cọc quyền khai thác khu mỏ Middlemount, trung tâm Queensland, lúc đó bị định giá thấp một cách hớ hênh.

Sau đó anh bán lại hợp đồng này cho MacArthur Coal với giá 275 triệu đô la gồm tiền mặt và cổ phiếu; 18 tháng sau đó Tinkler bán cổ phần của mình ở MacArthur Coal cho nhà sản xuất thép Ấn Độ Arcelor Mittal, phi vụ này đem lại cho anh tổng cộng 442 triệu đô la.

Tinkler đã tiêu khoảng 150 triệu đô la chỉ trong một năm sau đó cho máy bay, siêu xe, biệt thự, ngựa đua và một trường đua ngựa. Rồi anh chen chân vào thị trường chứng khoán và mất khá nhiều tiền vào thời điểm khủng hoảng tài chính 2008-2009. Đến phi vụ lớn thứ hai của Tinkler, cũng là một suất đặt cọc khu mỏ Maules Creek ở New South Wales, anh chỉ còn 9 triệu đô la và phải vay 15 triệu đô còn lại cho đủ số tiền đặt cọc 24 triệu.

Dù khủng hoảng tài chính, ngành khai thác mỏ than vẫn lên vùn vụt do nhu cầu nguyên liệu từ Trung Quốc và thế giới vẫn nóng. Giá than tăng cao giúp Aston Resources - liên danh của Tinkler trong phi vụ Maules Creek, nổi lên do được định giá 1,2 tỉ đô la Úc, sau đó sáp nhập để lập nên Whitehaven Coal trị giá 5 tỉ đô la.

Năm 2011, ở tuổi 35, Tinkler được gọi là tỉ phú trẻ nhất Úc, đứng thứ 26 trong danh sách những người giàu nhất nước này. Lần này anh còn phung phí bạo tay hơn, mua cả câu lạc bộ bóng đá Newcastle Jets A-League và đội bóng bầu dục Newcastle Knights. Nhưng chỉ chưa đầy hai năm sau, ngành công nghiệp than trượt dốc và Maules Creek suy sụp do hoạt động dưới công suất, và vận may của ông trùm ngành than cũng dần bay biến theo.

Nathan Tinkler, tỉ phú phá sản do thăng trầm của giá than đá. Ảnh: NEWS.COM.AU

Năm 2012, trong khi tình trạng ồ ạt đầu tư và khai thác trong ngành than ở Úc đã lên đến đỉnh điểm, khiến nguồn cung trở nên dư thừa, nhu cầu của Trung Quốc và các nước nhập khẩu than lại bắt đầu chững lại. Cùng lúc đó, các nhà môi trường liên tục phê phán việc khai thác và sử dụng than gây ô nhiễm khí thải toàn cầu. Khi giá than bắt đầu xuống khỏi đỉnh năm 2012, cũng là lúc Tinkler bị các chủ nợ săn đuổi ráo riết.

Những dự án “phi vụ lớn” của Tinkler không còn trôi chảy nữa, ngay từ vòng vay vốn. Các cuộc điều tra cho thấy đế chế của Tinkler đã được thêu dệt từ không ít hơn 5 vụ kiện ở các tòa án lớn với tổng số tiền bị thưa kiện là gần 200 triệu đô la. Các chủ nợ giận dữ xếp hàng. Một khoản vay khổng lồ từ các ngân hàng và quỹ đầu tư tư nhân dính đến công ty đầu tư ngành than của Tinkler đã đến hạn phải trả. Báo chí bắt đầu tiên đoán sự sụp đổ của đế chế này. Gia đình Tinkler phải chuyển sang sống và nhập tịch ở Singapore để tránh né “dư luận”.

Kể từ đó, những thứ xa xỉ của nhà tỉ phú dần đội nón ra đi: các đội bóng, ngựa đua, máy bay, trực thăng, trường đua. Cuộc thoái trào không cứu vãn được của cơn bùng nổ giá nguyên liệu, cùng với “danh tiếng” dây dưa trả nợ của Tinkler khiến cuộc phá sản này giống như một đoạn phim tai nạn xe hơi quay chậm.

Vụ tuyên bố phá sản tuần trước là do GE Commercial kiện Tinkler nợ họ 2,8 triệu đô la tiền mua một trong hai chiếc máy bay riêng của anh. Tinkler giờ chỉ còn 2.000 đô la Úc tiền mặt, ngoài khoản nợ phá sản nói trên, còn 323.000 đô la nợ thẻ tín dụng, đến 9,5 triệu nợ trùm bán lẻ Harvey, 11,5 triệu nợ thuế, và 329 triệu nợ các nhà tài chính quốc tế.

Tinkler bị tuyên bố phá sản lúc đang chuẩn bị một phi vụ lớn khác: Australian Pacific Coal, lại cũng một vụ cá cược đòn bẩy cực lớn về giá than mà anh đã gây được 30 triệu đô la đặt cọc vào tháng 1 và anh được trả 700.000 đô la/năm với vị trí giám đốc từ tháng 10-2015. Nhưng vụ phá sản tuần rồi không cho phép anh tiếp tục chức vụ giám đốc theo quy định của luật pháp Úc.

Cuối năm 2015, Tinkler nhấn mạnh với truyền thông về loại than mà Australian Pacific đang kinh doanh không phải là than nhiệt dùng để sản xuất điện và hiện đang dư cung, mà là than luyện kim để sản xuất thép. Than luyện kim giá đắt hơn và nguồn cung cũng không dồi dào. Tuy vậy, viện tới vấn đề chủng loại than cũng không cứu được Tinkler nữa.

Tháng trước Goldman Sachs đã đưa ra kịch bản “rút lui cơ cấu” của than nhiệt, dự báo mức giá trung bình lâu dài sẽ là 42,5 đô la Mỹ/tấn - một giá cách xa đỉnh 140 đô la/tấn năm 2009 và hậu khủng hoảng tài chính năm 2011. Than luyện kim giá cũng rớt từ 300 đô la xuống còn 81 đô la/tấn. Noble Group, người hỗ trợ lớn nhất của Tinkler cũng đã giảm 1,2 tỉ đô la trong cơ cấu đầu tư ngành than, chủ yếu là ở Úc.

Nhà phân tích của Citibank, Tim Buckley nói sự suy giảm doanh số ngành than, gắn với giảm cầu của Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như sự lạnh nhạt của ngân hàng với các dự án vay kinh doanh ngành hàng nhiên liệu khiến giấc mơ giàu có kiểu kinh doanh “đòn bẩy chồng lên đòn bẩy” như Nathan Tinkler trong ngành than chỉ còn là chuyện hoang đường.

Có thể đảm bảo sẽ không bao giờ có Nathan Tinkler thứ hai nữa.

Nguồn: thesaigontimes.vn 


Tin khác
Thời tiết
25°C
Thống kê
278
63
99
10,366,505
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 73.880 75.480
Đối tác