Văn bản

Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020

08/01/2014 - Thứ Tư - 09:18 Lượt xem: 1
hủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2012 về Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược này là tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.


Quyết định 432/QĐ-TTg đã đề ra Mục tiêu cụ thể của Chiến lược nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các cân đối lớn; giữ vững an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu; từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các bon thấp. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực. Giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường.
Các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 gồm: Các chỉ tiêu tổng hợp, chỉ số phát triển con người, chỉ số GDP xanh, chỉ số bền vững môi trường; Các chỉ tiêu về kinh tế có hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội, chỉ số tiêu dùng, cán cân vãng lai, nợ của Chính phủ; Các chỉ tiêu về xã hội như tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp; Các chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường gồm tỷ lệ che phủ rừng, diện tích đất bị thoái hóa…
Các định hướng ưu tiên nhằm phát triển bền vững trong giai đoạn 2011-2020:
Về kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ. Xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng các bon thấp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên quốc gia. Bảo đảm an ninh lương thực trên cơ sở bảo vệ 3,8 triệu hecta diện tích đất lúa, đảm bảo nguồn cung lương thực, nhu cầu dinh dưỡng và khả năng tiếp cận lương thực của người dân theo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ.
Phát triển bền vững các vùng và địa phương cần tập trung ưu tiên phát triển trước các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời chú ý tới vùng kém phát triển và có điều kiện khó khăn hơn nhằm tạo ra sự phát triển cân đối. Phát triển nông thôn bền vững phải bao gồm 4 quá trình: 1- Công nghiệp hóa, hiện đại hóa; 2- Đô thị hóa; 3- Kiểm soát dân số; 4- Bảo vệ môi trường sinh thái.
Về xã hội, theo quyết định cần đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo và nâng cao điều kiện sống cho đồng bào ở những vùng khó khăn nhất. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo có nhà ở, có tư liệu và phương tiện để sản xuất; phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển sản xuất hàng hóa; trợ giúp việc học chữ, học nghề.
Ngoài ra, mục tiêu về xã hội phải bảo đảm ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số. Phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam. Khuyến khích phát triển các thành phố quy mô trung bình và nhỏ; giảm bớt sự khác biệt giữa các vùng, khu vực nông thôn với thành thị, giữa các cộng đồng dân cư và tạo sự hòa nhập xã hội bền vững.
Cần đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức...
Về tài nguyên môi trường, Quyết định nêu rõ, chống thoái hóa, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất. Tăng cường sử dụng hiệu quả các loại đất; bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước. Theo đó, cần tăng cường xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở các đô thị và khu công nghiệp; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản. Chú trọng việc xây dựng chiến lược, quy hoạch điều tra, khai thác khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển để đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.
Ưu tiên bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo khả năng tái tạo và sử dụng rừng một cách tối ưu. Giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các đô thị và khu công nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại nhằm cải thiện chất lượng môi trường.
Quyết định đã đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện hoàn thiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 gồm: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững, nâng cao chất lượng quốc gia đối với phát triển bền vững đất nước. Tăng cường các nguồn lực tài chính để thực hiện phát triển bền vững bằng cách tăng cường đầu tư và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước thực hiện Chiến lược. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, các nguồn đầu tư từ xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện phát triển bền vững.
Để đảm bảo phát triển bền vững cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững; tăng cường năng lực quản lý và thực hiện phát triển bền vững bằng cách tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho các cơ quan nghiên cứu về phát triển bền vững; Nâng cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ; Phát triển nguồn nhân lực cho thực hiện phát triển bền vững; Tăng cường vai trò và tác động của khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong thực hiện phát triển bền vững. Chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực khoa học, công nghệ làm nền tảng cho phát triển bền vững; Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trao đổi thông tin, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững./.
 
Nguồn: Tùng Linh 
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư 


Tin khác
Thời tiết
29°C
Thống kê
6
10
321
10,358,549
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 74.580 76.180
Đối tác