Văn hóa xã hội

NĂM DẬU, TẢN MẠN VỀ CON GÀ QUA TỤC NGỮ CA DAO

27/01/2017 - Thứ Sáu - 22:30 Lượt xem: 1
Con gà, con vật chủ trì năm Dậu trong Âm lịch là giống gia cầm được dân tộc ta nuôi phổ biến nhất. Xóm làng như đầm ấm hơn với âm hưởng: “khuyển phệ, kê minh” (chó sủa, gà gáy). Tất nhiên hình tượng con gà cũng xuất hiện khá nhiều trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam.

Người dân quê Việt đã tích lũy được bao kinh nghiệm trong chăn nuôi gà và các giống gia cầm, gia súc khác. Các giống gà nổi tiếng trong nước được so với các sản phẩm đặc hữu: “Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn...”; “Vải Thanh Hà, gà Đông Tảo” hay “Gà Văn Cú, phú Long Điền, tiền Phú Hậu”. Nhiều khi chỉ cần chọn gà qua dáng vẻ bề ngoài: “Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua; gà trắng chân chì, mua gì giống ấy”; “Con chó tứ túc huyền đề, con gà năm móng mua về mà nuôi”; “ Nuôi gà phải chọn giống gà, gà ri trứng nhỏ nhưng mà đẻ mau”, "Vịt rằn, gà cúp chớ nuôi" hay là "Chó giống cha, gà giống mẹ", “Gà trống xem giò”. Kinh nghiệm VAC xưa nay đã đúc kết: “Hồ rộng nuôi vịt, vườn khơi thả ”; “Nuôi gà ăn hơn nuôi công ăn” nhưng nên tiêu tốn thức ăn vừa phải vì: “Cơm đâu no chó, thóc đâu no gà” để tránh: “Một tiền gà, ba tiền thóc”. Muốn nuôi đạt hiệu quả cần nhớ: “Chó thiến già, gà thiến non”; “Vịt già, gà to”; “Ếch tháng ba, gà tháng bảy”,"Chó liền da, gà liền xương” rồi “Lợn nhà, gà chợ”. Để bảo quản đàn gà nên chú ý đề phòng: “Bìm bịp bắt gà con” và “Quạ thấy gà thì cắp”. Thà chịu đinh tai: “Gà đẻ, gà cục tác” còn hơn phải nghe: “Gà mái gáy gở”. Làm chuồng cần biết: “Chuồng gà hướng Đông, cái lông chẳng còn”.

          Thịt gà là món ăn ngon bổ dưỡng: “Người khôn ăn miếng thịt gà, tuy rằng nó ít nhưng mà thơm lâu”. Bữa ăn nhà giàu thường xuyên có “Cơm gà, cá gỏi” và khi “Khách đến nhà, chẳng gà thì vịt”. Món gia vị thích hợp được nhắc nhở: “Con gà cục tác: lá chanh”. Bắt gà đem thịt cần nhớ: “Cựa dài thịt rắn, cựa ngắn thịt mềm”. Các bậc bề trên thường được giành riêng phần “Đầu gà, má lợn”. Chỗ ngon nhất của con gà là “Thứ nhất phao câu, thứ nhì âu cánh”. Mâm của các bợm rượu đôi khi chỉ có: “Kê bì, ngư cốt” (da gà, xương cá) nhưng có thể kéo dài “Từ đầu giờ Dần đến cuối giờ Dậu” (từ 3h đến 19 h, lúc gà đã lên chuồng) khiến mặt chàng nào cũng “Đỏ như mặt gà chọi”. Cho trẻ ăn nên cẩn thận để tránh “Hóc xương gà, sa cành khế”. Các cụ ta xưa đã tổng kết: “Thịt gà, cơm nếp, đàn bà; cứ ba thứ ấy phải là dùng tay” mới đúng kiểu. Ngon nhất là: “Cơm chín tới, cải ngồng non, gái một con, gà mái ghẹ”; “Gạo tám xoan, chim ra ràng, gái đoạn tang, da gà giò” hay “Cau hoa, gà giò”, "Măng non nấu với gà đồng". Nhưng mấy người mắc bệnh “phong tình” thì phải kiêng, kẻo: “Thịt gà, cá chép, ba ba; ăn vào lại bảo là ma nó làm”.

          Quy luật chung là: "Thóc về nhà, gà ra chợ". Để có thêm chút tiền, người dân quê đành phải chấp nhận: “Con gà béo bán bên Ngô, con gà khô bán láng giềng”; đôi khi còn mang tiếng: “Tiếc con gà quạ tha". Đi chợ cần tránh: “Bán gà ngày gió, bán chó ngày mưa” vì “Con gà tốt mã về lông”. Nhớ phải cưa đứt đục suốt: “Tiền trao ra, gà bắt lấy”.

          Nhờ vũ khí của mình: “Hàm chó, vó ngựa, cựa gà, ngà voi” nên những chú "Gà trống choai" cũng hay gây sự: “Con gà tức nhau tiếng gáy” nhưng cần tránh: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”; “Gà nhà bôi mặt đá nhau” và luôn ghi nhớ: “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Kinh nghiệm của các xới chọi gà là cần chọn giờ thi đấu thích hợp: “Sáng gà điều, chiều gà xám”.

          Quan sát nếp sống của gà, người dân quê ghi nhận: “Gà nhà lại bới bếp nhà”, “Chim khôn giấu mỏ, gà khôn giấu đầu” và ái ngại cho cảnh: “Gà trống nuôi con”, “Mẹ gà con vịt”, “Nháo nhác như gà con lạc mẹ”, “Gà què ăn quẩn cối xay” mà cùng cực hơn nữa là “Gà què bị chó đuổi”; nhưng đôi khi lại phì cười trước cảnh: “Lúng túng như gà mắc tóc”.

          Từ những cảnh huống trên, người dân Việt vận vào đời sống thường nhật của mình. Con gà được nhân cách hoá. Người phụ nữ mắn thì “Đẻ như gà” ra một đàn con lốc nhốc sàn sàn như “Trứng gà, trứng vịt”. Mới ngày nào chúng còn như "Gà con ấp mẹ", chẳng mấy chốc đã thành lứa "Gà mọc lông măng". Trẻ yếu bụng hay đi phân sống “Như cứt gà sáp”. Người lắm điều “Nói như gà mổ mo”; “Lép nhép như gà mổ tép” và hay có thói quen “Kể gà, kể dê, kể ngỗng”(Cà kê, dê, ngỗng). Đàn ông sợ nhất vớ phải loại vợ “Nữ kê tác quái, gà mái đá gà cồ”. Con cái phải có hiếu: “Con giữ cha như gà giữ ổ”. Cha mẹ lại phải dạy kẻo con hư: “Bé trộm gà, lớn trộm trâu, lâu lâu làm giặc”. Con người ta chẳng ai quên quê hương, tiên tổ: “Gà cỏ trở mỏ về rừng”; “Máu gà lại tẩm xương gà”. Người chậm chạp nom “Như con gà rù”; "Lờ đờ như gà tơ đi lạc"; “Ngây ngô như gà mờ, lờ đờ như đom đóm đực”; “Lẹt xẹt như gà mang hòm”. Người quá thật thà thì “Như con gà tồ” còn kẻ không đàng hoàng thì “Như thằng đánh bả gà”. Người xấu tướng trông cứ “Ngun ngủn như gà cụt đuôi”. Kẻ du đãng bị ví là: “Mèo mả, gà đồng”. Có anh nhát gan, mới gặp nguy đã “Mặt tái như gà cắt tiết”, gặp kẻ dữ thì cứ “Như gà phải cáo”. Đôi người thích khoe mẽ rởm, có khác nào "Gà mượn áo công". Chiều xuống dễ nhận ra  người có tật “Mắt quáng gà”. Lắm anh học trò viết “Chữ như gà bới”; “Học như gà đá vách”; mới cầm sách lên đã “Ngủ gà, ngủ vịt” mà lại hám gái: “Trai thấy của lạ như quạ thấy gà con”. Mấy chàng thư sinh thì “Trói gà không chặt”. Xóm giềng có lúc cãi cọ nhau, mọi người sợ nhất mấy bà già: "Chửi dai như bị mất gà".

          Người ở bậc trên cần quán xuyến công việc vì: “Vắng chúa nhà, gà mọc đuôi tôm” (gà vọc niêu tôm). Nhưng phải giữ đúng vị thế  “Kim kê độc lập” (Gà vàng đứng riêng rẽ), “Hạc lập kê quần” (Con hạc đứng giữa đàn gà) của mình bởi: “Bụt trên toà, gà nào mổ mắt?”. Làm người đứng đầu một đơn vị nhỏ cũng chẳng nên tự ti vì “Đuôi trâu không bằng đầu gà”; “Đầu gà còn hơn đuôi phượng”. Xử lý công việc cần kín đáo: “Trấu trong nhà chớ để gà ai bới”, đừng để "Nát đám cỏ gà". Quản lý tiền nong phải chặt chẽ vì: “Thóc đâu đem đãi gà rừng?”. Phân công ai vào việc ấy rõ ràng: “Chó giữ nhà, gà gáy trống canh”.  Giải quyết công việc phải khẩn trương, đừng nên rề rà chậm chạp kiểu "Ăn cơm gà gáy, điểm binh nửa ngày". Cần tránh kiểu “Thả gà ra mà đuổi”, dễ lâm vào cảnh ngộ “Phù thuỷ đền gà”, “Vạ vịt chưa qua, vạ gà đã tới”.  Có quyền ký tá chớ quên lời răn đe “Bút sa, gà chết”. Chẳng nên cướp công kẻ khác theo lối: “Gà nhà người gáy, gà nhà ta sáng”. Khi phát ngôn hãy tránh: “Ông nói gà, bà nói vịt”. Cặp mắt tinh tường sẽ giúp ta không lâm vào cảnh “Trông gà hoá cuốc”. Nên tránh dùng những kẻ chuyên làm ăn qua loa kiểu “Đá gà, đá vịt”, chỉ đáng cho về nhà "Đuổi gà cho vợ". Cảnh giác với kẻ phản phúc, bề ngoài tỏ vẻ cam phận “Chó săn, gà chọi" nhưng thừa dịp là "Cõng rắn cắn gà nhà” . Cần chăm chút cho lớp kế cận như “Nuôi gà nòi” bởi chính họ sẽ là lứa “Gà đẻ trứng vàng”. 

Lẽ thường trên đời: “Gà chê thóc không bới, người mới chê tiền”. Song chớ bủn xỉn đến mức: “Đãi cứt sáo lấy hạt đa, đãi cứt gà lấy tấm mẳn”. Đời người ai chẳng gặp khi vận hạn: “Đắt hàng gặp ả cùng anh, ế hàng gặp những thong manh, quáng gà” song chớ vội chán nản vì: “Còn gà trống, còn gà mái thì còn gà giò”. Người bị đè nén áp bức chỉ mong có lúc: “Chim gi đuổi đánh diều hâu, gà con tha quạ biết đâu mà tìm”. Nhưng kẻ đang thắng thế cũng chớ sớm đắc ý vì “Phượng hoàng ở chốn cheo leo, sa chân lỡ bước phải theo đàn gà”. Hoặc tệ hơn nữa là “Sáo đói sáo rỉa quả đa; phượng hoàng lúc đói, cứt gà cũng ăn”... Người nông dân có niềm tin ở thánh thần nhưng không mê muội, họ chê bai ông thày cúng: "Chập chập rồi lại cheng cheng; con gà sống thiến để riêng cho thày... ".

Quan sát màu ráng mây trên trời, người dân đúc rút kinh nghiệm về thời tiết: “Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa”; “Chớp Đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”; “Ráng mỡ gà, có nhà thì chống” và "Mùa hè đang nắng, cỏ gà mọc trắng thì mưa". Người nông dân lập nghiệp ở vùng đất “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”, đào giếng gặp phải chỗ “Đất gan gà” thì khó mà mọc mũi sủi tăm lên được. Mùa mưa dầm, họ thường mong ước: "Nắng lên cho trẻ nó chơi; cho gà bắt rận, cho tôi đi cày". Mà nhà nông đâu có được giấc ngủ say: "Vừa đắp chăn lại thì gà gáy quanh".

Sang đến thời hiện đại, lại xuất hiện thêm một số thành ngữ, tục ngữ mới. .Những anh chàng gà rù ngày trước được “phong danh hiệu mới” là “Gà công nghiệp”, dáng vẻ lúc nào cũng như: "Gà nuốt dây chun". Loại gà chăn thả kiểu tiểu nông xưa lại lên đời, được gọi là “Gà đi bộ”. Phố ẩm thực Hà Nội nhan nhản những biển hiệu: “Gà ác tiềm”, “Gà tần thuốc bắc”, “Chân gà nướng”, “Chân gà tẩm mật ong”, “Gà hầm tam thất”. Các môn thể thao võ thuật phát triển. Môn quyền Anh có “Võ sĩ hạng gà”; có thể xuất phát từ đó mà mỗi khi đem các vận động viên đi thi đấu, người ta hay bảo: “Đưa gà ra đấu”. Các quán cà phê đèn mờ thường “Nuôi gà móng đỏ”. Ngành giao thông nhiều lúc để đường đi toàn “Ổ gà, ổ trâu”. Thanh niên thời nay khi  tỏ thái độ đồng ý thường bảo: “Ô kê, gà đen” (Ô kê: O.K.).

Thời xưa có trò chơi dân gian “Thả đỉa ba ba”. Trẻ em vừa đuổi bắt nhau vừa hát: “Thả đỉa ba ba..., đổ niêu cứt gà, đổ phải nhà nào nhà ấy phải chịu” thật vui nhộn. Trò chơi “Nu na nu nống” lại có câu hát: "Con cóc nhảy ra, con gà bới bếp..." còn trong một trò chơi khác có câu: "Con gà đánh trống, con ngỗng  thổi kèn...". Trước khi đến với các môn số học và đại số, nhiều trẻ em đã biết tính nhẩm để giải đúng bài toán đố: "Vừa gà vừa chó, ba mươi sáu con, bó lại cho tròn, đếm đủ trăm chân".

Truyền  thuyết thời Hùng Vương kể rằng Sơn Tinh được chọn làm rể Vua Hùng vì đồ sính lễ có đủ "Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao". Thế kỷ trước, Thăng Long chỉ nhộn nhịp vào ban ngày còn về đêm vẫn có “Gió đưa cành trúc la đà; tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”, gieo chút bâng khuâng trong lòng kẻ sĩ.

Nét đẹp của người con gái Đồng bằng Bắc Bộ xưa là: “Tóc đuôi gà, mày lá liễu”, “Da trắng như trứng gà bóc” đã khiến bao chàng trai phải tỏ tình một cách bộc trực: “Một thương tóc bỏ đuôi gà, hai thương ăn nói mặn mà có duyên...”. Vùng đất miền Tây Nam Bộ lại có câu: "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh; gái nào bảnh bằng gái Tân Châu".

Những đêm Trung du lại đìu hiu quạnh vắng. Người con trai tỏ nỗi lòng thật da diết, ý nhị: “Con cuốc kêu réo rắt trên ngàn; Gà rừng tao tác gọi con, tha mồi. Lạnh lùng thay, láng giềng ôi; Láng giềng lạnh ít, sao tôi lạnh nhiều?”. Song ngẫm cho kỹ, lời tỏ tình đó đâu kém phần bạo dạn vì cớ sao chàng trai dám cả quyết cô hàng xóm lại lạnh ít hơn mình?

 Ngày Tết xin hãy nhẩn nha thưởng thức đĩa thịt gà luộc với lá chanh thái chỉ, nhắp ngụm trà thơm trong chiếc chén màu men "Thế Đức gan gà" (*), ngắm “Bức tranh gà” vùng Đông Hồ trên tường và đọc mấy dòng tản mạn về con gà trong tục ngữ ca dao để thêm phần ý vị...

 

 (*) Thứ nhất Thế Đức gan gà

Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần

 Nguồn: Trần Văn Trạch/vampro.vn


Tin khác
Thời tiết
29°C
Thống kê
557
36
933
10,356,623
Đăng ký nhận tin qua Email
Vui lòng nhập chính xác email của bạn để nhận được bản tin từ chúng tôi !
Liên kết website
Giá vàng
Đơn vị Mua vào Bán ra
DOJI 82.600 84.800
SJC 74.680 76.280
Đối tác